221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
882820
Tới ĐH Bách khoa Pháp... học thể dục
1
Article
null
Tới ĐH Bách khoa Pháp... học thể dục
,

(VietNamNet) - Giáo dục thể lực cho SV, những chủ nhân tương lai của các ngành khoa học công nghệ hàng đầu của đất nước chính là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đại học Bách khoa Pháp, một trong những trường danh tiếng nhất của Pháp và châu Âu.

Các SV Việt Nam tại ĐH Bách khoa Pháp trong một ngày hội bóng đá.

Đặt chân đến trường Bách khoa Pháp sau khi đi tàu điện 15km từ Paris và leo hơn một trăm bậc thang, ấn tượng đầu tiên của mỗi tân SV là một không gian xanh ngút tầm mắt. Trường nằm trên diện tích 180ha, nhưng có đến 120ha cho cây cối, thảm cỏ, hồ nước nhân tạo, sân gôn và phòng tập cho các môn thể thao. 

SV đến đây chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là học thật tốt và rèn luyện thân thể. Vì theo lãnh đạo trường: “Một cái đầu thông minh chỉ có trong một cơ thể khỏe mạnh!”.

Xếp chỗ ở theo môn thể thao

Năm học đầu tiên, SV Bách khoa đã có quyền lựa chọn môn thể thao yêu thích trong số 16 môn của trường, từ những môn thông dụng nhất như điền kinh, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, judo, bơi lội… đến những môn có vẻ “quý tộc” như gôn, đấu kiếm, cưỡi ngựa, leo núi, tennis…

Ngoài ra, nếu bạn say mê những môn độc đáo hơn, trường cũng sẵn sàng đáp ứng. Những môn này không nằm trong chương trình bắt buộc và còn rất xa lạ với người Việt như hướng đạo sinh, thuyền buồm, lướt ván, trượt tuyết, lái máy bay (cỡ nhỏ)...

Khi đã lựa chọn rồi, SV vẫn có quyền đổi môn nếu thấy không thích hay không phù hợp với môn cũ. Nhưng điều này hiếm khi xảy ra, vì khi xếp chỗ ở, nhà trường đã xếp bạn ở theo môn thể thao, nghĩa là nếu bạn tập bóng chuyền, thì bạn sẽ ở khu nhà của toàn bộ SV theo học môn này. Điều này giúp bạn có những người bạn “cùng hội cùng thuyền” không chỉ trong giờ tập mà cả lúc về phòng.

Xuân Trường, SV Việt Nam năm thứ 3, ngành Toán ứng dụng, chọn bóng đá. Giống như nhiều SV người Việt khác, cậu cảm thấy khá vất vả với những buổi học thể lực. Thời gian đầu phải chạy một vòng quanh rừng, còn về sau thì chạy 8 vòng quanh sân vận động. Tập đến lúc nào có thể thi đấu được 90 phút rồi mới chuyển sang tập chiến thuật và kỹ thuật: chuyền bóng, sút bóng, phối hợp đồng đội... “SV Việt Nam thường nhỏ con hơn SV các nước, nhưng nhanh nhẹn. Nhờ học thể thao, em cảm thấy khỏe khoắn hơn trước nhiều, học đá bóng cũng là một cách thư giãn sau giờ học”, Trường tâm sự. 

Hàng năm, mỗi môn thể thao tổ chức một ngày hội của mình. Đó chính là ngày thi đấu và phô diễn tài năng của các SV.

Đào tạo khoa học gắn liền với đào tạo về con người

Thể dục thể thao được chấm vào điểm “đào tạo con người”, tính hệ số 5/80 và là môn học bắt buộc, với thời lượng không hề ít: 6 tiếng/3 buổi/tuần.

Cơ sở vật chất phục vụ việc học và dạy thể thao của Trường Bách khoa Pháp: 4 sân tập bóng đá, 8 sân tập tennis, một đường chạy điền kinh, một sân gôn, 3 sân cho môn rugby... Các phòng tập có mái che gồm: một phòng tập thể hình, một phòng cho thể dục dụng cụ, 2 bể bơi, 2 phòng cho bóng chuyền, 3 phòng cho môn bóng rổ và bóng ném... Riêng môn bơi, về mùa đông có thêm nước nóng và mọi SV đều có thể vào bơi, trừ những buổi tập của các thành viên môn này.

Trong số các giảng viên, có cả những người là cựu vận động viên. Thầy Philippe Enjalbert dạy môn bóng ném ở trường từ 6 năm nay nhận xét "Tôi rất hài lòng với cơ sở vật chất của trường và thái độ tôn trọng của lãnh đạo trường đối với môn học mà chúng tôi đảm nhiệm". Thầy cho biết thêm, vai trò chủ yếu của giáo viên thể dục là đào tạo về mặt con người, tức là giúp các em phát triển về mặt nhân văn.

Đại học Bách khoa Pháp là một trong những trường hàng đầu ở châu Âu trong lĩnh vực đào tạo khoa học công nghệ: toán ứng dụng, vật lý lượng tử, viễn thông… SV tốt nghiệp có mặt không chỉ ở Pháp mà còn ở khắp nơi trên thế giới trong tất cả các lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, sản xuất công nghiệp. Hơn ai hết, họ cần có sức khỏe để có thể biến những ước mơ tri thức thành hiện thực.

  • Vân Anh 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,