(VietNamNet) - Chuyện những người trẻ, đi học thì “cãi” lại thầy cô, đi làm thì “cãi” sếp là một chuyện khó đánh giá. Nhưng, biết “cãi” tích cực thì, sao không bỏ một lá phiếu hoan nghênh nhỉ?
Giảng đường 402, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 15h, môn Lý luận văn học.
“Còn 2 tiết nữa cơ, sao mà lâu thế!”. H.B không buồn rời mắt khỏi tờ báo, gục gặc cổ đáp lời người bạn đã nằm bò trên mặt bàn. Vài giây sau, cả hai đứa bật đầu dậy như lò xo, cùng nhịp bật với vài chục cái đầu khác, khi một tiếng nói…lạ vang lên dõng dạc: “Thưa cô, theo em, âm nhạc mới là thứ có khả năng tác động đến mọi đối tượng – không phải là văn học”.
Cả lớp ngừng thở chừng 10 giây, ánh nhìn tạo thành luồng chuyển từ “nhân vật dũng cảm” đến cô giáo, lại từ cô giáo đến “nhân vật dũng cảm”. Giây thứ 11, khối đông đó nổ bung ra với đủ mọi quan điểm, chính kiến.
Hơn mọi nỗ lực suốt từ đầu buổi của giảng viên, rõ ràng ý kiến phản bác của một sinh viên đã gây ra hiệu quả “kích nổ”!
8X không im lặng: "3 trội"
Thực ra đây là một chuyện dễ hiểu ở giảng đường 8X, khi mà những người trẻ thực sự không còn hứng thú với phương pháp giảng dạy truyền thống thầy đọc, trò chép nhưng không nhiều người tự thân thay đổi.
Sự sẵn sàng, chủ động chiếm lĩnh kiến thức của người học bằng cách nêu thắc mắc, lật lại vấn đề, thậm chí phản bác vấn đề (nhiều khi cả với vấn đề đã được “mặc định” là chân lý) không chỉ có tác dụng với chính bản thân người đó mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực đối với tập thể.
Cô Huệ, giảng viên của câu chuyện trên đây nói lại: “Cô hơi bất ngờ. Các em đưa ra một số ý kiến có tính phát hiện và khá thuyết phục. Cả lớp chia thành 2 phe, tranh cãi rất hăng hái. 2 tiết thành ra không đủ…”.
Những 8X thích “nói khác” được thống nhất có 3 điểm nổi trội: kiến thức, sự tự tin và sự ham học hỏi.
8X được hỏi không ngại thừa nhận sự nể phục của mình đối với những nhân vật là “trung tâm kích nổ” của cả lớp: “Trước hết, họ giỏi hơn tôi ở chỗ dám công khai suy nghĩ của mình. Ngay cả trong một số trường hợp mình có hiểu ra vấn đề nhanh hơn thì cũng không có gì để kiêu hãnh hơn so với những người dũng cảm đứng dậy nói trước cả lớp: Tôi không hiểu” (Lê Nga, ĐH Ngoại thương).
TS Hoàng Văn Quang, đồng nghiệp của cô Huệ nhận định: “Những SV biết đặt ra câu hỏi là SV có tư chất, thường có học lực khá giỏi, chú ý nghe giảng. SV học không thắc mắc là SV đáng vứt đi. Giảng viên khó chịu khi SV nêu ý kiến cũng đáng như vậy”.
Thầy cô - thuốc “kích nổ”
Nhiều thầy cô khẳng định trước khi bắt đầu bài giảng: “Tôi chỉ nêu vấn đề, các anh chị sẽ tự thảo luận và giải quyết”. Đáng buồn là không phải ai nói thế cũng làm được như thế.
Tuyết Nhung (ĐH KTQD) thất vọng: “Lúc mới nghe mình cũng tấp tểnh mừng. Nhưng hiếm ai thực hiện được điều đó. Giỏi thì khoảng 5, 10 phút đầu, có thầy cô nói xong… quên luôn, chẳng có một câu hỏi nào cho sinh viên …”. N. Hạnh (cựu sinh viên ĐHBK) thông cảm: “Cũng do sinh viên mình sức ỳ lớn quá, hỏi mãi không ai đáp lời thì cũng phải thôi chứ thầy cô mặt mũi đâu…!”.
Đấy là chưa nói đến các thầy cô khó chịu khi học trò căn vặn: “Cô giảng 2 khái niệm nhận thức và ý thức. Mình đặt câu hỏi chúng khác nhau ở đâu thì cô gắt lên “Người ta đang nói cái này thì lại nói cái khác!”, rồi cô giải thích như… tát nước vào mặt!” (Huyền, Xã hội học 24, HV BC&TT). Phan Trang cùng lớp thừa nhận: “Từ đó tới hết bài giảng cô nói gì cả lớp cũng chẳng hiểu, căng thẳng muốn chết. Cũng chẳng ai dại hỏi gì thêm. Cạch!”
Không thể phủ nhận vai trò của các thành viên khác của lớp trong việc tạo điều kiện cho cá nhân trình bày quan điểm. “Mỗi lần mình đứng lên nói, chúng nó lại tỏ ra ngán ngẩm, không thèm quan tâm, có khi còn mỉa mai nữa. Cũng bị chi phối đấy, sợ bị mang tiếng chơi trội” Mỹ Lan, ĐH SPHN). Một trong số người vượt được điều đó khẳng khái: “Cũng có chứ, nhưng mặc kệ, mình phải tường minh mình trước. Các bạn sẽ hiểu và làm theo thôi. Ai cũng làm thế thì im lặng là lạc lõng! Lớp mình đây này…” (Tường Điệp, Truyền hình 22, HV BC&TT)
“Mở cửa” tư duy với văn hóa tranh luận
Hiện nay, gần như không ai phản đối hạn chế lớn của lối học "thầy đọc, trò chép” giết chết khả năng tư duy của học sinh, biến chương trình học thành một sự áp đặt nhàm chán. “Óc phê phán là một điều kiện tối cần để kiểm nghiệm tri thức và phát triển óc sáng tạo. Nếu không chấp nhận tranh luận, nếu ngăn cản những ý kiến phản biện thì xã hội khó lòng tiến bộ được” (TS Nguyễn Kiên Cường, Viện KH Vật liệu).
Cô Tú Uyên, giáo viên dạy 12 năm trường THPT Chuyên Sơn La giãi bày: “Tôi không thích học trò có thắc mắc mà không nói ra, kể cả việc phát hiện ra cô sai mà không nói gì. Nhưng mọi việc đều phải có chừng mực, không nên lạm dụng. Cô nói gì cũng căn vặn thì rất ức chế. Tôi đã từng gặp học trò thích gây chú ý như thế, các em khác cũng phát mệt theo cô”.
Lớp Địa chất K46, ĐH KHTN vẫn còn truyền tụng giai thoại về một nam sinh tên Ngọc Anh (Hải Phòng) cả gan dùng tay… đập bàn trong cuộc tranh luận với một giáo sư khi vị này quá bực tức đã có một hành động tương tự trước đó. Không biết sai đúng thế nào nhưng rõ ràng cả thầy và trò đều không nên cư xử như vậy. Nhất là với học trò. Tranh luận nhưng lễ độ, có văn hóa – đó là điều 8X cần phải ghi nhớ mỗi khi trình bày một quan điểm.
Không phải không có những kiểu cãi “phong trào”, tức là cãi a dua, ăn theo. Nguyên nhân có thể là do nịnh hót, hoặc của người thích thể hiện bản thân. Một số trường hợp khác cũng không được khuyến khích khi người phản biện có ý kiến không sâu về vấn đề đặt ra, hoặc đi quá xa vấn đề mọi người đang bàn, hoặc bảo thủ “cố đấm ăn xôi”. Lúc ấy, cãi chỉ tổ làm mất thời gian.
Với tôi, không im lặng là... | ||||||||||||
Hoài Diệp, quản trị website Ytuongvietnam.com: Chưa bao giờ tớ có ý định trên “cơ” ai cả, hỏi chỉ là muốn đạt đến gốc rễ của vấn đề. Bất cứ tình huống nào tớ cũng tìm cách lật lại vấn đề và nêu ý kiến ngay khi có cơ hội. Tớ không thích gặp riêng thầy cô, nếu nói trước cả lớp thì tớ có thể thấy ngay phản ứng, quan điểm của các bạn. Sau đó tớ chẳng bao giờ quên được vấn đề đấy cả. Dự cuộc hội thảo nào tớ cũng cố gắng đặt câu hỏi cho khách mời, đôi khi còn nghiên cứu trước từ ở nhà.Bích Ngọc (1985, HV BC&TT) : Tôi đánh giá cao tinh thần dũng cảm của những 8X không-chịu-im-lặng. Bản thân tôi không hay làm như vậy, dù có quan điểm khác. Tôi cho rằng không phải mọi thứ mình nghĩ đều cần phải nói ra. Mặt khác, càng không nên để thầy cô phật ý – nhất là khi người đó là… hàng xóm nhà mình! (bố là giáo viên, sống cùng Khu tập thể với nhiều giáo viên khác cùng trường).Đ ình Linh (1984, ĐH Ngoại thương): Giờ toán hôm ấy mình quyết liệt đưa một phương pháp giải mới, cãi hăng đến nỗi cô bùng nhùng cả đầu, rốt cuộc thừa nhận là đúng.Kiêu hãnh lắm, nhưng về nhà kiểm tra lại thấy sai toét! May mà cũng chẳng ai xem lại, mình “ỉm” đi luôn! Hoàng Tùng (1985, Triết 23, HV Báo chí và Tuyên truyền) : Tùng hay thắc mắc lắm, nhưng hiệu quả không cao.Vì kiến thức của Tùng non quá, không nhìn được vấn đề sâu. Chủ yếu là hỏi để thầy cô giảng lại cho thôi, tâm phục khẩu phục ngay!Nguyễn Thị Hạnh (1982, học bổng Thạc sĩ của Trường ĐH Quốc tế RMIT tại Việt Nam) kể về phương pháp giảng dạy của trường mình: Giảng viên đặt vấn đề hết sức nghiêm túc, chia nhóm cho sinh viên thảo luận và đến từng nhóm lắng nghe. Họ luôn tạo cho mình cảm giác rằng: mỗi khi mình nêu lên một ý kiến, không những mình đang tiến bộ mà cả lớp đều được học hỏi ở mình. Một số anh chị đã từng học tập ở nước ngoài cũng làm “lây” phong cách tự tin sang cả lớp. Không bao giờ có chuyện này ở trường ĐH trước đây của mình. Vũ Thùy Hương (1982, giảng viên 1 trường CĐSP) : Tôi thừa nhận những giáo viên mới vào nghề như chúng tôi đôi khi “sợ” bị sinh viên căn vặn quá, nhưng vì tự ti chứ không phải tự ái. Tuy nhiên chúng tôi cũng là 8X, chúng tôi tán thành cách học có sự đối thoại.Cô Điêu Tú Uyên (1973, giáo viên Văn, đã nêu) : Có lần tôi liên hệ bài giảng với một tác phẩm văn xuôi cũ, một học sinh giơ tay xin có ý kiến. Em “chỉnh” lại chi tiết tôi nêu ra.Tôi thẳng thắn thừa nhận: “Có thể như em nói, vì đúng là tác phẩm này lâu cô không xem lại”. Cả lớp cùng cười rất vui, tôi biết các em không hề đánh giá tôi thấp đi. |
|
|
|
|
|
|
-
Thực hiện: Nguyên Nhung (Báo Mạng Điện tử - K23 - Học viện Báo chí Tuyên truyền)