221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1026054
Chất lượng tiến sĩ: Cần có sự đồng bộ
1
Article
null
Chất lượng tiến sĩ: Cần có sự đồng bộ
,

(VietNamNet) - Gần đây, nhiều diễn đàn đã bàn luận về chất lượng đào tạo cũng như việc làm thế nào để nâng cao chất lượng tiến sĩ ở Việt Nam. Về vấn đề này, VietNamNet nhận được rất nhiều tranh luận của bạn đọc, chúng tôi xin được giới thiệu ý kiến của bạn Trung Hiếu. Theo bạn, chất lượng tiến sĩ phụ thuộc cơ bản vào 4 yếu tố: giáo sư hướng dẫn; cơ sở trang thiết bị và kinh phí; cơ chế đào tạo, quản lý nghiên cứu sinh và đánh giá luận án; năng lực và nỗ lực của nghiên cứu sinh (NCS).

 

Giáo sư hướng dẫn ở VN: Mức độ áp đặt lớn


e
Ảnh: LAD
Trước hết, phải khẳng định rằng, giáo sư có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của đào tạo tiến sĩ. Giáo sư hướng dẫn là người trợ giúp, thúc đẩy và là người mà nghiên cứu sinh tranh luận, thảo luận những vấn đề được đặt ra trong quá trình nghiên cứu nghiên cứu tiến sĩ. Vì thế, ảnh hưởng của giáo sư không chỉ về chuyên môn mà còn cả về môi trường nghiên cứu.

 

Giáo sư ở các nước có nền giáo dục phát triển mặc dù có chuyên môn rất sâu nhưng họ rất thoải mái và rất tôn trọng ý kiến của nghiên cứu sinh để tạo ra sự tranh luận và thảo luận đối với nghiên cứu sinh. Vì thế, quá trình phát triển những kiến thức có cơ hội hơn đối với nghiên cứu sinh.

 

Có thể nói, nhìn chung chất lượng giáo sư của Việt Nam không cao nhưng có rất nhiều giáo sư ở Việt Nam có kiến thức cũng rất tốt và cũng có mức độ hoà nhập khoa học tương đối cao. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, mức độ áp đặt của giáo sư hướng dẫn lên các nghiên sinh quá lớn. Hầu như nghiên cứu sinh không có môi trường để tranh luận và đưa ra những ý kiến của họ (có thể một phần do chất lượng của nghiên cứu sinh). Quá trình nghiên cứu tiến sĩ của các nghiên cứu sinh của vẫn mang nặng hình thức "trả bài” cho giáo sư hơn là sáng tạo và tạo ra sự độc lập trong nghiên cứu. Vì thế, theo tôi, ngoài yếu tố chất lượng chuyên môn, cần có sự thay đổi trong phương pháp hướng dẫn.

 

Thiếu trang thiết bị, nguồn tư liệu nghiên cứu


Yếu tố thứ hai đóng một vai trò hết sức quan trọng, có thể nói là quyết định đến chất lượng của tiến sĩ đó là trang thiết bị cơ sở vật chất và kinh phí. Trước hết, phải khẳng định rằng, làm tiến sĩ mang nặng hình thức nghiên cứu hơn là đào tạo vì thế nghiên cứu tiến sĩ có lẽ được sử dụng nhiều hơn là đào tạo tiến sĩ (tuy nhiên, cũng nên có sự phân biệt trong hệ thống đào tạo tiến sĩ theo trường phái Mỹ với yêu cầu bắt buộc học một số môn học trước khi làm luận án và hệ thống đào tạo theo trường phái Anh và một số nước Châu Âu nơi chủ yếu tập trung vào đề tài luận án và không bắt buộc học một số môn học. Đây cũng là một vấn đề mà hệ thống đào tạo của chúng ta cần có sự nghiên cứu và vận dụng, trong khuôn khổ bài viết tôi không muốn đề cập sâu vào mảng này).

 

Trang thiết bị cơ sở vật chất ở đây gồm có cả các máy móc, dụng cụ thí nghiệm, các trang thiết bị và máy móc cho việc xử lý số liệu, đặc biệt là nguồn tư liệu từ các tạp chí khoa học chuyên ngành. Có thể tuỳ theo ngành khoa học tự nhiên hay xã hội mà yêu cầu về các máy móc thiết bị tương đối khác nhau. Nguồn tư liệu từ các tạp chí khoa học là nguồn tư liệu chủ yếu đối với nghiên cứu sinh trong việc xây dựng và thực hiện luận án tiến sĩ.

 

Cách đây ít lâu, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có phát biểu đại ý rằng, khi ông hỏi một vị hiệu trưởng trường đã đào tạo nhiều tiến sĩ xem có điểm gì mới không thì nhận được câu trả lời là người ta làm cả rồi. Nguyên nhân của thực trạng này là do nghiên cứu sinh ở Việt Nam không tiếp cận được với tạp chí khoa học chuyên ngành, thiếu nguồn tư liệu nên họ không biết được người ta đã làm đến đâu. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng tiến sĩ yếu kém và nghiên cứu tiến sĩ không có gì mới (tuy nhiên cũng không nên quá thần thánh hoá tiến sĩ vì đó chỉ là bằng cấp thể hiện khả năng nghiên cứu độc lập mà thôi).

 

Thiếu nguồn tư liệu cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cho nghiên cứu sinh của ta không thực sự năng động trong quá trình nghiên cứu. Vì thế, tôi cho rằng mấu chốt trong việc nâng cao chất lượng tiến sĩ và đào tạo đại học nói chung là trang thiết bị nghiên cứu và thư viện với sự gắn kết với các tạp chí chuyên ngành.

 

Chúng ta có thể thấy rằng, trường đại học uy tín trên thế giới thì thư viện luôn được đầu tư rất lớn. Thực trạng hệ thống thư viện như ở các trường đại học Việt Nam có lẽ không chỉ làm cho chất lượng nghiên cứu tiến sĩ kém mà có thể cả giáo sư, giảng viên cũng sẽ bị tàn lụi dần kể cả khi họ được đào tạo ở các nước có nền giáo dục phát triển. Theo suy nghĩ và quan sát của tôi, đây chính là một trong những điểm mấu chốt nhất của đào tạo tiến sĩ hay đào tạo đại học.

 

Quản lý NCS và đánh giá luận án mang nặng tính hình thức


Nhân tố tứ ba ảnh hưởng đến chất lượng tiến sĩ đó là cơ chế đào tạo và quản lý nghiên cứu sinh và đánh giá luận án. Có nhiều ý kiến cho rằng nên chỉ có hình thức đào tạo tập trung và không nên có đào tạo không tập trung. Mấu chốt ở chỗ không phải tập trung hay không tập trung mà quan trọng là cơ chế quản lý nghiên cứu sinh bởi nhiều nước họ vẫn đào tạo phi tập trung nhưng chất lượng vẫn không có sự khác biệt với tập trung. Quan trọng là phải giao quyền tự chủ cho giáo sư và dù hình thức nào thì giáo sư luôn biết nghiên cứu sinh của mình hiện đang làm gì.

 

Cơ chế quản lý nghiên cứu sinh Việt Nam mang tính hình thức quá lớn. Nghiên cứu sinh thường sau khi xong đề cương, bản thảo mới gặp giáo sư để “sửa”. Với cơ chế này, giáo sư không biết kết quả có từ đâu, có phải copy hay không.

 

Ở các nền giáo dục phát triển, giáo sư và nghiên cứu sinh luôn trao đổi với nhau theo từng chủ đề nhỏ liên quan đến nghiên cứu. Trong trường hợp làm tập trung thì họ phải gặp và trao đổi với giáo sư hàng tuần. Nếu làm bán thời gian thì họ có thể trao đổi qua email và có thể tần suất thấp hơn. Do đó, việc copy là rất khó có thể xảy ra.

 

Vì vậy, theo quan điểm của tôi là cần có sự thay đổi cơ chế quản lý đối với nghiên cứu sinh: Giao quyền tư chủ trong quản lý cho giáo sư và bộ môn. Song song với việc này là cần có cơ chế thay đổi cơ chế đánh giá luận án. Hiện tại, việc đánh giá luận án chỉ mang tính quá xuề xoà, không đúng thực chất.

 

Có thể chúng ta cần hướng đến đánh giá từ bên ngoài nhiều hơn (cần có một giáo sư chấm từ một nước khác). Nếu có đánh giá từ một giáo sư từ nước khác, có lẽ sẽ không có ai chạy để học tiến sĩ và sẽ không có chuyện hội đồng cho qua. Nếu sử dụng cơ chế đánh giá này, có lẽ số lượng sẽ giảm nhưng những người có thực lực, tâm huyết với nghiên cứu, đủ điều kiện thì họ mới dám dấn thân vào làm nghiên cứu sinh.

 

Theo quan điểm của cá nhân tôi, Bộ  GD nên mở đối với đầu vào và chỉ quản lý mạnh đầu ra, đánh giá đúng, chính xác công trình nghiên cứu thì chất lượng của nghiên cứu chắc chắn sẽ được nâng lên. Có lẽ, nếu có cơ chế đánh giá luận văn chính xác và có cơ chế ràng buộc với giáo sư thì giáo sư sẽ khó mà có thể dễ dãi trong khoa học đối với nghiên cứu sinh.

 

Cần tạo cơ chế để những người thực sự có năng lực say mê nghiên cứu

 

Yếu tố cuối cùng đó là năng lực và nỗ lực của nghiên cứu sinh. Nên nhớ rằng tiến sĩ là chủ yếu là tự nghiên cứu dưới sự trợ giúp của giáo sư hướng dẫn. Vì thế, cần tạo một cơ chế để những người thực sự có năng lực, đam mê nghiên cứu khoa học mới làm nghiên cứu tiến sĩ. Muốn thế, bên cạnh kiểm soát chất lượng thì xã hội cần có nhìn nhận đánh giá về tiến sĩ: Đó là bằng cấp dành cho người khoa học, dành cho người làm nghiên cứu chứ không phải là công cụ tiến thân, công cụ để có quyền lực, để được bổ nhiệm.


Trên đây là một số ý kiến mang tính cá nhân dựa trên kinh nghiệm của người viết. Rất mong nhận được góp ý của bạn đọc.

  • Trung Hiếu

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,