221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
843668
Dạy và học văn ở Mỹ
1
Article
null
Dạy và học văn ở Mỹ
,

(VietNamNet) - Ông Đỗ Ngọc Thống, cán bộ nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục (Bộ GD-ĐT) đến Mỹ cách đây gần một năm trong đoàn khảo sát của Chính phủ Việt Nam về việc dạy học tiếng Việt cho người Việt ở Mỹ. "Nhân nhiệm vụ này mà tìm hiểu luôn cả giáo dục phổ thông, đặc biệt là việc dạy học văn trong nhà trường trung học của Mỹ. Đầu năm học mới, ghi lại đôi điều thu nhận được để mọi người cùng tham khảo và suy ngẫm".

Dưới đây, VietNamNet xin giới thiệu bài viết của ông.

Dạy học hoàn toàn bằng tự chọn

Đoàn khảo sát của Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục.

Mỹ hầu như không có chương trình (CT) cho toàn liên bang mà chỉ có CT của từng bang (50 bang - 50 CT). Có một hệ thống các môn bắt buộc chung cho toàn liên bang, nhưng mỗi bang có thể lựa chọn và xây dựng một hệ thống các môn học bắt buộc riêng, tuỳ theo kế hoạch tương lai của bang đó. Chẳng hạn, Ngoại ngữ là môn học bắt buộc ở một số bang, nhưng lại là môn tự chọn bắt buộc hoặc tự chọn tuỳ ý ở các bang khác.

Mỗi bang quy định số học phần tối thiểu cho các môn học bắt buộc cho cả cấp THPT. Ví dụ bang Kentucky yêu cầu học sinh phải đạt ít nhất 15 học phần cho các môn học loại này và quy định các chứng chỉ tối thiểu để tốt nghiệp THPT. Chẳng hạn, năm 2002, HS bang Kentucky muốn tốt nghiệp cần có 20 chứng chỉ trong đó có 8 chứng chỉ tự chọn.

Mỗi bang và mỗi trường có trách nhiệm xây dựng CT các môn học tự chọn, xác định nội dung các giáo trình tự chọn. Nhiều môn học bắt buộc và môn học tự chọn có thể có nhiều giáo trình được soạn cho các trình độ khác nhau. Mỗi học sinh, tuỳ theo điều kiện và hoàn cảnh cá nhân có thể chọn những giáo trình thích hợp với trình độ của mình.

Thường, mỗi môn học có 3 trình độ: cơ bản (basic), khá (standard), giỏi (honor - mức cao nhất). Ví dụ: English 1 cũng có 3 trình độ, English 2 cũng như thế ….HS tuỳ theo sức mình mà đăng kí vào những mức học thích hợp chứ không bắt buộc học tất cả.

Mỗi HS có một thời khóa biểu riêng, có 7 môn học riêng, không ai giống ai nên không có một lớp học cố định nào. 7 môn học nghĩa là 7 lớp khác nhau. Đến môn học nào thì học sinh phải đến phòng của giáo viên dạy môn đó vì mỗi giáo viên có một lớp học riêng (chứ không phải như ở VN là giáo viên phải đi đến từng lớp). Mỗi một lớp học thường chỉ 20 HS, nhiều nhất là 28-30, không bao giờ hơn.

Kết quả học tập của HS được đánh giá bằng các chứng chỉ (credits) và cho quyền tự chọn môn học ở các năm khác nhau. Muốn tốt nghiệp THPT, HS cần:

+ Hoàn thành xuất sắc 105 chứng chỉ, trong đó phải có ít nhất 20 chứng chỉ đạt được ở năm lớp 12 (senior year).

+ 4 năm học ngoại ngữ: English 1, 2, 3, 4 hoặc khóa học ESL thích hợp (English as Second Languague - khóa học tiếng Anh dành cho người nước ngoài)

+ Nghiên cứu xã hội, bắt buộc bao gồm một kì học về lịch sử Mỹ (15 chứng chỉ). Trong mỗi năm học HS có thể chọn học một trong những môn xã hội khác nhau. Ví dụ, năm nay chọn sử thì năm sau chọn địa hoặc ngược lại, miễn sao có đủ 15 chứng chỉ là được.

+ Giáo dục thể chất 4 tiết thể dục/ tuần (5 chứng chỉ)
+ Sức khỏe: 5 chứng chỉ
+ Toán học (đại hoặc hình): 15 chứng chỉ
+ Khoa học: 15 chứng chỉ. Cũng như môn nghiên cứu xã hội, HS được quyền chọn học 1 môn khoa học cho mỗi năm: lý; hóa hoặc sinh.
+ Một khóa học nghệ thuật (âm nhạc, nghệ thuật thị giác, kịch): có thể chọn một khóa học 2.5 chứng chỉ hoặc 5 chứng chỉ.

Mỗi học sinh phải tự sắp xếp, lựa chọn các môn học cho từng năm để cuối cùng đạt được tổng cộng 105 chứng chỉ (bao gồm số lượng các chứng chỉ quy định cho từng môn như ở trên).

Trong một lớp học môn Lý có thể có cả HS lớp 10, 11, 12. Đấy là do cách sẵp xếp lựa chọn môn học của từng HS.

Nhà trường cũng yêu cầu HS phải học về xã hội, khoa học nhưng chỉ cần học đủ đến các chứng chỉ yêu cầu, lại được chọn những phần học phù hợp với mình.

Thông thường, khi hoàn thành một môn học sau 1 năm nghĩa là HS được 5 chứng chỉ. Một năm học, HS có 7 môn học nghĩa là có thể có khong 35 chứng chỉ. Trừ những môn bắt buộc học c 4 năm như ở trên còn các môn học khác, HS tự sẵp xếp thời gian học thích hợp với mình.

Thi học kỳ và thi cuối năm không có đề chung cho cả khối hay cả trường. Giáo viên của lớp nào, môn nào ra đề cho lớp đó. Chương trình học ở từng lớp là rất riêng biệt. Vì thế, cùng là lớp 10 nhưng mỗi lớp một GV dạy tiếng Anh khác nhau, có chương trình học khác nhau, giao cho HS đọc các tác phẩm rất khác nhau. Chính vì thế, không bao giờ có một bộ sách giáo khoa (SGK) cố định, dùng chung cho tất cả như ở Việt Nam.

Thư của Hải Hà

Môn văn ở Hoa Kỳ gọi là môn Tiếng Anh (English). Nhiều khi xem trên tài liệu, sách vở, ta không thể thấy hết được cách dạy và học cụ thể của một trường, một lớp nào đó. Biết vậy, tôi gửi thư điện tử cho một HS Việt Nam đang học lớp 10 tại thành phố Boston -Hoa Kỳ để tìm hiểu cụ thể. Và đây là bức thư của HS đó gửi lại cho tôi (thư gõ bằng tiếng Việt không dấu, chúng tôi đã chuyển sang tiếng Việt có dấu để bạn đọc tiện theo dõi - tòa soạn).

"Cháu chào bác Thống!

Ở trường cháu học (trường công), môn Tiếng Anh bọn cháu không có textbook (sách giáo khoa). Như cách học nhà mình thì học sinh có một quyển sách giáo khoa với hàng chục bài thơ/truyện ngắn. Ở bên này, học sinh đọc hẳn cả một quyển truyện dài/tiểu thuyết. Vì thế, mỗi năm thường chỉ học 4 - 5 tác phẩm thôi. Học sinh bên này không cần mua SGK. Ở mỗi lớp (không chỉ riêng tiếng Anh), học sinh sẽ được phát SGK (nếu có), đến cuối năm sẽ phải nộp lại. Vì thế nên cả nhà trường và gia đình đều tiết kiệm được rất nhiều tiền.  Ở lớp tiếng Anh của cháu, giáo viên phát các tác phẩm cho học sinh. Mỗi tác phẩm bọn cháu đọc trong khoảng 1 - 2 tháng. Có những tác phẩm ở lớp có lúc phải tự đọc ở nhà.

Xen giữa các giờ đọc, bọn cháu có những bài kiểm tra ngắn về những phần đã đọc rồi/kiểm tra từ vựng,v.v...Bọn cháu cũng thường phải làm các project (dự án) cho các tác phẩm và điểm được tính như một bài kiểm tra (ví dụ, học kỳ 1 vừa rồi cháu đọc Julius Ceasar cua Shakespear của thì sau khi đọc chương 3, khi Ceasar bị ám sát, bọn cháu được chia ra từng nhóm để làm "nhà báo" phóng vấn vợ của Ceasar, đưa tin về vụ ám sát và thái độ của người dân La Mã. Tất cả đều phải làm như thật, phải có tranh, ảnh, tên nhà báo cũng phải là một tên La Mã.

Sau khi đọc xong một tác phẩm, bọn cháu có một bài kiểm tra về toàn bộ tác phẩm (thường có câu hỏi trắc nghiệm, bọn  cháu cũng thường có một đoạn trích và phải chỉ ra xem ai là người nói đoạn trích đó hoặc đang nói về ai, cuối cùng thường có một yêu cầu viết đoạn văn nhỏ tư 6 - 8 câu.

Ngoài bài kiểm tra đó ra, bọn cháu cũng phải viết một bài luận (essay-tương đương Tập làm văn nhà mình) về tác phẩm, thường thường là có 4 chủ đề để tự lựa chọn. Bài luận này thì bọn cháu viết nháp ở lớp, đưa cô giáo xem rồi về nhà hoàn thành, đánh máy rồi đem nộp.

Ở trên lớp, giáo viên thường đọc tác phẩm cho cả lớp, cùng phân tích và chữa bài tập về nhà (tất nhiên ở bên này không ai phải soạn văn, và giáo viên cũng học trò phân tích những câu hỏi được giao về nhà chứ không như ở nhà mình thường giáo viên giảng bài xong mới giao bài tập). Theo như cháu thấy thì 50% thời gian là học sinh phát biểu, đưa ra ý kiến, làm project, giáo viên chỉ đóng vai trò trợ giúp thôi.

Các tác phẩm cháu được đọc đều được dựng thành phim. Vì thế nên sau khi đọc tác phẩm xong bọn cháu thường được xem phim. Bọn cháu được xem phim trước ngày kiểm tra vì như thế sẽ giúp bọn cháu nhớ lại và nắm rõ hơn toàn bộ nội dung của tác phẩm (mỗi lớp học đều có tivi).

Thi học kỳ và thi cuối năm không có đề chung cho cả khối hay cả trường. Giáo viên của lớp nào, môn nào ra đề cho lớp đó. Môn Tiếng Anh thi khả năng vì đề bài gồm tất cả các tác phẩm mà bọn cháu đã được học. Chương trình học từng lớp ở đây là rất riêng biệt. Vì có thể cùng lớp 10 nhưng mỗi lớp tiếng Anh với một giáo viên khác nhau có chương trình học khác nhau, được giao đọc các tác phẩm rất khác nhau. Chính vì thế nên không bao giờ có một bộ SGK cố định như ở nhà mình được".

  • Đỗ Ngọc Thống

Kỳ tới: Ngân hàng bài soạn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,