221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1001630
Sẽ dạy phòng chống tham nhũng từ tiểu học?
1
Article
null
Sẽ dạy phòng chống tham nhũng từ tiểu học?
,

(VietNamNet) - "Không nên đưa nội dung phòng, chống tham nhũng thành môn học riêng. Việc biên soạn nội dung, tài liệu giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đó là những vấn đề được bàn thảo sôi nổi tại hội thảo góp ý cho "Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình đào tạo" do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 5/11.

Môn học chính hay lồng ghép?

Quang cảnh hội thảo (Ảnh K.O)
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh K.O)

Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Ngọc Tản cho biết, qua trao đổi với một số trường ĐH, thấy có 2 luồng ý kiến trái chiều rõ rệt. Nhiều trường đề nghị đưa nội dung phòng, chống tham nhũng là một môn học mới thuộc chương trình đào tạo "cứng". Tuy nhiên, không nên quy định thành môn học riêng mà có thể lồng ghép vào các môn lý luận cơ bản như Triết học Mác - Lê nin, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng...

Phó Trưởng ban Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Phạm Tuấn Khải băn khoăn, "trong quy định của Chính phủ thì giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì và phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính thực hiện. Nhưng xuyên suốt dự thảo đề án thì các nội dung đều giao hết cho các bộ, còn Thanh tra Chính phủ chỉ phối hợp?!".

Theo ông Khải, để nội dung triển khai hiệu quả, đề án soạn thảo phải phân định rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc giáo dục, quản lý HS, SV. Tương tự, trách nhiệm của Bộ Tài chính đến đâu, khi nội dung này chính thức được đưa vào chương trình chính khóa thì mức đầu tư cho đào tạo là bao nhiêu.

Cụ thể, phải có sự khảo sát kỹ tình hình từng trường học cụ thể về điều kiện thích ứng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên..., tránh tình trạng vừa làm vừa "chắp vá" mà hiệu quả không cao.

Bắt đầu từ tiểu học?

Một nội dung được bàn thảo sôi nổi là đưa nội dung phòng, chống tham nhũng bắt đầu từ cấp học nào, đối tượng nào...  .

"Đặt vấn đề giảng dạy từ bậc tiểu học là vô lý" - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Trường ĐH Phương Đông) Nguyễn Hữu Trí bày tỏ: "Ở đối tượng này, các cháu còn nhỏ, chưa thể tiếp thu,  giải thích vòng sẽ mất thời gian, hiệu quả chẳng tới đâu".

Mặt khác, đây là vấn đề phức tạp liên quan đến chương trình, giáo trình, giảng viên và phương pháp giảng dạy... nên không thể đưa tràn lan được".

Theo ông, trước hết nên bắt đầu từ công chức nhà nước. Không nhất thiết phải quy định môn riêng mà nên lồng ghép vào quy định "Những điều công chức không được làm".

Ở bậc ĐH, Bộ GD-ĐT ban hành khung chương trình để các trường có cơ sở xây dựng giáo trình giảng dạy phù hợp. Khi đào tạo theo tín chỉ, phải giảm tải chương trình đào tạo, đưa thêm nội dung sẽ rất khó.

Ông Mai Quốc Bình, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trước mắt, nội dung này sẽ được triển khai ở cán bộ công nhân viên chức trong hệ thống nhà nước, tiếp đến là các trường ĐH, CĐ, TCCN và trường phổ thông. Đối với bậc tiểu học thì chưa thực hiện vì các cháu còn quá nhỏ.

Nhưng Hiệu trưởng Trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm Nguyễn Thị Hiền lại cho rằng, tất cả những hành vi đạo đức đều hình thành từ tiểu học và các em đủ thông minh để cảm thụ những tấm gương, những hành động có văn hóa... Bởi vậy, bà không đồng tình với những ý kiến cho rằng các em còn nhỏ, chưa thể cảm thụ được.

Với bậc học này, có thể lồng ghép nội dung phòng chống tham nhũng trong những tiết đạo đức để các cháu tiếp thu dần dần.

Nên viết lại đề án...

Ông Nguyễn Huy Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ GD-ĐT) cho biết, hiện thời lượng của các học phần trong chương trình khung do Bộ ban hành chiếm khoảng 75% tổng thời lượng của một khóa học.

Để bắt buộc, có thể đưa thẳng vào chương trình khung của các ngành. Hoặc, Bộ không quy định cứng trong chương trình khung nhưng hiệu trưởng  tự chọn nội dung trong số 25% tự xây dựng.

Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Công an) Phan Tuấn Bình thẳng thắn, đề án phải soạn thảo lại. Vì "nội dung đưa ra rất chung chung về lộ trình thực hiện, đối tượng triển khai thí điểm và đại trà, nhiệm vụ của các bộ ngành liên quan, kinh phí".

Theo ông Bình, cần xác định rõ là đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào đào tạo hay bồi dưỡng? Đào tạo liên quan đến cấp bằng, còn các khóa bồi dưỡng thường chỉ kéo dài vài ngày.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhìn nhận, chương trình đào tạo càng tách nhỏ phù hợp với từng bậc học, vùng miền... thì hiệu quả càng cao. Thậm chí, có thể lập các nhóm công tác khảo sát thực tế về công tác phòng, chống tham nhũng (!)

Số đông đại biểu còn đề xuất làm rõ kinh phí đào tạo từ khi làm đề án. "Cần tính toán, khi hết tài trợ thì lấy kinh phí đâu để duy trì cho giảng dạy, bồi dưỡng giáo viên? Thực tế, đã thiếu giáo viên rồi mà đưa thêm nội dung này vào giảng dạy thì kiếm đâu ra người dạy?", ông Nguyễn Hữu Trí ưu tư.

  •  Kiều Oanh (lược thuật)

******************************

Dương Minh, Q.TB, TP.HCM, email: vtd-veic@...
Tôi cảm nhận sao việc này "hình thức" thế! Tổ chức và người lớn còn thấy khó, lúng túng chưa biết xoay sở thế nào... định dựa vào các cháu ư? Người lớn đã thực tâm phòng và chống chưa mà định dạy các cháu phòng với chống!?! Hãy để cho tuổi thơ của các cháu được trong sáng. Hãy phấn đấu làm sao 10-20 năm nữa không phải quá lo về việc này thì thế hệ tiểu học bây giờ khi đó không còn phải phòng và chống!

Ngọc Thanh, email: lucmayvanphong@...

Chống "giặc"
Nếu đã coi tham nhũng là giặc, tốn kém mấy cũng làm nhưng nếu chống theo cách "bảo" mấy ông tham nhũng không được tham nhũng là không ổn. Chúng ta quyết tâm chống giặc ngoại xâm cao bao nhiêu thì quyết tâm với giặc nội xâm phải nhân lên gấp đôi, gấp ba. Tham nhũng là đồng minh của thiên tai, địch họa, bệnh dịch của nghèo đói lạc hậu. Trong lúc này đây, khi vận hội đang đến với đất nước, nhưng nếu không có quyết tâm diệt trừ, chúng sẽ đẩy cơ hội thoát nghèo tuột khỏi tầm tay của hàng triệu người Việt Nam. Hãy sử dụng quyết tâm nhiệt huyết của chúng ta, Đảng cần có một cái gì đó như "Hịch tướng sĩ" năm nào để thể hiện khao khát của người dân.

 

Cá nhân tôi xin hiến một cách đơn giản, không tốn kém nhưng hiệu quả của nó cần vào tâm huyết của người trực tiếp thực hiện, hoặc phải làm cho người trực tiếp thực hiện có được cái tâm huyết đó. Thứ nhất, việc đưa đề tài chống tham nhũng vào trường học là rất sáng suốt và nên bắt đầu từ khối tiểu học. Thứ hai, chủ yếu giáo dục phẩm giá, danh dự con người là tài sản quý giá, kẻ tham nhũng không có cái tài sản này. Thứ ba, mỗi khối lớp của một trường học cần có 1- 2 hoặc 3 giờ học tập trung tại sân trường do chuyên gia chống tham nhũng hoặc chuyên gia bộ môn khoa học xã hội tuyên truyền giảng dạy. Rất cần thiết tuyên truyền lối sống văn minh, lịch sự, biết xin lỗi, cảm ơn, đề cao nhân cách con người điều này kết hợp với luật giao thông làm các em có ý thức nhường nhịn khi ở nơi công cộng.

Nguyễn Chung, Thanh Hóa, email: NguyenKimChung060162@...
Đào tạo chuyên gia chống tham nhũng?
Ta đã có một bài học đau đớn và cái giá rất đắt phải trả cho đề án tin học "112" - hàng ngìn tỷ đồng thiệt hại, hàng chục cán bộ tha hóa, trong khi đề án tin học nghe như rất thiết yếu và khả thi là vậy. Thiết nghĩ, chưa vội phát kiến đề án phổ cập chống tham nhũng từ tiểu học, có vẻ lại bệnh phong trào rồi. Tham nhũng hiện nay là bệnh trầm kha, là giặc nội xâm, cần phải chống rất cấp bách, không thể ngồi thảo luận ý tưởng đào tạo những người sau này có thể chống tham nhũng. Thanh tra chính phủ nên tổ chức hội thảo theo hướng đóng góp ý kiến cho kế sách chống tham nhũng. Về chống tham nhũng từ gốc đòi hỏi một sự đồng bộ cao nhất từ tất cả các khâu. Tôi rất ủng hộ ý kiến của một ĐBQH đã đưa ra nguyên lý "4 không": "Không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng" đã phân tích khá kỹ các tiền đề kèm theo mỗi cái "không". Về chống tham nhũng từ ngọn, tôi đã đề xuất ý kiến cần có các trung tâm hoặc các trường ĐH đào tạo chuyên gia chống tham nhũng, không phải cấp trên cứ ngồi nghĩ rồi đề xuất một danh sách ban chống tham nhũng, thông qua, ra QĐ thành lập là ban đó chống được tham nhũng. Tôi đã nói, tài không hơn người, đức không hơn người, kinh nghiệm không hơn người, bản lĩnh không hơn người làm sao chống được người tham nhũng. Vì vậy, phải đào tạo chuyên gia chống tham nhũng mới có thể làm được.
 
Nguyễn Trung, email: trung-vt.nguyen@...
Xin đừng ngứa đâu giã đấy
Xin đừng có chương trình riêng cho dạy chống tham nhũng từ tiểu học. Làm như thế chẳng khác gì dạy các em nói dối giỏi hơn nữa và từ trong máu, bởi lẽ ngay chung quanh các em, thầy cô của các em và ngay trong nhà trường đầy rẫy các chuyện tham nhũng. Dạy như vậy các em sẽ học một đường, nghĩ và làm một nẻo vì chịu tác động của chung quanh. Nên chăng là thông qua các bài học, các môn trau dồi đạo đức làm người cho các em, bắt đầu từ nhà trường, thầy cô giáo nêu gương đạo đức trước.

Nguyễn Văn Hưng, email: ngvanhung@...
Vấn đề không phải là cứ dạy rồi hết tham nhũng, việc làm đó vô tình làm cho chương trình học của HS-SV vốn đã nặng thêm nặng hơn. Theo tôi, cần phải nghiêm minh và minh bạch trong hành chính và pháp luật, có cơ chế cho người dân được kiện và phục hồi quyền lợi nhanh chóng khi bị người có thẩm quyền của tổ chức gây ra thiệt hại, người cán bộ gây ra thiệt hại đó phải được xử lý nghiêm khắc bằng chế tài pháp luật chứ không được xử lý nội bộ. Chúng ta có thấy ai tham nhũng mà không biết rõ và ý thức được việc làm sai đó đâu, biết rõ nữa là đằng khác nhưng vẫn cố phạm, cho nên giải quyết nó không phải là việc học cho biết (vì biết rồi), mà thái dộ và phương pháp chúng ta xử lý để chặn đứng việc cố phạm đó.
 

Email: tvbygb@yahoo.com
Trước khi đưa vào giảng dạy về chống tham nhũng, chúng ta nên xác định đối tượng nào có khả năng tham nhũng để mà giảng dạy cho những đối tượng đó chứ trẻ con biết gì là tham nhũng, không khéo vô hình chung làm cho trẻ có cái nhìn không tốt về hiện tượng tham nhũng đang tràn lan khắp đất nước. Chúng ta không nên hô khẩu hiệu mãi mà không có biện pháp cứng rắn thì công cuộc chống tham nhũng chẳng đi đến đâu. Tôi thấy trong các cơ quan nhà nước bắt các nhân viên đi học luật chống tham nhũng mà chẳng thấy sếp đi học gì cả. Quốc hội còn nhiều việc phải làm mà, không nên mất thời gian để thảo luận những vấn đề như vậy.

 

************************

Ý kiến của quý vị về ý tưởng đưa phòng, chống tham nhũng thành nội dung đào tạo ở trường học:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,