(VietNamNet) – Cuối tháng 4/2006, phóng viên Khánh Linh tới New York (Mỹ). Một tháng lang thang, sục sạo ở các trường ĐH, từ hệ thống ĐH đẳng cấp quốc tế, tới các trường được xem là "nhỏ bé"...để cảm nhận "dư vị ĐH" ở đất nước có số lượng trường ĐH chiếm quá nửa bảng xếp hạng 100 trường hàng đầu thế giới. Gói gọn trong mấy từ đơn giản "người học là trung tâm" hóa ra lại là thiên ký sự khó có thể kể hết chi tiết.
Dưới đây, VietNamNet giới thiệu loạt bài viết "Ghi chép ở Mỹ: Trường và đời sau cổng ĐH".
Kỳ 1: Vị thế SV: Đã thấy ngay từ cổng
Thời điểm này, các cô cậu tú cả nước ta ngóng kết quả thi để mong được may mắn làm… sinh viên. Cả hệ thống giáo dục thấm nhuần ý tưởng mang màu sắc ban ơn: "tuyển chọn nhân tài". Còn ở New York, những ngày đầu tiên, tôi đã cảm nhận: Người học săm soi tuyển chọn trường nào có khả năng biến mình thành nhân tài.
Những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5, khi hoa anh đào mang mùa xuân về ngập tràn thành phố nhộn nhịp nổi tiếng nhất nước Mỹ này, tôi bước chân lần đầu vào khuôn viên ĐH tổng hợp St.John's.
Cảm giác đầu tiên: Choáng ngợp vì sự khang trang, rộng lớn, và sạch đẹp. Vào trường, phải vượt qua một trong bảy cánh cổng với hệ thống an ninh cẩn mật.
Chẳng tìm đâu ra một cọng rác. Có lần, tôi thử đi chân đất từ sáng đến trưa cả trong các tòa nhà và giữa sân trường, vẫn thấy... chưa cần rửa chân.
"Tôi tìm thấy tôi" ngay ở phút đầu
Ấn tượng nhất là khu sân chính với những tòa nhà cổ kính mang gam màu trắng xám, nhìn bên ngoài dễ nghĩ đến những tòa lâu đài hơn là thư viện, là trường dược, trường sư phạm... Vị trí chính dành cho sinh viên, đĩnh đạc và đường hoàng, chứ không phải cho văn phòng hiệu bộ như thường thấy ở… ta.
ĐH tổng hợp St John's là ĐH tư thục công giáo (Catholic University) được thành lập năm 1870 với mục đích là điểm đến cho con em các gia đình nhập cư vốn không có nhiều cơ hội học hành... Có khoảng 20 SVVN trong số 20.346 SV - đến từ hơn 80 nước trên thế giới - đang theo học tại trường. |
Mấy lần qua sân chính, tôi đều được các giáo sư, các bạn sinh viên, các nhân viên của trường giới thiệu nhà thờ St. Thomas More, mới khánh thành hồi tháng 9/2004, được xây dựng từ món quà trị giá 10 triệu đôla của gia đình một cựu sinh viên ĐH St.John's đã mất trong ngày 11/9/2001.
Mỗi ngày, nhà thờ đón cả những người dân trong cộng đồng xung quanh trường đên hai buổi lễ vào 8h sáng và 12h trưa. Nhiều SV xem nhà thờ như không gian yên tĩnh để thanh thản "đối diện với chính mình". Chẳng thế mà kể cả những ngày ôn thi bận rộn nhất, nhà thờ vẫn không hề trống vắng.
Nhập môn: Trăm điều ngơ ngác và kinh ngạc
Phải mất mấy ngày đi ra đi vào, sục sọi nhiều góc, nhiều lần để các giáo sư phải chờ vì nhầm đường khi đi kiểu "từ hồ Gươm vòng lên hồ Tây rồi mới về Văn Miếu", xoay nghiêng xoay ngả tấm bản đồ trường, tôi mới dám tự tin để đi lại một mình trong khuôn viên trường mà không cần những cú điện thoại hoảng hốt nhờ chỉ dẫn. Chẳng thế, chị Tâm - giảng viên của trường Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM - đã nhắc nhở "Em sang đó cẩn thận lạc đấy". Vậy mà, đây chỉ là một trong 5 cơ sở của St John's (4 cơ sở nằm quanh New York, còn một cơ sở nằm tận Roma, thủ đô Italia).
Sinh viên Việt Nam trong lễ tốt nghiệp ngày 14.5.2006 của ĐH St John's. Ảnh: K.L |
Mang danh "sang thăm để tìm hiểu hệ thống ĐH Mỹ" nhưng tôi ngơ ngác không khác gì SV nông thôn ra thành phố thi đại học, cái gì cũng thấy mới lạ, khác thường. Choáng ngợp vì khuôn viên trường to đẹp đã đành, còn ngơ ngác hơn về phong cách làm việc ở đây.
Muốn gặp các giáo sư hay thành viên ban giám hiệu - dù được giới thiệu trước, chỉ có thể gọi điện đến văn phòng hoặc viết e-mail. Chuyện gọi thẳng đến di động bị xem là "không đúng mực". Mà cũng chẳng tìm đâu ra số di động. Cứ hết giờ, ra khỏi công sở là họ bỏ lại toàn bộ công việc sau lưng, hầu như không thấy kiểu mang việc về nhà làm.
Lịch làm việc của họ xếp trước cả tháng, cả năm, nên mới có kiểu "Tôi sẽ gặp em vào 2h chiều ngày thứ năm... 2 tuần tới". Hay trong một buổi ăn trưa vui vẻ thân mật giữa 2 giáo sư, nói về kế hoạch cho kỳ nghỉ hè năm sau, một người bảo "Tôi sẽ phải về lại New York vào giữa tháng 7 (năm 2007) "cho đám cưới". Tưởng nhầm là đám cưới của chính giáo sư ấy, ai dè là đám cưới của một người bạn. Tôi ngạc nhiên, cả bàn ăn cùng cười, và lời giải thích là "Người Mỹ có kế hoạch chi tiết cho cả mấy năm tới nữa đấy"...
Quyền truy cập từ học, ăn đến… ngủ
Trong khuôn viên trường ĐH, rất nhiều nơi hiện đại phải có "quyền truy cập" (access) mới vào được, từ thư viện đến ký túc xá, từ phòng máy tính đến các phòng thí nghiệm, kể cả các khu thể thao đẹp hơn nhà thi đấu cho các tuyển thủ chuyên nghiệp ở nhà.
Mỗi sinh viên tùy theo ngành học sẽ có những quyền truy cập khác nhau, và thẻ sinh viên là chìa khóa để mở những cánh cửa nhẹ nhàng nhưng chắc chắn này. Nhiều sinh viên cũng chọn hình thức trả tiền trước vào thẻ để "quét" luôn trong nhà ăn hay hiệu sách thuộc khuôn viên trường.
Được tạo điều kiện để hiểu cuộc sống sinh viên nên thẻ của tôi cũng có đủ "quyền truy cập" như một thành viên của ĐH St.John's trong hơn 2 tuần.
Tôi được sống trong ký túc xá với an ninh bảo vệ suốt ngày đêm, với dịch vụ internet không dây về đến tận phòng; được đàng hoàng đi đủ 4 tầng thư viện để tận hưởng những phòng học nhóm với bộ salon ghế đủ rộng để ngồi cuộn tròn thoải mái, những không gian yên tĩnh cho sinh viên tập trung nghiền ngẫm bài vở, rồi phòng máy, phòng xem phim, và bạt ngàn sách.
"Trình bày hoàn cảnh", chuyện chỉ có ở Việt Nam
Nhân viên làm việc trong trường là những người rất nhiệt tình, cởi mở và nguyên tắc. "Không quyền truy cập thì... không có ngoại lệ". Dù đã quen mặt, nhớ tên nhưng sau 2 tuần, thẻ của tôi đã hết hạn sử dụng. Vậy là, dù được đề nghị ở lại trường dự lễ tốt nghiệp của sinh viên, tôi cũng không thể vào lại ký túc xá hay thư viện.
Quen kiểu suy nghĩ Việt Nam, tôi nhờ một giáo sư đến "trình bày hoàn cảnh". Vẫn chỉ là một nụ cười tươi kèm cái lắc đầu (lúc đó tôi mới biết, giáo sư cũng không vào được ký túc xá của sinh viên). Vậy là tôi - một lần nữa - phải gõ cửa đủ 4, 5 văn phòng, theo đúng trình tự để được thêm 1 tuần sục sạo khuôn viên trường. Còn sau ngày tốt nghiệp thì chiếc thẻ kia chỉ còn là vật kỷ niệm, muốn qua cổng trường buổi tối cũng không được.
Nếu nhìn tổng thể, St.John's chưa phải một ĐH hàng đầu của nước Mỹ, cũng không được nhắc đến trong các bảng xếp hạng ĐH của thế giới.
Nhưng những ấn tượng đầu tiên tôi có với hệ thống giáo dục ĐH Mỹ bắt đầu từ ngôi trường này, từ những sinh viên Việt Nam đang du học tại đây.
Nhiều trường chuyên ngành của St.John's thuộc loại có hạng, như trường Luật được xếp hạng 80 trên toàn nước Mỹ (với hệ thống gần 4000 trường ĐH, cao đẳng và viện đào tạo). Trường Sư phạm cũng nằm trong tốp các trường sư phạm hàng đầu. Vào được trường Dược cũng là mơ ước của sinh viên từ khắp nơi.
Như thế, cũng đã đủ để các giảng viên và sinh viên của St.John's thật sự tự hào về mái nhà của mình, đủ để tôi - một người "nước ngoài" - háo hức với chặng đường tìm hiểu các ĐH Mỹ phía trước.
-
Khánh Linh
Kỳ 2: "Đột nhập" giảng đường ĐH Mỹ
Ý kiến của bạn: