(VietNamNet) - Không thể không ăn, sinh viên (SV) phải tìm cách xoay xở việc ăn uống trước dịch tiêu chảy cấp đang hoành hành. Bởi hầu hết SV sử dụng cơm hộp, cơm bụi, thức ăn đường phố - nơi có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp cao.
Ăn ở vỉa hè |
Từ khi có tin dịch tiêu chảy cấp xuất hiện và ngày càng lan rộng, mấy xóm trọ trong “thành phố SV” tại Cầu Giấy, Bách Khoa, Lê Thanh Nghị rộn rạo chuyện vệ sinh, ăn uống.
Tại một xóm trọ SV khu Mai Dịch, Cầu Giấy, sau giờ chiều tan học, cả xóm sinh hoạt chung và cùng bàn luận sôi nổi về dịch tiêu chảy cấp. Thông tin về dịch bệnh có người nắm rõ, có người không, nhưng tất cả đều tỏ ra hoang mang.
Đào Thị Thắm ở một xóm trọ khu ĐH Sư phạm, học Khoa Tiếng Trung, ĐHQG HN kể: “Mấy hôm đầu, mình không quan tâm lắm, chỉ nghĩ là một bệnh bình thường chứ không biết bùng phát nhanh và nhiều như thế. Bố mẹ mình gọi điện lên nhắc nhở chuyện ăn uống, mình cũng thấy sợ sợ. Hai hôm nay rồi, mình không ăn bún đậu của chị bán hàng đầu ngõ”.
Theo thống kê của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, quận Hai Bà Trưng là một trong những quận có số bệnh nhân tiêu chảy cấp tăng nhanh nhất thành phố. Trong khi đó, đây là nơi sinh sống của rất nhiều SV nam. Đa số họ dùng cơm bụi, đồ ăn đường phố thay vì ăn đồ tự nấu nướng.
Khi được hỏi, hầu hết SV ở đây đều biết đến dịch tiêu chảy cấp. Sự lo lắng ít nhiều đã xuất hiện, nhất là khi họ thấy cổng BV Bạch Mai tự nhiên đông nghẹt vì bệnh nhân nhập viện.
Nguyễn Văn Tú, SV ĐH Xây dựng HN cho biết: “Đã mấy ngày nay rồi mình không ăn uống linh tinh nữa. Mới chiều hôm qua, anh rể mình ở Đống Đa đã phải nhập viện”.
Trường hợp của Tú còn may mắn khi được ăn cơm do bạn bè ở cùng nấu. Với những SV không nấu nướng gì - phần nhiều là SV nam - thì có lo cũng không giải quyết được gì. Nguyễn Hải Sơn, SV ĐHBK HN khẳng định: “Mình lo thì lo thật nhưng việc ăn thì không thể bỏ. Bây giờ, mình không nấu cơm, không ăn cơm bụi thì ăn ở đâu?”.
Hàng quán ế khách
Nhà ăn A1, Bắc Đẩu, ĐHBK Hà Nội |
Nhìn chung, tất cả các SV đều cảnh giác, dè chừng với thực phẩm, đồ ăn. Vì thế, các quán cơm bụi, các gánh hàng rong bán bún đậu… đều ế hàng.
Chị Thực, người bán bún đậu rong trên con phố gần ĐHBK cho hay: “Vẫn có người ăn, nhưng ít hơn nhiều rồi. Tôi chỉ còn bán được bằng một nửa mọi khi”.
Chị Hoa, quê Hoài Đức, Hà Tây, bán rau quả tươi tại chợ Dịch Vọng cho biết: “Chợ này bình thường lượng SV mua rất đông. Nhưng vài hôm nay là ế ẩm hơn. Tôi bán rau tươi, quen khách rồi mà mấy vị hay mua cũng vẫn cảnh giác”.
Phố ẩm thực SV Tạ Quang Bửu nổi tiếng cũng thưa hẳn khách. Các món bún, cháo, các món nhậu SV như mực nướng cũng bán chậm hẳn. “SV cũng sợ mắc dịch nên không dám ăn nữa, dù mực của chị vẫn sạch sẽ như thế”, chị Hiên có thâm niên bán mực nướng ở đây cho biết.
Trưa ngày 5/11, tại phòng ăn A1, nhà ăn Bắc Âu - nhà ăn phục vụ phần lớn nhu cầu ăn uống của SV ĐHBK HN - lượng SV vào ăn không có thay đổi gì nhiều, vì ăn uống là nhu cầu số 1. Nhưng thay vì ăn uống thoải mái như trước kia thì nay, SV ở đây chuyển sang kiểu ăn có chọn lựa.
Trần Duy Hùng, SV Khoa Cơ khí nói: “Mình nghe báo chí nói thịt lợn, thịt gà, giò chả cũng gây bệnh. Tốt nhất là mình không chọn mấy món đó. Bao giờ hết dịch thì lại ăn bình thường”. Còn Huy, bạn Hùng thì thận trọng: “2 ngày nay, mình ăn toàn trứng, lạc. Không ăn các món thịt nữa”.
Nhận thấy điều này, những người phục vụ nhà ăn Bắc Âu đã chủ động điều tiết thực đơn. Chị Lan, nhân viên phục vụ cho biết: “Vài ngày nay, những món như thịt xiên, các món thịt lợn, thịt gà, các món làm tái SV đều ăn rất ít. Chủ yếu là các món như lạc, trứng…”.
Tự tránh dịch
Bảo vệ nguồn nước |
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và chất lượng các quán cơm bụi, các nhà ăn bị thả nổi, SV đều tự hiểu phải “tự tránh dịch cho mình”.
Những SV tự nấu ăn thì chủ động thay đổi thực đơn. Không ăn các món thịt, cá tươi nữa, Thuỳ - SV ĐHQG HN và bạn ở cùng chuyển sang ăn các món đơn giản nhưng an toàn như lạc, cá khô: “Mình đi chợ nhưng không biết nên mua gì, ăn gì nữa. Mua gì, ăn gì cũng thấy lo lo”.
Còn Nguyễn Thuý Hoa, SV ĐH Thương mại thì lo xa: “Dịch chưa về đến Cầu Giấy nhưng mình cứ phòng hơn tránh”.
Cách chế biến cũng được SV chú trọng, đặc biệt là nguồn nước được giữ gìn, bảo quản khá cẩn thận. Xóm trọ nằm ở khu Dịch Vọng Hậu của Hằng - SV Cao đẳng Du lịch – mua hai tấm tôn đậy mặt bể. Bảo vệ hai bể nước là ưu tiên số 1 của cả xóm trọ trong thời gian này.
Trong khi đó, có những SV không thể lười trước tình hình dịch bệnh. Dũng đã bỏ nấu cơm được gần một năm, vì nhiều lí do. Đồ bếp để mốc meo trong nhà nay được lôi ra sử dụng: “Mình ngại nấu cơm thật nhưng ăn uống bên ngoài cũng thấy ghê ghê. Thôi thì chịu khó một tí cho an toàn! Hết bệnh, mình lại ăn cơm bụi tiếp”.
Hai bạn ở bên cạnh phòng của Dũng cũng vì giờ giấc “lệch pha” nhau nên trước đây không nấu nướng gì. Nhưng từ 2 hôm nay, bếp núc đã “nóng” trở lại: “Em sợ ăn cơm bụi, cơm hàng lắm rồi. Họ làm thế nào, mua đồ ở đâu, nước nôi ra sao em không biết nên không dám ăn nữa”.
Còn Hải Yến, nhà dưới tận Thanh Trì, lên ĐHQG HN học. Nếu cô học xong rồi về nhà ăn cơm thì sẽ mệt. Cô đành vào “ăn nhờ” bè bạn trong những hôm phải học cả ngày.
Thậm chí, có những SV “góp tiền nấu cơm chung” trong giai đoạn này. Nguyễn Hải Sơn, SV ĐH QGHN nói: "Dù không còn cách nào khác ngoài cơm bụi nhưng nếu dịch mà cứ nguy hiểm thế này thì mình phải đi ăn góp thôi. Ở một mình, ăn cơm bụi suốt, từ hôm bùng phát dịch, bố mẹ gọi điện lên dặn dò ăn uống cho cẩn thận làm mình cũng thấy không yên tâm”.
-
Cẩm Quyên