Sáng 12/4, bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm được đưa đến đơn vị tâm lý, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 để được các chuyên gia tâm lý hỗ trợ điều trị thêm.
BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang - người trực tiếp điều trị tâm lý cho bé Trâm - cho biết về tâm lý, tình trạng của bé Trâm là tình trạng cấp cứu tâm lý. Cấp cứu tâm lý phải được thực hiện càng sớm càng tốt.
Theo bác sĩ Quỳnh Trang, hiện bé Trâm có thái độ từ chối tiếp xúc với người xung quanh (mới có cảm giác an toàn); có hành vị tự hủy hoại (cắn bản thân, đánh người khác... để giải tỏa ấm ức trong lòng), có tình trạng câm nín đột ngột (không nói năng) do stress nặng; rối loạn ăn uống và tiểu tiện (nhẹ). Việc hồi phục của bé Trâm còn phụ thuộc tình trạng bệnh; thời điểm đưa bé đến nhà tâm lý; và sự hợp tác của cha mẹ với nhân viên y tế. Hiện cha mẹ bé Trâm hợp tác rất tốt. Điều quan trọng nhất đối với bé lúc này là cần có một môi trường an toàn. Môi trường an toàn là môi trường có sự đồng cảm, gần gũi, thương yêu, tôn trọng, có đồ chơi, có liên hệ với “thế giới” xưa nay của bé và bé phải luôn được người thân giải thích, thông báo, chuẩn bị tâm lý trước khi làm một việc gì liên quan đến bé...
Cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc - phó giám đốc BV Đại học Y dược TP.HCM - cho biết BV đã mời bác sĩ Đào Trần Thái - chủ nhiệm bộ môn tâm thần, Đại học Y dược TP.HCM và bác sĩ Lê Minh - bộ môn thần kinh của trường, sẽ cùng khám và hội chẩn cho bé Trâm tại BV Đại học Y dược vào 9g sáng nay 13-4.
Chị Nga cho biết hai ngày nay bé Trâm đã chịu ăn cơm, hủ tiếu... được gần một chén. Tuy nhiên vẫn phải dỗ và đút bé mới chịu ăn. Ban ngày bé Trâm vẫn thường xuyên hét váng lên, vẫn lấy tay đánh mẹ mỗi khi mẹ lại gần. Còn ban đêm thỉnh thoảng bé lại choàng tỉnh la hét, kêu khóc. Khi vào phòng gặp bác sĩ tâm lý chị thấy cháu có biểu hiện được an toàn hơn, hành vi bực bội ít hơn... Tuy nhiên, hai ngày nay cháu lại có biểu hiện kỳ cục khác là kéo quần rồi vỗ mông đen đét (ngày hai ba lần).
(Theo Tuổi Trẻ)