221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
855368
"Cần thực hiện ngay tự chủ tài chính!"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
'Cần thực hiện ngay tự chủ tài chính!'
,

(VietNamNet) - "Đã đến lúc các trường cần tự chủ, đặc biệt là các trường công lập. Lâu nay, do ảnh hưởng bởi chế độ bao cấp, hầu hết mọi việc Nhà nước đều làm thay, trường chưa có sự chủ động trong hoạt động của mình".

 

Ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương bắt đầu cuộc trao đổi với phóng viên VietNamNet khi bàn về vấn đề tự chủ trong giáo dục ĐH.

 

Theo ông Châu, có  4 vấn đề lớn trong nội dung "tự chủ" của các trường. Đó là tự chủ về Thực hiện nhiệm vụ: Đào tạo, Nghiên cứu khoa học; Tổ chức nhân sự; Tài chính và Hợp tác quốc tế.

 

"Suốt ngày phải đi xin phép thì rất mệt" 

Soạn: HA 931521 gửi đến 996 để nhận ảnh này

"Học phí hiện nay là vấn đề bức xúc với các trường. Học phí của nước ta quá thấp, không thay đổi trong hơn 10 năm". Ảnh: H.L

 

- Với tình hình hiện nay, ông nghĩ tự chủ về những mặt nào là cần xúc tiến sớm nhất?

 

- Theo tôi mặt cần thúc đẩy sớm nhất là vấn đề tự chủ về tài chính, tức là đổi mới cơ chế huy động các nguồn lực tài chính để phát triển.

 

Hiện nay, ngân sách cho các trường công lập đều dựa chủ yếu vào hai nguồn chính là ngân sách Nhà nước và nguồn thu từ học phí, mà hai nguồn thu này ngày càng khó khăn.

 

- Một cách cụ thể, ông có thể phân tích những khó khăn của các trường trong việc vận hành trên hai khoản thu này?

 

- Thứ nhất là nguồn thu Nhà nước. Do nước ta còn nghèo, nên đầu tư vào giáo dục còn hạn chế, mà giáo dục ngày càng đòi hỏi phát triển. So sánh tương quan, đầu tư của Nhà nước ngày càng có xu hướng giảm bớt, nên các trường không có nguồn lực để phát triển.

 

Thứ hai là nguồn thu từ học phí và phát triển khoa học công nghệ. Không phải trường nào cũng có nguồn thu từ phát triển KH-CN, nên phần chủ yếu vẫn là học phí. Mà học phí thì theo chính sách hiện tại của ta, là rất thấp.

 

Khoảng 10 năm nay, học phí không hề tăng, chỉ dừng lại ở mức 1.800.000 đ/năm đối với sinh viên chính quy, thì không thể bù đắp kinh phí cho các trường được.

 

Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện, phòng máy tính, internet... tất cả các khoản ấy đều cần tiền, mà ngoài ngân sách và học phí, các trường không có cơ chế để khai thác từ các nguồn khác.

 

- Nếu có cơ chế mở về tài chính, thì sẽ có những gợi ý mở như thế nào?

 

- Một cách đơn giản nhất, các trường muốn đi vay để xây dựng, có được không? Muốn huy động nguồn đóng góp từ cán bộ, giáo viên, hoặc muốn liên doanh liên kết với các trường nước ngoài, với các doanh nghiệp... có được không?

 

Vì chưa có cơ chế, nên rất khó khăn cho các trường trong vấn đề huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn tài chính để phát triển. Mà, đó mới là nguồn lực để nâng cao chất lượng.

 

Chưa kể, hiện nay, còn có quy định, các trường làm gì, như sửa chữa, mua sắm... cứ trên 100 triệu thì phải làm thủ tục (đề án, đấu thầu...) để xin Bộ phê duyệt. 100 triệu bây giờ không phải con số lớn, mà suốt ngày phải lên Bộ xin phép thì rất mệt mỏi. Có thể quy định nới lỏng hơn, chẳng hạn 1 tỷ mới cần thủ tục phức tạp, để các trường được tự chủ nhiều hơn.

 

Cho nên, tài chính là nội dung rất cần được tự chủ, cần mở cơ chế và có những hướng dẫn cụ thể về cơ chế huy động các nguồn tài chính ngoài ngân sách Nhà nước. Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính... có thể sớm hướng dẫn cụ thể cho các trường làm đến đâu, làm như thế nào...

 

- Hiện tại, nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho các trường được tính dựa trên những yếu tố nào?

 

- Nguồn này, trước đây Bộ dựa vào số lượng chỉ tiêu hàng năm, và Bộ sẽ cấp cho một đầu sinh viên một khoản tiền nhất định. Nhưng không phải tất cả các số lượng sinh viên theo chỉ tiêu đều được hưởng kinh phí đó.

 

Ví dụ, một vài năm trước đây, Bộ GD-ĐT cấp cho các trường chỉ tiêu tuyển sinh khác, chỉ tiêu cấp ngân sách khác, đôi khi chỉ bằng 1/4 chỉ tiêu tuyển sinh.

 

Nhưng, khoảng 2 năm trở lại đây, Bộ cấp ngân sách theo cách khác. Tức là theo dự án do trường đề xuất. Ví dụ đề xuất xây mới, sửa chữa.... Một số trường thuộc diện thí điểm tự chủ kinh phí chi thường xuyên, tức là khoán gọn cho trường mỗi năm một số tiền nhất định để chi phí cho lương giáo viên, điện nước...ĐH Ngoại thương là 1 trong 5 trường thí điểm hình thức này, kinh phí Nhà nước cấp cho ít hơn. 

 

2 năm qua, Bộ khoán gọn mỗi năm 7 tỷ cho ĐH Ngoại thương. Như hiện tại, lương cán bộ tăng, trường phải huy động từ các khoản khác để bù vào, như học phí từ hệ tại chức, hoặc phải thu hút sinh viên Trung Quốc...

SV Trường ĐH Ngoại thương trong giờ lên lớp. Ảnh: Nguyên Nhung

 

"Nhiều thủ tục rất buồn cười"

 

- Vấn đề nào nữa, theo ông là bức xúc hơn cả, đối với các trường khi chưa được "cởi trói"?

 

- Đó là vấn đề hợp tác quốc tế. Lâu nay, đáng lẽ vấn đề này các trường được quyền tự liên hệ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Nhưng hiện nay, Bộ GD-ĐT vẫn làm nhiệm vụ xét duyệt nhiều thủ tục rất rườm rà, rắc rối, mà có những thủ tục... rất buồn cười.

 

- Những thủ tục nào gây cản trở nhất với các trường hiện nay?

 

- Ví dụ như nhà trường chỉ cần ký kết một chương trình đào tạo với nước ngoài, nhưng Bộ lại yêu cầu áp dụng một Nghị định 15, Thông tư 18 về việc "Thành lập một cơ sở đào tạo nước ngoài tại Việt Nam", rồi đòi hỏi rất nhiều giấy tờ vô lý và buồn cười. Chẳng hạn, giấy phép thành lập của trường nước ngoài, gửi báo cáo tài chính và lý lịch của đội ngũ giảng dạy của trường sang để kiểm tra, rồi yêu cầu trường đó phải đến Đại sứ quán Việt Nam tại nước đó để lấy dấu...

 

Sau đó, ở Bộ GD-ĐT cũng còn nhiều thủ tục loằng ngoằng. Đầu mối giải quyết những vấn đề  liên kết, hợp tác quốc tế là Vụ Hợp tác quốc tế. Trường nào đưa lên đề nghị gì đó, là Vụ này lại phải hỏi tất cả các Vụ khác trong Bộ, nếu tất cả các Vụ "ô kê" thì mới duyệt, nếu không lại phải để ách tắc.

 

ĐH Ngoại thương có liên kết với ĐH Nantes, đào tạo Thạc sỹ quản trị dự án, giảng dạy bằng tiếng Pháp, và cộng đồng Pháp ngữ (AUF) tài trợ, nhưng xin Bộ đến 6 tháng đến nay vẫn chưa được quyết định, trong khi tháng 10 này, theo kế hoạch, phải bắt đầu đi vào giảng dạy.

 

Các trường trực thuộc Chính phủ, không trực thuộc Bộ GD-ĐT như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, các ĐH vùng như ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế... thì tự do trong liên kết với nước ngoài.

 

Cho nên, cách quản lý như của Bộ hiện nay gây mệt mỏi cho nhiều trường trực thuộc và gây sự bất bình đẳng.

 

"Chính sách: đã có; triển khai: chưa đáng gì"

 

- Một số trường đòi "tự chủ" có phản đối quy định chương trình khung của Bộ GD-ĐT. Ông nhận xét gì về quy định này?

 

- Bộ xây dựng chương trình khung cho các khối ngành, với mục đích đảm bảo chất lượng đào tạo chung thống nhất. Nhưng chương trình khung, hiện nay, chiếm tỷ lệ khá lớn, đến 60% thời lượng tổng chương trình.Chương trình khung của Bộ cũng không được cập nhật liên tục. Theo tôi, chỉ cần đảm bảo 20%-30% thôi, còn 70-80% còn lại để các trường tự linh hoạt thay đổi, bổ sung thêm cho phù hợp với nhu cầu đào tạo của mình. 

 

- Nhiều lời phàn nàn rằng các chương trình giảng dạy trong ĐH của ta nặng lý thuyết và nhiều thời lượng cho các môn "bắt buộc". Ông nghĩ sao đến vấn đề này?

 

- Đúng là thời lượng của các môn Mac-Lenin, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng... nhiều quá. Chúng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chương trình, mà như vậy không tương thích với giáo dục tiên tiến của nước ngoài. Chính vì thế, hầu hết SV VN từ các trường ĐH trong nước khi sang nước ngoài hầu hết không được chấp nhận chuyển tiếp, mà phải học từ năm nhất.

 

Với chương trình nặng về nhiều môn đó, tôi thấy không cần thiết, nhất là trong thời đại bây giờ, chưa kể Mac-Lenin đã nhiều môn, mà phương pháp giảng dạy lại không thay đổi, nên không gây được hứng thú cho SV. Đặc biệt, từ năm vừa rồi, lại có quy định thi tốt nghiệp phải thi các môn này, sau nhiều năm đã bỏ được quy định đó.

 

- Về khâu tổ chức nhân sự, quyền hạn của các trường đến đâu, thưa ông? 

 

- Về nhân sự, Bộ đã cho phép Hiệu trưởng các trường quyết định các vấn đề về biên chế, tuyển dụng, cho thôi việc, nói chung cũng đã nới rộng hơn.

 

Hiện nay, theo quy định Nhà nước, ở Nghị định 05 về đổi mới giáo dục đại học và Nghị định 43 về Tài chính... cũng đã có mở hơn, tuy nhiên mới là về chính sách. Còn chưa đi vào triển khai được gì nhiều.

 

- Giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo là chủ trương của Nhà nước, nhưng để thực hiện cũng vẫn còn nhiều vấn đề, nhất là những cam kết "trách nhiệm xã hội", dường như các trường chưa thấy đề cập gì?

 

- Tự chủ trong đào tạo đôi khi cũng dẫn đến không đảm bảo chất lượng đào tạo. Tự chủ trong tài chính có thể dẫn đến mức học phí quá cao, tạo sự chênh lệch lớn, ảnh hưởng không tốt tới xã hội, nhà trường nói chung, khi mà thu nhập của nhân dân còn thấp. Ngoài ra, cũng có thể có sự tự do quá trong hợp tác quốc tế, dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của người học.

 

Bộ GD-ĐT cũng cần thận trọng trong việc giao quyền tự chủ. Hơn nữa, Bộ GD-ĐT không phải là cơ quan toàn quyền trong vấn đề này, còn nhiều Bộ, ban, ngành liên quan. Chúng tôi chỉ cần Bộ làm dần dần những mục tiêu là được rồi.

 

- Cảm ơn ông. 

  • Hoàng Lê (thực hiện)

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,