221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
920676
HS 10 tuổi bị ép cung: Khó biết trước hậu quả!
1
Article
null
HS 10 tuổi bị ép cung: Khó biết trước hậu quả!
,

(VietNamNet) - Phản ứng stress cấp tính có thể hết. Nhưng ảnh hưởng của nó trong tương lai đối với bé Trâm thì không thể nói trước. Hơn thế, nó có thể trở thành mãn tính, dẫn đến rối loạn về cảm xúc, hành vi, và thậm chí chuyển sang tình trạng loạn thần (hay dân gian gọi là điên loạn).

>> Bạn đọc bất bình về vụ hỏi cung HS 10 tuổi

>> "Ép cung" học sinh: Luật sư nói gì?

Ngày 11/4, BS. Phạm Quỳnh Diệp, Trưởng khoa khám Trẻ em - BV Tâm thần TP.HCM, cho biết như trên. 
 
Lần tái khám thứ 3: Tình trạng xấu hơn 

Trở về sau khi bị công an tra vấn, bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm cứ bám lấy mẹ, sợ sệt hoảng hốt khi có người lạ. (Ảnh:Hoàng Hậu)

Trở về sau khi bị công an tra vấn, bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm cứ bám lấy mẹ, sợ sệt hoảng hốt khi có người lạ. (Ảnh:Hoàng Hậu)

Ở lần tái khám thứ ba tại Khoa khám Trẻ em - BV Tâm thần ngày 10/4, tình trạng tâm thần của bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm đã trở nên xấu hơn.

Theo người nhà kể lại, một tuần qua, bé Trâm có phản ứng tâm lý mãnh liệt như hung hăng, gào khóc, la hét, đánh và cắn người thân (cha, mẹ...).

Tiếp xúc với khách đến thăm, có lúc Trâm ngôi yên, có lúc phản ứng dữ dội (múa may, gào thét, khóc lóc...). Bên cạnh đó, còn có các nhà chức trách địa phương và báo chí đến tìm hiểu thông tin, chụp ảnh... tuy em không tiếp xúc trực tiếp nhưng tâm lý cũng bị xáo trộn.

BS. Phạm Quỳnh Diệp cho biết, bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm được chẩn đoán bị "phản ứng stress cấp tính" khi đến khám lần đầu tiên vào ngày 23/3/2007. Tức là sau khoảng một tuần lễ bé Trâm bị tra vấn bởi công an.

Huỳnh Thị Ngọc Trâm là một cán bộ lớp, học giỏi và ngoan. Ngày 14/3, khi cho rằng em "ăn cắp" gần 48.000 đồng từ quỹ của Đội, thầy giáo đã đưa em đến cơ quan công an xã để tra vấn.

Phản ứng stress cấp tính là một bệnh thường gặp ở phòng khám Trẻ em - BV Tâm thần, ước tính mỗi ngày, tỷ lệ bệnh dao động khoảng 5%.

Những đứa trẻ dễ bị sang chấn tâm lý cấp tính khi có những yếu tố nguy cơ: 

- Trong gia đình: Cha mẹ ly hôn, bạo lực, đối xử không công bằng giữa con cái. Đứa trẻ bị xâm phạm về cơ thể như đánh đập, hay bị xâm phạm về mặt tinh thần như mắng nhiếc, sỉ nhục....

- Trong xã hội và trường học: Chương trình học quá nặng nề; quan hệ thầy trò, bạn bè căng thẳng quá mức...

- Đứa trẻ chứng kiến, hoặc trực tiếp tham gia hay chịu hậu quả của thiên tai, tai nạn, hoả hoạn,...

Trở về sau 2 giờ đồng hồ bị tra hỏi, từ 9g-11g trưa, người nhà bé Trâm cảm nhận sự thay đổi của con mình. Khai bệnh với BS. Diệp, mẹ bé Trâm kể: "Lúc đó, đôi mắt của Trâm lơ láo, ngây ngây, dại dại. Hỏi thì không nói, chỉ chui vào một góc, hoảng hốt sợ sệt khi có người lạ".

Biểu hiện của "phản ứng stress cấp tính" ở bé Trâm là không ăn, giấc ngủ trằn trọc, giấc ngủ nông, thỉnh thoảng đang đêm choàng dậy , khóc kêu cha mẹ.

"Vào lần khám đầu tiên, bác sĩ gần như không thể tiếp xúc được với bệnh nhân. Đứa trẻ cứ bám chặt và úp mặt vào người mẹ, hết sức sợ sệt hoảng hốt", BS Diệp nói.

Lúc đó, các bác sĩ cho bé uống thuốc an thần nhằm giảm bớt căng thẳng, lo âu của bé. Qua đó, nhằm giúp trẻ ngủ và ăn uống tốt hơn.

Đến lần khám lần thứ 2 (27/3), bé đã tiếp xúc trở lại khá hơn, tự đi vào phòng khám, ngồi một mình một ghế. Bác sĩ hỏi thì nhận được câu trả lời từ bé Trâm, nhưng bé vẫn không tự bộc lộ câu chuyện.

Theo BS Diệp, với những chấn thương tâm lý như thế này, quá trình điều trị chắc chắn đòi hỏi lâu dài, nhưng lâu tới đâu tuỳ thuộc vào diễn tiến của bệnh.

Stress cấp tính có thể hết, đứa trẻ sẽ trở lại bình thường (hoà nhập, sinh hoạt, đi học, quan hệ...). Tuy nhiên,  ảnh hưởng lâu dài trong tương lai đối với bé Trâm thì không thể nói trước vì chưa có một nghiên cứu nào tại Việt Nam về căn bệnh này.

Một diễn tiến khác, cú sốc tâm lý này có thể trở thành mãn tính, dẫn đến rối loạn về cảm xúc, hành vi, và thậm chí chuyển sang tình trạng loạn thần (hay dân gian gọi là điên loạn).

"Hết bệnh hay trở thành mãn tính tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là tố chất hay nhân cách của đứa trẻ. Nếu bé Trâm mạnh mẽ thì có thể vượt qua được thời điểm khó khăn. Bên cạnh đó, sự nâng đỡ của những người xung quanh, từ gia đình đến trường học và từ cơ sở y tế cũng rất quan trọng", BS Diệp giải thích.

Theo BS Diệp, không phải tất cả những ca bị sốc tâm lý cấp tính đều chuyển thành điên loạn, nhưng cũng không thể nhìn nhận một cách quá lạc quan là bệnh nhân sẽ bình phục hoàn toàn.

Đừng vội đến bệnh viện tâm thần!

Bé Trâm cắn tay ba khi có người lạ tới
Bé Trâm cắn tay ba khi có người lạ tới. Ảnh: Hoàng Hậu
Bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm còn quá bé, không đủ bản lĩnh để phân biệt đúng sai, và đối phó với mọi tình huống. Do đó, lời nói hành vi của người lớn đã gây cho đứa trẻ những tổn thương tâm lý rất sâu sắc. 

Ở góc độ tâm lý,  TS. Đinh Phương Duy - Phó Hiệu trưởng trường Cán bộ TP.HCM cho rằng, trước hết, tính chất của vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến một đứa trẻ trong thời gian ngắn, mà sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của trẻ sau này.

Hành vi của giáo viên Trường tiểu học An Hiệp 2 - xã An Hiệp - huyện Châu Thành (Đồng Tháp) còn tác động mạnh mẽ đến cảm nhận của người dân đối với nền giáo dục.  

"Đó là sự thiếu lương tâm và trách nhiệm, không nghĩ đến mục tiêu giáo dục mà chỉ mong cho xong việc của mình. Những người thầy giáo ấy không chỉ thiếu kỹ năng mà còn vi phạm nặng về mặt đạo đức", TS. Phương Duy nói.

Trao đổi với VietNamNet chiều 11/4 về vụ việc "hỏi cung" một học sinh (HS) 10 tuổi vì "nghi án" 47.800 đồng, ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (HSSV) - Bộ GD-ĐT cho biết đã nghe vụ việc qua báo chí và đã giao cho một nhân viên khác theo dõi diễn tiến.

Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV Nguyễn Đình Đức cho biết, ngày 10/4, Vụ đã có công văn gửi Sở GD-ĐT Đồng Tháp yêu cầu xử lý và có báo cáo Bộ về tình hình vụ việc cụ thể, hướng xử lý... Đồng thời, có biện pháp giúp đỡ kịp thời tạo điều kiện để  em Trâm chữa bệnh và khôi phục tâm lý trở lại.

Ông Đức thông tin, Sở GD-ĐT Đồng Tháp cũng đã hỗ trợ gia đình em Trâm 5 triệu đồng.

Bộ GD-ĐT yêu cầu việc xử lý phải tuân thủ theo quy trình kiểm điểm, thành lập Hội đồng đánh giá kỷ luật... Khâu này sẽ do UBND tỉnh chỉ đạo theo đúng chức năng quản lý nhà nước.

  •  Kiều Oanh

Thế nhưng, khi sự việc đã xảy ra rồi, các bậc cha mẹ, đặc biệt là cha mẹ của bé Ngọc Trâm phải có những cách thức hỗ trợ con trẻ bình tâm, sớm trở lại trạng thái cân bằng.

Trong quá trình điều trị, BS Diệp đã không chỉ tìm cách nâng đỡ tâm lý cho bản thân đứa bé, mà còn cho cả gia đình. Thậm chí bà mẹ cũng vô cùng căng thẳng vì chuyện của con mình.

"Cha mẹ Trâm cần phải gần gũi với cháu, không nên bỏ mặc, nhưng cũng đừng quá quan trọng vấn đề," TS. Duy khuyên.

Ngoài ra, việc thăm viếng trẻ của nhà trường là cần thiết. Tuy vậy, để mọi chuyện bình thường, theo TS. Duy, các cuộc thăm viếng nên có ngày giờ nhất định. Những người đến thăm bé Trâm có thể là những người thầy, người cô hiền hậu trong trường nhằm khơi gợi lại trong trẻ những ký ức tốt đẹp về trường lớp.

TS. Duy khuyên rằng, không nên vội vàng đưa bé Trâm vào điều trị các bệnh viện tâm thần. Đứa trẻ vừa bị sốc nên sẽ dễ bị ảnh hưởng của bệnh viện tâm thần. Môi trường đó có thể càng làm cú sốc căng thẳng hơn.

Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng trong việc điều trị tâm lý cho bé Trâm là tạm thời tránh cho bé không tiếp xúc với môi trường đã gây sốc, và không gặp lại những người đã để lại ấn tượng xấu cho bé. 

  • Hương Cát

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,