221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
939076
Nhiều thí sinh bị lập biên bản thi
1
Article
null
Nhiều thí sinh bị lập biên bản thi
,

(VietNamNet) - Hà Nội: Giám thị còn lúng túng trong các khâu coi thi; Hà Tây: Không còn cảnh bắc thang; Thừa Thiên - Huế: Nhiều thí sinh vắng không lý do; Quảng Nam: 22 HS bị lập biên bản đình chỉ thi; đề thi môn Văn cho thấy sự cố gắng trong cách ra đề với nhiều vận dụng từ kiến thức khiến HS khó lòng "quay cóp".

 

Ghi nhận ban đầu của nhóm phóng viên VietNamNet sau buổi thi tốt nghiệp THPT sáng nay.

 

>>Ngày đầu thi tốt nghiệp: Đình chỉ hơn 900 thí sinh 

 

>>Chuyện chép ở quán nước trường thi

Gọi HS vào phòng thi tại Hội đồng thi Trường THPT Lê Hồng Phong (TP.HCM)
Gọi HS vào phòng thi tại Hội đồng thi Trường THPT Lê Hồng Phong (TP.HCM). Ảnh: Thu Hương

Hà Tây: Hết cảnh bắc thang

Xin nghỉ phiên họp thường kỳ của Chính phủ, khởi hành từ sáng sớm, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã tới những “điểm nóng” của tỉnh Hà Tây như Quốc Oai, Phùng Khắc Khoan, Xuân Mai...để "nhập cuộc" kỳ thi này.

Các Hội đồng thi mà chúng tôi đến sáng nay (Trường THPT Hoài Đức A, Bình Minh, Đan Phượng...) không còn lộn xộn cảnh phụ huynh và thanh niên tụ tập trước cổng. Thay vào đó là lực lượng an minh vòng ngoài.

7h25, có mặt tại Hội đồng thi tốt nghiệp Trường THPT Hoài Đức A, cổng trường mở toang... Một số phụ huynh thốt lên: "Năm nay, bên trên làm nghiêm nên không có ai tụ tập. Chứ như mọi năm, khi phát đề đồng thời với việc bên ngoài cũng hoạt động".

Đúng 7h30, từ phía trong hội đồng thi, một phụ nữ mặc áo trắng, quần đen có đeo biển mầu xanh trước ngực đi ra... mà không có sự nhắc nhở nào. Đi được một đoạn, chị tháo biển đeo trước ngực và cuốn theo dòng người.

Ngay lập tức, từ trong quán nước trước cổng trường, 3 người đàn ông mặc thường phục không đeo biển làm thi đi vào Hội đồng và đóng cổng lại. Khoảng 5 phút sau, lại có 2 người đàn ông đi từ phía trong ra.  Một số người dân đứng đó bình luận: Đó là 1 bảo vệ và 1 văn thư?

7h40, cổng Hội đồng thi Trường THPT Hoài Đức A đã đóng, nhưng đã có ít nhất 5 người ra vào hội đồng.

Tại Hội đồng thi Trường THPT Đan Phượng, 4 bên đều có lực lượng an ninh bảo vệ. Phía trước cổng trường và phía trái sát nhà dân, mỗi điểm bố trí từ 3 - 5 công an.

Phó Chủ tịch Hội đồng, Hiệu trưởng Trường THPT Đan Phượng Nguyễn Tự Lực không hài lòng lắm với việc địa phương bố trí nhiều lực lượng an ninh vòng ngoài, tới 12 người (ông chỉ đề xuất 6).

"Vấn đề thi nghiêm túc không chỉ có vòng ngoài. Chúng tôi xác định làm tốt bên trong và cha mẹ HS hiểu về "học thật thi thật" thì chắc chắn kết quả không thấp. Khi đã làm nghiêm bên trong thì phụ huynh học sinh có tụ tập trước cổng trường cũng chẳng giải quyết vấn đề gì", ông Lực nói. 

HS tại Hội đồng thi Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM) trước giờ thi môn Văn.

TP.HCM: 2 thí sinh nhầm trường, 10 giám thị vắng mặt

Một thí sinh nữ có tên ở hội đồng thi Võ Trường Toản nhưng lại sang hội đồng Trưng Vương để tìm phòng thi của mình. Cũng may, trước lúc phát đề khoảng 15 phút, thí sinh phát hiện ra mình nhầm trường thi và tức tốc chạy đến đúng điểm thi.

Một thí sinh khác, lẽ ra thi tại hội đồng thi Bình Chánh nhưng lại đi nhầm sang hội đồng thi Lê Minh Xuân. Hai hội đồng thi đã linh hoạt để thí sinh được thi tại hội đồng Lê Minh Xuân. Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng đoàn Thanh Tra ủy quyền Bộ GD - ĐT: "Chiều nay và các môn thi còn lại, thí sinh phải về đúng hội đồng thi của mình để dự thi."

Tổng kết nhanh của môn thi đầu tiên, TP.HCM có một thí sinh tại hội đồng thi Bà Điểm, Hóc Môn đến muộn sau khi đã có trống phát lệnh làm bài. Thí sinh này bị đình chỉ thi môn Văn, các môn khác thí sinh vẫn được thi bình thường.

Tại hội đồng thi THCS Chu Văn An, quận 1 có một trường hợp bị đình chỉ thi vì mang tài liệu vào phòng thi.

Về trường hợp 10 giám thị vắng mặt, ông Nguyễn Văn Ngai, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, việc này không ảnh hưởng gì đến công tác coi thi.

Thí sinh làm bài thi tại Hội đồng thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam
Thí sinh làm bài thi tại Hội đồng thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam.

 

Hà Nội: Giám thị còn lúng túng trong các khâu coi thi

 

Ghi nhận của phóng viên khi theo chân 1/12 đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT Hà Nội đến Hội đồng thi Trường THPT Yên Viên, công tác xử lý các khâu coi thi của giám thị còn khá lúng túng. Do kỳ thi năm nay được tổ chức gần giống kỳ thi ĐH, nhiều giám thị dù đã được tập huấn nhưng vẫn “quên” không tuân theo những quy trình đã định.

 

Một số giám thị gọi thí sinh vào phòng thi theo số báo danh và không đối chiếu qua thẻ dự thi kèm ảnh. Do đó, đoàn kiểm tra  đã phải đi từng phòng nhắc nhở giám thị, lúc đó, thẻ dự thi của thí sinh mới được lấy từ phong bì ra để kiểm tra đối chiếu.

 

Một thanh tra ủy quyền của Bộ ở Hội đồng thi Trường THCS Yên Viên nhận xét, thao tác coi thi của các giám thị phổ thông còn chưa chuyên nghiệp, nghiệp vụ còn những điều “bỏ qua”. Như những năm trước, giám thị 1 và giám thị 2 còn “chờ đợi bàn bạc” để ghi số báo danh, phát đề… nhưng năm nay, giám thị 1, 2 được phân công việc rạch ròi.

 

Bên cạnh đó, cách niêm phong tủ đề thi cũng gặp những lúng túng, niêm phong không đúng cách như ở Hội đồng thi Trường THCS Đông Hội, Đông Anh, để đoàn kiểm tra của Sở phải nhắc nhở và hướng dẫn lại cách niêm phong.  

 

Phú Thọ: Thi cử yên ắng

 

Tại các hội đồng thi trong TP. Việt Trì, bên ngoài khu vực thi khá yên ắng, không có cảnh tụ tập, ném bài thi.

 

Phần lớn các thí sinh sau khi rời phòng thi đều cho rằng đề không quá khó.

 

Bà Lê Thị Thanh, Phó Trưởng khoa Xã hội Trường CĐ Vĩnh Phúc, được sự ủy quyền của Bộ GD-ĐT về làm thanh tra tại hội đồng thi này cho biết: Tình hình thi cử tại đây khá nghiêm túc và trong buổi sáng ngày hôm nay không có trường hợp thí sinh nào vi phạm kỷ luật thi.

 

Thế nhưng tại trước cửa một số phòng thi sau khi kết thúc môn thi có rất nhiều “phao” ném tung tóe, có thí sinh chẳng ngại ngần cho PV một tập “phao”.

 

Quảng Nam: Không "chạy" theo tỷ lệ đậu tốt nghiệp

Sáng 30/5, hơn 22 nghìn TS của Quảng Nam, trong đó có 20.00 TS THPT và gần 2.000 TS bổ túc bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc năm học 2006-2007.

Ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: Kỳ thi tốt nghiệp năm nay được chuẩn bị chu đáo và nghiêm túc nhất từ trước đến nay. Tỉnh kiên quyết không "chạy" theo tỷ lệ đậu tốt nghiệp".

Kết thúc buổi thi môn Văn đầu tiên, theo Chánh văn phòng Trần Quang Nhựt, Quảng Nam đã có 149 thí sinh vắng mặt, 22 thí sinh bị lập biên bản đình chỉ thi.

Nghệ An: "Điểm nóng" không còn lộn xộn

 

Phụ huynh ở cổng Hội đồng thi Trường THPT Nam Đàn 2, Nghệ An. Ảnh: Hoàng Sang
Phụ huynh ở cổng Hội đồng thi Trường THPT Nam Đàn 2, Nghệ An. Ảnh: Hoàng Sang

Một số HS đưa tài liệu vào phòng thi đều bị lập biên bản xử lý (tại điểm thi Trường THPT Quỳnh Lưu 4; Trường THPT dân lập Quỳ Hợp có 8)

 

Xác định đây là điểm thi phức tạp, năm nay, huyện uỷ Nam Đàn đã huy động một lực lượng cảnh sát dày đặc, nhất là bên ngoài hành lang trường.

 

Thầy Ngô Văn Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 3, Chủ tịch Hội đồng coi thi Trường THPT Nam Đàn 2 cho biết: "Sau sáng nay, tôi hoàn toàn có thể an tâm. Nhưng mới chỉ một buổi thi ban đầu nên tôi chưa thể khẳng định được điều gì. Tôi vẫn hy vọng là 3 ngày thi ở địa điểm này sẽ yên bình”. 

 

Chị Lương Thị Lan, một phụ huynh lo lắng: ”Con nhà tui không chịu học, mà năm nay sở lại làm căng”.  

 

 

HS
Theo báo cáo bước đầu của các Hội đồng thi ở Lào Cai,  tình hình thi sáng nay khá nghiêm túc. Ảnh chụp tại  Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh (Ngọc Bộ) 

 Thừa Thiên - Huế: Nhiều thí sinh vắng không lý do

Theo báo cáo nhanh của thường trực hội đồng thi TT-Huế, sáng nay, 47 thí sinh không có mặt tại phòng thi. Đặc biệt có thí sinh hệ phổ thông tại hội đồng thi Phú Hoà tối qua bị bệnh đột ngột phải cấp cứu tại Bệnh viện TƯ Huế, 2 thí sinh hệ bổ túc bị tai nạn trước kỳ thi.

Lực lượng bảo vệ được phân làm 3 vòng, theo nhận xét của một số phụ huynh và người dân, “bảo vệ như thế này, tiêu cực nếu có chỉ có thể xảy ra trong phòng thi chứ không thể xảy ra từ bên ngoài vào”.

Thầy Phùng Thế Diệm, Hiệu trưởng Trường THPT Hương Thuỷ cho biết: “Tỷ lệ tốt nghiệp là 30-40% hay thấp hơn không quan trọng, mà quan trọng hơn là qua kỳ thi này chúng tối đánh giá đúng thực chất công tác dạy và học trong nhà trường”.

Sáng nay, tại 30 hội đồng coi thi ở TP. Huế chỉ có 13 thí sinh bị lập biên bản vi phạm quy chế thi.

Sốt ruột chờ con thi bên ngoài. Ảnh: Phạm Hải
Sốt ruột chờ con thi bên ngoài. Ảnh: Phạm Hải

Phú Yên: 1 HS bị lập biên bản đình chỉ thi!

 

Lúc 8h45, tại Hội đồng thi Nguyễn Thị Minh Khai huyện Tây Hòa, giám khảo đã lập biên bản đình chỉ thi thí sinh Lê Thanh Tính vì mang tài liệu vào phòng thi. Đây là thí sinh tự do, trước đó học tại trường.

 

Được biết, ngày 28/5, Ban chỉ đạo kỳ thi đã cho 86 cán bộ coi thi có con em hoặc là người giám hộ, người đỡ đầu cả bên chồng và bên vợ tham gia kỳ thi này không được coi thi. Việc này triển khai muộn do công văn từ Trung ương chuyển về chậm, nhưng không ảnh hưởng đến kế hoạch chung, vì theo qui định số giám thị/phòng thi là 2,5 nhưng ban đầu Phú Yên huy động đến 2,88.

 

Giáo viên Lê Thị Thúy Hằng, Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7 , TP.HCM

“Cả hai đề thi nhìn chung vừa sức làm của học sinh phổ thông.

Ở phần dành cho học sinh không phân ban, phần l‎ý thuyết khá dễ. Khi dạy, chúng tôi vẫn nhắc các em chú ý tới những phần này: như tình huống, ý nghĩa nhan đề truyện, sự nghiệp sáng tác một số tác gia, tác giả, và phần nhiều học sinh đều học thuộc, nhớ kĩ.

Với câu thơ của Exinin, đòi hỏi học sinh có thêm một chút cảm nhận. Lại là hai câu thơ của tác giả nước ngoài nên có thể trở ngại, nếu có những học sinh mang tâm l‎ý “thơ nước ngoài ít ra đề” như vẫn thấy.

Ở phần tập làm văn, ở đề 1, cho đoạn thơ khá khó (so với đại trà trình độ học sinh THPT) trong bài Việt Bắc: “Mình về mình có nhớ ai/ Trám bùi để rụng măng mai để già…” – đòi hỏi học sinh không chỉ phân tích bằng cảm nhận, các thủ pháp, nội dung mà phải nắm rõ hoàn cảnh lịch sử bấy giờ, hoàn cảnh sáng tác của tác giả và phong cách thơ… Tất cả những điều đó viết làm sao cho ra “văn”, nhuần nhuyễn không phải dễ. Và chắc chắn học sinh khó lấy trọn điểm.

Theo quan sát trong phòng thi, phần lớn học sinh “né” câu này, và chọn câu tập làm văn ra về hình tượng người lái đò Sông Đà. Với đề này chỉ cần nắm rõ cốt chuyện, dẫn chứng, với kiến thức thầy cô dạy trên lớp cũng có thể làm được hết bài và… khó bỏ sót ‎ ý chính.

So với những năm trước đây, đề không khó hơn. Nhưng nếu làm gắt gao theo tiêu chí năm nay thì khó… đoán được có lo ngại hay không về kết quả. Với mức học của HS chúng tôi thì không ngại, nhưng HS các vùng quê khác thì khó nói.

Ý kiến HS

Kết thúc môn thi đầu tiên, môn Văn, nhiều thí sinh ở các hội đồng thi Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Trường Toản, Trưng Vương đều cho rằng đề Văn sáng nay vừa sức với mình. HS Đại Dương, trường Nguyễn Thị Diệu cho biết: "Đề thi tương đối dễ, em làm được hết. Những nội dung trong đề thi chúng em đã được ôn tập nhiều. Nếu bạn nào quan tâm đến văn học nước ngoài nữa thì chọn đề nào cũng được".

 

 

Xem lại đề thi. Ảnh: Phạm Hải
Xem lại đề thi. Ảnh: Phạm Hải

 

  • Nhóm PV, CTV VietNamNet
     
    Quý vị có thông tin hoặc góp ý về kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, hãy gửi về VietNamNet:
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,