(VietNamNet) -"Có nhiều việc các trường không dám quyết, phải trình Bộ. Và đã làm tuột mất nhiều cơ hội" - GS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng trường ĐH An Giang đã thẳng thắn tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH phía Nam diễn ra hôm nay, 28/8.
Tiếp tục kiến nghị "cởi trói"
Bất cập trong quản lý và giảm tải chương trình là những nội dung tiếp tục được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị này.
"Nhiều lúc, trường cũng muốn đổi mới phương pháp dạy học, nhưng không dám vì sợ Bộ. Hậu quả là, tuột cơ hội - GS Xuân nêu ví dụ.
Ông Tạ Xuân Tề, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng ý kiến: "Chúng ta cần có một cơ chế thông thoáng. Bộ nên cởi trói để các trường nắm bắt những cơ hội cho mình. Có những lúc vì phải tuân theo cơ chế mà chịu thụt lùi thì rất tiếc. Nếu các trường có cơ sở, đủ điều kiện để mở thêm ngành thì Bộ không nên hạn chế".
TS-KTS Phạm Tứ, hiệu trưởng trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM đề xuất Bộ nên công khai tiêu chí về tiêu chuẩn trường trọng điểm để các trường chưa đạt biết mục tiêu phấn đấu.
TS Trần Thị Quốc Minh - hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo T.Ư3 bức xúc trước tình trạng có quá nhiều trường không có giáo viên am hiểu về đào tạo giáo viên mẫu giáo nhưng cũng xin được mở ngành, đào tạo đại trà nên chất lượng giảm. Theo bà Minh, việc đào tạo các loại hình này nên có một chuẩn chung. Bà còn cho biết, Trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo T.Ư3 đã có giảng viên có học vị nhưng chưa một thành viên nào được phong hàm GS hay PGS, đây là điều bức xúc chung của các giáo viên CĐ. Bà Minh nói: thậm chí một tiến sĩ trong mười năm chỉ hướng dẫn cho một học viên cao học!
Còn TS Cao Văn Phường - hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Bình Dương, cho rằng với ngân sách đầu tư cho các trường là 114 triệu USD nhưng chỉ cấp cho các trường công lập, còn các trường ngoài công lập (trường tư thục, dân lập) thì không được cấp là không công bằng. "Không nhất thiết phải là trường công mới được cấp, còn trường tư thì không, vì mục tiêu đào tạo các trường đều bình đẳng và như nhau", ông Phường nói.
Về cơ sở vật chất, Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hồng Bàng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các trường ĐH dân lập đang đứng trước tình trạng Cục thuế bắt các trường phải đóng thuế, gồm nhiều thứ thuế như thuế giáo sư thỉnh giảng, thuế trường... khiến cho các trường tư thục, dân lập đã khó khăn trong việc tự chủ tài chính lại càng khó khăn hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân giải thích cho cơ chế hiện nay, vì lợi ích của người học mà Nhà nước cần có sự quản lý. Người học không ai học ĐH 2 lần cả. Chính vì thế, nếu không có một phương thức hoạt động thì người học có khi bị lừa. Và khi đó chính các cấp lãnh đạo sẽ bị phê phán. Vì lợi ích của người tiêu dùng, Nhà nước cần có sự kiểm tra chứ không giao toàn quyền tự chủ cho các trường.
Giảm tải mới mong có chất lượng
Chương trình đào tạo của Việt Nam gấp đôi các nước. Với quy định 240 đơn vị học trình như hiện nay thì xin đừng nhắc tới việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng". GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh: các môn chính trị, quân sự quá nặng cũng không mang lại hiệu quả.
ThS Nguyễn Đức Tư - Hiệu trưởng Trường CĐ Giao thông vận tải 3 cùng đưa ra ý kiến cần giảm tải chương trình học của hệ ĐH và CĐ: "Với hệ CĐ, chúng ta mất 1 năm để học chính trị, quân sự là không nên. Còn 2 năm để SV học chuyên môn là không đủ. Một thực tế, những môn chính trị, quân sự không thể áp dụng trong cuộc sống và cũng không thể giúp người học nghiên cứu khoa học.
Chính Bộ GD&ĐT cũng thấy việc dạy chính trị, quân sự như hiện nay là chưa hợp lý.
Phó Vụ trưởng Vụ ĐH&SĐH Ngô Kim Khôi nhận định: Tỉ lệ học các môn Mác - Lênin chiếm 11% thời lượng chương trình, như thế là quá nhiều.
Chính vì thế, các trường nên giảm thời gian lên lớp, tăng việc tổ chức các sinh hoạt học thuật (seminar) hơn là đọc chép ở môn này.
Việc thi tốt nghiệp môn Mác - Lênin thực hiện theo quyết định 494, nhưng không tính vào kết quả học tập.
-
Đoan Trúc-Thu Hương
Ý kiến của bạn?