(VietNamNet) - Đến năm 2010, nếu trường ĐH không có 25% giảng viên (GV) là tiến sỹ sẽ xem xét ngừng hoạt động. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị ngân sách năm 2007 ngày 4/1.
Đề án đào tạo 20.000 tiến sỹ cũng đang được Bộ GD-ĐT khởi động với mục tiêu đến năm 2010, nếu trường ĐH không có 25% giảng viên là tiến sỹ sẽ phải ngừng hoạt động. Bộ GD-ĐT sẽ sớm công bố chỉ tiêu này trong nửa đầu năm 2007.
Tiêu chí này cũng sẽ được đặt ra với các trường ĐH mới thành lập – nếu không đủ tỷ lệ này ĐH mới sẽ không được mở.
Một trong những đổi mới là nghiên cứu sinh (NCS) sẽ được cấp kinh phí (không làm chay như hiện nay) và NCS cũng không bị quản lý chặt về thời gian mà phải đảm bảo chất lượng.
"Trong vòng 4 năm tới, mối quan hệ giữa việc cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước và vấn đề đảm bảo chất lượng của các trường sẽ phải đi liền với nhau", Bộ trưởng nói.
Như vậy, các trường ĐH sẽ phải tiến hành kiểm định chất lượng và đến năm 2010 sẽ công bố kết quả xếp hạng các trường.
Trước mắt, Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị giao việc cấp bằng tốt nghiệp về các trường vào tháng 9/2007, trên tấm bằng tốt nghiệp sẽ chỉ còn “thương hiệu” của trường ĐH chứ không còn chung chung là Bộ GD-ĐT nữa.
Về vấn đề quản lý tài chính của các trường ĐH, CĐ ngay trong năm 2007, Bộ GD-ĐT sẽ khởi động xây dựng một cơ chế tài chính mới của ngành và đến hè năm 2007 sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng công tác quản lý tài chính cho tất cả các Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường ĐH.
Theo Bộ GD-ĐT, bình quân mỗi trường có nguồn thu học phí đạt khoảng 30-40 tỷ đồng/năm (tương đương với quy mô một doanh nghiệp), đặc biệt có 5 trường ĐH có nguồn thu học phí đạt khoảng 200 tỷ đồng/năm. Do vậy, cần phải thay đổi cách quản lý thu chi tài chính.
Trong quý 1/2007, Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ ba đề án: học phí mới, đổi mới phương thức giao chỉ tiêu tuyển sinh và tín dụng sinh viên (SV).
Trong đó, đề án xây dựng quỹ tín dụng SV với mức vay tăng lên và thời gian vay lâu hơn sẽ là cơ sở đồng bộ cho chủ trương tăng học phí. Dự kiến, sẽ có khoảng 20% SV tham gia vào quỹ này.
-
Kiều Oanh
***************
Hoài Thu
ĐH Luật TP.HCM
hoaithu@yahoo.com
Tôi cho rằng, sự chú tâm đến đội ngũ giảng viên ở các trường ĐH của bộ trưởng cho thấy ông đang muốn có một sự thay đổi trong ngành giáo dục. Thế nhưng, liệu Bộ trưởng đã khảo sát và nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra quyết định chưa? Đồng ý, bằng cấp mà có chất lượng thì tốt. Nhưng để có được số lượng mà chất không thay đổi thì đó giống như qủa chuối chín ép. Đã giảng dạy, ai cũng cố gắng học nữa để có bằng cấp cao. Nhưng nó cũng phải có thời gian đủ để có được trình độ tương xứng. Tiến sĩ không chỉ giỏi về chuyên môn của mình mà còn phải là người có kiến thức tổng quát. Điều này thì không thể chạy theo số lượng của bộ trưởng đưa ra là có được.
Nguyễn Quốc Anh
Hoàn Kiếm - Hà Nội
quocanhct20032003@yahoo.com
Tôi đã theo dõi rất nhiều bài báo viết về đề án 20, 000 tiến sỹ của Bộ GD-ĐT. Với ý tưởng đến 2010, các trường ĐH phải có tối thiểu 25% tiến sỹ mới được hoạt động, chúng ta lại chạy theo thành tích mà chưa có phương án cải tạo chất lượng. Nếu Bộ trưởng nói hệ đào tạo tại chức là 'nồi cơm' của các trường đại học, thì nay 25% tiến sỹ sẽ là 'cần câu cơm' của các trường. Giữa 'cái chết' và 'sự sống' của các trường, lấy gì để đảm bảo không phát sinh tiêu cực trong đào tạo số lượng tiến sỹ? Trong khi đó, hiện nay đã có nhiều người tốt nghiệp đại học tại chức và chưa học thạc sỹ đã sang Nga làm NCS tự túc, rồi bảo vệ tốt nghiệp bằng tiếng Việt có phiên dịch, những tiến sỹ này rồi sẽ trở thành 'nòng cốt' của các trường đại học. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng hướng dẫn NCS trong nước còn chưa hết tranh cãi. Vì vậy, tôi mong Bộ trưởng có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ trước, và đây sẽ là căn cứ để phát triển về số lượng như Bộ trưởng đã nêu.
Trần Tiến Dũng
dung123@yahoo.com
Tôi tán thành chủ trương của ngành giáo dục về tăng cường lượng tiến sỹ trong các trường đại học. Tuy nhiên, tôi băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu phải đạt trong năm 2010. Thường, để đào tạo một tiến sỹ phải mất từ 4 đến 5 năm, nay kế hoạch chỉ được công bố trong nửa đầu năm 2007 và tính đến 2010 chỉ còn chưa đầy 4 năm thì làm sao đảm bảo các trường ĐH có thể có đủ số tiến sỹ cần thiết?
PhanVo
HaNoi
Phanvo2003@yahoo.com
Hiện nay, nhiều tỉnh thành và tư nhân muốn mở trường ĐH, trong lúc giáo viên có trình độ tiến sĩ thực sự thì không có, hoặc chỉ vài phần trăm. Hiện tượng "anh cõng em" là phổ biến.
Cao Anh Tuan
190 Le Thanh Nghi
minh_tascom@yahoo.com
Hãy chú trọng đến chất lượng giáo dục hơn là coi trọng bằng cấp của giáo viên. Như thế này sẽ đưa giáo dục trở lại bệnh thành tích, sự cạnh tranh không lành mạnh của chất lượng tiến sỹ. Không có tiến sỹ, một người giáo viên yêu nghề, yêu học sinh cũng có thể giáo dục được học sinh tốt. Kiến thức là thực tế không nên lý thuyết hóa giáo dục.
Ngô Hoàng Hỳ
k10 d3, ĐHDL Văn Lang
hoangky25484@yahoo.com
Hiện nay, nhiều trường giảng viên có bằng thạc sĩ còn ít chứ dừng nói tiến sĩ. Thậm chí, nhiều trường chiếm đa số là sinh viên ra trường. Vậy lấy gì để đạt được chỉ tiêu? Có thể lúc đó lại xảy ra tình trạng "giành giật" nhau tiến sĩ và " đua "nhau làm tiến sĩ. Hiện nay, "chất lượng " các tiến sĩ còn chưa biết "thực giả". Vậy chỉ lúc đó toàn là "bề ngoài" để các trường " có giấy phép hoạt động" chú không phải là chất lượng giáo dục như mong muốn. Chẳng hạn, cứ "phổ cập" THPT nhưng không biết chất lượng thế nào và các trường đua nhau thành tích phổ cập.
NguyenBang
nguyenbang03@yahoo.com
Hiện nay, đã có một số cơ sở giáo dục đào tạo hoạt động tại Việt Nam, với mức thu học phí rất cao (thậm chí gia đình phải chứng minh năng lực tài chính) nhưng cũng có rất nhiều người học. Phần “thị trường” béo bở nhất đã thuộc về người khác.
Khi hội nhập, kinh tế thị trường, giáo dục đào tạo cũng phải được coi là một ngành sản xuất kinh doanh, và thực chất cũng sẽ không tránh khỏi áp lực cạnh tranh của hội nhập. Cần nhìn nhận ngành giáo dục đào tạo như thế nào?
Đối với bậc học phổ thông, giáo dục cung cấp cho xã hội những sản phẩm đặc biệt: nguồn nhân lực cơ bản cho nền kinh tế, cụ thể với những con người có đủ khả năng về thể chất, đạo đức và kiến thức phổ thông để có thể bước vào cuộc sống tự lập, tự mưu sinh, tự làm ra sản phẩm cho xã hội. Ở bậc học này, xã hội –mà đại diện là Nhà nước - sẽ phải trả tiền cho ngành giáo dục để nhận lại sản phẩm là những con người trưởng thành đã được giáo dục tốt, có thể sống có ích. Ngược lại, ngành giáo dục phải căn cứ vào yêu cầu đặt hàng của xã hội để định hướng “sản xuất”.
Ở đây rõ ràng nhiệm vụ của Bộ GD - ĐT rất nặng nề, vừa phải “điều tra thị trường”/nghiên cứu nhu cầu của xã hội, vừa phải xây dựng và trình bày những đặc thù công nghệ sản xuất (chương trình giáo dục/sách giáo khoa, tay nghề người lao động trực tiếp sản xuất/thầy cô giáo, nhà xưởng trang thiết bị “sản xuất”/trường lớp, trang thiết bị dụng cụ dạy và học), vừa phải công bố chất lượng sản phẩm và đồng thời cũng phải “báo giá”. Đại diện người tiêu dùng trong trường hợp này là Quốc hội, Chính phủ sẽ xem xét, thảo luận, thông qua và “đặt hàng”/phân bổ ngân sách.
Đối với bậc học sau phổ thông: sản phẩm của ngành giáo dục là giá trị dịch vụ đào tạo, cung cấp cho cá nhân những người có nhu cầu học tập và cung cấp theo đơn đặt hàng của xã hội.
Ở bậc này, chủ yếu là đào tạo theo yêu cầu của người học, thực chất là “dạy nghề” (cả nghề lao động tay chân lẫn nghề lao động trí óc, chất xám). Việc nghiên cứu/ứng dụng sẽ theo từng đơn đặt hàng cụ thể của Nhà nước, Doanh nghiệp …
Như vậy, ở bậc này chủ yếu là cung cấp “dịch vụ đào tạo” theo khả năng của từng trường, người học đến đây để hưởng dịch vụ đào tạo này và phải trả tiền. Chính sách học phí/học bổng/trợ cấp tùy vào uy tín chất lượng và chiến lược của từng trường. Việc tổ chức thi tuyển/xét tuyển thực chất là việc chọn lọc khách hàng của từng trường, Bộ không nên quá chú trọng vấn đề này, sẽ đỡ rất nhiều việc và kinh phí.
Như vậy, Bộ sẽ chỉ đóng vai trò quản lý Nhà nước, kiểm tra việc công bố và tuân thủ “chất lượng sản phẩm”, không can thiệp vào quá trình hoạt động “sản xuất kinh doanh” của từng trường.
Liệu rằng, thời gian đầu sẽ có vấn đề chất lượng không cân bằng giữa bằng cấp của các trường, tốt nghiệp ĐH trường này không bằng tốt nghiệp trung cấp trường kia, loạn bằng cấp? Thực chất hiện nay vẫn có hiện tượng này, và bằng cấp/chứng chỉ của một vài trường cụ thể đã không được xã hội thừa nhận.
Còn vấn đề cơ hội học tập đào tạo cho mọi người, người nghèo? Hãy thúc đẩy hơn nữa mô hình cho vay học phí, nguồn kinh phí ban đầu sẽ rất lớn nhưng qua thời gian sẽ ổn định dần (khi có nguồn thu vốn gốc), hàng năm chỉ bổ sung thêm hao hụt do trượt giá, nợ khó đòi ... Thực chất đó cũng là chi phí đầu tư của quốc gia, nâng cấp chất lượng lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Như vậy, Bộ Giáo dục đào tạo chỉ nên tập trung nguồn lực chủ yếu cho bậc phổ thông, bao gồm chương trình chuẩn quốc gia và chương trình đặc thù từng địa phương, sao cho học sinh tốt nghiệp tú tài thực sự có đủ kiến thức phổ thông, có sức khỏe và đạo đức - những tú tài chất lượng cao. Còn đối với bậc đào tạo thì Bộ chỉ làm công tác quản lý chuyên ngành, quy định các chuẩn mực về đào tạo để xem xét công nhận bằng cấp của các trường.
Còn quyền điều hành, xét tuyển, thu hút "thợ giảng" lành nghề, uy tín của bằng cấp ... thì hãy để cho nhà trường tự chịu trách nhiệm.
Về giá (học phí ở bậc sau phổ thông), có thể xem xét như một mặt hàng mà Nhà nước quản lý giá, với khung giá trần và chính sách trợ giá như những mặt hàng đặc thù khác. Với nguồn tú tài chất lượng, bậc sau phổ thông sẽ dễ dàng lựa chọn, xét tuyển và đào tạo theo yêu cầu của cuộc sống.
Ý kiến của bạn về vấn đề này: