“Nghề buôn bán cá của tôi chỉ đủ nuôi sống gia đình, mà lúc ấy vợ tôi mới sinh thêm đứa nữa. Cùng đường, tôi đành cho con nghỉ học thôi”, anh Lâm Thanh Nhi, bố “thần đồng” Lâm Chí Hiếu cho biết.
Mỗi ngày tốn 8.000 đồng tiền đi đò...
Lâm Chí Hiếu viết chữ lên cuốn sổ ghi chép cá tôm của cha rồi quay lại đố cha là chữ gì |
Căn nhà cấp 4 nằm trong khu dân cư ven kinh Thầy Tư (khóm 4, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) vẫn như năm trước, cũ kỹ, đơn sơ. Trong nhà, “thần đồng” nằm lăn lóc dưới nền gạch, bên cạnh đứa em gái hơn 1 tuổi đang ngủ trên chiếc võng giá sắt giữa nhà. Thấy khách, “thần đồng” ngồi dậy, chạy kêu mẹ, cha đang có việc bên nhà hàng xóm. Động tác trầm tĩnh, nhẹ nhàng, trông cậu bé như một người lớn.
15 phút sau, “thần đồng” cùng cha mình là anh Lâm Thanh Nhi, 34 tuổi, trở lại nhà. Câu đầu tiên anh Nhi cho biết là “thần đồng” đã bỏ học. Anh Nhi tâm sự: “Năm học 2004-2005, vợ chồng tôi thay phiên nhau đưa cháu đi học. Vì ngăn sông cách trở, mỗi ngày chúng tôi phải tốn 8.000 đồng tiền đò và mười mấy ngàn đồng tiền ăn cho con. Tính ra năm rồi, thằng Hiếu đi học tốn đến 8 triệu đồng. Năm nay đuối sức, nên tạm cho cháu nghỉ học”.
Trường chưa có chế độ miễn phí
Anh Nhi kể tiếp: “Đầu năm học này, tôi đã viết đơn xin miễn tiền ăn học cho con. Tôi lên thị trấn, lên huyện biết bao chuyến mới làm được giấy tờ xin miễn tiền học. Nhưng cuối cùng, nhà trường nói với tôi là chưa có chế độ miễn tiền ăn, chỉ có thể miễn học phí mấy chục ngàn đồng gì đó. Vậy là bó tay, vì nghề buôn bán cá của tôi chỉ đủ nuôi sống gia đình, mà lúc ấy vợ tôi mới sinh thêm đứa nữa. Cùng đường, tôi đành cho con nghỉ học thôi. Tội nghiệp, nó thấy tôi buồn vì chuyện xin miễn tiền không được, nó nói con không học cũng biết chữ rồi”.
Vậy là năm học mới 2006 - 2007, cậu bé nghỉ học, suốt ngày quanh quẩn ở nhà. Niềm vui của em gần một năm qua là xem tivi và đọc sách báo cũ. Anh Nhi ngậm ngùi: “Lo buôn bán đầu tắt mặt tối nên đâu có thời gian dạy chữ cho con. Tội nghiệp, hôm nào nó cũng lấy cuốn sổ ghi chép cá tôm của tôi để tập viết. Khi thì nó viết chữ đố tôi, khi thì kêu tôi chỉ cho nó viết. Nhưng buồn thật, mấy khi tôi rảnh mà chỉ dạy cho nó”.
Năng lực bí ẩn
Anh Lâm Thanh Nhi và vợ là chị Lê Thị Hạnh từ Vĩnh Thuận, Kiên Giang đến Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) mưu sinh với 2 bàn tay trắng. Với sự cần cù chịu khó, đến năm 1998, gia đình đã có dôi ra chút vốn. Năm 1999, con trai đầu lòng của anh không may té sông chết. Hai tháng sau khi con anh chết, anh gặp tai nạn giao thông suýt mất mạng. Sau hơn 1 năm trời nằm viện, anh trở về quê với lời khuyên của bác sĩ là không được mang vật nặng quá 20 kg. Thời điểm này, anh phải ăn nhờ gạo của láng giềng giúp đỡ.
Bé Lâm Chí Hiếu ra đời đúng lúc thắt ngặt nhất đời anh. Ngày chị Hạnh sinh Hiếu, anh không có tiền đưa qua trạm y tế thị trấn, phải mời mụ vườn và cho sinh tại nhà. Hôm đó là ngày 14-2-2002, mẹ vợ anh tái mặt vì chị Hạnh sinh ra một cái bọc màu trắng (sau này mới biết là sinh bọc điều). Chí Hiếu mới ra đời đã tỏ ra yếu ớt và không được lanh lợi. Anh đi xem bói, bà thầy bảo thằng nhỏ rất khó nuôi, nếu muốn bảo toàn tính mạng thì nhất định phải đem cho.
Anh Nhi sợ lắm, vì anh đã mất một đứa con đầu lòng. Anh đem cho một người anh bà con ở quê, họ Bùi (nên “thần đồng” còn có tên là Bùi Chí Hiếu). Khi thấy Chí Hiếu đã sống mạnh khỏe, anh đem về nuôi. Đến hơn 2 năm tuổi, Chí Hiếu vẫn lầm lầm lì lì, gần như không nói gì. Có lúc, chị Hạnh nghi con mình bị câm, anh Nhi cãi lại “câm làm sau biết nghe”.
Đến khoảng giữa năm 2005, tức là khi Chí Hiếu vừa hơn 3 tuổi, anh bất ngờ phát hiện cậu bé biết đọc chữ. Anh kể: “Hôm đó, tôi ẵm thằng Hiếu đi qua tiệm thuốc tây gần nhà mua thuốc cho mẹ nó, bất ngờ nó đọc chữ. Tôi nghe kỹ và nhìn lên tấm biển nó đang đọc, quả nhiên nó đọc rất chính xác, không sai chữ nào. Tôi về lấy mấy tờ báo cũ đưa cho nó. Nó đọc liền một hơi, gần như chữ nào cũng biết”.
Khả năng của Hiếu càng lúc càng thể hiện rõ. Hôm chúng tôi đến, Hiếu đọc được tất cả những chữ và số trên một tờ báo, không bị bí chữ nào. Cậu còn viết chữ đố ngược lại chúng tôi. Anh Nhi bảo Hiếu đọc số điện thoại của ông bà, cô bác trong dòng họ, Hiếu đọc một mạch 8 số điện thoại của 8 người thân khác nhau. Tôi bất chợt hỏi Hiếu số điện thoại của tôi (đã nói cho Hiếu nghe trước đó 15 phút, nói một lần), Hiếu đọc lại y hệt.
(Theo Người lao động)