221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1014178
Học liệu mở: "Thầy nhà" xây dựng
1
Article
null
Học liệu mở: 'Thầy nhà' xây dựng
,

(VietNamNet) - Sáng nay (12/12), Học liệu mở Việt Nam sẽ ra mắt. Đây được cho là một sự kiện lớn đối với giáo dục đại học Việt Nam, một phương thức chia sẻ các tài liệu học tập, nghiên cứu,... hiện đại, linh hoạt và rất hữu ích. Sau đây là trao đổi của PV. VietNamNet với anh Trần Việt Hùng, Giám đốc kỹ thuật, Dự án Học liệu mở Việt Nam.

Học liệu mở đang là một kênh tiếp cận kiến thức hiện đại, phổ biến hiện nay. Một cách vắn tắt, anh có thể khái quát về khái niệm này?

Ông Trần Việt Hùng
Ông Trần Việt Hùng
Học liệu mở (OpenCourseWare - OCW) là sáng kiến của Viện Công nghệ Massachussett (MIT). Năm 2002, MIT đưa ra sáng kiến này, với mục tiêu là dần dần đưa hết các tài liệu giảng dạy của MIT, cả chương trình ĐH và sau ĐH lên mạng trực tuyến và miễn phí cho mọi người truy nhập.

Ngay khi ra đời, sáng kiến này đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều trường ĐH và viện nghiên cứu khác. Sau đó, người ta đã lập ra một hội gọi là hiệp hội Học liệu mở (OpenCourseWare Consortium), gồm khoảng 150 trường ĐH ở trên 20 quốc gia khắp thế giới.

Mỗi năm hiệp hội này họp 2 lần, 1 lần ở Mỹ, 1 lần ở ngoài nước Mỹ, với hàng trăm đại biểu, đủ thấy sức phát triển của MIT OCW.

Hiện tại, OCW thành phong trào mạnh, thì phát sinh ra nhiều nhu cầu phát triển hơn nữa để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học hỏi, chia sẻ của mọi người. Và ra đời 1 khái niệm mới và hiện tại được dùng phổ biến hơn: Nguồn tài nguyên giáo dục mở OER (Open Educational Resources).

OER cải tiến hơn: Ngoài nội dung chương trình, có thêm những công cụ để chia sẻ, những yếu tố về bản quyền...

Để có lễ ra mắt hôm nay, học liệu mở Việt Nam đã khởi nguồn như thế nào?

Ở Việt Nam, có 1 số giảng viên đã sử dụng MIT OCW từ năm 2003, nhưng chưa thành công. Lý do thì có khá nhiều: Lúc ấy, Internet chưa phải quá phổ biến như bây giờ, nội dung chương trình cũng có nhiều phần chưa phù hợp...

Dự án Học liệu mở Việt Nam bắt nguồn từ tháng 6/2005. Thời gian này, đoàn công tác của Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Mỹ. Tại buổi gặp gỡ ở trường ĐH MIT, nhiều quan chức chính phủ và Bộ GD-ĐT đã nghe trình bày về dự án MIT OCW và đều nhận thấy sự cần thiết đưa mô hình này về Việt Nam.

Tại đây, Bộ GD-ĐT, Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC và Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF bắt tay nhau để đưa Học liệu mở vào Việt Nam.

Dự án khởi động từ tháng 11/2005 và được sự hỗ trợ rất lớn từ MIT OCW (Học liệu mở MIT), Rice Connexions (Học liệu mở ĐH Rice) và OCW Consortium (Hiệp hội Học liệu mở). Mục tiêu của dự án là làm sao để hỗ trợ SVVN có cơ hội để sử dụng nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả và hoàn toàn miễn phí.

Là người đi theo dự án từ những ngày đầu, anh có thể chia sẻ về những giai đoạn khó khăn trong quá trình thực hiện dự án?

Dự án triển khai thử nghiệm, thời gian đầu nhận được sự hưởng ứng của khá nhiều người, nhưng sau đó thì càng ngày lượng người truy nhập hệ thống càng ít.

Ban dự án dành khá nhiều thời gian nghiên cứu lý do, thì thấy 1 số nguyên nhân: Kiến thức nền giữa SVVN và SV Mỹ khác nhau, khả năng tiếng Anh của SVVN còn rất hạn chế để có thể đọc hiểu đa số các tài liệu, cách dạy và học ở MIT và Việt Nam rất khác nhau, nguồn tài liệu tham khảo của hệ thống giáo dục ở Việt Nam còn sơ sài.

Đó là thời gian khá khó khăn, vì biết việc triển khai Học liệu mở ở Việt Nam còn nhiều phức tạp. Hướng sử dụng MIT OCW gặp bế tắc, nhưng ai cũng nhận thấy các tài liệu MIT OCW rất chuẩn, cần phải sử dụng. Lúc đó, tất cả anh em dự án đều để ý tìm những hướng mới.

Trong thời gian ấy, ông Phạm Đức Trung Kiên tìm ra được chương trình Học liệu mở của trường ĐH Rice, gọi là Rice Connexions... và sau khi tìm hiểu, thấy rất hợp với Việt Nam. Vậy là, 3 bên ký thoả thuận hợp tác với Rice Connexions vào tháng 5/2006.

 

Trao đổi tại lễ ra mắt trang tin học liệu mở
Trao đổi tại lễ ra mắt trang tin học liệu mở
Lúc này, dự án đã có nội dung chương trình của MIT OCW, có công cụ phần mềm của Rice Connexions. VEF tham khảo kinh nghiệm từ nhiều nguồn và đi đến giải pháp: Học liệu mở Việt Nam sẽ sử dụng phương pháp tự xây dựng nội dung, bằng chính lực lượng giảng viên của Việt Nam, sau đó đưa chương trình cho các GS Hoa Kỳ đánh giá, góp ý.

Phương án này đảm bảo: Phù hợp với Việt Nam vì do chính "thầy nhà" xây dựng, cập nhật và hiện đại vì thừa hưởng công nghệ tiên tiến, đảm bảo chất lượng vì có sự thẩm định của các GS giỏi nước ngoài.

Cụ thể hơn, đến nay, Học liệu mở đã triển khai trong những lĩnh vực gì? Và lộ trình sắp tới như thế nào?

Bước đầu, dự án xác định tập trung kinh phí cho các giảng viên Việt Nam để xây dựng chương trình cho 3 ngành: Điện - điện tử, Công nghệ Thông tin, Công nghệ sinh học với 24 môn học. Trước mắt, Bộ GD-ĐT chỉ đạo 14 trường ĐH trọng điểm cùng tham gia xây dựng và sử dụng Học liệu mở.

Đầu tiên là xây dựng hệ thống: cả phần cứng và phần mềm, để phục vụ việc phát triển nội dung.

Phần cứng gồm 3 trung tâm dữ liệu ở 3 miền: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM để cân bằng tải và 14 server tại 14 trường ĐH để tận dụng mạng LAN ở các trường, giúp SV có thể dùng chính mạng LAN để truy nhập hệ thống và tiết kiệm chi phí sử dụng Internet cho nhà trường.

Về phần mềm, xây dựng 1 kho nội dung mở, vì phần mềm Connexions cho phép tất cả mọi người đều có thể đóng góp, chia sẻ kiến thức.

Thông qua các hoạt động Học liệu mở, sẽ kết nối với các trường ĐH nước ngoài.

Giai đoạn 1 (2006-2008): Giai đoạn thử nghiệm, tập trung vào 3 ngành và kêu gọi sự tham gia sử dụng của 14 trường ĐH.

Giai đoạn 2 (sau 2008): Mở rộng ra các ngành, các trường và có thể xuống cả các trường phổ thông. Đồng thời khuyến khích các nhà tài trợ ủng hộ để phát triển.

Với MIT OCW, dự án gặp vấn đề khó khăn. Vậy, Rice Connexions có gì ưu việt hơn, để phù hợp với việc xây dựng Học liệu mở Việt Nam?

Phần mềm Connexions đến giờ vẫn được coi là một cuộc cách mạng trong xuất bản..

Trong đó, người ta chia kiến thức ra thành nhiều module nhỏ. Một module có thể là một chủ đề hoàn chỉnh, hoặc là một phần hoàn chỉnh của một chủ đề lớn. Và 1 course là một tập hợp của các module.

Nói nôm na, mỗi người dùng có thể viết 1 bài viết nào đấy, về 1 chủ đề nào đấy... và đưa lên mạng học liệu mở, dưới dạng 1 module. Hộp dữ liệu chứa hàng trăm, ngàn module như thế. Trong quá trình sử dụng kiến thức, người đọc vào hộp dữ liệu, có thể "gắp", "sắp xếp", bố cục các module ấy, theo nhu cầu kiến thức của mình.

Phương thức tạo lập và sử dụng kiến thức này rất ưu việt. Nó linh hoạt, mềm dẻo hơn nhiều so với sách giáo trình truyền thống. Ví dụ, có những người, nếu đòi hỏi họ viết hẳn 1 cuốn sách thì hơi khó khăn, thậm chí 1 chương cũng khó nhưng chỉ viết vài ba trang về vấn đề họ quan tâm nhất thì họ lại viết rất nhanh. Với Connexions, có thể lấy các module, các chương của người viết này, ghép với các module khác phù hợp... là thành 1 cuốn sách. Tóm lại, quá trình tạo ra 1 cuốn sách rất nhanh, linh hoạt và phù hợp với mọi người.

Ngoài ra, một ưu điểm lớn trên Connexions là đảm bảo quyền tác giả cho những người tham gia viết và đóng góp tài liệu. Khi bạn viết ra, hoặc sửa chữa 1 module kiến thức nào đấy, tên của bạn cũng sẽ được lưu giữ, "đóng dấu" với tư cách tác giả. Hay khi module của bạn được bất kỳ ai đó sử dụng trong hệ thống tổ chức tài liệu của họ, bạn cũng được ghi danh.

Cả triệu người cùng đóng góp các module thì sẽ có một kho dữ liệu khổng lồ. Tùy theo nhu cầu của người dùng, họ sẽ tự chọn lọc và sắp xếp để có được 1 tập hợp kiến thức phù hợp.

Hệ thống này cho phép ai đóng góp cũng được ghi tên, khẳng định quyền tác giả. Nếu bạn viết, hoặc sửa chữa, hay làm công việc "nhặt nhạnh, sắp xếp" các module kiến thức... thì tất cả các phần đóng góp ấy đều được ghi nhận.

Ưu việt hơn MIT OCW ở chỗ, MIT OCW chỉ đọc được, nhưng không sửa chữa được nội dung, không có nơi để lại lời nhận xét, bình luận.

Ngoài ra, phần mềm này hỗ trợ multimedia: Âm thanh, flash, video, cả các mô hình lab view (phòng thí nghiệm ảo)...

Theo đuổi dự án cho đến lúc này,  anh có chia sẻ gì khi Học liệu mở Việt Nam ra mắt?

Với Học liệu mở Việt Nam, tôi đã học được rất nhiều. Thời gian đầu, chúng tôi chỉ có 3 người làm. Lúc đó, dự án còn rất nhỏ, mục tiêu đơn thuần chỉ là mong sao mang MIT OCW về Việt Nam. Các SV VEF ở Mỹ cũng rất tích cực tham gia từ xa, giúp đỡ cho dự án khá nhiều: như Nguyễn Quang Hoàng và Nguyễn Chí Dũng và Nguyễn Thanh Sơn SV MIT.

Cũng có những giai đoạn bối rối, khi hướng MIT OCW gặp khó khăn, trục trặc. Anh em trong dự án phải đau đầu tìm cái mới.

Khi phát hiện ra Rice Connexions, xác định nó hay và phù hợp... nhưng cũng chưa biết đi theo hướng nào.

Sau đó, chúng tôi phải tìm đọc, nghiên cứu và tham khảo ở rất nhiều nơi... để tìm ra hướng đi. Dự án đã gửi tôi sang ĐH Rice và ở đó họ rất hỗ trợ và tạo điều kiện để tôi nghiên cứu sâu hơn về mô hình này.

Học liệu mở là mô hình chia sẻ kiến thức rất tuyệt vời. Và, lúc này, tôi hi vọng nó sẽ được các giảng viên, sinh viên đón nhận nhiệt tình.

Cảm ơn anh!

  • Hoàng Lê (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,