221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
856778
Tự chủ ĐH "đánh đổi" bằng trách nhiệm xã hội
1
Article
null
Tự chủ ĐH 'đánh đổi' bằng trách nhiệm xã hội
,

(VietNamNet) - Chính phủ Nhật Bản đã dùng WTO để gây áp lực cải cách giáo dục đại học (GDĐH) trong nước. Khi Việt Nam tham gia WTO, nếu tình trạng tự chủ ĐH như hiện nay, sẽ xảy ra nghịch lý: các trường ĐH mất bình đẳng ngay trên sân nhà. Tuy nhiên, thực thi tự chủ ĐH, "quyền tự chủ lớn hơn phải được “đánh đổi” bằng trách nhiệm xã hội nhiều hơn”.

GS Phạm Phụ bày tỏ khi trao đổi với VietNamNet về tự chủ ĐH.

VN gia nhập WTO, ĐH mất bình đẳng tại "sân nhà"!

GS Phạm Phụ: Ở VN, “cung” GDĐH mới chỉ khoảng 30% của “cầu”, nghĩa là ĐH vẫn còn có tính chất “độc quyền”. Khi còn “độc quyền” thì dịch vụ dù có tồi đến mấy, “người tiêu dùng” vẫn thường cứ phải “mua”. Ảnh: H.A

Thưa GS, vừa qua, nhân việc Trường ĐH FPT xin phép “thử nghiệm về việc tự chủ trong công tác tuyển sinh và đào tạo”, các trường ĐH cũng như dư luận xã hội lại “rộ” lên chủ đề "tự chủ ĐH". GS có cho rằng đây là vấn đề đã chín muồi trong quản lý GDĐH ở VN?

Đây là xu thế chung trong cải cách GDĐH trên thế giới suốt 15 - 20 năm qua.

 Ở VN, định hướng này được xác định cũng đã 4, 5 năm nay. Luật Giáo dục 2005 cũng đã trao quyền cấp bằng cho các trường ĐH.

Nghị định 43 ngày 25/4/2006 vừa qua cũng đã nói đến việc giao quyền tự chủ tài chính cho các “đơn vị sự nghiệp dịch vụ công”, trong đó có các trường ĐH.

Tuy nhiên, nội dung tự chủ ĐH rộng lớn hơn nhiều.

Khi VN gia nhập WTO, nước ngoài có quyền lập ĐH liên doanh ở VN và đến tháng 01/2009, sẽ có quyền lập ĐH 100% vốn nước ngoài với khá đầy đủ quyền tự chủ ĐH.

Nếu không có quyền tự chủ ĐH như họ thì các trường ĐH VN khó lòng mà có thể cạnh tranh lành mạnh với nhau cũng như cạnh tranh với các ĐH có yếu tố nước ngoài để phát triển.

Khi tham gia WTO, VN có nghĩa vụ “đối xử quốc gia”, nghĩa là phải đối xử với nước ngoài bình đẳng như đối xử với trong nước.

Nếu tình trạng tự chủ ĐH như hiện nay thì xảy ra một nghịch lý là, đối xử với trong nước lại không được bình đẳng như đối xử với nước ngoài.

Nghĩa là GS cũng cho rằng vấn đề đã quá cấp bách?

Đúng là như vậy.

Tuy nhiên, tự chủ ĐH luôn đi kèm với quản trị ĐH, đi kèm với cung cách quản trị một trường ĐH sao cho có hiệu quả, có khả năng cạnh tranh, minh bạch và trách nhiệm xã hội… về phía trường ĐH, và cung cách quản lý sao cho đảm bảo được định hướng phát triển quốc gia, điều phối nguồn lực có hiệu quả, kiểm soát được chất lượng, “bảo vệ người tiêu dùng” SV, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các trường… về phía Bộ GD - ĐT.

Hiện nay, theo tôi, cả hai phía đều chưa có được những “tiền đề” để có được những cung cách quản lý như vậy.

Xin lấy một ví dụ: quyền tự chủ ĐH phải được giao cho “Hội đồng trường” (HĐT) chứ chưa thấy ai giao cho một cá nhân hiệu trưởng hoặc một “thực thể” nói chung là trường ĐH. Thế nhưng, hiện nay hầu hết các ĐH đều chưa có một HĐT đúng nghĩa.

Cần tạo áp lực với trường ĐH

Thưa GS, nhưng trong Điều lệ trường ĐH mà Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành từ 30/7/2003 đã có quy định về HĐT?

HĐT phải là một HĐ quyền lực thực sự, HĐ quyết định các chính sách của nhà trường và có cơ chế kiểm soát độc lập đối với các hoạt động của nhà trường. HĐT đại diện cho “chủ sở hữu cộng đồng”, thường có thành phần bên ngoài trường nhiều hơn thành phần bên trong trường, có cả đại diện của SV.

Ở Thuỵ Điển, luật quy định HĐT có 11 thành viên và yêu cầu phải có 6 thành viên bên ngoài trường.

Một khảo sát thực tế ở Úc năm 2000 cũng cho thấy, tính trung bình, thành phần bên ngoài trường chiếm đến 50-60% trong tổng số 19 thành viên của HĐT.

Đáng tiếc, quy định về HĐT của Chính phủ đã có từ nhiều năm qua nhưng đến nay cũng chỉ mới có trên dưới 10 HĐT được thành lập.

 Và, các HĐT vừa được thành lập cũng như các HĐ quản trị ở các ĐH ngoài công lập hiện nay nhìn chung vẫn chưa thực sự là một HĐT.

Có lẽ, trong chỉ đạo thực hiện cần xác định rõ, đây là một “áp lực xã hội” đối với trường ĐH.

Thưa GS, liệu có cần một "áp lực xã hội" đối với trường ĐH khi mà nó đã buộc phải thực hiện cơ chế “tự chịu trách nhiệm?

Thiết nghĩ, ai chẳng “tự chịu trách nhiệm”. Ở đây là “Trách nhiệm xã hội”, trách nhiệm của trường ĐH đối với SV, cha mẹ SV, người sử dụng, công chúng nói chung và Nhà nước. Trách nhiệm này bao gồm: Đảm bảo chất lượng đào tạo, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đem lại sự thoả mãn cho SV và cộng đồng, thông tin minh bạch và báo cáo giải trình công khai với công chúng.

Xóa "độc quyền" giáo dục ĐH

Soạn: HA 935759 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đến tháng 01/2009, nước ngoài sẽ có quyền lập ĐH 100% vốn nước ngoài với khá đầy đủ quyền tự chủ ĐH. Nếu không có quyền tự chủ ĐH như họ thì các trường ĐH VN khó lòng mà có thể cạnh tranh lành mạnh. Trong ảnh: triển lãm giáo dục ĐH Hoa Kỳ. Ảnh: Lê Anh Dũng
GS đã từng dành thời gian để tìm hiểu GDĐH các nước và từng phác thảo "diện mạo mới của GDĐH Việt Nam". Vậy các nước trên thế giới đã "tạo áp lực xã hội" với trường ĐH thế nào?

Một nghiên cứu khảo sát gần đây về tự chủ ĐH ở 20 nước trên thế giới đã đưa ra một số kết luận như sau:

Về thẩm quyền và thực tế, nhìn chung, mức độ can thiệp của Nhà nước có thể chia thành 3 nhóm: Nhiều nhất là ở các nước châu Á (trừ một số trường hợp riêng ở Singapore và Malaysia gần đây), trung bình là ở các nước châu Âu và ít nhất là ở các nước hệ Anh - Mỹ. Nghĩa là các trường ĐH hệ Anh-Mỹ có quyền tự chủ nhiều nhất.

Thứ hai, trong 7 mặt nội dung về tự chủ ĐH là: cán bộ, sinh viên, chương trình và giảng dạy, chuẩn mực khoa học, nghiên cứu và công bố, quản trị, hành chính và tài chính, hai mặt mà các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có sự can thiệp nhiều nhất là hành chính – tài chính các chuẩn mực học thuật.

Mặt thứ nhất bao gồm: số lượng SV theo từng ngành, đóng cửa hoặc sát nhập các cơ sở ĐH, các danh hiệu được cấp, kiểm toán tài chính, mức học phí và tài trợ cho SV…

Mặt thứ hai bao gồm: Tiêu chí nhập học, chuẩn mực tốt nghiệp, kiểm định chất lượng, công nhận các chương trình và trường ĐH, v.v…

Và, thứ ba, vẫn tồn tại một “phổ” về mức độ tự chủ, kéo dài từ mức Nhà nước chỉ giám sát, nghĩa là trường ĐH có mức độ tự chủ rất cao, cho đến mức Nhà nước kiểm soát,  nghĩa là Nhà nước giám sát, so sánh kế hoạch với thực tế và đưa ra cả việc điều chỉnh.

Ở Mỹ, quyền tự chủ cao nhất là ở các ĐH định hướng nghiên cứu, thấp nhất là ở các trường CĐ cộng đồng.

Cũng xin lưu ý, ở Canada, đa số là ĐH tư thục và ở nhiều bang của Mỹ, Nhà nước vẫn đưa ra trần học phí.

Ở Hàn Quốc, “cung” GDĐH như đã vượt “cầu”, nhưng Nhà nước vẫn có quota cho các trường ĐH.

Ở VN, “cung” GDĐH mới chỉ khoảng 30% của “cầu”, nghĩa là ĐH vẫn còn có tính chất “độc quyền”.

Khi còn “độc quyền” thì dịch vụ dù có tồi đến mấy, “người tiêu dùng” vẫn thường cứ phải “mua”. Dịch vụ lại là loại hàng hoá có chất lượng biến thiên rất cao và rất khó đánh giá. Mà dịch vụ ở đây lại là GD nữa.

Chúng tôi hiểu rằng, tự chủ ĐH là một vấn đề rộng lớn và khá phức tạp. Và GS cũng đã xác nhận, đây là vấn đề khá cấp bách. Vậy ủng hộ việc thử nghiệm tự chủ phải là xu hướng không thể cưỡng lại được?

Để thử nghiệm, đầu tiên, Bộ quản lý cần xây dựng ngay một số “chỉ số hoàn thành nhiệm vụ” của trường ĐH, đưa ra “khung đảm bảo chất lượng” và kiểm toán tài chính độc lập, quy định về báo cáo giải trình công khai…

 Thứ hai, các trường ĐH thành lập hoặc củng cố HĐT theo đúng quy định của Chính phủ, củng cố năng lực quản lý và xây dựng đề án tự chủ ĐH cho trường mình.

Thứ ba, Bộ quản lý nên chọn 5-7 trường ĐH có những đặc điểm khác nhau và lựa chọn một số mặt trong 7 mặt nội dung theo những kinh nghiệm của thế giới nói trên để thử nghiệm giao quyền tự chủ theo một lộ trình nào đó.

Một “thỏa thuận về chính sách và hành động” cũng phải được ký kết giữa Bộ GD-ĐT với các trường ĐH thực hiện tự chủ ĐH.

Tiến trình tự chủ ĐH ở VN, theo dự đoán của GS, có thể diễn ra mau chóng?

Tôi không dám nói gì về điều này vì tiến trình hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước, Bộ quản lý và chính các trường ĐH.

Với các trường ĐH, quyền tự chủ lớn hơn phải “đánh đổi” bằng trách nhiệm xã hội nhiều hơn. Tự chủ ĐH phải đi kèm với quản trị ĐH. Nghĩa là luôn có hai vế, vế thứ nhất là quyền lợi, còn vế thứ hai là nghĩa vụ. Tôi không rõ, các trường ĐH đã sẵn sàng hay chưa.

Tuy nhiên, có 3 kinh nghiệm có lẽ rất có ích cho chúng ta khi thực hiện tự chủ ĐH.

Thứ nhất, ở Hà Lan, những năm 1970, khi Chính phủ thực hiện cải tổ quản trị ĐH, cải tổ HĐT, đã có vị GS đình công, có 200 vị GS đã ra tuyên bố chung phản đối dạng “sách trắng”.

Thứ hai, theo nghiên cứu của giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia về quản trị ĐH ở Canberra, cộng đồng ĐH thường có một “cảm giác xung khắc” với các vấn đề về quản trị ĐH.

Thứ ba, Chính phủ Nhật Bản đã dùng WTO để gây áp lực cải cách GDĐH trong nước (bởi ngân hàng thế giới cho rằng, ngành GD là “bảo thủ bẩm sinh” ). Tự chủ ĐH là một nội dung cơ bản của cải cách GDĐH. Mà cải cách thì bao giờ cũng gặp phải muôn vàn khó khăn.

Xin cám ơn GS.

  • Hạ Anh (thực hiện)

Ý kiến của bạn:


 
 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,