221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
925428
Thi tốt nghiệp lần 2: Chống sốc hay "tháo khoán"?
1
Article
null
Thi tốt nghiệp lần 2: Chống sốc hay 'tháo khoán'?
,

(VietNamNet) - Có nên tổ chức đợt thi thứ hai cho những học sinh trượt tốt nghiệp THPT lần 1 hay không? Những "hệ luỵ" gì sẽ phát sinh sau một kỳ thi quyết tâm "làm nghiêm" mà đi kèm với nó là kết quả sẽ có thể "gây sốc" cho phụ huynh và xã hội?

Đó là những vấn đề nóng nhất được bàn thảo tại cuộc họp giao ban lần thứ ba về cuộc vận động "Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục" được Bộ GD-ĐT đồng loạt tổ chức tại 6 khu vực trong cả nước, sáng 23/4.

Hai kỳ thi để tránh "gây sốc"?

Hầu hết đại diện các sở tham dự Hội nghị khu vực Đồng bằng sông Hồng tổ chức tại Thái Bình đều lo ngại về kết quả của kỳ thi đầu tiên thực hiện "hai không". Lo ngại về kết quả có quá nhiều học sinh không vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp THPT, lo ngại về sức ép tâm lý của nhân dân.

ttt
Các Sở GD&ĐT đều nhất trí chấp nhận kết quả thấp để trị "bệnh" tiêu cực- Ảnh: T.Đạt

Nhiều đại biểu cho rằng, kết quả năm nay thực sự sẽ là một "cú sốc".

Để tránh kết quả có quá nhiều thí sinh không vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp, Bộ GD - ĐT đã có dự thảo tổ chức kỳ thi lần hai cho các thí sinh này. Theo đó, kỳ thi lần hai sẽ diễn ra sau kỳ thi lần thứ nhất hai tháng. Sẽ có 8 tuần để các trường bồi dưỡng kiến thức cho các em.

Tán thành chủ trương này, ông Đoàn Hoài Vĩnh (Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội) cho rằng, tổ chức kỳ thi lần hai sẽ tạo cho thí sinh thi trượt hai cơ hội: có cơ hội thi tiếp ngay lần hai mà không phải chờ đợi đến một năm sau và có cơ hội bồi dưỡng kiến thức.

Ông Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tây cũng ủng hộ việc tổ chức kỳ thi lần hai, vì theo ông, kỳ thi này sẽ "cứu" được một số lớn thí sinh đạt gần điểm đỗ hoặc xấp xỉ điểm đỗ có cơ hội thi lại. Chỉ có như thế mới tránh "gây sốc" trong tâm lí cho học sinh và của cả xã hội nếu kỳ thi lần một có quá nhiều thí sinh không vượt qua.

Ở Hội nghị khu vực miền núi phía Bắc tổ chức tại Phú Thọ, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình với chủ trương "hai kỳ thi".

Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn Hồ Mạnh Hưng nhận xét, tổ chức tốt kỳ thi lần 2, sẽ phân luồng HS tốt nghiệp. Vì HS khá giỏi dự thi ĐH còn học sinh thi đợt 2 sẽ chỉ "nhắm" vào các trường trung cấp.

Nhiều "hệ lụy" phát sinh

Tuy nhiên, không ít những băn khoăn đã nảy sinh...

Ông Trần Xuân Đình, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng cho rằng: "Tổ chức kỳ thi lần hai là vô cùng tốn kém và chưa chắc đã đạt được kết quả. Việc dạy và học học kỳ thứ 3 (học kỳ bồi dưỡng cho học sinh không vượt qua kỳ thi lần 1) gây tâm lí mệt mỏi cho cả giáo viên và học sinh, và còn làm nảy sinh suy nghĩ "dạy và học cho xong".

Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình nêu khó khăn khi thực hiện "kỳ thi thứ hai" này ở góc độ kinh phí.

Theo ông, tuy Bộ có dành kinh phí cho kỳ thi thứ hai nhưng việc các Sở phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí này cũng là một điều khó khăn. Hơn nữa, việc Bộ dự kiến tổ chức kỳ thi vào các ngày 22, 23, 24 tháng 8 là không hợp lý vì đây là thời gian các Sở phải làm rất nhiều công tác khác như tập huấn giáo viên, phổ biến chương trình thay sách giáo khoa, ôn tập hè cho các học sinh lớp 11. Thời gian này không phải chỉ để dành riêng cho tổ chức kỳ thi thứ hai vì vậy, việc thực hiện sẽ không hiệu quả...

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn Lê Văn Trang đề nghị làm rõ ngân sách sẽ do Bộ cấp hay yêu cầu học sinh đóng góp. Chia sẻ nỗi lo kinh phí, Giám đốc Sở GD&ĐT Hoà Bình đề nghị Bộ cần sớm có hướng dẫn, vì phân bổ ngân sách đã "quyết" từ đầu năm, rất khó có nguồn để xử lý. Nguồn ngân sách này không phải nhỏ, nhất là với những vùng còn khó khăn. Theo tính toán nhanh của đại diện Sở GD-ĐT Điện Biên, thì riêng tỉnh này phải chi khoảng 100 triệu cho đợt thi lần 2.

Không đồng tình với một kỳ thi nữa, đại diện Sở GD-ĐT Nam Định cho rằng, việc cho học sinh ôn tập kỳ 3 trong thời gian tám tuần sẽ không đạt hiệu quả cao. Khối lượng kiến thức lớn nên thời gian ôn tập không đáp ứng được. Sau thời gian thi THPT lần một, Sở GD&ĐT các tỉnh còn phải tổ chức kỳ thi vào lớp 10, không đủ giáo viên cũng như cơ sở vật chất để tổ chức ôn tập học kỳ 3.

Đại diện Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc băn khoăn: "Căn cứ vào tính chất của kỳ thi thứ nhất thì việc tổ chức kỳ thi lại lần hai cũng sẽ phải nghiêm túc, khách quan không kém thi lần một. Chúng ta sẽ phải có những quy trình coi, chấm thi như đợt một, phải một lần nữa huy động đội ngũ giám thị, cán bộ chấm thi, cơ sở vật chất. Điều này gây tốn kém lớn cho cả người làm giáo dục và cả người dân có con em thi đợt hai."

Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ Phan Văn Lân cho rằng đề thi phải "giản lược" đi bởi thí sinh trượt lực học không bằng lần trước. Nếu ra đề như vậy, chỉ ôn luyện lại 2 tháng, học sinh yếu kém không chịu được "nhiệt". 

Cần "mở đường" cho thí sinh! 

HS Trường THPT Lê Xoay (Vĩnh Phúc) trong giờ học. Ảnh: Bích Ngọc
Chủ trì Hội nghị tại Phú Thọ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng khẳng định đề thi và phương thức vẫn "chặt" như lần 1 chứ không "giảm tông" vì vẫn là kỳ thi cấp bằng tốt nghiệp, học sinh thi đỗ lần 2 vẫn có quyền dự thi ĐH năm sau. HS không phải thi tất cả các môn mà có thể bảo lưu môn các môn 5 điểm trở lên, nhưng đã dự thi lần 2 môn nào thì lấy điểm lần 2 làm kết quả chung.  

Phát biểu kết luận hội nghị tại Thái Bình,Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung "chốt" lại hai vấn đề: 

Thứ nhất, chấp nhận tổ chức kỳ thi đợt hai thì phải tổ chức trong thời gian hợp lí hơn. Đề thi, cách thức thi diễn ra đúng như lần một. Những học sinh nào thi tốt nghiệp lại sẽ phải thi lại tất cả các môn hoặc chỉ phải thi một số môn có điểm thi dưới 5,0. Kỳ thi thứ hai áp dụng cho học sinh tất cả các tỉnh thành, không căn cứ vào tỉ lệ đỗ của kỳ thi thứ nhất.

Thứ hai, nếu việc tổ chức kỳ thi thứ hai không khả thi thì cần có biện pháp "mở đường" cho các thí sinh thi trượt. Thay vì cấp bằng tốt nghiệp, có thể cấp chứng chỉ hoàn thành cấp THPT cho các em để tạo điều kiện cho các em được học trung cấp hay học nghề. 

Chưa có một kết luận nào được cho là chính thức dưới dạng văn bản nhưng theo ông Nhung, Bộ sẽ có văn bản chính thức và sớm nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Thế Đạt - Kiều Oanh

Ý kiến của bạn:

 
 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,