221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
882026
Bộ trưởng Giáo dục: Không muốn dùng từ "thuyết phục"!
1
Article
null
Bộ trưởng Giáo dục: Không muốn dùng từ 'thuyết phục'!
,

(VietNamNet) - Đối thoại với du học sinh đầu năm mới, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm 2007, sẽ xây dựng các kế hoạch tích hợp viện nghiên cứu với trường ĐH; xây dựng cơ sở dữ liệu về GS, TS người Việt ở nước ngoài; chuẩn bị đất cho ĐH uy tín nước ngoài tới Việt Nam mở trường và mở lễ tôn vinh các doanh nghiệp hảo tâm với giáo dục. Đối với cơ sở ĐH, sẽ tạo động lực để thúc đẩy cạnh tranh.

Do không có điều kiện trực tiếp tham gia hội nghị thường niên của lưu học sinh quỹ giáo dục Việt Nam Hoa Kỳ diễn ra trong những ngày cuối năm 2006 (26 đến 30/12) tại Houston (Mỹ), Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã đối thoại với các lưu học sinh thông qua "chiếc cầu" VietNamNet.

Xem video clip buổi đối thoại TẠI ĐÂY.

Dưới đây là nội dung buổi đối thoại.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong buổi đối thoại.
Lê Tiến Dũng
(nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật và quản lý xây dựng - Trường ĐH Texas ở Houston): Hiện nay, nhiều nghiên cứu sinh có mong muốn làm giáo viên thỉnh giảng ở các trường ĐH trong nước khi đang học tập ở nước ngoài và cả khi đã tốt nghiệp. Xin hỏi Bộ trưởng, có cơ chế nào giúp các bạn đạt được mong muốn đó?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Hiện nay, các trường ĐH Việt Nam rất thiếu người dạy có trình độ giáo sư (GS), tiến sĩ (TS). Bình quân, trong 100 giảng viên ĐH, chỉ có khoảng 13 TS, 5 PGS, GS.

Vì vậy, từ nhu cầu khách quan phát triển giáo dục ĐH đến chủ trương của Bộ  trong 10 năm sắp tới, phải nâng đáng kể tỷ trọng giáo viên có trình độ TS để ĐH VN có thể cung cấp nhân lực trình độ cao hơn theo xu hướng phát triển ĐH trên thế giới. Theo hướng này, Bộ đang thiết kế chương trình trong vòng 10 năm tới, đào tạo trong và ngoài nước 2 vạn TS làm lực lượng nòng cốt.

Có nhiều cách để thực hiện nội dung mà anh chị hỏi. Nếu đã sẵn quan hệ ở một số trường trong nước thì có thể chủ động liên hệ để trường chủ động tiếp nhận. Nếu không, liên hệ qua  Bộ GD-ĐT, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các anh chị để tìm việc làm thích hợp.

Điều kiện trang bị cơ sở vật chất của ta  hiện không thể bằng các nước phát triển. Nhưng nếu biết liên kết nguồn lực trong nước, vẫn có thể đầu tư hình thành phòng thí nghiệm tốt, phục vụ cho nghiên cứu khoa học.

Hiện nay trong nước có 9 trường ĐH đào tạo theo chương trình tiên tiến của nước ngoài.  Bộ GD-ĐT đã  hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm và bồi dưỡng giáo viên với mức hỗ trợ bình quân mỗi trường khoảng  3 đến 4 triệu USD.

Ngoài ra, để đảm bảo đời sống cho đội ngũ giáo viên, Bộ đã làm đề án tăng lương, đến tháng 5/2007 trình Chính phủ, với mục tiêu, sau năm 2010, giáo viên sống được bằng lương.

Riêng khu vực ĐH, ngoài giảng dạy,  giảng viên còn có thêm thu nhập từ hoạt động nghiên cứu.

Còn điều kiện làm việc, tất cả trường ĐH đã kết nối internet.

Để phát huy năng lực nghiên cứu nằm rải rác, Bộ đang có đề án xây dựng liên kết phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu thuộc một nhóm ngành thành một chuỗi liên kết. Khoảng 4, 5 trường mạnh, và viện nghiên cứu sẽ phối hợp trao đổi giáo viên, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; sử dụng dùng phòng thí nghiệm, đặc biệt liên kết các phòng thí nghiệm đó để hình thành năng lực nghiên cứu chào hàng cho các công ty lớn, liên kết với ĐH nước ngoài.

Cũng có người, có lúc hỏi, Bộ, Nhà nước làm gì để thuyết phục anh em đang học tập ở nước ngoài trở về. Tôi nghĩ, không nên dùng từ thuyết phục. Các anh chị là con của đất mẹ VN. Mẹ nuôi lớn lên, không thể hỏi mẹ đã chuẩn bị nơi trở về, chuẩn bị cho ăn thế nào thì con mới về. Nếu là con, lúc nào cũng về góp phần với mẹ xây dựng quê hương.

Để ĐH cạnh tranh!

Nguyễn Văn Thắng (Nghiên cứu sinh ngành Sinh học phân tử, Trung tâm Nghiên cứu ung thư, TP Houston): Để ĐH Việt Nam chuyển mình và cất cánh, việc đầu tiên phải làm là tập hợp nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Một trong những nguồn đó là các nhà khoa học Việt Nam hiện đang là GS, TS đang hoạt động tại các trung tâm nghiên cứu và trường ĐH nổi tiếng thế giới. Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch gì để tập hợp lực lượng này hỗ trợ cho sự phát triển của ĐH Việt Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Khi nhận trách nhiệm ở Bộ, chúng tôi nhận trách nhiệm làm thế nào để phát triển nhanh về kinh tế thông qua phát triển nguồn nhân lực mà giáo dục đào tạo có vai trò then chốt.

Dựa vào tiền không được, vì tiền rất hạn chế. Cái quan trọng nhất là sử dụng con người. Bằng cách, với những nguồn có sẵn, làm thế nào để sử dụng cho hiệu quả. Thứ hai, số tiền ít ỏi có được, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo tiến sĩ.

Nếu hỏi chúng ta có bao nhiêu TS người Việt trên thế giới, bao nhiêu GS người Việt dạy trên thế giới cũng không ai biết cả. Đây là tài nguyên rất lớn. Chúng tôi đã có chủ trương Bộ cùng Hội người VN ở nước ngoài xây dựng cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học VN làm việc ở trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, có nhà khoa học mà không có nhiệm vụ cũng không làm được. Vì vậy, cần thiết lập các chương trình nghiên cứu trên 3 nguyên tắc: có sự liên kết, dựa vào khoa học và xuất phát từ nhu cầu thị trường.

Tức là, chương trình này phải có sản phẩm quốc gia. Hiện nay, chúng ta có một số nhóm nhưng khoa học chưa vào cuộc đúng mức. Trước hết là huy động sức mạnh tổng hợp để nâng cấp sản phẩm quốc gia. Nhóm 2 là xuất phát từ nghiên cứu thị trường để định hình sản phẩm quốc gia mà đến nay có thể chưa có.  Khi nào các nhà khoa học có sản phẩm quốc gia sẽ có động lực để làm.

Phóng viên VietNamNet: Thưa Bộ trưởng, trả lời 2 câu hỏi của bạn Dũng và Thắng, bộ trưởng có đề cập tới những điều kiện chủ yếu về cơ sở vật chất, như đầu tư phòng thí nghiệm, cải tiến tiền lương, rồi thì trường ĐH đã có mạng Internet. Nhưng còn một lý thuyết mà người ta thường đề cập tới khi nói về cách sử dụng nhân tài, đó là "tạo chỗ trống". Trong các trường ĐH, hẳn là còn tình trạng "bóng của cây đa, cây đề" và những người đang nắm các vị trí có quyết định tới chuyên môn trong khoa, bộ môn. Nếu đội ngũ này tích cực và thích ứng với thực tế thì không nói làm gì, tuy nhiên, còn có những bóng cây già cỗi...

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Tôi có hiểu ý này. Như tôi trình bày, trong 6 năm, VN ra đời 117 trường ĐH và CĐ, trong khi tỷ trọng TS không tăng bao nhiêu. Tức là ta không có tiêu chí giám sát chất lượng sự ra đời  trường ĐH mới cũng như thúc đẩy ĐH đang có vươn lên. Điều này sẽ thay đổi trong năm 2007. Bộ đang xây dựng tiêu chí các trường ĐH. Nếu sau một số năm nhất định, các trường không tăng được tỷ lệ  giảng viên là TS thì sẽ giảm quy mô đào tạo.

Như vậy, trường muốn duy trì quy mô thì phải chọn người làm TS về với mình, hoặc thúc đẩy cán bộ đi học TS. Khi ta có tiêu chí quản lý chất lượng, sẽ tạo sức ép, các trường phải vươn lên.

Sắp tới, sẽ có cơ chế cho các trường quyết định học phí cao hơn để có điều kiện phát triển. SV đóng nhiều hơn là nguồn thu cho trường. SV nghèo được vay để học. Như vậy, các trường muốn phát triển phải cạnh tranh để thu hút SV, thu hút nguồn học phí. Mà muốn cạnh tranh, phải có thầy giáo tốt. Cạnh tranh để phát triển giáo dục ĐH trở thành động lực khiến bản thân các trường không ngừng nâng cao trình độ giáo viên, trong đó thu hút cả người từ bên ngoài, rồi giảng viên nước ngoài...

"Se duyên" trường ĐH và viện nghiên cứu

Trịnh Quý Bôn (nghiên cứu sinh chuyên ngành sinh y học, ĐH Texas, Houston): GD sau ĐH có sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo. Đội ngũ nghiên cứu sinh và nghiên cứu viên sau tiến sĩ có đóng góp rất tích cực trong các công trình khoa học. Vậy Bộ có chính sách gì với cơ sở nghiên cứu không thuộc bộ trong việc đào tạo sau ĐH?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Chúng tôi đang suy nghĩ hướng sắp tới bàn với Bộ Khoa học Công nghệ. Đó là, đề xuất tích hợp viện nghiên cứu không thuộc ĐH vào các trường ĐH. Tạo điều kiện nghĩa là, viện nghiên cứu vẫn có tư cách pháp nhân của mình, duy trì các hoạt động quan hệ quốc tế.

Sau thời gian tích hợp, các viện và trường sẽ bàn lại bao nhiêu trường nên duy trì bao nhiêu trường, khoa hợp lý.

Thứ hai, như tôi đã nói, hình thành các chuỗi liên kết nghiên cứu khoa học.

Vũ Chính Thiện (Nghiên cứu sinh năm 3 - ĐH Houston, Texas): Bộ trưởng đã thu nhập gì từ các chuyến khảo sát ở các trường ĐH Mỹ? Những thu nhận này liên quan đến chương trình hành động của giáo dục ĐH VN trong tương lai?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Họ có những khác biệt. Trước hết là chất lương giáo viên. Ở các nước, đứng bục phải là tiến sĩ. Cái này, lẽ ra phải làm cách đây 10, 20 năm rồi. Ta chưa đặt ra, giờ phải đặt ra quyết liệt.

Gửi người đi đào tạo ở nước ngoài không phải là phải đào tạo mỗi thứ một tý, mà tập trung những ngành chúng ta cần và phải đồng bộ. Ví dụ, không thể chọn đào mỗi ngành 2, 3 người, vì như thế sẽ khá phân tán. Trong 2 vạn TS, không phải là số lượng hay năng lực cá nhân cho mỗi người, mà là đồng bộ hóa đội ngũ nghiên cứu cho các nhóm trọng tâm.

Thứ hai, đi đào tạo không phải chỉ để nghiên cứu khoa học. Đào tạo để làm được các khâu: từ nghiên cứu cơ bản tốt, kết nối một số khoa học nghiên cứu vào để ra công nghệ mới; kết nối nhiều công nghệ để tạo sản phẩm và bước cuối cùng là đưa sản phẩm ra thị trường. Sự kiên kết có thời gian, phức tạp mà thời gian qua, ta chưa làm nhiều.

Mở lễ tôn vinh doanh nghiệp làm giáo dục

Trịnh Qúy Bôn: Được biết Bộ trưởng rất tâm đắc với hoạt động xã hội hóa giáo dục ở Mỹ. Nếu có thể, Bộ trưởng hãy chia sẻ kế hoạch trong thời gian tới để tận dụng đóng góp của cá nhân và tổ chức thiện nguyện trong và ngoài nước vào phát triển cơ sở hạ tầng và chương trình đào tạo?

Mô hình của Mỹ có đặc thù mà hiện nay, ngay cả các nước châu Âu cũng không nhiều nơi làm đuợc. Đó là dựa trên đóng góp lớn của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp.

Cách đây 3 tuần, tôi có đi thăm thăm ĐH Rice. ĐH này khi thành lập, được nhà tài trợ cống hiến một số tài sản sau gần 80 năm phát triển, số tài sản tích lỹ 4,2 tỷ USD. Hiện nay, trường kinh doanh 4,2 tỷ này, có phần gửi ngân hàng, có phần mua cổ phiếu, trái phiếu. Trường có 4.000 SV. Mô hình tốt, phản ánh một đặc điểm của người Mỹ. Tuy nhiên, phương thức này chưa khả thi ở Việt Nam.

Nhưng chúng tôi có số liệu khác cũng đáng để suy nghĩ. Trường này có khoảng 500 giảng viên, nhưng riêng cán bộ không phải giảng viên, làm công tác vận động tài trợ lên tới 100 người.

Như vậy, muốn thu hút tài trợ cũng phải chuyên nghiệp, chứ không phải hiệu trưởng, hiệu phó thỉnh thoảng đến hội nghị rồi kêu gọi và đi về. Ta phải suy nghĩ, muốn trường thu hút tài trợ, chương trình có người theo dõi, chuyên trách, tổ chức sự kiện. Vấn đề này rất đáng tham khảo học tập.

Ở nước họ, quốc gia không tôn vinh, nhưng chính các trường lại tôn vinh những nhà hảo tâm.

Ở VN, các trường chưa có kinh nghiệm làm việc này, nên Bộ có dự án sẽ công bố vào đầu tháng giêng về chương trình tổ chức tôn vinh khen thưởng nhà hảo tâm đóng góp cho ngành giáo dục trong 10 năm qua. Những người đóng xây trường, trao học bổng hỗ trợ các hoạt động giáo dục... sẽ được tặng thưởng theo các hình thức như kỷ niệm chương, bằng khen Thủ tướng, Huân chương lao động. Mỗi năm sẽ tổ chức một lần. Tại cuộc gặp đầu tiên này, các trường ĐH, các địa phương sẽ gặp gỡ, chọn đối tác để phối hợp triển khai hoạt động hỗ trợ giáo dục. Đó là bước đi đầu tiên Bộ dự kiến làm để thúc đẩy sự quan tâm của toàn xã hội với giáo dục.

Một vấn đề khác huy động nguồn lực xã hội, trong đó có của nước ngoài, đó là thu hút ĐH có uy tín mở ĐH tai VN. Thực tế, họ gặp khó khăn lúng túng về đền bù giải tỏa để có đất làm trường. Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng tại cuộc họp tháng 11. Chính phủ thống nhất phương châm, với trường ĐH có uy tín của nước ngoài đến Việt Nam mở cơ sở, phía VN sẽ chuẩn bị đất, và phía bạn không phải trả tiền. Tất nhiên, 2 bên sẽ có thỏa thuận hợp lý. Sắp tới mình chỉ địa điểm, quy hoạch có những cụm ĐH để xác định vị trí như vậy.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

  • Tổ chức thực hiện: Hạ Anh - Nguyễn Long

Ý kiến của bạn:

 

  

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,