Sau một tháng dự thảo qui định về dạy thêm học thêm (DTHT) được đưa lên mạng lấy ý kiến, hiện nay ban soạn thảo đang hoàn chỉnh lần cuối để trình Bộ trưởng ban hành. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quán Tần, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - đơn vị được Bộ GD-ĐT giao chủ trì xây dựng dự thảo này, cho biết:
Học sinh học thêm vừa tan ca tại một điểm học thêm trên đường Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
- Trong vòng một tháng đưa dự thảo qui định quản lý DTHT ra lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, chúng tôi đã nhận được hơn 2.000 ý kiến đóng góp qua các kênh khác nhau: mạng giáo dục edu.net, website của Bộ GD-ĐT (
www.moet.gov.vn), hộp thư điện tử của Vụ Giáo dục trung học, qua bưu điện, fax... Đối tượng tham gia đóng góp ý kiến khá đa dạng, không chỉ có phụ huynh HS, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục... mà còn có những người quan tâm đến giáo dục và vấn đề DTHT.Các ý kiến khá đa dạng nhưng qua xử lý, chúng tôi thấy ý kiến đóng góp tập trung nhiều vào chủ đề chống tiêu cực trong DTHT với xu hướng đề xuất phân biệt rõ những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc trong DTHT, cách thức quản lý và xử lý những vi phạm...
- Nếu như vậy có nghĩa là DTHT không phải bị đa số phản đối? Qua những ý kiến đóng góp được Bộ GD-ĐT tiếp nhận, qui định quản lý DTHT khi được chính thức ban hành có nhiều thay đổi so với dự thảo không, thưa ông?
- Phần đông ý kiến cho rằng không nên cấm đối với những hoạt động DTHT có tác dụng tích cực. Các ý kiến, trong đó chủ yếu là của các bậc phụ huynh, cho thấy DTHT cũng xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, HS. Vì thế khi đặt ra vấn đề quản lý cần tính đến yếu tố nhu cầu có thật của xã hội. Có một ý kiến đề xuất nên gọi đây là “Qui định về DTHT và quản lý DTHT” thay vì chỉ có vế sau như dự thảo ban đầu của bộ. Ý kiến này rất hợp lý nên chúng tôi đã tiếp thu ngay.
Sau này khi được ban hành, qui định sẽ có tên đầy đủ như trên để bao hàm được phạm vi điều chỉnh. Ngoài ra, cũng qua xử lý, phân tích các ý kiến đóng góp, chúng tôi sẽ chỉnh sửa một số qui định cụ thể theo hướng tách bạch rõ hoạt động DTHT tích cực và tiêu cực, tự nguyện và ép buộc, những hoạt động nào bị cấm...
- Những luồng ý kiến ủng hộ việc DTHT hình như là một điều bất ngờ đối với Bộ GD-ĐT và những người soạn thảo qui định quản lý DTHT vì dự thảo qui định này đã được xây dựng nghiêng theo hướng “cấm” nhiều hơn...
- Ngay cả khi được xã hội ủng hộ DTHT theo nhu cầu thì việc đặt ra những nguyên tắc, có những qui định cấm đối với một số hành vi vẫn là điều cần thiết. Phía người quản lý phải có sự cảnh báo, phải có những quan điểm mạnh vì thực tế cho thấy trong DTHT có không ít những đan xen, biến tướng tiêu cực. Quan điểm mạnh, cứng rắn đôi khi gây ra có ý kiến phản ứng nhưng tôi vẫn cho là cần thiết.
Theo tôi, chuẩn quản lý nói chung và cụ thể trong vấn đề DTHT nói riêng phải hướng về chống tiêu cực. Mối quan hệ giữa con người bao giờ cũng phức tạp, qui định phải bao quát được cả những tình huống phức tạp đó. Nhưng tôi cũng nhìn nhận: qui định có thể không bao quát hết được thực tế cuộc sống, vẫn sẽ có những tình huống khó xác định được về mặt hành chính trong quản lý DTHT.
- Thưa ông, bộ có tiếp tục giữ quan điểm cấm DTHT đối với bậc tiểu học? Và đối với DTHT nói chung sẽ được quản lý như thế nào?
- Ở bậc tiểu học, chúng tôi có một số điều chỉnh. Những dạng như gửi con cho cô giáo trông nom có kết hợp kèm cặp đối với những nơi chưa có điều kiện thực hiện học hai buổi/ngày, luyện chữ đẹp... sẽ không cấm vì đó thật sự là nhu cầu của xã hội. Nếu cấm thì thành làm khó cho không ít bậc phụ huynh.
Nếu tổ chức dạy thêm các môn văn hóa có thu tiền, làm nặng thêm chương trình văn hóa của HS tiểu học mới cấm. Riêng đối với HS tiểu học đã được học hai buổi/ngày sẽ cấm hoàn toàn việc dạy thêm. Các em đã học ở trường cả ngày, tối về lại còn đi học thêm nữa thì quá nặng nề, căng thẳng một cách không cần thiết.
Nhìn chung, việc quản lý DTHT sẽ theo quan điểm tách bạch rõ có thu tiền và không thu tiền, tự nguyện và ép buộc. Qui định sẽ quản lý rất chặt đối với DTHT có thu tiền, kể cả trong và ngoài nhà trường. Còn đối với những trường hợp thầy cô giáo kèm cặp thêm không thu tiền cho HS yếu kém, những HS gặp khó khăn trong học tập... sẽ không cấm. Đó cũng là một phần trách nhiệm của thầy cô và nhà trường. Khi các thầy cô đã dạy thêm không thu tiền thì cơ quan quản lý giáo dục cũng không nên quá khắt khe, thậm chí còn phải khuyến khích.
Việc dạy thêm sẽ được cấp giấy phép. Thẩm quyền cấp giấy phép thuộc về UBND cấp tỉnh thành nếu là dạy thêm theo chương trình bậc THPT, còn từ bậc THCS trở xuống thuộc thẩm quyền của UBND cấp quận huyện. UBND các cấp có thể ủy quyền cho sở GD-ĐT trực tiếp thẩm định và cấp phép quản lý DTHT (đối với bậc THPT, bao gồm cả luyện thi ĐH) và UBND cấp quận huyện (từ THCS trở xuống).
(Theo Tuổi Trẻ)