221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
926082
"Thi lần 2 là một giải pháp tốt"
1
Article
null
'Thi lần 2 là một giải pháp tốt'
,

(VietNamNet) - Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long tại buổi giao ban "2 không" sáng 25/4. Kỳ thi tốt nghiệp lần 2 được tổ chức trong các ngày từ 18-20/8. Khi chủ trương đã quyết định thì cho dù số học sinh (HS) không tốt nghiệp lần 1 ít hay nhiều thì cũng tổ chức thi lần 2. Quy mô được tổ chức toàn quốc, thi theo đề chung...

Trao đổi với báo giới xung quanh những thắc mắc về tính hiệu quả của kỳ thi lần 2, Thứ trưởng Bành Tiến Long khẳng định:

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long (Ảnh K.O)
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long (Ảnh K.O)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT lần 2 thể hiện trách nhiệm của ngành đối với số HS học trung bình yếu hoặc yếu hoặc cận trung bình khi không tốt nghiệp lần 1.

Trong thời gian 8 tuần, với phương pháp giảng dạy ôn tập để giúp các em củng cố kiến thức cơ bản của THPT nói chung và lớp 12 nói riêng... Đó chính là giúp các em có khả năng tốt nghiệp, có một tấm bằng để yên tâm vào đời và có cơ hội học lên cao.

- Nhiều nhà giáo cho rằng, trong vòng 3 năm kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp chưa đạt mà trong 2 tháng bồi dưỡng hoàn thiện kiến thức để có được tấm bằng là khó khả thi?

Việc thực hiện cuộc vận động "2 không - không gian lận trong thi cử và thành tích trong giáo dục" đã thực hiện được 8 tháng, đến lúc thi tốt nghiệp là gần 1 năm. Như vậy, một năm qua số HS yếu đã được bồi dưỡng kiến thức và đã được học một cách nghiêm túc. Những HS chưa đủ lượng kiến thức để tốt nghiệp thì có thêm 2 tháng được bồi dưỡng tiếp. Chúng tôi cho rằng, với nỗ lực của đội ngũ thầy cô giáo thì việc nâng kiến thức những HS chưa tốt nghiệp, nhằm đủ điều kiện để tốt nghiệp là khả thi. Đây là trách nhiệm của ngành và của Bộ đối với những HS có lực học trung bình yếu và học yếu...

- Có thể hiểu trách nhiệm của ngành là khi HS học xong chương trình phổ thông, dù chưa đạt nhưng sẽ cố gắng để thi và được cấp bằng?

Trách nhiệm ngành ở đây là phải tiếp tục dạy cho các em, ôn tập cho các em để các em có đủ kiến thức về cơ bản để có thể thi tốt nghiệp...

- Ngành giáo dục đang thực hiện cuộc vận động "2 không" để có tỷ lệ tốt nghiệp phản ánh đúng thực chất chất lượng giáo dục, vậy, tại sao Bộ GD-ĐT lại phải tự đặt cho mình trách nhiệm "HS đã học là phải có tấm bằng"?

Việc thi tốt nghiệp lần 2 là trong lộ trình "hai không", việc tạo điều kiện cho các em có bằng là quy định của pháp luật để các em có thể vào học nghề... Còn đối với những em không đủ kiến thức thì chắc chắn không tốt nghiệp.

Tôi xin khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp lần 2 cũng được tổ chức nghiêm túc như lần 1. Cho nên chúng ta không ngại về các em học yếu, học kém mà có bằng tốt nghiệp được!?

- Cán bộ giáo viên các trường băn khoăn khi cho rằng, Bộ GD-ĐT đã quá tập trung cho việc thi mà sao nhãng việc dạy? Chưa kể, hai tháng hè để giáo viên bổ sung chuyên môn thì lại bị huy động bồi dưỡng cho đối tượng HS yếu thì có thỏa đáng?

Đầu tiên phải nói rằng, các thầy cô phản ánh từ cơ sở như thế nào đó là thông tin cần quan tâm. Nhưng trong hội nghị giao ban ở các điểm vùng, lãnh đạo các Sở GD-ĐT về cơ bản đều nhất trí tổ chức thi tốt nghiệp lần 2. Hôm qua (24/4), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã làm việc với các trường ĐH, CĐ khu vực phía Nam, và các ý kiến đều ủng hộ chủ trương này.

Việc nghỉ hè của các thầy cô đặt ra là đúng. Nhưng không phải tất cả các thầy cô đều huy động để ôn tập, vì số lượng HS thi lần 2 chúng ta cũng chưa biết là bao nhiêu. Trên tinh thần số lượng báo cáo thì Bộ GD-ĐT chỉ đạo các Sở có phương thức tổ chức thi lại một cách gọn nhẹ và hiệu quả, nhưng phải đảm bảo nghiêm túc.

Số lượng HS thi lần 2 hiện chưa biết, kiến thức của các em học trong thời gian vừa qua chúng ta cũng chưa thể đánh giá đầy đủ: yếu ở mức độ nào, trung bình ở mức độ nào... Tất cả phải chờ kết quả thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT lần 1 mới khẳng định được.

Trách nhiệm của thầy cũng như của cả ngành giáo dục là phải chung sức để thực hiện cuộc vận động, giúp các em nâng kiến thức... Để bù đắp lại sự vất vả cho các thầy cô giáo thì Bộ GD-ĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ  dành kinh phí cho các thầy cô trong dịp hè tổ chức dạy cho các em, ôn tập cho các em và tổ chức thi lần 2. Như vậy, những thắc mắc đều được giải quyết thỏa đáng.

- Thực tế, tại buổi giao ban ở các điểm vùng không phải tất cả lãnh đạo đều đồng tình thi lần 2...Vậy, Bộ GD-ĐT có tổ chức thăm dò chính thức bằng văn bản?

Bây giờ thời gian của chúng ta không còn nhiều. Chủ trương này phải được quyết định ngay. Chính trong các đợt giao ban Giám đốc Sở, đặc biệt là lần giao ban lần 3, chủ trương này đã nhận được sự ủng hộ tương đối thống nhất...

Quyết định thực thi đều dựa trên ý kiến từ các cơ sở. Tôi không khẳng định là tất cả đều đồng thuận, nhưng đại bộ phận đều tán thành thi lần 2. Kỳ thi này là cơ hội cho các em nâng được kiến thức; đồng thời là trách nhiệm của ngành và có thể giải quyết được một số HS có lực học trung bình yếu hoặc cận trung bình có thể tốt nghiệp để học lên cao...

Dự kiến kỳ thi lần 2 được tổ chức trong các ngày từ 18-20/8. Sau khi thi xong khoảng đầu tháng 9 là các em có thể có chứng nhận tốt nghiệp là các em có thể dự thi học nghề. Còn tham gia thi ĐH, CĐ phải chờ năm sau.

- Nếu tỷ lệ HS không tốt nghiệp lần 1 ít thì có duy trì kỳ thi lần 2?

Khi chủ trương đã quyết định thì cho dù số HS không tốt nghiệp lần 1 ít hay nhiều thì cũng tổ chức thi lần 2. Quy mô được tổ chức toàn quốc, thi theo đề chung.

- Các năm tiếp theo chủ trương thi lần 2 có được tổ chức?

Vòng 1, vòng 2 thì chúng ta cố gắng học và thi lần 2 cho cả lớp 10. Vấn đề này thì chủ trương của Bộ GD-ĐT sẽ phải bàn bạc để có thống nhất. Nhưng chậm nhất là thực hiện trong vòng 3 năm.

- Cũng có ý kiến, thay vì tổ chức kỳ thi lần 2 để có kết quả tốt nghiệp cao hơn thì Bộ GD-ĐT ra đề đảm bảo cho các HS có lực học cận trung bình cũng có thể đỗ được để hạn chế tốn kém nhân lực và tiền của?

Đề thi phải do các thầy dạy THPT có sự tham gia của các thầy ở các trường ĐH, CĐ, kiến thức như thế nào thì ra đề như vậy. Tất nhiên, đề thi có thể ở mức độ trung bình vẫn đậu tốt nghiệp.

- Bộ GD-ĐT luôn công bố chuẩn tốt nghiệp của đề thi là "những HS có học lực trung bình nếu chăm học vẫn có thể đỗ...". Có mâu thuẫn không khi đối tượng không đỗ còn "dưới cả cận trung bình" mà Bộ vẫn tiếp tục tổ chức bồi dưỡng và thi lại rất vất vả và tốn kém?

Đây cũng là một phản biện. Nhưng, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng những em có lực học trung bình yếu, trong thời gian 2 tháng với phương pháp dạy tốt, học tốt các em sẽ củng cố được kiến thức tốt. Tôi đã chứng kiến, có những HS học trung bình yếu nhưng chỉ trong 2 tháng luyện thi ĐH vẫn có thể thi đậu...Cá nhân tôi nghĩ thi lần 2 là một giải pháp tốt.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

  • Kiều Oanh (ghi)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,