221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1025778
Sẽ "chấm điểm" giáo viên phổ thông
1
Article
null
Sẽ 'chấm điểm' giáo viên phổ thông
,

(VietNamNet) - Giáo viên THPT sẽ được đánh giá, cho điểm qua các tiêu chuẩn, tiêu chí thay vì xếp loại từ giỏi xuống yếu theo cảm tính như hiện nay. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên THPT sẽ được thực hiện từ năm học 2008-2009.

Chấm điểm từ 4 xuống 1

Giờ học tiếng của HS Trường THPT chuyên ngữ HN. Ảnh: Bảo Anh
Với 8 tiêu chuẩn được cụ thể hóa thành 25 tiêu chí, phẩm chất và năng lực của giáo viên THPT sẽ được đánh giá và chấm điểm theo thang các mức từ 4 điểm (tương đương mức giỏi) xuống 1 điểm (tương đương mức yếu). Tiêu chuẩn đầu tiên của người giáo viên được đánh giá là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Trong tiêu chuẩn này, các tiêu chí cụ thể được phân theo: phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, ứng xử với HS, với đồng nghiệp và lối sống, tác phong.

Các tiêu chuẩn còn lại tập trung vào việc đánh giá năng lực của giáo viên thông qua các việc tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục; xây dựng kế hoạch giáo dục; năng lực dạy học; năng lực giáo dục; kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục; năng lực hoạt động xã hội và năng lực phát triển nghề nghiệp.

Thông qua các tiêu chuẩn, tiêu chí, hàng năm tất cả giáo viên THPT đều được đánh giá xếp loại một lần chính thức vào cuối năm học. Có 3 loại phiếu giúp cho sự đánh giá, xếp loại của giáo viên là phiếu giáo viên tự đánh giá, phiếu xếp loại giáo viên của tổ chuyên môn và phiếu xếp loại giáo viên của hiệu trưởng.

Giáo viên tự đánh giá được căn cứ vào bản tự kiểm điểm cuối mỗi học kỳ đã được tổ chuyên môn góp ý, tự đánh giá mức độ đạt được ở từng tiêu chí theo thang các mức. Ý kiến đánh giá của tổ chuyên môn chỉ có giá trị khi được sự nhất trí của hơn 1/2 số tổ viên.

Hiệu trưởng đánh giá giáo viên sau khi xem xét kết quả tự đánh giá và kết quả của tổ chuyên môn. Nếu cần thiết, hiệu trưởng có thể tham khảo thông tin từ HS, phụ huynh HS, yêu cầu giáo viên tự cung cấp thêm minh chứng hoặc trực tiếp trao đổi thêm với đương sự. Sau đó, kết quả đánh giá của mỗi giáo viên sẽ được công bố công khai trước hội đồng nhà trường.

"Chuẩn" còn thiếu hạn chế của giáo viên

Ông Đinh Sỹ Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cho rằng, những tiêu chuẩn và tiêu chí này còn mang nặng tính định tính, ít tính định lượng. Một số tiêu chí có thể nhập lại cho ngắn hơn khi nội dung gần giống nhau. Ví dụ, tiêu chuẩn 1 có phẩm chất chính trị đạo đức, lối sống nên nhập vào đạo đức nghề nghiệp; hay ứng xử HS, đồng nghiệp nhập thành ứng xử sư phạm.

Nhưng GS Trần Xuân Nhĩ nhận xét, một người thầy giáo, phẩm chất đạo đức rất quan trọng nên để nhiều tiêu chí hơn. Cái khó là định lượng ra 1 tiêu chí phân biệt được 4 cấp độ (giỏi, khá, trung bình, yếu) để có cơ sở xếp loại.

Đóng góp thêm một nội dung cảm thấy còn thiếu trong bộ "chuẩn" này, ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng ý kiến: "Nên đưa những vấn đề hạn chế của giáo viên, do đặc thù nghề nghiệp nên hay tản mạn và tùy tiện. Vấn đề đạo đức nghề nghiệp không được các nhà giáo quan tâm đầy đủ, ý thức thường trực không có. Trong khi các nước khác, đạo đức nghề nghiệp (nghề y, nghề giáo) được đẩy lên rất cao".

Ông Lâm cho rằng, phải nêu cao tính tự chịu trách nhiệm của mỗi người thầy. Trong phần đối xử với đồng nghiệp không nên dùng đoàn kết chung chung mà phải nhấn mạnh là tinh thần hợp tác, học hỏi.

Muốn nâng cao vai trò người làm giáo dục, đặc biệt là những giáo viên chủ nhiệm, người có vai trò thành bại của nhà trường, cần cho họ thấy rõ quyền và lợi ích khi đảm nhận trọng trách. Do đó, chuẩn phải đề cao được yếu tố này. Công tác chủ nhiệm hiện nay là phải làm chứ không phải được làm. Được làm là phải đủ trình độ, năng lực..., ông Lâm ý kiến tiếp.

Đứng trên góc độ của người đào tạo giáo viên, ông Nguyễn Văn Khải, ĐH Sư phạm Thái Nguyên cũng có nhận xét như ông Lâm, trong các chương trình đào tạo giáo viên, yếu tố nghề nghiệp chưa được coi trọng. Ông Khải cho rằng: "Lâu nay giáo viên chưa làm hết chức năng của mình do chúng ta chưa có chuẩn. Do đó, cần có chuẩn để giáo viên định hướng rõ ràng, để căn cứ vào đó nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn".

Đối với các trường sư phạm, chuẩn cần thiết để các trường tự đánh giá chất lượng đào tạo của mình mà hiện nay chưa có đánh giá. Tuy nhiên, ông Khải cũng đề xuất, các mức, các minh chứng trong tiêu chí nên cụ thể hơn.

Với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, đồng thời chọn lọc kinh nghiệm soạn thảo Chuẩn giáo viên tiểu học, hy vọng chuẩn nghề nghiệp giáo viên THPT sẽ được bàn hành đúng kế hoạch. Thông qua các tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá, xếp loại, các giáo viên sẽ biết mình đang đứng ở đâu, từ đó có cơ sở phấn đấu nâng cao chất lượng giảng dạy.

Bảo Anh

***********************

Ho ten: Nuyễn Hoàng
Dia chi: THPT Na Hang
Email: hoangnguyen@...
Thực ra vấn đề này không phải chưa có các văn bản ràng buộc . Chúng ta đã có luật Giáo dục , Luật lao động , Pháp lệnh Công chức , Điều lệ trường THPT ...Nếu thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong các văn bản đó thì việc xác định Đạo đức , tư cách , chất lượng của giáo viên THPT không có gì khó . Trước năm 1986, có một thời chúng ta cũng đã thăm dò chất lượng giáo viên thống qua đánh giá của học sinh và sau đó là đánh giá của tập thể nhà trường . Nhưng tại sao phải bỏ việc đánh giá giáo viên thông qua phiếu nhận xét của học sinh ? Lúc đó vấn đề đạo đức người thầy , đạo đức học sinh chưa bức xúc như hiện nay .Như vậy có cần phải thêm cái quy định chấm điểm giáo viên không ? Cái chúng ta cần bây giờ là phải chú ý từ khâu tuyển sinh vào học các trường Sư phạm , chất lượng đào tạo Giáo viên của các trường Sư phạm , Việc tuyển dụng Giáo viên và việc đào tạo , sử dụng một cách có chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý , lãnh đạo ngành Giáo dục ... Nếu làm tốt các điều đó , làm tốt việc thực hiện các văn bản Pháp quy liên quan đến ngành Giáo dục thì không cần phải có thêm cái việc "Chấm điểm Giáo viên "nữa .

Ho ten: Phạm Thị Liên
Dia chi: Phòng Giáo dục&Đào tạo thành phố Hải Dương
Email: pgdhd.ptlien.thcs@...

 Tôi thấy việc cho điểm để đánh giá, xếp loại một giáo viên ngoài việc dựa vào các bộ phận chuyên môn của nhà trường rất cần có thêm phiếu đánh giá của học sinh . Bởi trong những tập thể Sư phạm tốt thì việc đánh giá có thể khách quan, còn một tập thể Sư phạm chưa thật đoàn kết thì phiếu đánh giá chưa thể hiện được tất cả.Nếu coi trọng phẩm chất lốii sống để xếp loại giáo viên giỏi tôi thấy chưa thoả đáng cần coi trọng cả" Đức" lẫn "Tài"- tài ở đây chính là năng lực chuyên môn, nghiệp vụ Sư Phạm. Một giáo viên yếu kém hay một giáo viên không đủ tư cách đều có thể gây hại như nhau.

Ho ten: dieu thu
Email: le_dieuthu16@yahoo.com.vn
Tôi hoàn toàn nhất trí với việc đánh giá giáo viên qua kênh thông tin của học sinh. Vì học sinh là đối tượng được tiếp nhận từ người giáo viên rất nhiều mặt, nhiều khía cạnh. Ngoài dạy kiến thức, các em còn nhìn thấy được cả tư cách, đạo đức, tác phong của người giáo viên thông qua lối ứng xử của giáo viên với các em, cách ăn mặc cho đến tư tưởng và tình cảm của giáo viên với các em. Do đó, học sinh là một kênh thông tin quan trọng, không thể thiếu để đánh giá giáo viên. Song tránh sự trù dập có thể có, nên lấy kiến các em thông qua hình thức phiếu nhận xét kín.

Ho ten: Hoàng Nam
Dia chi: Hà Tĩnh
Email: hoangnamht@... 

Theo tôi, việc nếu đánh giá chỉ dựa vào các bộ phận chuyên môn nhà trường là chưa thực sự khách quan, vì bộ phận quan trọng nhất trong nhận định được năng lực chuyện môn giáo viên chính là HS. Hơn ai hết học sinh hiểu rõ thầy cô nhất, HS là người trực tiếp đón nhận kỹ năng, năng lực chuyên môn của người giáo viên thông qua quá trình học tập và kết quả tập. Nên bổ sung việc tham khảo ý kiến từ HS (có thể thăm dò từ học sinh qua phiếu, sinh viên có thể đánh giá giáo viên, thế thì học sinh cũng có thể như vậy chứ ?) và các kết quả các cuộc thi khác của giáo viên như viết sáng kiến kinh nghiệm, thi chuyên đề…hay chất lượng học sinh mà giáo viên giảng dạy để làm cơ sở và cùng với sự đánh giá của các ban chuyên môn trong trường để chấm điểm đánh giá xếp loại giáo viên THPT. Đánh giá của chuyên môn trong trường và hiệu trưởng nên chỉ chiếm khoảng (75%), mà quan trọng hơn là phải thật khách quan và dân chủ trong việc đánh giá.

Ho ten: Trần
Dia chi: Thái Bình
Email: gvtran1802@... 

Tôi hoàn toàn đồng ý khi đánh giá giáo viên nên tham khảo ý kiến của học sinh. Đặc biệt là những học sinh mà giáo viên đó đang và đã dạy- học. Nếu chủ yếu do bộ phận chuyên môn đánh giá thì không thể tránh khỏi tình trạng chủ quan, cả nể...Thật buồn cười khi 1 giáo viên có năng lực lại không thể là giáo viên giỏi trong khi đó một giáo viên bình thường lại đạt các tiêu chuẩn mà chỉ tiêu đề ra thành 1 giáo viên giỏi.Đó là cái có thật do cách đánh giá và tiêu chí đánh giá giáo viên hiện nay. Nên áp dụng với tất cả các bậc học chứ không riêng gì ở THPT.

Ho ten: Phạm Thị Hải Luyến
Dia chi: Công ty vac xin và sinh phẩm số 1
Email:
luyenvabiotech@yahoo.com

Việc đánh giá chất lượng giáo viên nếu chỉ dựa vào nhận xét của tổ chuyên môn hay hiệu trưởng thì chưa đủ sức thuyết phục. Theo tôi cần căn cứ vào phiếu đánh giá giáo viên của học sinh là chính. Vì ý kiến đánh giá của học sinh là khách quan nhất. Những giáo viên xếp loại yếu thì kiên quyết không để đứng lớp vì thực tế tôi đã thấy một số giáo viên kém năng lực đã làm hàng loạt học sinh rỗng kiến thức, chán học.


Ho ten: Đỗ Tràng
Dia chi: Trường Nguyễn Du, Đại Lộc,Quảng Nam.
Email:
trangdo56@...

Bản thân tôi là một CBQL trường học nhiều năm, tôi rất tán thành việc cho điểm này, ngoài 3 phiếu điểm nêu trên cần có phiếu điểm để cho tổ và hiệu trưởng tham khảo là phiếu của HS vì HS THPT đã nhận thức được. Bộ, các cơ quan quản lý cũng nên mở rộng xuống bậc THCS để nhiều lực lượng tham gia xây dựng người THẦY.


Ho ten: hong hanh
Email:
nthhanh67@...

Theo tôi, đánh giá giáo viên chỉ dựa vào các bộ phận chuyên môn của nhà trường cũng chưa thực sự khách quan, vì bộ phận quan trọng nhất trong nhận định được năng lực chuyện môn tay nghề của giáo viên chính là HS. Vì HS là người được trực tiếp đón nhận kỹ năng nghề nghiệp, năng lực chuyên môn của người giáo viên thông qua quá trình học tập và kết quả tập. Theo tôi, nên bổ sung việc tham khảo ý kiến từ HS để làm cơ sở cùng với sự đánh giá của các ban chuyên môn trong trường để chấm điểm đánh giá xếp loại giáo viên THPT.

>>> Ý kiến của bạn về việc cho điểm giáo viên THPT?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,