221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1020034
Giáo dục 2008 cần "ba thực"
1
Article
null
Giáo dục 2008 cần 'ba thực'
,

(VietNamNet) - Cùng với cuộc vận động “Nói không với tiêu cực”, năm 2008, ngành giáo dục phải “Nói có với tích cực”. Đồng thời cải cách mạnh mẽ và toàn diện nếu không muốn bị mất dần thị trường khi các cơ sở giáo dục 100% vốn nước ngoài ồ ạt kéo vào theo cam kết mở cửa của VN khi gia nhập WTO.

GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng, GS danh dự trường ĐH Liege (Vương quốc Bỉ) nêu ý kiến về "những việc cần làm ngay" của giáo dục năm 2008.

 >>Những tín hiệu chấn hưng giáo dục

GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng
GS TSKH Nguyễn Đăng Hưng.
- Giáo sư mong đợi gì về những thay đổi của giáo dục VN trong năm 2008? Theo ông, liệu sẽ có thay đổi nào mang tính đột phá trong năm mới không?

- Tôi mong mỏi trong năm 2008, khi thế đi lên đã khẳng định sau 2 năm "Nói không với tiêu cực", Bộ sẽ phát huy một chiến dịch "Nói có với tích cực". "Nói có với tích cực" là phấn đấu trên bình diện cả nước 3 việc thực: học thực, dạy thực và làm thực.

Học thực là khuyến khích học sinh sinh viên phải hiểu những bài học chứ không được học thuộc lòng; là tạo điều kiện để đối tượng "tiêu hóa" nội dung của vấn đề chứ không trả bài cho xong chuyện; là tập cho người học có tư duy độc lập, có cơ sở vận hành hiểu biết vào đời sống xã hội chứ không thụ động, sáo rỗng, phi thực tế như hiện nay!

Dạy thực là chấm dứt thói chép bài lên bảng rồi học sinh thụ động chép lại; là loại bỏ tệ lạm dụng vai trò người thầy như một quyền lực để thao túng học sinh, thu vén trái phép… Dạy thực là thổi vào tâm tư tuổi trẻ một làn gió mới, tình yêu khoa học, lòng đam mê văn chương chữ nghĩa, tấm tình say sưa ưa thích lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới, lịch sử loài người. Dạy thực chính là mớm cho đối tượng thói quen nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, tư duy suy nghĩ sáng tạo, tư duy thẩm mỹ, phong thái đạo dức, những giá trị chân chính của con người…

Làm thực là lấy cái học của mình mà phục vụ xã hội nhân quần có hiệu quả; là tham dự trực tiếp vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước một cách tích cực bằng chính bàn tay và trí tuệ của chính mình, không làm rởm, không chạy theo bằng cấp để hoạnh họe khoe khoang, không lãng phí, không tham nhũng.

- Theo giáo sư, những vấn đề nào của nền giáo dục VN còn tồn tại từ những năm trước và cần giải quyết nhanh và hiệu quả trong năm 2008?

- Từ 2 năm qua, sau khi ông Nguyễn Thiện Nhân lên phụ trách mảng giáo dục và đào tạo, một làn gió mới về cải cách giáo dục, nói không với tiêu cực, đã được dấy lên. Đặc biệt chủ trương 3 không đã đem lại những thành quả nhất định. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn đầy rẫy trước mắt!  Tôi xin nêu ngắn gọn hai điểm:

Thứ nhất, vấn đề xã hội hóa giáo dục vẫn chưa được nhận định một cách chính xác. Tôi có cảm tưởng các nhà quản lý giáo dục Việt Nam cho giáo dục hóa là đẩy gánh nặng tài chính về phía người dân thay vì phải hiểu là cần chia sẻ trách nhiệm giáo dục với xã hội dân sự!

Theo tôi, xã hội hóa phải được hiểu là phân tầng trách nhiệm; là giao một phần trách nhiệm cho xã hội dân sự; là sự kết hợp cùng chịu trách nhiệm, một bên là Nhà nước và bên còn lại là người dân. Xã hội hóa còn là sự hiệp lực giữa học đường và các gia đình có con em đi học. Trách nhiệm chung này không thể chỉ đơn thuần trong lĩnh vực tài chính mà còn phải nhiều thứ khác nữa: chất lượng giảng dạy, sách giáo khoa, chương trình học, giáo trình môn học, chọn lựa nhân sự…

Thứ hai, việc tăng học phí vẫn chưa được khảo nghiệm nghiêm túc và đồng bộ. Tôi tự hỏi liệu Bộ GD-ĐT đã trả lời (và làm thống kê ở những nơi học phí đã tăng từ 2 năm nay) được câu hỏi mà những ai quan tâm đến tính dân chủ trong việc học đều đặt ra: Nếu tăng học phí như thế thì sẽ có mấy chục phần trăm học sinh phải bỏ học?

Chưa có giải đáp cho câu hỏi này mà đã tăng học phí thì hơi vội vã. Những lúng túng trong việc tìm phương án tín dụng cho HSSV cho thấy tình trạng thiếu chuẩn bị của người làm quản lý giáo dục VN. Tôi không tin là tăng học phí sẽ có cải tiến nhân quả trực tiếp đến chất lượng giáo dục mà còn nhiều nhân tố khác quan trọng hơn.

- Những nguy cơ mà giáo dục VN phải đối mặt trong năm 2008 là gì, thưa giáo sư?

- Bản cam kết với WTO nói rằng, sau năm 2008, các tổ chức quốc tế có thể đến Việt Nam đặt cơ sở về giáo dục đào tạo với 100% vốn đầu tư nước ngoài. Đến lúc đó dịch vụ giáo dục đào tạo Việt Nam coi như mở cửa toàn diện. Đây là một thách thức rất lớn mà Việt Nam phải nhanh chóng chuẩn bị để đối phó.

Tôi rất lo là cải cách vẫn chưa đồng bộ. Nền giáo dục Việt Nam chưa thoát khỏi tình trạng tụt hậu. Con em các gia đình khá giả đổ xô đi học nước ngoài. Nền giáo dục trong nước chưa làm cho người dân tin tưởng. Một nguồn vốn lớn lẽ ra rất cần cho việc đầu tư cho ngành giáo dục lại tuột khỏi tầm tay!     

Mọi việc vẫn còn bề bộn và hướng đi lên cần được khai thông trong năm 2008. Nếu năm 2008 vẫn chưa xác định được rõ nét những bước căn bản của công cuộc cải cách giáo dục, e là chúng ta sẽ dần dần mất hết thị trường, bắt đầu từ năm 2009!

  • Lan Hương (thực hiện)

******************

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,