221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
938062
Nghệ An: Lừng khừng đối phó "loạn thi"
1
Article
null
Thi tốt nghiệp THPT 2007:
Nghệ An: Lừng khừng đối phó 'loạn thi'
,

(VietNamNet) "Nếu mình làm nghiêm thì sợ bị trả thù. Còn làm không nghiêm thì sợ thanh tra kỷ luật". Tâm trạng một giám thị coi thi ở đất Nghệ An phản ánh đúng cung cách chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2007 tại tỉnh này.

>>Chùm ảnh: Trở lại "điểm nóng" Hà Tây

Các “điểm nóng” dàn trận 

Tường rào được xây mới sau khi xảy ra vụ "loạn thi" tại Trường THPT Nam Đàn
Trường THPT Nam Đàn 2 – nơi xảy ra tình trạng “loạn thi” năm ngoái là một điểm nóng trong công tác chuẩn bị của kỳ thi năm nay. 

 

Trước đó, Sở GD-ĐT Nghệ An từng quyết định không tổ chức tại hội đồng thi này nhưng UBND huyện Nam Đàn đã yêu cầu được tổ chức, cùng với cam kết đảm bảo an ninh: “Nếu để xảy ra tình trạng lộn xộn trên địa bàn thì chủ tịch huyện sẽ chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Tùy vào sai phạm, tỉnh sẽ có hình thức xử lý thích hợp”.

 

“Chúng tôi sẽ nhờ lực lượng CS 113 hỗ trợ để đảm bảo an toàn trong kỳ thi. Lực lượng công an huyện sẽ được huy động tối đa và chia làm 3 vòng bảo vệ: vòng 1 làm nhiệm vụ bảo vệ trong trường, vòng 2 bảo vệ ngoài hành lang trường, vòng 3 được bố trí cách địa điểm thi khoảng 200m, có nhiệm vụ giải tán những đám đông tụ tập, có biểu hiện tiêu cực” - ông Trần Đình Hường, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết.

 

Các “điểm nóng” năm trước như Diễn Châu, Yên Thành, Tân Kỳ, lãnh đạo tỉnh cũng như Sở GD-ĐT cũng đã có nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho kỳ thi.

 

Tại Diễn Châu, lực lượng CS được huy động gần như tối đa. Đây là địa điểm mà giáo viên coi thi rất “ngán”. Những kỳ thi trước đây, đã có trường hợp giáo viên coi thi bị bọn côn đồ hành hung chỉ vì… coi thi quá nghiêm túc. Có giáo viên bị đuổi đánh ngay sau khi vừa bước chân ra khỏi địa điểm thi.

 

Năm nay, với con số ước khoảng 55.000 học sinh, Nghệ An đã huy động gần 10.000 cán bộ để phục vụ kỳ thi.

 

Sở GD-ĐT trực tiếp tuyển chọn chủ tịch hội đồng coi thi cũng như cán bộ thanh tra thi. Trước ngày thi, Sở trực tiếp tập huấn cho chủ tịch hội đồng coi thi, truởng đoàn thanh tra, thanh tra viên, cán bộ bảo vệ..

 

Năm nay, học sinh thi tốt nghiệp THPT được xếp theo cụm liên trường, danh sách lấy theo vần A,B,C. Như vậy, tại một địa điểm thi sẽ có học sinh của nhiều trường tham dự. 

 

Đồng thời, phía Sở GD-ĐT cũng tiến hành lập 3 đường điện thoại “dây nóng”, để trong quá trình diễn ra kỳ thi, nếu có những diễn biến phức tạp, người dân hoặc các cơ quan chức năng sẽ thông tin kịp thời.

 

Chống tiêu cực: Nước đôi

 

Kỳ thi sắp đến gần nhưng Minh - học sinh Trường THPT Nam Đàn vẫn còn nhiều thời gian để đi đánh bi-a. Với Minh, kỳ thi tốt nghiệp chỉ là hình thức. ”Hành trang” của cậu cho kỳ thi quan trọng này là mấy tập tài liệu được phô tô nhỏ. Mỗi môn được chia làm 2 tập. Lỡ giám thị có phát hiện thì còn “phao” cứu.

 

Tại các cổng trường, những ngày này, các máy photocopy hoạt động hết công suất. Hàng chục học sinh chen chúc trong một căn phòng khoảng 10m2 để phô tô tài liệu. Với nhiều học sinh, thi tốt nghiệp chẳng có gì là khó. Chỉ cần giắt lưng mấy tập tài liệu là vô tư. Các môn xã hội thì “quay”, còn môn tự nhiên thì chờ "cứu hộ" từ bạn bè. Minh vô tư, “hoặc là quay, hoặc là “gọi điện cho người thân”.

 

“Một đời nuôi con ăn học, chỉ mong con kiếm được tấm bằng THPT để sau này còn có cơ hội mà đi học nghề. Nhưng bầy tui nghe nói năm nay Sở GD - ĐT chỉ đạo làm căng. Gay quá! Không biết thằng con tui có thi nổi không. Vừa rồi thi thử, chẳng có môn nào nó đạt điểm trung bình cả. Thôi, cầu trời phù hộ vậy!?” - bà Tuyết, phụ huynh của một học sinh cho biết.


Ngược lại, có nhiều người khá chủ quan. Một phụ huynh khác ở Diễn Châu nói như đinh đóng cột về chuyện "bầy tui đã có một “đoàn quân” hùng hậu để “hỗ trợ” cho cháu".

 

Năm trước, trả lời báo chí trong scandal “loạn thi” Nam Đàn 2, ông Lê Tiến Hưng - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An từng khẳng định: “Sở sẽ khuyến khích những cán bộ coi thi dũng cảm đứng ra tố cáo tiêu cực. Việc mang điện thoại vào phòng thi vẫn sẽ được chấp nhận nếu cán bộ coi thi đăng ký với Chủ tịch Hội đồng coi thi”.

 

Tuy nhiên, năm nay ông lại cho rằng, việc chống tiêu cực, Sở không ngăn cấm, cũng không khuyến khích. Năm nay, nếu phát hiện cán bộ coi thi nào đưa máy điện thoại vào phòng thi sẽ bị xử lý nghiêm.

 

Đến thời điểm này, một số “điểm nóng”, “loạn thi”, Sở GD-ĐT vẫn chưa có đối sách bảo vệ. “Bảo vệ thuộc về các tuyến cơ sở, Sở GD - ĐT không chịu trách nhiệm trong vấn đề này” - Ông Phạm Huy Đức, Chánh Văn phòng Sở khẳng định. 

 

Trao đổi với VietnamNet, thầy Lê Đình Hoàng, giáo viên Trường THPT Thanh Chương 2 - “người hùng” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006-2007 cho biết: “Nếu có tiêu cực, tôi sẵn sàng đứng ra tố cáo. Tôi hy vọng kỳ thi năm nay sẽ diễn ra nghiêm túc hơn. Một số đồng nghiệp tỏ ra ái ngại cho tôi vì dám “bẻ nạng chống trời”, nhưng tôi sẽ không sợ bất cứ vấn đề gì”.

 

Một số giáo viên khác lại tỏ ra hết sức lo lắng khi làm cán bộ coi thi: “Nếu mình làm nghiêm thì sợ bị trả thù. Còn làm không nghiêm thì sợ thanh tra kỷ luật. Thật là tiến thoái lưỡng nan” - Bùi Ngọc Quỳnh, một giáo viên coi thi tại địa điểm huyện Anh Sơn tâm sự.

 

  • Hoàng Sang

**************

Phản ánh của quý vị về kỳ thi tốt nghiệp năm học 2006 – 2007:

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,