Các thầy cô tại TP.HCM có một số ý kiến định hướng để các bạn học sinh bước vào mùa thi tốt nghiệp THPT hiệu quả. Mời các bạn cùng tham khảo.
>>Thi thử tốt nghiệp, có trường chỉ 1 HS đạt loại khá
* Thầy Ngô Văn Thành (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - môn lý): Nên có khoảng thư giãn trước khi thi
Cô trò lớp 12A2 Trường Hàn Thuyên ôn tập môn văn
Đề thi năm nay chắc chắn bộ sẽ cho không quá khó, mà sẽ là những phần căn bản nhất. Trắc nghiệm yêu cầu kiến thức tổng quát, nhưng về lý thuyết HS nên chú ý phần cơ, quang lý, vật lý hạt nhân (đọc kỹ sách giáo khoa). Bài tập cũng chú ý điện xoay chiều, quang vật lý và vật lý hạt nhân.
Bài tập sẽ có những dạng đơn giản, tối đa hai phép tính, áp dụng công thức là chính. Vì vậy HS phải hết sức chú ý đơn vị, tính toán cẩn thận, nhớ kỹ công thức. Qua những lần chấm bài trắc nghiệm, tôi thấy HS thường mắc lỗi chủ quan. Nên nhớ dù đề bài đọc lên thấy quen nhưng cũng phải xem cho kỹ. Khi làm bài HS không nên tập trung sa đà vào một bài tập nào đó sẽ không kịp thời gian làm lý thuyết, tốt nhất nên lần lượt làm nhanh phần lý thuyết giáo khoa trước, sau đó mới làm bài tập.
Yêu cầu cẩn thận không chủ quan nhưng cũng không vì vậy mà các em căng thẳng quá bởi tâm lý trong khi thi rất quan trọng. Một ngày trước khi thi, các em cần có khoảng lặng, không học gì cả, thư giãn để đầu óc tỉnh táo thì hiệu quả mới cao.
* Thầy Phạm Hồng Hải (Trường THPT Bùi Thị Xuân - môn toán): Không nhớ đề thi thì khó mà làm bài tốt
Tôi nghĩ như mọi năm, đề thi sẽ ra ở phần cơ bản, chủ yếu bám theo sách giáo khoa, phần nâng cao phải có nhưng không nhiều. Một số chủ đề sẽ được ra như: những vấn đề liên quan đến khảo sát hàm; một bài giải tích; một bài hình học giải tích phẳng; một bài về giải tích không gian, một bài đại số tổ hợp. Mức độ ra đề trung bình và cao hơn trung bình chút ít, đương nhiên có câu nâng cao cho HS lấy điểm 10.
Khi nhận đề bài, HS cần bỏ ra mươi phút để đọc đề từ trên xuống dưới cho thật kỹ, thấy câu nào quen thuộc hoặc dễ làm trước. Việc đọc thật kỹ toàn đề có lợi là khi đang làm câu này nhưng xuất hiện một ý các bài còn lại, HS ghi ra nháp để đó, nhờ đó mà làm những bài sau nhanh hơn. Mỗi bài cần đọc thật kỹ đề bài, lấy hết giả thiết của đề bài. Nên làm cẩn thận từng bước, lập luận đầy đủ, cẩn thận sử dụng chính xác ký hiệu, công thức, không nên viết tắt.
Môn toán vẫn thi tự luận nên khi chấm giám khảo chấm theo từng bước giải, có những bước bắt buộc phải có, nếu không làm sẽ bị mất điểm. Những HS khá, giỏi thường hay làm tắt, nên cần chú ý điều này. Quan trọng nhất là việc tính toán phải cẩn thận, đa số HS thường bị sai vì thiếu cẩn thận. Sau khi làm xong, HS cần dò lại thật kỹ bài làm của mình trước khi nộp bài. HS nào ra khỏi phòng thi mà thầy hỏi đề ra gì không trả lời được là chắc chắn không làm bài tốt.
* Thầy Nguyễn Phú Đức (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - môn hóa): Nếu chỉ ôn một vài chương hiệu quả sẽ không cao
Do thi trắc nghiệm nên về lý thuyết HS bắt buộc phải học đủ, dàn đều cả 12 chương. Nếu chỉ chú trọng một vài chương hiệu quả sẽ không cao. Về bài toán thường chỉ ở mức độ vận dụng kiến thức cơ bản và có từ 10-12 bài như xác định tên, tìm cặp chất... HS cũng cần chú ý dạng muối ngậm (các loại quặng và ứng dụng của các loại quặng - phần này thường rơi vào cuối năm học nên HS hay lơ là ít chú ý); ứng dụng của những chất hữu cơ thông dụng.
Trong tất cả kỳ thi bao giờ cũng có câu hỏi nêu về bốn định luật: định luật bảo toàn khối lượng, định luật bảo toàn điện tích, định luật bảo toàn nguyên tố, định luật bảo toàn electron. Nắm rõ bốn định luật này, HS sẽ làm bài được. Sau khi xong lý thuyết mới làm toán. Với toán, nếu đã dùng hết các phương pháp đó mà vẫn không chọn được đáp án thì dùng phương pháp xác suất: chọn đáp án có khả năng đúng nhất, rồi kiểm tra ngược lại với những yêu cầu đề đưa ra.
* Cô Văn Thị Hoa (Trường THPT Võ Thị Sáu - môn sử): Nên viết nháp dàn ý
Năm nay đặc trưng của môn sử là tự luận có trắc nghiệm. Một số vấn đề sẽ được đặt ra trong đề bài như trong năm chương của lịch sử thế giới, chương 1 khối XHCN sẽ hỏi vài vấn đề nhỏ trong Liên Xô và Đông Âu. Chương 2 sẽ hỏi vài chủ điểm về Á, Phi, Mỹ Latin. Chương 3 hệ thống tư bản chủ nghĩa sẽ hỏi về Mỹ, Nhật...
Chương 4 sẽ xoáy vào mấy điểm lớn như sự hình thành quan hệ quốc tế sau chiến tranh thế giới; tổ chức Liên Hiệp Quốc. Chương 5 sẽ hỏi về thành tựu, ý nghĩa cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Về lịch sử Việt Nam, HS ôn năm chương (bỏ chương cuối), bao gồm: các giai đoạn 1911-1929 (những điều kiện về kinh tế chính trị xã hội để chuẩn bị thành lập Đảng); giai đoạn 1930-1945 (Đảng ra đời lãnh đạo cuộc giải phóng dân tộc thắng lợi tháng 8-1945); giai đoạn 1945-1946 (Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh, củng cố, xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng); giai đoạn 1954-1975 (Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi).
Khi làm bài phải xác định câu hỏi ở giai đoạn lịch sử nào, viết nháp theo dạng dàn bài để xem mình nhớ đủ chưa trước khi chấp bút. Nếu cứ viết thẳng vào bài, khi bất chợt nhớ ý chen vào sẽ làm bài rối, giám khảo đọc không được. Một điều rất quan trọng là khi làm bài xong phải đọc lại để chỉnh lỗi chính tả. Bài sai lỗi chính tả có thể bị trừ điểm hoặc không đạt điểm tối đa.
(Theo Tuổi Trẻ)