(VietNamNet) - "Quy định về dạy thêm, học thêm mới đã xác định rõ mọi yếu tố liên quan, từ đối tượng, điều kiện, quyền hạn, phạm vi tổ chức... và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của nhà trường và người quản lý".
Ông Nguyễn Thành Kỳ, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT đã trao đổi với VietNamNet xung quanh Quyết định số 132/2007/QĐ-UBND ngày 13/11/2007 của UBND thành phố Hà Nội quy định về quản lý dạy thêm, học thêm.
Ông Nguyễn Thành Kỳ. Ảnh: Bảo Anh
- Thưa ông, với việc ban hành quyết định quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố, phải chăng hiện tượng tiêu cực đã tràn lan?
Dạy thêm, học thêm là hiện tượng đã tồn tại nhiều năm nay, xuất phát từ nhu cầu của người học là muốn được củng cố và mở mang kiến thức.
Về phía phụ huynh, là muốn sử dụng quỹ thời gian ngoài nhà trường của HS một cách có hiệu quả, và chủ ý nhờ giáo viên quản lý HS trong thời gian đó.
Về phía người dạy, là đem kiến thức và năng lực của mình để tạo ra thu nhập chính đáng và giúp HS nắm kiến thức tốt hơn.
Thực tế diễn ra đúng như vậy thì rất tốt. Tuy nhiên, nhiều năm qua đã nảy sinh một số vấn đề. Dạy thêm, học thêm không được tổ chức chặt chẽ và không có sự điều chỉnh dẫn đến khả năng HS phải đi học quá tải, có khi cùng một môn lại đi học ở nhiều thầy khác nhau. Chưa kể một số giáo viên dạy trên lớp không nhiệt tình, để dành kiến thức cho dạy thêm. Đây chính là những mặt tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, tạo dư luận không tốt về vấn đề này.
Theo tôi, quy định này đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của thành phố đối với vấn đề nhạy cảm của giáo dục. Quy định nhằm khắc phục những nhược điểm và phát huy mặt tích cực của việc dạy thêm, học thêm.
Quy định đã xác định rõ mọi yếu tố liên quan, từ đối tượng, điều kiện, quyền hạn, phạm vi, tổ chức... và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của nhà trường và người quản lý đối với việc dạy thêm, học thêm cả trong và ngoài nhà trường.
- Vậy, quy định này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Trước hết, ngành giáo dục phải tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý (thanh tra sở, hiệu trưởng) về lĩnh vực này. Trong đó, kể cả các trung tâm bồi dưỡng văn hóa đã có hình thức quản lý rồi cũng phải tăng cường và kiểm tra thường xuyên. Cán bộ chuyên môn của các phòng, ban, của sở, các phòng chức năng được giao nhiệm vụ và các nhà trường phải quan tâm đúng mức đến việc quản lý hoạt động này.
Tuy trước đây cũng đã quan tâm rồi, có những điểm trường, giáo viên dạy ở đâu hiệu trưởng biết: Trong ngày đó, giờ đó, giáo viên của mình dạy ở điểm nào. Nhưng giờ đây đòi hỏi phải quản lý ở trên tất cả các nhà trường.
Một vấn đề rất quan trọng, là phải tuyên truyền để giáo viên nắm vững các quy định này để tự giác thực hiện. Đồng thời, tuyên truyền nội dung của quy định để phụ huynh và HS biết.
- Theo ông, trong thời gian qua, "tiêu cực" trong dạy thêm, học thêm xuất phát từ đâu?
Hiện tượng giáo viên yêu cầu HS phải học thêm, theo quan điểm của tôi có 2 trường hợp: Bản thân giáo viên muốn kết quả học tập của HS tốt hơn, muốn HS phải học nhiều hơn môn của mình. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng có những giáo viên muốn có nhiều lớp để tăng thu nhập.
HS Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội. Ảnh: Bảo Anh
"Tiêu cực" xuất phát từ giáo viên chỉ là một phần. Thực tế, chính HS bị chi phối bởi lý do, nỗi sợ hãi bị trù úm, hay nghĩ, nếu không đi học thêm sẽ bị trù, nhưng thực tế chưa ai khẳng định được không đi học thêm sẽ bị "trù". Cái này cũng rất mơ hồ và khó xác định.
Nhìn một cách tổng thể thì những trường hợp tiêu cực không nhiều. Nhưng khi đã có tiêu cực thì dư luận quan tâm nhiều hơn nhưng thực ra không phổ biến đến thế.
Ngành đang tổ chức cuộc vận động mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học tự sáng tạo, thì tấm gương về đạo đức chắc chắn có liên quan đến vấn đề giáo viên có thực hiện tốt vấn đề này hay không.
- Việc quản lý trong nhà trường có thể khả thi, nhưng dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là điều kiện cơ sở vật chất. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Để đảm bảo cho hoạt động dạy thêm, học thêm được đàng hoàng và đúng quy định này thì đầu tiên phải đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất. Tất nhiên, không thể đòi hỏi được những yêu cầu đầy đủ, kiên cố, hiện đại như trong nhà trường, nhưng phải đảm bảo các yêu cầu tối thiểu.
Quan trọng, theo tôi có quy định rồi, làm đúng quy định có thể lao động hợp pháp và kết quả lao động được xã hội thừa nhận.
- Nếu phát hiện dạy thêm, học thêm trái phép thì sẽ nhận hình thức xử lý như thế nào, thưa ông?
Nếu không có đăng ký thì rõ ràng dạy thêm, học thêm sẽ trở thành một hoạt động "chui". Nếu không có sự phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thì ngành giáo dục có "ba đầu sáu tay" cũng không phát hiện được.
Nếu phát hiện, việc đầu tiên là hướng dẫn để họ làm đúng quy định, để họ đăng ký. Nếu vi phạm thì cứ theo quy định xử lý, các bộ phận liên quan sẽ xây dựng các cơ chế để xử lý. Nếu vi phạm đối với những giáo viên trong nhà trường thì hiệu trưởng chịu trách nhiệm. Còn với các trường hợp ngoài nhà trường thì theo các cấp, người đứng đầu các cấp của ngành giáo dục sẽ phải chịu trách nhiệm.
- Xin cảm ơn ông!
-
Bảo Anh (thực hiện)
- Các trường hợp không dạy thêm, học thêm: Các trường dạy học 2 buổi/ngày; HS tiểu học, trừ các trường hợp nhận quản lý HS ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình và phụ đạo HS yếu kém. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ không được thực hiện dạy thêm, học thêm theo chương trình giáo dục phổ thông cho người học không phải là HS, học viên của cơ sở đó. - Số HS trong mỗi lớp học thêm không quá 45 người; riêng bậc tiểu học mỗi nhóm trông giữ không quá 25 HS. - Cơ sở vật chất phải đảm bảo: Mỗi HS có tối thiểu 0,8m2, khu vực giáo viên giảng dạy 4m2; có đủ ánh sáng, thông thoáng và các điều kiện quy định về trật tự an ninh... - Cán bộ, giáo viên đương nhiệm chỉ được tham gia dạy thêm sau khi có ý kiến chấp thuận của thủ trưởng đơn vị. Đối với các cá nhân ngoài ngành giáo dục phải có bằng tốt nghiệp các ngành học phù hợp khác, đã tham gia bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. - Người quản lý các lớp dạy thêm ở cấp học, bậc học nào phải có trình độ tối thiểu đạt chuẩn tương ứng theo quy định đối với giáo viên của cấp học, bậc học đó; được thủ trưởng cơ quan quản lý hoặc Chủ tịch UBND xã, phương nơi cư trú xác nhận (về địa chỉ cư trú, việc chấp hành pháp luật). - Sở GD-ĐT tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và cấp phép dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện (thực hiện theo chương trình giáo dục THPT). Phòng GD-ĐT cấp phép cho các tổ chức, cá nhân mở lớp trên địa bàn quận, huyện (thực hiện theo chương trình giáo dục tiểu học, THCS). (Trích Quyết định 132/2007/QĐ-UB) |