“Chèo đò” ngược núi
Trường có 20 giáo viên thì có 13 giáo viên “cắm” ở các bản sâu như Huồi Thăng, Huồi Mụ, Huồi Pứa. Những bản nằm cách xa trung tâm, mỗi lần giáo viên đi giao ban, phải đi bộ hơn 6 tiếng, mang theo lỉnh kỉnh túi to, túi nhỏ dự trữ lương thực. Nhiều giáo viên trẻ ngày đầu còn hăng hái, nhưng cứ nghe báo tin họp giao ban đều...ớn.
Ở Huồi Tụ vẫn còn duy trì nạn tảo hôn, khi những thửa ruộng bậc thang chuyển màu vàng rực, đám trẻ trong độ tuổi cướp vợ lại bỏ học đi theo "tiếng gọi tình yêu”. Chưa kể, nhiều HS phải bỏ học làm nương rẫy. Thầy cô lại phải vượt núi đến từng nhà để tuyên truyền vận động về tác hại của tảo hôn, khuyên các em đến trường học chữ.
Thầy Hoàng dẫn tôi ra sân trường, các em đang quét dọn. Nom em nào cũng còm nhom, có HS đến trường còn phải kiêm cả nhiệm vụ giữ em. Đầu năm học, giáo viên của trường đều tự bỏ tiền túi góp lại để mua thêm sách, bút, giấy, thậm chí còn phải mua cả áo quần cho trò.
Ta Đo gần Lào đến không ngờ. Cô giáo Hương Lan cười: “Chiều nào bọn em cũng sang mò ốc Lào về luộc ăn, thanh niên Lào qua Việt Nam đánh bóng chuyền rồi về ăn cơm tối. Gần nhau, ở đây chỉ cần “qua khe là lấy được vợ ngoại”. Những đứa trẻ sinh ra không có quyền lợi được đăng ký khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế …gia đình đẻ vô tội vạ, chồng nghiện ngập đánh đập vợ con tàn nhẫn.
Điển hình trong số đó có Hoa Phò Nhân người bản Ta Đo lấy Hoa Mẹ Nhân người Lào, chưa đầy 40 tuổi đã có 5 con. Phò Nhân nghiện ngập suốt ngày, đánh đập vợ con, bán cả ngôi nhà sàn để chích hút, mẹ con giờ ở trong mái lều rách nát. Thầy hiệu phó Nguyễn Văn Nga nói: “Gia cảnh đáng thương lắm, có 3 đứa đang theo học thầy cô giáo phải mua sắm sách vở, áo quần cho cả 3".
Đêm trời nổi cơn cuồng nộ, sấm chớp rạch trời, gió hùn hụt, dãy ký túc xá chuyển mình răng rắc. Thầy Hoàng đội mưa soi đèn ra dòng Nậm Mộ. “Mưa lũ bất thường, phải xem mức nước dâng đến mô, năm ngoái cũng mưa như ri mà lũ quét tràn về. May giáo viên của trường chạy kịp thời. Sáng hôm sau mới biết trường bạn ở bản Xốp Pe (Mường Típ) và nhiều nhà dân đã bị lũ quét san phẳng”- Thầy Hoàng trầm tư.
Sáng ấy, các thầy cô giáo dạy ở điểm lẻ lại lỉnh kỉnh ngược rừng vào 3 bản người Mông là Chà Lạt, Huồi Khói, Huồi Phe trên đỉnh Pu Pa. Bóng các thầy cô giáo lẩn khuất trong sương thì thầy Hoàng mới quay về. Mắt thầy bỗng đỏ hoe: “Ngoài ni khổ một thì trong nớ khổ mười anh ạ, dốc cao ngược trời, leo lên tới đỉnh Pu Pa mất nửa ngày trời chân tay tứa máu.”
Hiện nay ở Huồi Tụ, các em đều đến trường đúng độ tuổi, cả xã có 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS với trên 700 em. Đến giờ, xã đã có một trường cao tầng, ký túc xá giáo viên lợp ngói khang trang. Có nhiều con em người Mông học xong trở về làm việc như thầy giáo Lỳ Bá Vừ giáo viên môn tiếng Anh, anh Lầu Bá Mai.
Cô giáo “cắm” bản và nỗi lo…lấy chồng
Ngoài khó khăn chung về cơ sở vật chất, trường lớp, giao thông, Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn cũng đang phải “đương đầu” với bài toán nan giải, nỗi niềm lập gia đình của nhiều giáo viên nữ lên đây công tác.
Ông Trần Văn Khánh - Trường phòng GD-ĐT huyện cho hay, huyện có 100 giáo viên chưa lập gia đình. Đa số là giáo viên nữ, tuổi trung bình từ 28-32.
Thống kê chưa chính thức của Phòng GD-ĐT, khoảng 50% giáo viên nữ khi lên đây nhận nhiệm vụ công tác đều lấy chồng người dân tộc thiểu số..
“Đa số giáo viên đều cắm ở những bản lẻ, đi bộ cả ngày trời mới tới nơi. Chập choạng tối, nhà nào cũng “cửa cài then đóng”.
Ở Kỳ Sơn, giáo viên “cắm” bản vẫn thường kể cho nhau nghe về chuyện tình thấm đẫm nước mắt của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Loan và Lầu Bá Súa, dân tộc H’Mông, giáo viên dạy địa lý trường THCS Huồi Tụ.
Loan sinh năm 1983, quê gốc ở Diễn Thành, huyện Diễn Châu. Sau khi tốt nghiệp trường CĐSP Nghệ An. Năm 2002, Loan quyết định theo “tiếng gọi của tình yêu” về quê Súa.
Bạn bè khi biết chuyện đã can ngăn vì nghĩ Loan đã dính “bùa yêu”. Ngay như bố mẹ Loan, khi biết chuyện này cũng cho là con mình “có vấn đề. Quá buồn, Loan vẫn “lên giây cót” quyết tâm chinh phục các cụ.
Thấm thoắt đã 4 mùa hoa ban về làm dâu xứ bản. Hiện Loan cũng đã nói thành thạo tiếng địa phương và bắt nhịp khá nhanh với một số phong tục tập quán của người H’Mông. Sau 4 năm chung sống, Loan đã sinh cho Súa một bé gái kháu khỉnh, mang hai dòng họ Lầu Nguyễn Hưng Giang.
Trường hợp của cô giáo Lê Thị Thanh Huyền (phường Trung Đô, T.P Vinh) cũng tương tự. Huyền sinh năm 1979, dạy ở trường THCS Mường Lống đã 4 năm. Huyền yêu đồng nghiệp Và Bá Chừ, giáo viên dạy Địa Lý, dân tộc H’Mông.
Ngày báo tin chuẩn bị lên xe hoa, bố mẹ biết chuyện, đã viết thư lên nằng nặc yêu cầu cô chuyển về quê. Thậm chí, đích thân ông bà còn lên tận nơi để phản đối. Mất một thời gian chứng minh và qua những lần để chàng rể tiếp xúc với gia đình, ông bà mới tin tưởng sự lựa chọn của con gái mình. Năm 2004, Huyền tràn ngập hạnh phúc sánh vai cùng Chừ đi giữa những hàng mận tam hoa rợp sắc màu.
Những giáo viên “cắm” bản ở Kỳ Sơn, ngoài cô giáo Loan, Huyền còn có cô Long, cô Hạnh, cô Phương lấy chồng dân bản.
Thầy Phạm Ngọc Sửu, phụ trách công tác cán bộ huyện Kỳ Sơn cho biết: “Giáo viên “cắm” bản khi quyết định lấy chồng miền ngược phải rất bản lĩnh. Các cô chịu nhiều sức ép lắm."
Mỗi năm, Nghệ An đều thực hiện chính sách luân chuyển giáo viên giảng dạy ở miền núi đã hoàn thành nhiệm vụ về miền xuôi. Tuy nhiên, nhiều cô giáo sau khi thực hiện xong nghĩa vụ, ngoảnh lại, cũng đã đến tuổi “băm”, không dễ gì để tiếp tục xây dựng cuộc sống riêng tư cho mình.
-
Ngọc Bình- Hoàng Sang