221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
920592
"Ép cung" học sinh: Luật sư nói gì?
1
Article
null
'Ép cung' học sinh: Luật sư nói gì?
,

(VietNamNet) - "Chuyện có nên áp dụng các biện pháp hình sự hay không thì phải cân nhắc tình trạng sức khỏe của em Trâm. Còn, sau đó, gia đình em Trâm hoặc các tổ chức có trách nhiệm về trẻ em hoàn toàn có quyền yêu cầu các bên sai phạm phải chịu trách nhiệm hình sự". LS Phạm Liêm Chính trao đổi với PV VietNamNet về chuyện một em học sinh lớp 5 bị cả "hội đồng người lớn" ép cung dẫn đến hoảng loạn tâm lý.

Bé Trâm hoảng loạn khi cán bộ Sở GD-ĐT tới thăm. Ảnh: Thanh Hùng
Bé Trâm hoảng loạn khi cán bộ Sở GD-ĐT tới thăm. Ảnh: Thanh Hùng

LS Phạm Liêm Chính nói:

- Vụ việc xảy ra với hai em học sinh lớp 5 ở trường tiểu học An Hiệp 2, xã An Hiệp,  huyện Châu Thành (Đồng Tháp) rất đáng tiếc và cho thấy những lỗ hổng về hiểu biết pháp luật đối với giáo viên cũng như công an ở địa phương.

Về phía nhà trường, chỉ vì không "truy" ra được số tiền chưa đến năm mươi nghìn đồng mà đã phải đưa ra cơ quan công an để nhờ giải quyết. Thầy Lưu Văn Ca và Lê Văn Xem phải chịu trách nhiệm chính trong sai phạm này. Đặc biệt, những hành động của thầy Xem như không gửi giấy mời có chữ ký của hiệu trưởng về cho phụ huynh, tự động chở hai em Trâm, Thư đến công an xã là những sai phạm nghiêm trọng. Còn hiệu trưởng, thầy Lê Văn Ca, với tư cách là người lãnh đạo cao nhất trong nhà trường đã không ý thức được hết tính nghiêm trọng trong những việc thầy Xem làm.

Rõ ràng, chính nhà trường đã bất lực nên mới buộc phải đưa ra trước cơ quan công quyền để xử lý, điều mà những người có am hiểu tối thiểu về luật pháp chắc chắn sẽ không làm.

Tr
Trốn chui trốn lủi vì sợ hãi. Ảnh:TTO
Thưa LS, theo Luật Tố tụng Hình sự thì thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là gì?

- Khoản 2, Điều 302, Chương 32 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định rõ khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử với người chưa thành niên phải xác định rõ tuổi, trình độ phát triển và mức độ nhận thức của người chưa thành niên.

Về độ tuổi, Điều 12, Bộ Luật Hình sự năm 1999 đã nói rõ như sau: "Khoản 1. - Người từ đủ 16 trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; Khoản 2. - Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng".

Theo đó, hai em học sinh lớp 5 (ở độ tuổi 10, 11) như hai em Trâm, Thư hoàn toàn được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Và như vậy, trưởng công an xã An Hiệp hoàn toàn có quyền từ chối thụ lý (hỏi cung) ngay cả khi có yêu cầu  của nhà trường. Công an xã có quyền trả hai em về cho nhà trường giáo dục. Nhưng ở đây, ngay cả trưởng công an xã cũng là người thiếu hiểu biết.

Vậy, việc triệu tập cả một "ban bệ" bao gồm trưởng, phó công an, đại diện hội phụ nữ, đại diện hội nông dân có đúng luật không, thưa ông?

- Việc huy động đại diện các bên tham gia vào thẩm vấn "đương sự" (theo cách gọi của các vị này) được tiến hành hệt như một cuộc hỏi cung tội phạm đã thành niên. Và rõ ràng, với cả một hội đồng như vậy, việc "ép cung" ắt hẳn đã xảy ra và chuyện em Trâm bị hoảng loạn tâm lý sau đó là điều dễ hiểu.

Đáng tiếc vị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, người mà theo đúng chức năng phải đứng ra bảo vệ cho quyền lợi của bà mẹ và trẻ em đã không làm gì để ngăn cản việc "hỏi cung" và cứ để nó diễn ra.

Điều 299 Bộ Luật Hình sự năm 1999 nêu rõ về tội bức cung: Khoản 1. - Người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà bằng các thủ đọan trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; Khoản 2. - Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm; Khoản 3. - Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm; Khoản 4. - Người bị phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Hiện, em Trâm bị hoảng loạn tâm lý, phải chuyển lên Bệnh viện Tâm thần TP.HCM  và chưa thể quay lại trường học. Gặp người lạ, em rất hoảng hốt và né tránh. Vậy theo ông, với những yếu tố sai phạm vừa nêu ở trên và hậu quả tâm lý gây ra cho nạn nhân thì đã đủ để áp dụng các biện pháp hình sự hay chưa?

- Chuyện có nên áp dụng các biện pháp hình sự hay không thì phải cân nhắc tình trạng sức khỏe của em Trâm. Còn, sau đó, gia đình em Trâm hoặc các tổ chức có trách nhiệm về vấn đề trẻ em (chẳng hạn Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em) hoàn toàn có quyền yêu cầu các bên sai phạm phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp em Trâm có phục hồi được sức khỏe và tâm lý để đủ điều kiện quay lại trường học thì phía nhà trường và công an địa phương phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất (chi phí thuốc men, chữa chạy và những phí tổn khác...) theo quy định trong Điều 30, Bộ Luật Tố tụng Hình sự.

Cá nhân ông có bình luận gì về chuyện này?

- Để những câu chuyện đáng tiếc như thế này không xảy ra ở các địa phương, tôi muốn lưu ý rằng mỗi hành động của thầy cô trong nhà trường, hay hành động của các cơ quan liên quan ngoài xã hội đối với các em phải chính xác, đúng pháp luật, dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi trẻ em.

Xin cảm ơn ông.

  • Lê Nhung (thực hiện)

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,