Phân loại “hệ sinh thái” ĐH để trao quyền tự chủ
Theo bảng xếp hạng mới nhất của Webometrics, VN chỉ có 7 trường nằm trong Top 100 trường ĐH hàng đầu Đông Nam Á. Các bảng xếp hạng Châu Á và thế giới thì hoàn toàn vắng bóng các trường ĐH VN. Trong khi đó, theo chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020, VN đặt mục tiêu có 1 trường nằm trong Top 100 và 1 số trường nằm trong Top 500 của thế giới. Theo ông, mục tiêu này có thể thành hiện thực được không?
Thomas Vallely: "VN cần có những chính sách đa dạng cho các loại trường khác nhau trong "hệ sinh thái" giáo dục." Ảnh: Lan Hương
Trước hết, tôi phải nói rằng mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được, thậm chí còn có thể thực hiện được trong khoảng thời gian ngắn hơn. Vấn đề là làm thế nào để thiết lập một loạt chính sách tạo điều kiện cho trường ĐH đẳng cấp quốc tế ở VN ra đời.
Tôi còn nhớ Nghị quyết 14 của Chính phủ VN ban hành tháng 11/2005 đã đưa ra những tiêu chuẩn cơ bản để VN xây dựng 1 trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Có thể hình dung Nghị quyết 14 như là một lộ trình chung. Và bây giờ công việc mà VN phải làm là đưa Nghị quyết này vào các công việc cụ thể.
Nghị quyết 14 ghi rõ rằng VN sẽ cần “hệ sinh thái” các trường ĐH bao gồm nhiều loại hình ĐH khác nhau, cả trường ĐH nghiên cứu, trường đẳng cấp quốc tế và cả những trường dạy nghề, trường chuyên ngành, trường cấp vùng cung cấp nhân lực cho địa phương.
Chỉ có một môi trường như thế mới có thể đào tạo được những người có đủ kiến thức và kỹ năng cũng như tạo ra những sáng tạo mà VN cần trong tương lai.
Tôi cũng lưu ý rằng, nhiều khi dư luận tập trung nhiều vào các trường ĐH tinh hoa nhưng thực chất nhu cầu của VN rộng hơn nhiều. Và tôi tin rằng Bộ GD-ĐT VN hoàn toàn nhận thức được điều đó.
Với 1 “hệ sinh thái” giáo dục đa dạng như vậy, liệu có thể trao quyền tự chủ cho tất cả các trường không?
Trong hệ sinh thái với những trường được phân định rõ ràng thì mỗi trường sẽ được trao quyền tự chủ khác nhau tùy vào sứ mệnh.
VN đang thúc đẩy quá trình trao quyền tự chủ cho các trường ĐH nhưng trước khi đẩy mạnh quá trình đó thì cần thiết phải phân loại các trường.
Quyền tự chủ là yếu tố tối quan trọng đối với các trường ĐH nghiên cứu, ĐH hàng đầu nhưng các trường dạy nghề, trường cấp vùng không cần mức độ tự chủ cao như vậy. Khả năng quản lý của các trường này vẫn còn hạn chế nên việc trao nhiều quyền tự chủ cho các trường đó chưa chắc đã mang lại hiệu quả. Tôi xin nhấn mạnh rằng, cần có chính sách khác nhau cho những loại trường khác nhau.
Với hệ thống giáo dục còn nhiều bất cập như hiện nay, Chính phủ VN cần phải chuẩn bị kỹ cho quá trình nới lỏng các chính sách, nếu không có thể sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Trong quá trình nới lỏng quy định để tạo ra không gian cho các trường thì phải tăng cường trách nhiệm giải trình của trường. Đó là trách nhiệm trước Chính phủ, trước đội ngũ giảng viên, SV, và đặc biệt là thị trường lao động nơi sẽ sử dụng sản phẩm đầu ra của trường.
Song hành với quá trình trao thêm quyền tự chủ cũng cần tạo môi trường cạnh tranh giữa các trường. Đây có thể là một công cụ hữu hiệu để tăng cường chất lượng của hệ thống giáo dục. Trong 20 năm trở lại đây, VN đã sử dụng công cụ cạnh tranh rất thành công trong nhiều lĩnh vực, mà Internet là một ví dụ điển hình..
Trong môi trường có thêm cạnh tranh thì các trường phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. Tất cả vì mục đích cao nhất là tăng cường chất lượng.
Tuy nhiên, ở đây tôi cũng muốn nói thêm rằng việc nới lỏng các chính sách, việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học, việc để cho các trường cạnh tranh với nhau hoàn toàn khác với việc thương mại hoá giáo dục hay nói theo cách của Việt Nam là “xã hội hoá giáo dục” mà nó được hiểu rằng có thể coi giáo dục như là một lĩnh vực kinh doanh vì mục đích lợi nhuận.
Hiện đang có một quan niệm hết sức sai lầm rằng để có thể có một hệ thống giáo dục tốt VN cần phải mở cửa kêu gọi nước ngoài đầu tư vào các trường đại học. Trên thực tế, chưa có một hệ thống giáo dục nào thành công mà nhà nước không đóng vai trò chính. Tôi lấy ví dụ như trường Harvard, trường đại học được xem là giàu có nhất thế giới và sinh viên học ở đây phải trả một mức học phí rất cao, nhưng ngay cả ở mức như vậy họ cũng đang được chính phủ Hoa Kỳ trợ cấp (một cách gian tiếp) một tỉ lệ phần trăm học phí đáng kể.
Kiểm định chất lượng “có răng”
Bộ GD-ĐT vừa công bố 1 loạt chính sách mới liên quan tới kiểm định chất lượng như phân bổ kinh phí nghiên cứu, đào tạo dựa trên chất lượng, cho phép các trường qua kiểm định chất lượng tự quyết định khung học phí. Theo ông, liệu đây có thể là đòn bẩy để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH ở VN?
Kiểm định chất lượng phải đi kèm với chế tài phù hợp. Ảnh: Lê Anh Dũng
Trước hết, tôi khẳng định rằng kiểm định chất lượng là 1 công cụ rất quan trọng để Bộ GD-ĐT điều tiết được quá trình nới lỏng và trao thêm quyền tự chủ cho các trường. VN cần thiết xây dựng cơ chế kiểm định chất lượng mới có thể tiếp tục cải cách hệ thống giáo dục ĐH.
Nhưng chúng ta phải nhớ rằng cơ chế kiểm định chất lượng chỉ là một công cụ chứ không phải là loại thuốc có thể chữa bách bệnh. Riêng kiểm định thôi thì không giải quyết được vấn đề chất lượng.
Cơ chế kiểm định chất lượng chỉ hiệu quả khi các trường phải chịu trách nhiệm. Nói theo lối của người Mỹ là quá trình kiểm định chất lượng “có răng”. Tức là kiểm định phải kèm việc xử lý chứ không chỉ đưa ra rồi kiểm định xong mọi việc vẫn như cũ.
Giả sử trường hợp trường A có sứ mệnh là giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhưng đội ngũ giảng viên của trường này không xuất bản nhiều bài nghiên cứu có giá trị. Nếu trong quá trình kiểm định chất lượng thực thụ thì trường đó sẽ bị đánh giá thấp về hiệu quả và sẽ phải chịu các chế tài.
Chẳng hạn ở Mỹ có trường ĐH qua kiểm định không đảm bảo chất lượng thì hiệu trưởng phải từ chức hoặc nếu là trường công thì chính quyền tiểu bang sẽ cắt giảm ngân sách hoặc có chế tài phù hợp.
VN không thiếu SV đẳng cấp quốc tế
Cùng với ĐH đẳng cấp quốc tế, VN cần cả những SV đẳng cấp quốc tế. Theo ông, làm thế nào để đào tạo được SV đẳng cấp quốc tế trong điều kiện VN hiện nay?
Được học tập trong môi trường tốt, SVVN sẽ thành công. Ảnh: Lê Anh Dũng
VN không thiếu SV đẳng cấp quốc tế. Tôi rất thích trò chuyện với các SV VN vì họ rất giỏi, rất thông minh. Nói một cách công bằng, SV ở đâu cũng na ná như nhau thôi, SVVN cũng giống như SV Mỹ thôi. SVVN không nên nghĩ rằng họ là “trường hợp đặc biệt” so với SV các nước khác.
Xã hội VN là một xã hội hiếu học và đặt giá trị của giáo dục rất thiêng liêng. Đó là một sức mạnh của giáo dục VN. Khi SVVN được học trong những trường tốt, trong điều kiện thuận lợi luôn rất thành công.
Vì thế, cần tạo môi trường thuận lợi học tập thuận lợi cho họ, trong đó phải có tự do học thuật, cởi mở về tư tưởng và rất lành mạnh, mỗi người được đánh giá chính xác theo khả năng của mình.
Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ GD-ĐT VN loại bỏ tiêu cực trong giáo dục và khoa học: những hoạt động khoa học không mang lại kết quả mà chỉ là nơi chia chác thứ này thứ khác, gian lận thi cử… Đó là điều kiện tiên quyết để có môi trường cho SVVN tiếp tục phát triển và trưởng thành.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, với thực trạng giáo dục đại học nói riêng, giáo dục Việt Nam nói chung như hiện nay, việc đưa ra các chính sách mới vừa để sửa chữa những bất cập hiện tại, vừa có thể lường đón và giảm thiểu hết các tác dụng phụ không phải là điều dễ dàng. Đây chính là một trong những khó khăn nhất đối với những người phải trực tiếp làm cái công việc khó khăn này.
Do vậy, việc có nhiều ý kiến trái chiều đối với những chính sách mới là điều dễ hiểu. Trong những trường hợp như vậy cần phải quyết đoán và chấp nhận đương đầu. Những nhà cải cách thường thành công nhờ tố chất này.
VN có nhiều nhà khoa học trẻ rất giỏi. Nhiều người đã rất thành công trong nước và nước ngoài. Nhưng cũng không nên đề cao quá nhiều những thành tựu cá nhân như thành tích trong kỳ thi Toán quốc tế vì đó chỉ là các trường hợp cá biệt. Điều đáng quan tâm hơn cả là khả năng đào tạo được nhiều người đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng hay nói một cách đơn giản là những người có thể làm việc được.
Tôi xin đưa ra một con số sẽ làm những ai quan tâm phải suy nghĩ rất nhiều. Vừa qua khoảng 2000 sinh viên được xem là ưu tú tại các trường của VN tham dự kỳ thi tuyển dụng của Intel. Bài thi gồm 50 câu hỏi với mức yêu cầu để vượt qua là phải đúng tối thiểu 60%. Kết quả chỉ có khoảng 90 bạn làm được điều này.
Một thực tế đáng buồn là với cơ chế quản lý hiện tại của VN thì khó có khả năng cử SV đi du học trong các chương trình đào tạo tiến sỹ quốc tế uy tín nhất, trong khi cơ hội trong nước dường như không có.
Tất nhiên luôn có những cá nhân tài năng có thể vượt qua những hạn chế của hệ thống để tự tìm đường cho mình. Nhưng đó chỉ là thiểu số. Chúng ta cần tìm ra cơ chế để tạo điều kiện cho đa số SV có cơ hội này.
Đó là lý do tại sao VN cần cải tổ toàn bộ hệ sinh thái giáo dục.
1 SV đẳng cấp quốc tế có nghĩa là sau khi tốt nghiệp có thể làm ở bất cứ đâu trên thế giới, tại bất kỳ tập đoàn lớn nào. Nhưng đại diện các tập đoàn như Microsoft, Boeing hay Intel đều nhấn mạnh rằng SVVN rất kém tiếng Anh và thiếu kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo, làm việc nhóm… Theo ông, các trường ĐH của VN nên làm gì để tăng cường kỹ năng mềm cho SV?
Theo tôi, khi đề cập đến “phần mềm”, ý của các nhà tuyển dụng chính là muốn thay đổi hệ thống, chính sách, đặc biệt là cơ chế quản trị. Tôi cho rằng chìa khóa quan trọng nhất là giáo dục đại cương (general education). Mục đích là trang bị cho người học những kỹ năng cơ bản để tiếp tục học hỏi cả đời.
Nguyên Hiệu trưởng ĐH Harvard Lawrence H. Summers từng phát biểu trong chuyến thăm của Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tới Harvard năm 2005 rằng: “SV phải được phép “thử thách” (challenge) giáo viên của mình.” SV nên được khuyến khích trao đổi, đặt câu hỏi, tranh luận với giảng viên.
Tôi cũng rất tâm đắc với ý kiến của TS. Nguyễn Sỹ Dũng trên một tờ báo VN cách đây vài ngày rằng SVVN không nên xưng “em” mà nên xưng “tôi” với giáo viên. Họ không nên ngồi yên nghe giảng mà phải trực tiếp tham gia bài giảng.
Xin cảm ơn ông!
- Lan Hương (thực hiện)
Ý kiến của quý độc giả: