(VietNamNet) - Chủ trương công bố môn thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT có "đột ngột"? So với môn Ngoại ngữ, tính phức tạp trong việc ra đề thi trắc nghiệm các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học sẽ khó đánh giá đúng kiến thức của học sinh? Tại sao Bộ không tổ chức hướng dẫn cho học sinh tiếp cận trước để tránh rủi ro khi thi thật?... Đó là những vấn đề được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long giải đáp.
>> Mời quý vị nghe lại cuộc phỏng vấn tại đây
Sẽ có hướng dẫn thi thử ở học kỳ II...
Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết: Trong hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ đầu năm 2005 đã thông báo, lộ trình năm 2007sẽ tiếp tục triển khai thi thêm 3 môn trắc nghiệm là Vật lý, Hóa học, Sinh. Năm 2008, tiếp tục tổ chức thi trắc nghiệm 3 môn nữa là Toán, Sử và Địa. Riêng môn Văn, vẫn thi theo phương thức tự luận hoặc có thể kết hợp với một phần trắc nghiệm.
Phải khẳng định, tất cả đề thi trắc nghiệm của các môn Lý, Hóa, Sinh hiện nay đã đủ cơ số và tiếp tục hoàn thiện. Bên cạnh việc chuẩn bị đề thi cho các môn này, chúng tôi còn chuẩn bị một số đề trắc nghiệm cho các môn Toán, Sử và Địa cho năm kế tiếp.
Về mặt hướng dẫn, chúng ta đã thi trắc nghiệm đối với môn Ngoại ngữ. Vì thế, về mặt phương thức, hoàn toàn giống với thi môn trắc nghiệm Ngoại ngữ. Hiện nay, Cục Khảo thí kiểm định chất lượng sẽ ban hành rất sớm hướng dẫn cho từng môn một, Lý, Hóa và Sinh.
Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với Đài Truyền hình tổ chức những buổi hướng dẫn trên truyền hình như đã làm với môn Ngoại ngữ, mỗi tuần 3 buổi cho từng môn Lý, Hoá, Sinh. Ngoài ra, chương trình học tập không có gì thay đổi. Sau khi có hướng dẫn, Bộ khuyến khích các trường phổ thông, các Sở GD-ĐT cho các em kiểm tra bằng phương pháp trắc nghiệm trong học kỳ II.
- Nhiều ý kiến băn khoăn việc tổ chức thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ "nhẹ" hơn đối với các môn Lý, Hóa, Sinh nên phải có thông báo sớm. Nhưng, đến thời điểm này Bộ GD-ĐT vẫn chưa có hướng dẫn triển khai xuống các trường?
Vấn đề này, lẽ ra Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng phải làm khẩn trương hơn, sớm hơn nữa. Nhưng với tinh thần là phương thức thi trắc nghiệm của môn Ngoại ngữ và các môn khác là như nhau. Về mặt kỹ thuật thì không có gì thay đổi, chỉ có nội dung. Mà nội dung thì cũng là các chương trình đã học, cho nên cũng không có gì khác.
Ở đây là cấu trúc của câu hỏi thi, đòi hỏi trách nhiệm của ban đề thi nhiều hơn. Làm thế nào để đảm bảo được những câu hỏi thi sát với chương trình đã học, đảm bảo được độ chính xác của đề thi có thể phân loại học sinh. Như vậy, về mặt kỹ thuật, đối với học sinh không có gì đáng chú ý. Tuy nhiên đây là học sinh lớp 12, năm trước các em chưa được thi Ngoại ngữ nên phần nào đó đang còn bỡ ngỡ, nhưng Cục Khảo thí khẳng định là sẽ ban hành sớm hướng dẫn; đồng thời sẽ hướng dẫn các Sở, các trường thực hiện.
- Thứ trưởng vừa nói các em học sinh lớp 12 chưa thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ năm trước sẽ gặp bỡ ngỡ. Vậy tại sao, không tổ chức một kỳ thi thử đối với 3 môn Lý, Hóa, Sinh như đã thực hiện đối với môn Ngoại ngữ?
Vấn đề đặt ra là rất đúng. Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn các Sở GD-ĐT cho các em kiểm tra thử trong học kỳ II, như lúc trước tôi đã nói. Trên thực tế, phương thức tổ chức 3 môn Lý, Hóa, Sinh không có gì khác nhau. Nội dung kiến thức không có gì mới đều có trong chương trình, cho nên chỉ làm quen chỉ là mặt kỹ thuật.
Cuối tháng 01/2007, Cục Khảo thí kiểm định chất lượng sẽ phối hợp với Truyền hình, hàng tuần, mỗi tuần có một buổi để hướng dẫn cách làm thi trắc nghiệm cho từng môn một. Thời gian sẽ thực hiện trong 3 tháng.
Phải sáng tạo mới làm hết được đề trắc nghiệm
- Có hiện tượng, các trường đang phản ánh trong suốt năm học vừa rồi, họ chưa thay đổi kịp phương thức giảng dạy cũng như cách học của học sinh chưa thay đổi kịp với phương thức thi trắc nghiệm này, liệu có dẫn đến tình trạng lệch lạc giữa thi và học không tương xứng với nhau không?
Không. Tôi cho rằng đó là khối lượng kiến thức cơ bản, nắm được thì có thi tự luận hay trắc nghiệm thì khối lượng kiến thức vẫn thế. Chỉ có điều, việc thi trắc nghiệm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh không bị áp lực mà học sinh nắm được kiến thức sẽ làm bài rất nhanh và không có bất cứ sự căng thẳng nào. Còn kiến thức đã nắm trong trường là phải như nhau.
- Nhưng liệu mở rộng quá các môn thi trắc nghiệm thì có đẩy đến một thái cực khác, có nghĩa sẽ làm thui chột sự sáng tạo của học sinh?
Nói như vậy là không đúng. Vì trong quá trình ra đề thi trắc nghiệm, những người ra đề đã tổng hợp tất cả những kiến thức, làm thế nào để không phải học thuộc lòng mà làm được đề trắc nghiệm. Và như vậy trong quá trình câu hỏi thi rất đa dạng, có những đề thi phải suy luận, phải sáng tạo mới làm hết được đề thi trắc nghiệm.
- Năm nay, đề thi cho học sinh học phân ban thí điểm sẽ thế nào?
Đề thi với họ vẫn là hình thức thi của năm trước. Chúng tôi đang còn đề nghị các thầy giáo nghiên cứu xem có thể làm được một đề thi chung nhất hay không, hay vẫn chia ra làm hai phần như đối với đề thi Ngoại ngữ. Nếu như các nhà chuyên môn ra đề cho rằng có thể làm được một đề thi thống nhất thì là tốt nhất.
- Từ sơ sót trong đề thi trắc nghiệm năm ngoái với "đề tự chọn và không tự chọn" gây ra sự hiểu nhầm của học sinh, liệu những sai sót này có được rút kinh nghiêm trong việc làm đề?
Tất nhiên là phải rút kinh nghiệm. Thực ra nói sai sót năm ngoái không phải là sai sót, mà là cái cách ghi trên câu hỏi đề thi đáng lẽ phải rõ hơn, đỡ nhầm lẫn cho một số thí sinh, mà số thí sinh năm ngoái nhầm không phải là nhiều, nhưng tất nhiên mỗi một sơ suất đều phải được rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.
- Như vậy, đề thi năm nay sẽ có hai phần dành cho thí sinh phân ban và không phân ban?
Nếu như các nhà ra đề không giải quyết được theo hướng ra đề chung. Bởi, vì kiến thức cốt lõi là như nhau, thì sẽ có hai cách như vậy, cái đó sẽ tính sau.
Có thể nói, cho đến giờ việc chuẩn bị cho 4 môn thi trắc nghiệm đã cơ bản hoàn tất, đặc biệt là đề thi.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
-
Kiều Oanh (thực hiện)