221
484
Chuyện giảng đường
chuyengiangduong
/giaoduc/chuyengiangduong/
847296
Thảm trạng học thể dục ở ĐH
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Thảm trạng học thể dục ở ĐH
,

(VietNamNet) - Đủ cả bóng đá, khiêu vũ, cờ vua, bóng chuyền, bóng rổ...Nhưng thể dục trong trường ĐH là đá bóng tưởng tượng, khiêu vũ chân trần, cờ vua thì học xong không biết mặt quân cờ. Sự lãng phí và hình thức này vẫn tồn tại mặc nhiên, choán đáng kể thời gian ở bậc ĐH.

Đá bóng tưởng tượng, khiêu vũ chân trần

Một giờ học bóng chuyền của SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).

Hầu hết các trường ĐH hiện nay đều không có hoặc chỉ có cơ sở vật chất rất nghèo nàn cho SV luyện tập môn Giáo dục thể chất (GDTC). 

Do không có sân tập riêng, các SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) phải sang tận Học viện Kỹ thuật Mật mã nằm sát địa phận thị xã Hà Đông (tỉnh Hà Tây) để học thể dục. Sân tập đầy bụi, cỏ dại mọc tùm lum.

Bạn Hoàng Yến (khoa Khí tượng thủy văn) cho biết: “Để đi vào được khu vực tập, các SV phải băng qua một khoảng sân rộng, nơi SV HV Kỹ thuật Mật mã chơi bóng đá, bóng chuyền, nếu không cẩn thận thì bóng rơi vào đầu lúc nào không hay. Một số bạn còn cởi trần chơi thể thao khiến các SV nữ chỉ biết cúi mặt đi qua vì ngượng.” 

“Cùng chung số phận” là SV ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, phải sang  sân vận động quận Thanh Xuân tập cũng vì không có sân.  

ĐH Ngoại thương thì có một phòng tập sử dụng cho tất cả các môn GDTC, từ Cầu lông đến Bóng chuyền, thậm chí cả Quốc tế vũ. Mặt sân được lót một lớp chất dẻo đặc biệt nhằm giảm mức độ đau nếu chẳng may SV bị ngã trong quá trình tập luyện. Vì thế, sân rất phù hợp để tập cầu lông hay bóng chuyền nhưng lại rất bất tiện khi tập khiêu vũ.  

Nhà trường yêu cầu SV không được đi guốc cao gót và chỉ được đi giầy sạch vào sân nên đa số SV phải đi chân đất tập khiêu vũ. Trong khi đó, khiêu vũ quốc tế không chỉ đơn thuần là bộ môn thể thao mà còn ít nhiều mang tính nghệ thuật. Sàn tập phải có độ trơn nhất định để các em gái đi giày cao gót, em trai đi giày tây mới đảm bảo được các kỹ thuật bước nhảy.  

Đh Ngoại thương thường có khoảng 5.000 SV cùng học GDTC một kỳ mà chỉ có 3 giáo viên chính thức và một phòng tập đa năng. Vì thế, các buổi học có tới 150 SV khiến giáo viên không thể bao quát hết cũng như quan sát và chỉnh sửa động tác cho từng SV.

Chưa kể, năm nay, do số lượng SV tăng nên sắp tới, nhà trường sẽ cho sửa lại tầng 2 của nhà tập từ phòng tập thể hình và thể dục thẩm mỹ thành phòng học. Cơ sở vật chất dành cho luyện tập thể dục thể thao vì thế đã thiếu lại càng bị thu hẹp. 

Sân bãi đã thiếu, dụng cụ luyện tập cũng không đầy đủ. SV học môn Cầu lông ở Trường ĐH Ngoại thương và ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG HN) phải tự trang bị vợt và cầu, nhà trường chỉ cho mượn lưới.  

Thầy Nguyễn Văn Lợi, Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) cho biết: “Vừa qua, nhà trường vừa đầu tư 900 triệu đồng nâng cấp khu tập đa năng gồm sân bóng, đường chạy, sân cầu lông, bóng bàn. Mỗi năm, trường cấp kinh phí khoảng 60 triệu đồng để mua dụng cụ học tập cho môn GDTC.” Tuy nhiên, SV của trường khi học môn cầu lông vẫn phải tự trang bị cầu và vợt vì “SV quá đông, vợt chỉ đủ cho đội tuyển của trường chứ không thể trang bị cho từng em được” -  thầy Nguyễn Quốc Huy, chủ nhiệm bộ môn GDTC cho biết. 

Đa phần, SV đều nghĩ học chỉ để đối phó, để thi lấy điểm 5; vả lại, cũng chẳng có nhiều tiền để sắm vợt tốt nên chỉ mua vợt loại rẻ tiền nhất. Vợt rẻ tiền mặt lưới không căng, trình độ SV lại kém nên rất khó khăn khi luyện tập. 

Cả một lớp vài chục người nhưng cũng chỉ được một, hai cái lưới nên phải luân phiên nhau tập. Đặc biệt, các SV lớp Tiếng Anh phiên dịch K36 ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) đã từng phải học “chay” vài buổi môn bóng đá do không có bóng. Giáo viên bảo “Các em cứ tưởng tượng dưới chân mình là một quả bóng và tập…sút” nên SV đành nhắm mắt tưởng tượng rồi vung chân đá vào không khí.  

Luyện chay đến mấy buổi liền nhưng đến khi thi, giáo viên lại yêu cầu phải sút đúng kỹ thuật, dùng “má ngoài chân phải”, “mu bàn chân”, “lòng bàn chân” như các cầu thủ chuyên nghiệp nên thậm chí có nhiều SV nam chiều nào cũng đi đá bóng mà vẫn thi trượt. 

“Cưỡi ngựa xem hoa” 

Sân phòng tập thể dục của Trường ĐH Ngoại thương rất phù hợp để tập cầu lông hay bóng chuyền nhưng lại rất bất tiện khi tập khiêu vũ

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, bộ môn GDTC được giảng dạy trong 150 tiết, chia làm 5 kỳ, mỗi kỳ 30 tiết.

Theo thầy Trần Mạnh Hà (giảng viên môn GDTC Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) thì “Yêu cầu về mặt chuyên môn đối với SV là phải nắm được một số kỹ năng của một số môn thể thao. Thời gian 30 tiết có thể nói là đủ để các em nắm bắt những kỹ năng cơ bản của một môn thể thao.” 

Có lẽ vì vậy mà các trường thường xây dựng khung chương trình với 5 môn thể thao khác nhau trong 5 kỳ. Nhưng cũng chính vì muốn các em biết nhiều môn thể thao nên vô tình đã dẫn đến tình trạng “môn nào cũng biết nhưng thực ra không biết gì”. 

Thầy Ngô Bảo Long (giảng viên bộ môn Giáo dục thể chất, ĐH Ngoại thương) cho biết: “Hai kỳ cuối nhà trường bố trí cho các em học xuyên suốt một bộ môn bởi vì như bơi lội chẳng hạn, phải trải qua ít nhất 60 tiết, tương ứng với hai học kỳ, các em mới có thể bơi. Còn các nội dung khác như bóng chuyền, điền kinh, vũ quốc tế chỉ được giảng dạy trong một học kỳ nên chúng tôi không đặt ra yêu cầu cao, chỉ giúp các em nắm bắt các kỹ thuật cơ bản nhất.” 

Điển hình như môn Cờ vua ở Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội). Nhà trường chủ trương đưa môn này vào chương trình vì phù hợp với đặc thù của trường chủ yếu là SV nữ. Tuy nhiên, do ghép chung với nội dung Lý thuyết Giáo dục thể chất vào một học kỳ nên thời gian học quá ngắn, chỉ có 8 buổi, tương ứng với 16 tiết nên chỉ dạy các em giải thế cờ cơ bản. 

Một SV K38 Sư phạm Tiếng Anh của trường cho biết: “Trước khi học môn Cờ vua, em không hề biết chơi cờ. Học xong môn này, em vẫn không biết chơi, thậm chí vẫn chưa nhận được mặt quân cờ bởi vì các thầy chỉ dạy giải thế cờ trên giấy. Em cứ học thuộc một số thế cờ mẫu mà các thầy dạy là đi thi làm được bài.” 

Còn ở ĐH Ngoại thương, chỉ có 9 buổi tập mà các thầy dạy tới 5 điệu nhảy khác nhau khiến cho SV khó có thể tiếp thu hết toàn bộ. Khi được hỏi có nhớ các bước nhảy đã học cách đây một năm không, một SV năm thứ 3, khoa Quản trị kinh doanh trả lời: “Em chỉ nhớ được tên gọi của ba trong số năm điệu nhảy đã học thôi chứ nói gì đến bước nhảy.”

Hay như môn Thể dục dụng cụ (tập xà) ở ĐH Kinh tế quốc dân, mỗi lớp có khoảng 60 SV, chia làm hai nhóm, tức là 30 SV được tập với một xà. Giả sử mỗi lần lên xà mất một phút thì một buổi học 90 phút, mỗi SV chỉ được lên xà 3 lần. Đó là chưa trừ thời gian khởi động và học lý thuyết, điểm danh... Sau 15 buổi, các em chỉ được tập với xà khoảng 40 lần, có lẽ chưa bằng số lần lên xà của một vận động viên môn trong một buổi tập. Như vậy, làm sao các em có thể nắm bắt và thực hiện tốt các động tác kỹ thuật?

Hơn nữa, việc không giảng dạy luật thi đấu các môn thể thao là một thiếu sót của các trường, nó cũng giống như dạy người ta cách đi xe máy, về số, tăng ga, bóp phanh nhưng không dạy luật giao thông.  

Học thể dục... yếu đi

GDTC là một bộ môn đặc thù, yêu cầu SV phải luyện tập thường xuyên. Nhưng vì nhiều lý do mà SV chỉ có thể tập trên lớp, tức là mỗi tuần một buổi, vì thế mà thể lực hầu như không tăng cường, thậm chí nhiều bạn còn thấy... yếu đi.

Hoàng Kim Ngân (K36 Phiên dịch tiếng Anh, ĐH Ngoại ngữ) kể lại: “Hôm thi môn điền kinh, lớp mình có nhiều bạn đã ngất ngay trên đường chạy. Lớp đã ra trường nhưng có hai bạn nam bị treo bằng vì trượt môn bóng đá.”  

Nhiều SV nữ ở các trường than rằng học môn bóng chuyền rất khó, động tác đánh bóng thấp bằng cánh tay khiến sau mấy buổi tập đầu, tay nhiều bạn thâm tím. Nhưng đến khi đã tập quen quen một chút thì lại không phải học nữa, chuyển sang nội dung khác. Vì thế, tập thể dục về chỉ thấy mệt chứ chẳng khoẻ thêm chút nào. 

Hiền Thu (SV khoa Triết, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) thì “đau bụng, đau chân” sau khi tập môn điền kinh. 

Một số SV ĐH Ngoại ngữ lại mệt vì sự sắp xếp lịch học không hợp lý của trường. Nhiều hôm các bạn phải học ba tiết trên lớp đã rất mệt, lại ra sân nắng tập tiếp hai tiết thể dục nữa, về tới nhà “nhiều hôm mệt nhoài, không ăn được cơm”. Tuy nhiên, về phía nhà trường, ĐH Ngoại ngữ cho biết cũng đã cố gắng sắp xếp cho SV học GDTC vào hai tiết đầu buổi sáng và hai tiết cuối buổi chiều cho đỡ nắng. 

Có thể nói, việc học GDTC thiếu hiệu quả như hiện nay một phần là do nguyên nhân chủ quan từ phía SV. Lê Ngọc Hương (SV lớp P7 K38, ĐH Ngoại ngữ) thừa nhận: “Đa số SV chúng em vẫn có tâm lý coi đây là “môn phụ”, chỉ lấy chứng chỉ chứ không tính vào điểm tổng kết chung nên không thực sự chú tâm luyện tập.”  

Hơn nữa, nhiều khi SV muốn tập mà không có dụng cụ hoặc sân bãi. Kể cả khi nhà trường tạo điều kiện, như ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Ngoại ngữ đều cho phép SV mượn bóng tập thêm sau giờ học hoặc gần thời gian thi nhưng không phải SV nào cũng chịu khó luyện tập.

Vì thế mà SV thi lại rất nhiều. Phương Thảo, SV lớp Địa chất K50, ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết có tới một phần ba lớp bạn thi lại nội dung chạy cự ly ngắn, hai người phải học lại.

Phạm Thị Hương (khoa Triết, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) thì kể: “Thi lại nhiều hơn đi trẩy hội. Có những anh, chị đã ra trường được vài năm rồi cho đến giờ vẫn phải học lại cùng với bọn em.” 

  • Lan Hương

Phần 2: Tự chọn hay từ bỏ?

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,