Sau lần bị công an xã và thày phụ trách đội ’hỏi cung’ vì nghi ngờ lấy tiền quỹ lớp hồi tháng 3, em Huỳnh Thị Ngọc Trâm (13 tuổi) đã rơi vào trạng thái hoảng loạn và không nói được.
Niềm vui của chị Nga khi đứa con gái 13 tuổi nói trở lại |
Để một em bé 13 tuổi như Trâm nói được trở lại là quá trình nỗ lực khó khăn của gia đình và sự giúp đỡ hết lòng của các bác sĩ. Từ ngày 11/4 đến nay, Trâm được đưa đến khám, điều trị ở Bệnh viện Tâm thần và khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1. Em nhập viện trong tình trạng rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần. Suốt hai tháng đầu, chị Nga thuê nhà trọ tại TP HCM để hàng ngày đưa con đi khám. Sau đó, số tiền vay mượn cạn dần nên chị đành xin bệnh viện cho về quê để hai tuần đưa con lên khám một lần. Mỗi lần đi khám, hai mẹ con phải dậy từ 3h sáng để kịp đến khám ở cả hai bệnh viện. Trâm bị chứng say xe nên hai mẹ con không dám đi xe đò, phải thuê xe ôm tốn tới 300.000 đồng cho mỗi lần đi khám.
Sức khỏe và tinh thần chị Nga đã lụi dần vì không thấy sự thuyên giảm rõ rệt ở con. Nhiều lần chính chị cũng phải nhập viện để truyền đạm vì đuối sức. Trái tim người mẹ bảy tháng qua cứ phập phồng buồn vui theo từng cử chỉ, biểu hiện hàng ngày của con. Có lúc Trâm đòi bú tí mẹ, đòi mẹ hát ru ngủ như một đứa trẻ sơ sinh. Có lúc Trâm nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa mặc đồng phục đến trường đã bứt rứt giận dữ, cả đêm không ngủ. Chị Nga dỗ dành, gặng hỏi mãi, Trâm mới ngồi dậy cầm bút viết ra giấy: “Mẹ ơi, mẹ đừng cho em con đi học nữa. Đến trường, người ta sẽ hại em con đó!”. Những đêm Trâm không ngủ, chị Nga cũng phải hỏi mãi em mới viết rằng em “muốn chết đi”. Có lúc mấy hôm liền Trâm lại đòi mẹ đưa đi chùa. Gần đây, có lẽ vì thương mẹ nhập viện nhiều lần mà Trâm đã trở nên dịu tính hơn.
Theo bệnh án tóm tắt của Bệnh viện Nhi đồng 1 (gia đình Trâm cung cấp), các bác sĩ chẩn đoán em bị stress sau chấn thương, bị tổn thương lòng danh dự và sụp đổ hình ảnh người mà em tôn kính (Trâm từng có ước mơ lớn lên sẽ làm cô giáo). Các bác sĩ Việt Nam và Pháp ở bệnh viện này đã điều trị bằng cách nâng đỡ tâm lý cho em và ba mẹ, dùng các phương tiện trung gian như đồ chơi, màu vẽ, ngôn ngữ viết để giúp em hòa nhập với xã hội. Đầu tháng 10 vừa rồi, các bác sĩ cho biết, Trâm đã ổn định hơn về tinh thần nhưng hình ảnh bản thân còn yếu, chưa sẵn sàng đến trường, chưa nói được. Trâm cần được thăm khám tâm lý thường xuyên mỗi ngày để khôi phục lòng danh dự, khôi phục hình ảnh bản thân, giải tỏa ấm ức và hòa nhập với xã hội. Dù các bác sĩ đã khuyên như vậy nhưng với hoàn cảnh khó khăn của gia đình, chị Nga đã không thể đưa con đến khám mỗi ngày.
Từ ngày bé Trâm phát bệnh, lãnh đạo ngành giáo dục ở trung ương và địa phương, ban giám hiệu nhà trường nơi em học cũng đến thăm và động viên. Bà con lối xóm thường xuyên ghé cho em khi hộp sữa, khi gói bánh, gói kẹo và động viên cha mẹ em. Lần nào thăm, họ cũng hỏi: “Vụ việc giải quyết đến đâu rồi?”. Chị Nga không biết trả lời sao, chỉ biết dốc hết sức lo chữa bệnh cho con. Cũng từ khi báo chí đưa thông tin Trâm bị bệnh, dư luận trong nước và cả nước ngoài đã rất quan tâm đến em. Nói về trách nhiệm của những người trực tiếp gây ra thiệt hại cho em, chị Nga buồn bã: “Mấy ngày đầu Trâm ngã bệnh, chú công an xã có đến thăm được một lần. Sau đó không thấy đến hỏi han gì nữa. Riêng thầy phụ trách đội thì không thấy đâu”.
Trước những mất mát, tổn thương quá lớn của bé Trâm và gia đình, Chương trình trợ giúp pháp lý miễn phí của Báo đã cử luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên trợ giúp pháp lý miễn phí cho em. Tuần này, luật sư Liên sẽ đến Đồng Tháp để bàn với các cơ quan chức năng và những cá nhân liên quan về mức bồi thường thiệt hại cho Trâm và gia đình bấy lâu. “Sau khi chúng tôi làm việc, nếu các bên không thỏa thuận được mức bồi thường thì có lẽ phải đưa vụ việc ra tòa, dù đó là điều chúng tôi không hề mong muốn”, luật sư Liên cho biết.
(Theo Pháp Luật TP HCM)