(VietNamNet) - Huyện Bố Trạch, Tỉnh Quảng Bình, các trường THCS Đại Trạch, Hưng Trạch, Thanh Trạch, Nhân Trạch, Hoàn Trạch… mỗi trường có vài chục học sinh bỏ học. Hầu hết các em đều nằm trong nhóm bị ở lại lớp.
Không được lên lớp: Bỏ học
Ban Giám hiệu nhà trường làm việc với các phóng viên. |
Thầy Phan Văn Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Khoảng 2 tuần sau khi khai giảng năm học mới, đã có gần 80 học sinh bỏ học. Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức các đoàn công tác gồm đại diện lãnh đạo, giáo viên chủ nhiệm đi đến từng gia đình vận động học sinh đến lớp. Từ vận động đã có 24 em đã đi học trở lại…”.
Ông Nguyễn Thế Trường, Trưởng thôn thôn Na (Sơn Trạch) kể: “Thôn có 84 học sinh THCS, đến nay đã bỏ học 6 em, 10 em đang trong tình trạng “bữa đực, bữa cái”, một ngày đi học ba ngày nghỉ không có lý do…Chính quyền thôn đang vận động để các em đi học, nhưng rất khó khăn”.
Ngay cả gia đình ông Hoàng Chí Thanh, cán bộ thôn Na có con là Hoàng Chí Chuyên học lớp 8 cũng bỏ học. Khi được hỏi vì sao không vận động con đến trường, ông Thanh không hề giấu giếm: “Thì tôi cũng có vận động đó chớ, nhưng cháu nó chán vì học không nổi, kiến thức từ những lớp 6, 7 không nhớ được thì làm sao theo học được lớp 8 được. Vận động mà con không đi học thì cũng đành chịu thôi, không thể ép…”.
Về thôn Gia Tịnh (Sơn Trạch), nơi có nhiều học sinh bỏ học. Ông Nguyễn Văn H, một phụ huynh có con bỏ học “thắc mắc”: “Nguyên nhân là do con tôi bị ở lại lớp nên cháu mới bỏ học. Nếu nhà trường cho lên lớp thì cháu sẽ đi học ngay…”.
Thầy Phan Văn Hà, Hiệu phó không tán thành thắc mắc này: “Cuối năm học, toàn trường có 187 học sinh phải thi lại. Nhà trường đã tổ chức ôn tập miễn phí cho các em và đã tổ chức thi lại lần 2. Tuy nhiên, có 59 em vẫn không đủ điểm để lên lớp, phải ở lại. Yêu cầu của phụ huynh là không thể được vì vi phạm quy chế…”.
Tình trạng học sinh bỏ học tràn lan không chỉ riêng trường THCS Sơn Trạch. Tại huyện Bố Trạch đã có ít nhất 7 trường học xảy ra hiện tượng này. Tại các trường THCS Đại Trạch, Hưng Trạch, Thanh Trạch, Nhân Trạch, Hoàn Trạch… mỗi trường cũng có vài chục học sinh bỏ học. Hầu hết các em đều nằm trong nhóm bị ở lại lớp.
Hiện tại, một số học sinh bỏ học đã theo người lớn trong gia đình lên rừng gùi thuê gỗ huê cho các đầu nậu buôn bán gỗ trong khu vực. Vì gỗ huê đang sốt giá trên thị trường nên mỗi chuyến đi của các em (dù gùi ít hàng) vẫn có thể có thu nhập đến con số triệu đồng.
Hậu quả bệnh thành tích
Lớp học vắng vì nhiều học sinh đã bỏ học. |
Ngày chúng tôi đến làm việc tại trường, em Nguyễn Văn Mỹ (thôn 2, Phong Nha), học sinh lớp 8H, được thầy cô động viên đã đến lớp học ngày đầu tiên.
Em cho biết: “Các thầy cô giáo đã cho em bộ SGK và động viên đi học. Nhưng em cũng ngại vì sức mình sẽ không thể học lên cao hơn. Nhiều anh chị trong thôn học thi cả 2 lần đều trược không tốt nghiệp được THPT…”.
Thầy giáo Nguyễn Thái Toản, một giáo viên có thâm niên trong nghề dạy học ở huyện Quảng Ninh nhận định: “Đây là điều không thể tránh khỏi trong lộ trình thực hiện “2 không”, “4 không” của ngành giáo dục.
Trước đây, đào tạo theo thành tích, tâm lý học sinh quen vào việc học như chơi, còn việc lên lớp hoặc thi đỗ tốt nghiệp đã có thầy cô lo hộ. Vì vậy, khi phải học thật, thi thật, các em tự thấy mình không thể vượt qua được và sợ không đến lớp…”.
Hiện những học sinh bỏ học đều nằm trong diện ở lại lớp, kiến thức cơ bản của những năm học trước đây đều đã “cơ bản không nhớ”. Chính vì vậy, khi thực hiện nghiêm túc quy chế thi cử đã làm các em “sợ” không còn tâm lý muốn đến trường.
Ông Phan Khắc Long, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bố Trạch cho hay: “Vấn đề nhiều học sinh bỏ học, chúng tôi đã tiên lượng trước, không bất ngờ, nhưng cũng khó có giải pháp khắc phục khả quan.
Hiện, Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường vận động các em trở lại lớp. Các khoản thu học phí, SGK cho các em sẽ được miễn…Trường hợp các em không thể theo học các lớp công lập thì có thể chuyển các em sang học hệ Bổ túc văn hoá để sau này hướng cho các em học nghề…”.
-
Bảo Hạnh