Sách giáo khoa Ngữ văn giống nhau nhưng...chẳng giống ai!
Cập nhật lúc 09:01, Thứ Tư, 30/01/2008 (GMT+7)
- Ngô Quyền bắt sống hay giết Lưu Hoàng Thao? Sông Bạch Đằng ở đâu?... Với những câu hỏi đơn giản này nhưng hai cuốn Ngữ văn 10 lại có những "đáp án" không trùng nhau.
Cải cách sách giáo khoa còn nhiều bất cập. |
Đối chiếu Ngữ văn 10 (ban cơ bản) và Ngữ văn 10 (nâng cao), NXB Giáo dục - 2006, người sử dụng nhận ra quá nhiều bất cập. Khó có thể phân biệt tính cơ bản và nâng cao nhưng dễ phát hiện sai sót, tùy tiện, cẩu thả của người làm sách mà bài Bạch Đằng giang phú (Trương Hán Siêu) là một ví dụ.
Những giới thiệu mơ hồ về Trương Hán Siêu
Văn học 10 (hợp nhất 2000) viết “Trương Hán Siêu… người xã Phúc Thành… nay là xã Phúc Am huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình…” Ngữ văn 10 sửa được sai sót trên nhưng lại lệch nhau. Ngữ văn 10 (cơ bản) viết “Trương Hán Siêu người huyện Yên Ninh…” (trang 3) còn Ngữ văn 10 (nâng cao) thì khẳng định: “Trương Hán Siêu quê ở… phủ Yên Khánh…”.
Theo chúng tôi, giáo viên chỉ cần giới thiệu: Trương Hán Siêu người làng Phúc Am - nay thuộc thành phố Ninh Bình. Sách nâng cao có thể thêm chi tiết ông thích sống với non nước Dục Thuý – một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của quê hương…
Ngữ văn 10 ban cơ bản sa vào thống kê chức tước của Trương Hán Siêu qua 4 triều vua. Các chức này người soạn cũng không nhớ nổi; học sinh chẳng biết chức ấy cao thấp ra sao.
Về vấn đề trên, Ngữ văn 10 (nâng cao) ngắn gọn hơn. Nhưng cả hai đều có những chi tiết không rõ ràng (các vua Trần rất kính trọng, “thường gọi ông là “thầy” ; “môn khách (khách trong nhà)…”). Thực ra thì có tài liệu chỉ rõ Trương Hán Siêu: “làm thầy vua Hiến Tông và Dụ Tông”. Hai vị này, gọi ông bằng thầy “mà không gọi trực tiếp tên.”
Cuộc đời Trương Hán Siêu cần được giới thiệu ngắn gọn. Nhưng viết “khi mất, ông được vua tặng tước Thái bảo, Thái phó” là không chính xác, khó hiểu.
Theo Lịch triều hiến chương loại chí thì khi mất (1354), ông được truy tặng tước Thái bảo; mãi đến năm 1363, Trương Hán Siêu mới được truy tặng Thái phó (hai tước dành cho Đại thần, sau Thái sư). Cả hai cuốn sách đều chưa nhấn mạnh sự nghiệp văn thơ của Trương Hán Siêu. Vì thế, thay vào các tác phẩm viết về sông Bạch Đằng, nên nêu tên các tác phẩm của Trương Hán Siêu.
Ngô Quyền bắt sống hay giết Lưu Hoằng Thao?
Sự khác biệt giữa hai bài viết có lẽ chỉ là chỗ cùng một nội dung nhưng sách này thì trình bày ở phần tiểu dẫn, sách kia ở mục chú thích.
Theo sách nâng cao, tại sông Bạch Đằng, “quân dân ta đã hai lần chiến thắng quân xâm lược phương Bắc… Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, bắt sống Lưu Hoằng Thao (có tài liệu ghi là Lưu Hoàng Tháo) – con trai vua Nam Hán…”.
Ngược lại sách cơ bản lại khẳng định: “Ngô Quyền… giết Lưu Hoằng Thao”.
Xin trích dẫn một tư liệu để thấy hai đoạn văn trên đều sai ở những chừng mực khác nhau: “Quân Nam Hán thua chạy, còn Lưu Hoàng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ. Nghe tin, Vua Nam Hải - đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới, đành "thương khóc thu nhặt quân còn lại mà rút lui". (Đại Việt sử kí toàn thư).
Nhân vật khách là ai?
“Khách: ở đây là tác giả” (Ngữ văn 10 – nâng cao); “Khách ở đây có thể là tác giả tự xưng (Ngữ văn 10 - cơ bản ). Hai nhận xét trên rõ ràng là khác nhau. Ai cũng biết trong nguyên tác và bản dịch, đều nhắc đến từ “khách” hai lần. “Khách hữu” (có người khách) chỉ hiểu là tác giả thì có phần chưa thuyết phục. Tác giả không thể trực tiếp :
Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương
Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt
Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt
Nơi có người đi, đâu là chẳng biết…
Phải chăng sự hiểu biết kia có được là qua thơ văn? Các địa danh Trung Quốc trong bài phú chỉ là các danh thắng và di tích lịch sử Trung Quốc thời cổ mà Tư Mã Thiên đã đến tận nơi xem xét, nghiên cứu để viết Sử kí. Vì thế ở đầu bài, khách có thể là Tử Trường, là khách tiêu dao phiếm chỉ nào đó… Chín dòng đầu nhằm luận bàn về thú tiêu dao. Từ câu “Bèn giữa dòng chừ buông chèo” nhân vật khách – tác giả mới xuất hiện trực tiếp dưới các dạng thức khác nhau (xưng ta, khách, hoặc ẩn chủ ngữ).
Sông Bạch Đằng ở đâu?
Cả hai sách đều nhìn Bạch Đằng qua con mắt địa lí, lịch sử nhưng không chính xác.
Đối chiếu câu: “Sông Bạch Đằng: đoạn sông Kinh Thầy đổ ra biển Đông nằm giữa Quảng Ninh và Hải Phòng” (Ngữ văn 10 nâng cao) với “Bạch Đằng là một sông đổ ra biển thuộc Quảng Ninh, phía gần Thuỷ Nguyên, Hải Phòng” (Ngữ văn 10 – cơ bản), học trò đều hỏi sách nào đúng? Cùng là số lần “chiến thắng quân xâm lược phương Bắc…”, sách thì nói “hai”, sách lại nói “nhiều”!
Nhầm phú là thơ
Trong khi giáo viên lưu ý đừng nhầm phú với thơ thì học sinh chỉ ra trong phần “Tri thức đọc - hiểu” (trang 9), Ngữ văn 10 (nâng cao) viết “câu thơ có xen tiếng chừ (ví dụ: Gõ thuyền chừ Nguyên, Tương – Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt)”. Người soạn còn nhầm khi phân tích ý nghĩa biểu cảm của từ “chừ” trong bản dịch mà quên rằng nó không có trong nguyên bản (Triều kiết huyền hề Nguyên Tương, Mộ u thám hề Vũ Huyệt).
Từ các suy nghĩ trên, nhiều thầy cô giáo đồng tình với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng : “Sách giáo khoa của ta chẳng giống ai”. Với sách giáo khoa văn còn phải thêm “chẳng giống ai mà giống nhau – bài viết của người soạn sau cơ bản giống người soạn trước và còn nhiều cái sai”. Phải chăng ở một số bài, chỉ cần thay đổi ít câu - ít chữ thì giáo khoa cũ thành giáo khoa mới?
-
Văn Hiến
,