(VietNamNet) - Đề án "Thành lập Trường ĐH KH&CN Việt Nam" đã được thuyết trình với đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GD-ĐT... chiều 12/6. Giáo sư, Viện sĩ (GS-VS) Nguyễn Văn Hiệu cho biết, trường sẽ là nơi đào tạo học sinh giỏi của cả nước để trở thành những giảng viên ĐH và các nhà khoa học trẻ đạt trình độ quốc tế.
Đề án do Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam đề xuất. Trường sẽ sử dụng đội ngũ giảng viên là 700 tiến sĩ của Viện KH&CN Việt Nam và các giảng viên nước ngoài. Đảm bảo 100% giảng viên có trình độ Tiến sĩ; trên 25% giảng viên có trình độ GS, PGS. Đồng thời, hoạt động theo cơ cấu Hội đồng trường; trong đó có Hội đồng Khoa học và Đào tạo; Ban giám hiệu...
Đặc biệt, trường sẽ có hội đồng tư vấn đào tạo quốc tế. Mục tiêu là sẽ sử dụng các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam để giảng dạy và chọn những học sinh giỏi để đào tạo nhằm xây dựng trường thành một trường ĐH hàng đầu Việt Nam.
Vẫn theo GS-VS Nguyễn Văn Hiệu, năm 2007 trường sẽ được thành lập và xây dựng bộ máy lãnh đạo, quản lý và hoàn tất dự trù ngân sách vào năm 2008. Đồng thời, năm 2008 sẽ tuyển sinh khóa đầu để đến năm 2010 cho "ra lò" khóa thạc sỹ tiêu chuẩn quốc tế; 2012 có cử nhân tốt nghiệp và đến 2013 khóa tiến sĩ chất lượng cao trong đó có đạt trình độ quốc tế sẽ ra trường.
Số đông các đại biểu đều đồng tình với đề án "Thành lập Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Việt Nam".
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính băn khoăn, để một trường ĐH thuộc Viện sẽ rất khó trong hoạt động. Bởi, phần lớn kinh phí dùng để NCKH. Có thể, ban đầu trường sẽ tận dụng cơ sở vật chất hiện có của Viện, nhưng lâu dài phải phát triển để có trụ sở và địa điểm riêng. Muốn vậy phải có cơ chế đặc thù để hoạt động.
Nên xây dựng trường theo hướng trường công và Viện KH&CN Việt Nam là nơi bảo trợ thành lập để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, nhiều đại biểu đề xuất. Để xử lý các vấn đề đặt ra phải trình Chính phủ xem xét phê duyệt một cơ chế hoạt động đặc thù.
Tiếp nhận các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Viện KH&CN Việt Nam xây dựng đề án chi tiết và trình Chính phủ phê duyệt. Mô hình trường sẽ là một trường ĐH công lập nhưng có một cơ chế đặc thù để huy động nguồn đầu tư của xã hội.
Nếu để trường trực thuộc hoàn toàn Viện KH&CN Việt Nam thì khả năng huy động nguồn nhân lực bên ngoài sẽ rất hạn chế - Bộ trưởng lý giải. Do vậy, Viện sẽ là một đơn vị bảo trợ để thành lập. Khi trường thành lập đi vào hoạt động thì đội ngũ giảng viên phải duy trì khoảng 70% là người của Viện đưa sang; 30% giảng viên còn lại sẽ tuyển thêm - đội ngũ này sẽ là người của trường và chịu sự quản lý của trường.
Trước mắt Nhà nước cần đầu tư để xây dựng một nhà điều hành, khu giảng đường, ký túc xá và đồng bộ hóa các cơ sở thí nghiệm với ước tính khoảng 1.000 tỉ đồng. Khi đi vào hoạt động trường sẽ đào tạo khoảng 300-500 sinh viên/năm được tuyển chọn từ khoảng 2 vạn học sinh giỏi các môn toán, lý, hóa, sinh ở các trường chuyên trên cả nước.
GS-VS Nguyễn Văn Hiệu cho biết, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ gồm 10 khoa: Toán học, Vật lý, Hóa học, Cơ học, Sinh học, Các Khoa học Trái đất và biển, Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Công nghệ môi trường và khoa Công nghệ vật liệu.
Các khoa sẽ không mở đồng loạt cùng lúc. Mỗi khoa sẽ gắn liền với sự phát triển của các Viện chuyên ngành. Chất lượng đào tạo của trường sẽ không thua kém các trường "ngoại" với chi phí thấp và học phí thấp....Đây sẽ là một trường ĐH đẳng cấp quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, GS-VS Nguyễn Văn Hiệu khẳng định.
-
Kiều Oanh
Ý kiến của bạn: