Mấy ngày qua, chuyện Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Sơn Tây) có 100% học sinh không đổ trong kỳ thi tốt nghiệp năm học 2006-2007 thực sự gây sốc cho ngành giáo dục Quảng Ngãi.
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Quảng Ngãi) có tỷ lệ tốt nghiệp 0% |
Gạo nào cơm nấy”!
Ngược lên phía Tây thành phố Quảng Ngãi, chúng tôi vượt 85 km đường núi bằng xe máy mới đến được với trường THPT Đinh Tiên Hoàng ở huyện miền núi Sơn Tây - huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh, nơi phần lớn là người dân tộc K’dong sinh sống. Dường như thông tin buồn về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đã len lỏi khắp nhà dân và các hàng quán trên địa bàn huyện.
Thầy Nguyễn Hải Thịnh- Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng nói: Chúng tôi cũng buồn nhưng không bất ngờ trước kết quả đó.
Bởi lẽ, nhà trường quán triệt và yêu cầu giáo viên, học sinh thực hiện nghiêm chủ trương “hai không” của Bộ GD&ĐT, phản ánh đúng kết quả học tập cũng như việc dạy của nhà trường.
Những năm trước rớt rất ít, thậm chí có năm đỗ 100% nhưng không phải vì thế mà chúng tôi vui. Trường thành lập năm 2004.
Năm học 2006-2007 có 154 em học sinh, trong đó học sinh khối 12 có 41 em, với 10 giáo viên đứng lớp. Phần lớn thầy cô đều còn trẻ, thiếu kinh nghiệm và không phải là người địa phương nên phần nào cũng ảnh hưởng đến việc dạy.
Kết quả kiểm tra học kỳ 2 khối 12 thì trong số 41 em chỉ có 2 em đạt loại khá, 13 em trung bình, 26 em yếu. Trong kỳ thi thử (có thêm 10 em thí sinh tự do) với 51 em thì chỉ có 1 em đạt điểm trung bình môn Hóa.
Em Đinh Thị Theo ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi đợt 2
Thầy Thịnh khẳng định: Đây là hệ quả tất yếu của một hệ thống đào tạo có chất lượng thấp. Thực tế, hơn 10 năm qua kể từ ngày tách ra khỏi huyện Sơn Hà, ngoài trường dân tộc nội trú, huyện Sơn Tây chưa có một hệ thống bậc THCS hoàn chỉnh.
Do đó chất lượng đào tạo ở bậc này không thể gọi là tốt được, nên dẫn đến đầu vào cho bậc THPT cũng khó mà đảm bảo. Điều này cũng đã xảy ra, qua 4 năm thành lập chưa một năm nào trường tổ chức thi tuyển như các trường khác.
Chủ yếu xét tuyển là chính nhưng cũng không có học sinh để mà xét theo chỉ tiêu của Sở GD&ĐT giao, vì sau khi tốt nghiệp THCS các em nghỉ ở nhà làm rẫy, lập gia đình; nhiều gia đình chưa có ý thức cho con theo học chữ để sau này kiếm nghề mưu sinh.
Cô giáo Phạm Thị Nhung (29 tuổi) tâm sự: |
Em nào nộp hồ sơ là đậu. Như năm học 2006-2007, Sở cho chỉ tiêu tuyển 150 học sinh lớp 10 nhưng chỉ có 102 hồ sơ nộp. Năm học 2007-2008 này Sở cho chỉ tiêu 165 em nhưng nếu không vận động phụ huynh cho con em đến trường thì cũng khó tuyển được 100 em.
Điều kiện để các em đến lớp cũng rất khó khăn. Gia đình nào có điều kiện kinh tế và em nào học được đều chuyển xuống Sơn Hà, hoặc Trường dân tộc nội trú tỉnh để học. Trung bình mỗi năm có từ 4-5 em chuyển trường, phần lớn đều có học lực khá.
Do đó, số học sinh còn lại ở trường đều có học lực yếu kém. Mặt khác, phần lớn các em đều là lao động chính trong gia đình nên đến mùa trồng rừng, mì, gặt đót các em nghỉ hàng loạt nhưng giáo viên không dám la, vì sợ các em nghỉ luôn.
Thêm vào đó, tập quán lạc hậu của đồng bào mà lâu nay chưa bỏ được là trong thời gian đi học gia đình vẫn có thể cưới vợ, gả chồng cho con. Trong số 41 em lớp 12 vừa qua có đến 10 em lập gia đình và có con. Như em Đinh Văn Tùng và Đinh Thị Thái lấy nhau và sinh được một cháu trai trong dịp hè năm học lớp 11.
Sau đó vợ chồng gửi con cho cha mẹ để tiếp tục theo học lớp 12. Và rất nhiều hoàn cảnh rất éo le sau khi sinh con vẫn tiếp tục đi học đã để lại cho nhà trường nhiều phiền toái mà xử lý cũng không phải dễ.
Cần sự chia sẻ
Chúng tôi đến nhà cô Phạm Thị Nhung, giáo viên môn Toán và là giáo viên chủ nhiệm lớp 12 duy nhất của trường đúng lúc có rất đông người. Qua trò chuyện chúng tôi được biết, họ đều là giáo viên dạy tiểu học và THCS trên địa bàn huyện đến chia sẻ nỗi buồn cùng cô giáo Nhung.
Nhung là người ở huyện miền núi Ba Tơ, thực sự bị sốc khi lần đầu tiên sau 5 năm công tác nếm phải nỗi buồn này. Được biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 2002, Nhung về nhận công tác tại trường và đã lập gia đình với anh Thịnh hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua (Sơn Tây).
Nhung cũng là giáo viên duy nhất trong số 10 giáo viên của trường có hộ khẩu tại Sơn Tây. Nhung bộc bạch: Khi biết tin, thầy và trò trường chúng tôi như đang rơi xuống vực. Có người gọi điện đến chia sẻ, nhưng cũng có người oán trách. Nhưng phận làm “người đưa đò” nên đành phải cam chịu.
Anh Thịnh - chồng cô giáo Nhung thổ lộ: Mấy hôm nay cả gia đình anh không dám bước ra khỏi nhà, vì trong ánh mắt của một số người, dường như lỗi này do giáo viên thì phải.
Ông Đinh Văn Phú (50 tuổi), thì chia sẻ nỗi buồn này với cô con gái Đinh Thị Theo bằng cách động viên con ôn bài để thi đợt hai trong tháng 8. Đấy cũng là niềm hy vọng của tập thể giáo viên trường Đinh Tiên Hoàng, vì năm học này họ không có hè.
Theo Phú Đức (Tiền Phong)