Những ngày này, khi dư luận xôn xao về vụ thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Tây “tuyên chiến” với việc buông lỏng coi thi để chạy theo thành tích, ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) nhiều thầy giáo và phụ huynh HS càng quí thầy Đoàn Dụng, bởi nhiều năm qua, với cương vị trưởng phòng giáo dục, ông đã cùng các đồng nghiệp hết lòng “chữa chạy” căn bệnh thành tích của ngành...
“Trường đời lấy ai châm chước”
Thầy Đoàn Dụng |
Chuyện bắt đầu từ năm 1986. Sau khi tốt nghiệp khoa ngữ văn Trường đại học Sư phạm Qui Nhơn, Đoàn Dụng được bổ nhiệm làm giáo viên văn, rồi giữ chức hiệu phó, rồi hiệu trưởng Trường THPT Vạn Tường quê anh, thuộc vùng đông, huyện Bình Sơn nghèo khó.
Những năm ấy, ở quê anh phần lớn các em đi chân đất đến trường và sau giờ học là chạy ù về chăn trâu, cuốc đất trồng khoai lang, khoai mì. Cuộc sống quá khổ cực nên đa phần các gia đình khoán trắng chuyện học cho nhà trường. Nếu đậu thì học tiếp, rớt thì tập cày tập cấy, rồi lấy vợ, lấy chồng sinh con...
Những kỳ thi tốt nghiệp bậc tiểu học, THCS đi qua, nhiều trường đạt tỉ lệ HS đậu tốt nghiệp cao ngất trời. Nhưng sau đó khi tuyển sinh vào lớp 10, theo đề thi của sở giáo dục, đọc bảng điểm xét tuyển Đoàn Dụng và nhiều thầy cô giáo ở Trường THPT Vạn Tường băn khoăn. Bởi nếu theo số lượng được tuyển thì phải công nhận cả những HS có kết quả thi tuyển hai môn văn, toán với mỗi môn 1 điểm. Thậm chí có năm một trong hai môn thi bị điểm liệt cũng phải tuyển. Anh băn khoăn: trường học quê nhà có thể châm chước cho HS, nhưng trường đời lấy ai châm chước?
Những lần họp về công tác giáo dục của huyện, anh đều nêu mối lo của mình, nhưng cũng chẳng có thay đổi nào.
Khi về làm trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bình Sơn, đầu tiên Đoàn Dụng đề nghị ban giám hiệu của 23 trường THCS tiến hành đánh giá lại chất lượng HS lớp 6, 7, 8. Kết quả thật bất ngờ: có đến 20/23 trường có HS học lớp 6, 7, 8 chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt.
Năm học 2002-2003, với tư cách chủ tịch hội đồng thi tốt nghiệp tiểu học huyện Bình Sơn, Đoàn Dụng đã yêu cầu các giáo viên hãy chấm đúng với thực chất và kết quả toàn huyện có 203 HS yếu kém đành “dừng bước” học lại lớp 5.
Đó là năm học đầu tiên ở huyện Bình Sơn có tỉ lệ HS đậu tốt nghiệp thấp nhất ở các huyện đồng bằng trong tỉnh và thấp nhất so với tỉ lệ tốt nghiệp của huyện từ trước đến giờ. Tuy vậy, nhờ phát hiện nhiều trường hợp học “nhầm“ lớp nên năm học mới 2004-2005 các trường THCS đã không còn gánh nặng phải dạy lại những HS yếu kém.
Năm 2002-2003 khi được điều động về làm trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bình Sơn, anh về Trường THCS Bình Châu dự lễ khai giảng. Sau buổi lễ, có một phụ huynh đưa con xộc vô văn phòng ban giám hiệu nằn nì hiệu trưởng cho cháu được ở lại lớp 5 bởi cháu viết chữ chưa rành. Chuyện xảy ra quá bất ngờ nên anh và cả ban giám hiệu lúng túng. Bởi lẽ, em đã tốt nghiệp lớp 5 làm sao quay lại học lớp 5 cho được. Ánh mắt tức giận của phụ huynh khi nguyện vọng không được đáp ứng cứ ám ảnh anh cho đến bây giờ. |
Nhưng bắt đầu từ năm học 2004-2005, chỉ xét chứ không tổ chức thi tốt nghiệp tiểu học nữa nên Đoàn Dụng chủ trương ngay chiều 5-9, sau lễ khai giảng năm học mới 2005-2006, các trường đồng loạt tổ chức kiểm tra chất lượng HS lớp 6.
Qua đó, đã phát hiện 60/4.550 HS (chiếm tỉ lệ 1,31%) chưa viết được và 199 HS chép lại được đề nhưng không có kiến thức. Biết HS đã được công nhận hết lớp 5 không thể đưa các em quay về lớp 5 được nên anh chỉ đạo các hiệu trưởng phân công giáo viên mở lớp dạy lại cho các HS này tập viết chữ.
Thầy Nguyễn Tài Nhạc - tổ trưởng tổ văn Trường THCS Bình Thạnh - nói: “Trong số các em diện phải dạy lại, nhiều em quen kiểu chép bài trên bảng vào vở hay chép bài của bạn lâu ngày dẫn đến không đọc viết được. Khi nhận nhiệm vụ, tụi mình phải kiên trì kèm cặp các em. Thậm chí, có thầy cô còn bỏ tiền mua tập vở động viên các em”...
Chuyện không của một người và một ngày
Trong câu chuyện về chống bệnh thành tích, Đoàn Dụng cho rằng làm thầy giáo có một tấm lòng, một cái tâm cũng chưa đủ mà còn cần phải có sự ủng hộ của tập thể và lòng kiên trì, bởi vì thực tế lắm khi rất nghiệt ngã.
Cái con số tỉ lệ đậu tốt nghiệp tiểu học của huyện Bình Sơn thấp nhất đã gây nên những tiếng xầm xì từ không ít phụ huynh, các thầy giáo. Bởi họ cho rằng: bệnh thành tích đã xuất hiện cả làng, của cả nước chứ đâu phải chỉ ở trường tại huyện Bình Sơn? Cũng có người cho rằng chuyện các em lên lớp 6 mà phải quay lại dạy đọc viết Phòng GD-ĐT tự phủ nhận việc của mình.
Còn các trường THCS thì cho rằng đây là lỗi của các trường tiểu học mà Phòng GD-ĐT bắt mình gánh phần dạy lại, tổ chức dạy lại cũng chỉ có “lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm” suông mà thôi. Có người còn nói: “Đoàn Dụng mới lên làm trưởng phòng chơi trội theo kiểu “ngựa non...”...
Những lớp học không bình thường ở huyện Bình Sơn vang xa và dội về có nhiều lời khen mà cũng lắm tiếng chê. Rồi Sở GD-ĐT, Ban tuyên giáo huyện Bình Sơn, Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng về làm việc với Phòng GD-ĐT huyện Bình Sơn về những lớp học lạ đời đó. Không chỉ riêng Đoàn Dụng mà những người thầy ở khối cơ sở cũng phải... giải trình.
Thầy Phạm Ngọc Giáo, hiệu phó Trường THCS Bình Chánh, kể: “Hôm lãnh đạo ngành giáo dục về làm việc với phòng giáo dục, mình được triệu tập. Trên đường về phòng mình nghĩ chuyến này được khen là cầm chắc rồi. Nào ngờ, khi bước vào phòng, thấy mặt ai nấy lạnh như tiền, mới biết bị giải trình”.
Lôi xấp hồ sơ ra, Đoàn Dụng đưa cho tôi xem văn bản giải trình về những lớp học này vào tháng 11-2005 gửi Sở GD-ĐT, huyện ủy, HĐND, UBND huyện Bình Sơn. Trong văn bản này, anh có viết một câu khá chua chát: “Lỗi lớn nhất của tôi là làm (rà soát và xử lý) mà không báo với quí cấp...”.
Không chỉ lãnh đạo huyện, tỉnh về mà cả thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Quỳnh Mai cũng đã về kiểm tra. Sau khi kiểm tra, bà thứ trưởng đã bày tỏ sự đồng tình và chỉ đạo Phòng GD-ĐT yêu cầu các trường tiếp tục chọn ra những em vì hoàn cảnh, điều kiện mà bị thiệt thòi trong việc học để phụ đạo, bồi dưỡng giúp các em theo kịp bạn bè.
Những nghi vấn về những lớp học lạ đời được hình thành để chữa bệnh thành tích rồi cũng qua, theo thời gian chuyện dạy và đánh giá học trò đã có nền nếp hơn. Đoàn Dụng kể: “Trước kỳ thi tốt nghiệp THCS, mình họp ban giám hiệu các trường để bàn bạc về vấn đề trung thực của thi cử... Ai cũng thống nhất.
Đối với những trường khi thống kê thấy tỉ lệ HS đậu không bình thường (cao hoặc thấp quá) là mình điều động ngay một tổ giáo viên khác chấm lại”. Đoàn Dụng nói: “Chuyện giúp các em không ngồi nhầm lớp là chuyện của nhiều người. Bởi mình có chủ trương mà không có các thầy giáo ủng hộ thì làm gì được”...
-
Võ Quý Cầu (Tuổi Trẻ)