Nam nữ sinh viên sống thử là vấn đề nhức nhối, nỗi đau đã có nhiều nhưng lời giải thì chưa. Thời gian gần đây lại xuất hiện các dịch vụ "tiếp tay" cho tình trạng này. Lo ngại hơn, nó đẩy hiện tượng lệch lạc văn hoá này sang một mức độ mới: nhanh hơn, phổ biến hơn và cũng đáng sợ hơn.
"Sống thử" - nhìn từ nỗi đau
"Các nhà nghỉ gần khu SV xuất hiện ngày càng nhiều". |
Cách đây không lâu, dư luận cũng như toàn bộ giới sinh viên Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên không khỏi bàng hoàng khi cô sinh viên năm thứ nhất Trần Thu H chết vì nạo phá thai. H chuyển ra khỏi ký túc xá để được sống thoải mái với người yêu. Cô mang thai và chết trên bàn phẫu thuật khi cố gắng loại bỏ cái thai ngoài ý muốn.
Câu chuyện của cặp tình nhân Trường trung cấp Thuỷ sản Thanh Hoá còn đau lòng hơn. Phùng Minh Thông sau khi chung sống một nhà như vợ chồng với Phạm Thị Dung đã giết hại người mình yêu. Đau đớn hơn nguyên nhân của hành động man rợ này chỉ vì 1 triệu đồng. Thông nợ Dung 1 triệu đồng mà chưa kiếm được tiền trả!
Ở các khu vực tập trung đông sinh viên như: Phùng Khoang, Quan Nhân, Cầu Giấy, Bách Khoa...hầu như nơi nào cũng có vài cặp "vợ chồng" sinh viên chung sống.
Ninh và Phượng thuê một căn phòng chật chội, tối tăm 18m2. Bên cạnh, cùng chung một cửa là hai sinh viên năm thứ nhất của Trường đại học KHXH&NV. Cả hai phòng chung một nhà tắm bằng gỗ, lâu ngày nên mục mất một nửa phía dưới. Oái oăm thay, cái nhà tắm lại nằm ngay trước cửa nhà hai chú em lính mới. Vậy nên, cứ lúc nào "vợ" đi vào đấy là "ông chồng" lại phải vác điếu thuốc lào ra ngồi trông chừng trước cửa và cấm tiệt hai lính mới đi lại. Ngồi học bài sát vách, hai chú lính mới thỉnh thoảng lại nghe những lời tỉ tê và cả những tiếng động lạ trong đêm tối.
Đã học đại học 6 năm rồi nhưng Ninh vẫn không tài nào tốt nghiệp được. Nguyên nhân chủ yếu là do nghỉ học nhiều và thiếu tiền học phí. Hẳn ai cũng giật mình khi biết được Phượng đã "dính" bầu đến 3 lần và cả 3 lần phải tìm điến các phòng khám tư nhân trên đường Triệu Quốc Đạt để "giải quyết". Theo một số bác sĩ sản khoa, nếu như nạo phá thai nhiều sẽ có thể mất khả năng sinh sản. Tuy vậy, sự thật đau đớn cuối cùng và lớn hơn hết là Ninh kết luận: tốt nghiệp thì "đường thằng nào thằng ấy biến". Ninh ở Thanh Hoá còn Phượng quê ở Quảng Ninh. Ninh đã mệt mỏi, chán nản. Không biết Phượng sẽ như thế nào nếu biết được quyết định của Ninh. Không ai dám nghĩ tiếp bởi trên thực tế, đã có rất nhiều bi kịch không mong muốn đã xảy ra.
"Sống thử"...20.000 đồng
Sinh viên sống thử là vấn đề luôn nóng bỏng. Càng đau đầu hơn khi xuất hiện ngày càng nhiều hình thức tiếp tay cho chuyện sống thử này. Theo khảo sát của chúng tôi, quanh các khu vực tập trung đông sinh viên như: Phùng Khoang, Cầu Giấy, Bách Khoa, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng...không hiểu sao các khu vực xung quanh đều la liệt các nhà nghỉ, khách sạn. Chẳng lẽ khách du lịch lại thích đi tham quan những chỗ vốn được mệnh danh là các "vương quốc sinh viên" khá lụp xụp ấy?
Có mặt tại đường Trần Duy Hưng lúc 19 giờ 30 phút, cả đoạn đường dài khoảng 2km nhưng có đến hàng chục nhà nghỉ với những cái tên mỹ miều nhất. Một con đường suốt đêm xe tải quần thảo, giáp với Vành đai III, cũng không gần bất cứ một khu tham quan du lịch nào, vậy mà cứ tấp nập lạ thường. Cũng thật dễ hiểu, đây là ngõ vào của nhà Trung Kính, chỗ trọ của hàng trăm sinh viên các trường Đại học Dân lập Phương Đông, Học viện Hành Chính Quốc gia, Đại học Luật, Đại học Lao động & Xã hội. Cách đó một quãng là Làng sinh viên (LSV) Hacinco và khu Quan Nhân với hàng nghìn sinh viên cư trú.
Một cặp trai gái hớn hở, chàng phóng xe Wave đỏ biển 29, nàng đi Attila biển 35 đỗ xịch vào trước nhà nghỉ P.Lập tức có hai tên "điếu đóm" nhà nghỉ chạy ra: "Anh chị để em". Cô gái vội vàng gỡ chiếc túi xách kiểu quàng tay (kiểu túi của nữ sinh thường dùng) nhét vào cốp xe.
Chờ tên "điếu đóm" dắt xe cho khách vào xong, tôi mon men hỏi chuyện:
- Đông khách không?
- Cũng được, từ tối giờ cũng được chục phòng.
Nhẩm tính, tôi buột miệng cười, cả con đường này có đến vài chục cái nhà nghỉ như thế.
- Thế thì "cá kiếm" đẫy rồi!
- Ăn thua gì, toàn sinh viên trong kia ra ấy mà, tiền ít lắm, chả được bo biếc đồng nào đâu. Hiếm lắm mới có một khách ngon, nó bo cho vài xịch - Hắn vừa nói tay chỉ vào hướng xóm Quan Nhân và LSV Hacinco.
- Chúng nó chắc "thâm canh" ở đây suốt?
Tên "điếu đóm" vừa bĩu môi vừa nhả hơi thuốc lào:
- Như cái đôi vừa nãy ấy, tuần nào chả vào đây đôi ba lần.
Các khu nhà nghỉ ở khu vực này phục vụ cũng khá "dễ tính", vào ra giờ nào cũng được. Nhà nghỉ sẵn sàng phục vụ cho sự "tuỳ hứng" của đám sinh viên. Đặc biệt, trong dịp World Cup, đám sinh viên đến thuê nhà nghỉ nhộn nhịp hẳn lên. Thông thường là thời gian giữa hai trận đấu, đầu tiên thì xem ở quán càphê, ở sân vận động Mỹ Đình, còn trận thứ 2 thì vào nhà nghỉ xem cho...đỡ mệt!
Rồi hắn đưa tay chỉ ra phía cuối đường Trần Duy Hưng, đoạn rẽ từ LSV Hacinco ra siêu thị Big C: "Bọn sinh viên ra ngồi cuối đường với bãi cát kia đầy. Ngồi ở đấy tâm sự phần một xong thì vào khu này tâm sự phần hai".
Theo tay chỉ của hắn, tôi đến đoạn đường trên. Không khỏi ngạc nhiên khi hàng chục chiếc xe dựng trên mép bãi cát mà không có người. Đi sâu vào phía trong, càng bất ngờ hơn khi lổn nhổn phải đến vài chục cạp bóng đen rải khắp bãi cát. Người thì dắt xe xuống toạ lạc lên con "ngựa sắt" của mình với đầy đủ các tư thế. Thậm chí nhiều đôi còn mang theo cả tấm nylon trải xuống cát. Có lẽ là để...ngồi cho sạch.Chỉ tội nghiệp cho những chàng sinh viên yêu thể thao buổi chiều ra đây đá bóng, thi thoảng lại giẫm phải những thứ không mong muốn của những kẻ "ghét thể thao" bỏ lại.
Đến khoảng 22 giờ 30 phút, nhiều đôi lũ lượt ra về. Hỏi mấy người bán nước mới biết đây là giờ đóng của của các chủ nhà trọ và của LSV Hacinco. Tôi phóng xe theo một đôi trai gái vừa ra khỏi nhà nghỉ N.P, chiếc xe vòng xuống khu đô thì Trung Hoà - Nhân Chính rồi đi vào khu Quan Nhân. Đi theo con đường lòng vòng vào khu vực đình Quan Nhân, chiếc xe dừng lại trước cổng một dãy nhà trọ của sinh viên. Cô gái nhảy xuống, tất tả xách túi chạy vào đúng lúc ông chủ nhà càu nhàu đang đứng chờ đóng cổng. Dò hỏi ông chủ nhà thì biết: "Con bé này người Thanh Hoá, hôm nào cũng đi về muộn, có hôm tao còn bắt được đang xách váy leo tường. Doạ đuổi mấy lần mà có sợ đâu".
"Tiếng tăm" nhất phải kể đến dãy nhà nghỉ trên đường Phạm Văn Đồng và Hoàng Quốc Việt toạ lạc ngay khu vực một loạt các trường đài học: Đại học Sư phạm I, Đại học Quốc gia, Đại học Phương Đông...
Với ưu thế dễ thuê, tiện nghi và đặc biệt giá cả rất...sinh viên. Mỗi giờ giá chỉ 20 nghìn, qua đêm là 90 nghìn đồng. Thông thường sinh viên chỉ thuê theo giờ, đến những ngày cuối tuần thì có rất nhiều người qua đêm, thậm chí thuê hẳn 2 - 3 ngày. Trong mấy ngày đó, họ không bước chân ra khỏi căn phòng, khi cần "tẩm bổ, tiếp năng lượng" đã có điện thoại nội bộ, nhân viên nhà nghỉ sẽ phục vụ ...tận răng. Một điểm đặc biệt các xe vào đây đều được các nhân viên phục vụ tâm lý quay biển số vào tường, tránh trường hợp gặp người quen, khỏi lo "đụng hàng".
Ngay trước cổng LSV Hacinco cũng vừa khai trương một nhà nghỉ mà thượng đế là ai thì không nói cũng biết. Khôi hài hơn có nhà nghỉ ở Quan Nhân, cách LSV khoảng hơn 1km nhưng lại có một loạt các biển dẫn ở các ngả rẽ. Các biển dẫn chỉ được đặt dẫn từ LSV ra đến nhà nghỉ. Không biết có phải những người kinh doanh dịch vụ "tiếp sức" dịch vụ sống thử ưu tiên cho sinh viên hay đã nhanh chóng đánh hơi được một lượng khách hàng tiềm năng đối với dịch vụ này.
Ngoài nhà nghỉ thì các sinh viên ham "thử" cũng khoái đến các dịch vụ như càphê vườn, càphê "chuồng" hay câu cá ở các khu ngoại vi như Đông Anh, bờ bắc cầu Thăng Long...
Tại đây các cặp "vợ chồng" sinh viên chỉ cần bỏ 50 -60 nghìn là có thể sở hữu một chòi câu suốt buổi. Câu cá là cả một nghệ thuật nên có lẽ nhiều bạn trẻ đang kiên nhẫn cả ngày trời đợi cá cắn câu. Chỉ có điều, nhiều trường hợp cá thoải mái...tha cả cần câu đi đâu mất.
"Sống thử" hay "sống thật"?
Những năm gần đây, nam nữ sinh viên chung sống đang trở thành một nạn dịch mà việc ngăn chặn nó đến thời điểm này vẫn coi như ...không có gì. Hiện tượng này vẫn được chúng ta gọi là "sống thử". Tuy vậy, nhìn sâu vào bản chất vấn đề, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên loại bỏ khái niệm gọi là "sống thử".
Trên thực tế, một khi sinh viên nam và sinh viên nữ sống với nhau như vợ chồng thì sự chung sống đó không còn là thử mà là một cuộc sống thật. Có niềm vui - là niềm vui thật và nếu có hậu quả gì không mong muốn xảy ra thì cũng là hậu quả ...thật "trăm phần trăm".
Lô Thanh Long - sinh viên Trường đại học KHXH&NV Hà Nội bức xúc khi đề cập đến vấn đề sống thử: "Con người chư có phải cái mũ, đôi dép đâu mà thử, thử chán, không thích thì rồi vứt đi". Vậy mà đã có rất nhiều sinh viên xem việc sống thử là một phần tất yếu của ...tình yêu. Nói một cách hồn nhiên, họ xem thình yêu là một thứ đồ vật, thích thì xài, không thích thì ...đáp đi.
Tham khảo ý kiến của nhiều sinh viên ở các trường Đại học KHXH&NV, Đại học Ngoại ngữ, Hành chính Quốc gia...đa số đều cho rằng, sinh viên sống trước hôn nhân là sống thật chứ không phải sống thử như người ta vẫn nói. Cũng đã có không nhiều các trường hợp sống thử tiến tới được đến hôn nhân, nhưng không phải ai cũng có được "trái tim nóng, cái đầu lạnh" như vậy.
Ai đi "thử" với tình yêu?
Chúng tôi gặp đồng chí Nguyễn Văn Quang - Trưởng Công an xã Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội, nơi có làng Phùng Khoang được mệnh danh là "làng sinh viên 2" với hơn 4.000 sinh viên lưu trú. Đề cập đến vấn đề sinh viên sống chung với nhau như vợ chồng, đồng chí Quang cho chúng tôi biết một nghịch lý. Quản lý 4.000 sinh viên chỉ có 9 đồng chí công an xã với sự trợ giúp của 15 dân phòng. Chỉ riêng cái việc tổ chức đi tuần giữ trật tự đã mướt mồ hôi, khó có thể nghĩ đến chuyện "trông nom" cho từng hộ được.
Đồng chí Quang kể cho chúng tôi nghe về những lần đội đi tuần đêm phát hiện thấy nam nữ sinh viên ở chung một phòng, đóng kín cửa. Kiểm tra thì có đủ một vạn cái lý do: anh em họ hàng, bạn cùng lớp đến chơi muộn... không về được.
Trong những trường hợp như thế thì anh em đành chào thua. Chỉ có mối cái cớ để "giữ" cho sinh viên là bắt phải xuất trình giấy tạm trú và khuyên một người nên ra về. Cái khó của đội dân phòng là không thể can thiệp vào việc riêng người khác. Việc phát hiện nhanh, "bắt quả tang" không khó: một cánh cửa nhà trọ sinh viên "dặt dẹo" chỉ cần song phi một cú là bung ngay, nhưng có phải tội phạm đâu mà đạp cửa xông vào. Mà có bắt được cũng chỉ là lập biên bản vi phạm...khai báo tạm trú.
Ở phường Dich Vọng Hậu, Cầu Giấy nơi có 9.000 sinh viên tạm trú được xem là địa bàn đông sinh viên nhất Hà Nội.
Đối phó với tình trạng sinh viên sống thử, Thiếu tá Mạc Đình Thắng - Phó Công an phường phải dùng đến "chiêu": không làm thủ tục tạm trú cho các phòng trọ có sinh viên khác giới ở chung phòng, trường hợp là người thân thì phải ký cam kết không cho sinh viên khác giới chơi trong phòng nhau đóng kín cửa. Thế nên các chủ nhà phải nai lưng ra mà tự quản lý.
Tuy vậy sinh viên lại có lắm "bài". Không ở chung nhà nhưng thuê phòng cạnh nhau, khi kiểm tra thì ai ở nhà nấy đàng hoàng.... ngồi học bài. Khi chủ nhà và đội trực đi khỏi thì tắt đèn một phòng đi cho...đỡ tốn tiền điện. Cũng có nghĩa rằng: chẳng ai ngăn cấm được tình yêu, nhưng cũng chẳng ai có thể giúp được sinh viên tránh được hậu hoạ khôn lường từ sống thử.
Tôi còn nhớ trong một tiểu phẩm hài, diễn viên Xuân Hinh nói rằng: "Yêu mà phải thử à?". Cũng chỉ mong các bạn sinh viên hãy tự hỏi rằng: Tình yêu của mình có "quá thường" nên phải thử hay không?
-
Hoàng Chiến Thắng (An ninh Thế giới)