- Năm 2007, cả nước có hơn 114.000 HS bỏ học, nhiều gấp 1,5 lần so với thông lệ. Bộ GD-ĐT giải thích con số "đột biến"này là do siết chặt chất lượng. Để chấn chỉnh, có địa phương đã đề xuất hình thức "phạt tiền" nếu gia đình có con bỏ học.
An Giang dẫn đầu cả nước về số HS bỏ học ở cả 2 cấp với tổng số hơn 17.000 HS, trong đó riêng ở bậc THPT lên tới 8.600 em. Khu vực ĐBSCL có tỷ lệ HS bỏ học cao nhất với hơn hơn 45.000 HS bỏ học ở cả 2 cấp THCS và THPT
HS bỏ học: Đột biến
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, số lượng HS bỏ học năm 2007 tăng gấp 1,5 lần là hệ quả từ cuộc vận động "2 không" với "siết chặt" dạy - học và đánh giá. Một nguyên nhân thường niên khác: do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiên tai, học lực yếu.
Trường THPT Đô Lương 3, Nghệ An. Tiết học cuối của lớp ôn tập thi lại tốt nghiệp THPT chỉ còn lại 4 HS. Ảnh: Bảo Anh
Đến cuối tháng 2/2008, tỷ lệ HS bỏ học của bậc THPT ở Lâm Đồng tăng gần 2%. Con số hơn 1.700 HS bỏ học (chiếm 3,6%) so với cả nước không nhiều, nhưng là đột biến đối với giáo dục Lâm Đồng - ông Huỳnh Quang Long, Chánh VP Sở GD-ĐT cho biết.
Theo ông Long, HS bỏ học chủ yếu tập trung ở các trường ngoài công lập, bán công, tư thục và các vùng kinh tế khó khăn. Nguyên nhân trực tiếp là do HS học yếu, không theo kịp chương trình lớp 10. Đặc biệt, HS vùng sâu, vùng xa đầu vào lớp 10 chỉ qua xét tuyển, không thi tuyển nên chất lượng kém.
Một đối tượng khác: HS là lao động chính trong gia đình. Hiện nay, giá cà phê hiện đang lên, gia đình buộc các em ở nhà tham gia lao động. "Thậm chí, dịp này, nhiều gia đình có kinh tế phát triển cũng cho con em nghỉ học", ông Long nói.
An Giang có tỷ lệ HS bỏ học cao ở cả 2 cấp học. Từ tháng 5/2006, UBND tỉnh có chỉ thị về việc tăng cường huy động HS đến trường, lớp và hạn chế tình trạng HS bỏ học. Tỷ lệ này đã giảm so với trước đây. Nhưng do các biện pháp thực hiện chưa quyết liệt, nên tỷ lệ bỏ học vẫn ở mức cao.)
Tại Nghệ An, đầu năm học, có 10.700 HS bỏ học. Đến cuối học kỳ I, ngành đã vận động được hơn 3.500 HS ra lớp.
Ông Đào Công Lợi, Phó Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An cho hay, số HS bỏ học chủ yếu thuộc khu vực miền núi. Hơn 500 HS tiểu học không đến lớp tập trung nhiều ở Kỳ Sơn, theo bố mẹ sang Lào. HS cấp THCS, THPT thì ở nhà giúp gia đình hoặc bỏ đi làm ăn xa.
Tiếp tục "học kỳ 3"
Khi thực hiện cuộc vận động "2 không", Bộ GD-ĐT đã xác định sẽ có hiện tượng HS bỏ học nhiều do "không thể theo nổi chương trình". Tuy nhiên, chúng tôi không buông xuôi và tìm giải pháp khắc phục hệ quả này", tân Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.
2008 sẽ vẫn là một năm "không có hè" và tinh thần của mỗi giáo viên là phải "xung trận". Bộ sẽ có kinh phí "rót" xuống hỗ trợ giáo viên. Còn địa phương, nhà trường phải vận động cụ thể, tìm và tác động vào đúng nguyên nhân.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đã cho phép các địa phương điều chỉnh kế hoạch năm học phù hợp với tình hình thực tế để tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học.
Ví dụ: khó khăn về tiếng Việt cho HS dân tộc, có thể bố trí tăng thời gian học tiếng Việt. Hoặc một chương học khó, HS học yếu sẽ được tăng cường thời gian.
Trước tình trạng HS bỏ học hàng loạt, Tỉnh ủy An Giang ra chỉ thị chuyên đề "Hạn chế HS bỏ học". Đồng thời, Sở GD-ĐT cũng đề xuất một số biện pháp "xử phạt" đối với những gia đình không cho con em đi học như: phạt tiền, dùng sức mạnh của đoàn thể, chính quyền nơi cư trú hay cán bộ xã không được quyền có người thân cho con nghỉ học. Ngoài ra, các chính sách cho hộ nghèo, vùng biên giới khi xem xét đến phải đặt điều kiện đầu tiên là có con đi học.
Ông Lý Thanh Tú, Chánh Văn phòng Sở cho biết, Sở đang đưa ra một số đề xuất cho UBND tỉnh để cải thiện tình hình HS bỏ học qua các hoạt động của xã hội như khi xét gia đình văn hóa, giải quyết các thủ tục đi làm phải đảm bảo không có con bỏ học; đăng ký kinh doanh, giấy phép lái xe, xuất khẩu lao động đều phải đạt điều kiện tối thiểu là tốt nghiệp THCS.
Còn ở Lâm Đồng, sắp tới đây, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu với UBND tỉnh để quy định: nếu phát hiện hộ nào có HS nghỉ học sẽ phê bình trước nhân dân, đồng thời, "cắt" các chế độ chính sách ưu đãi đối với những gia đình đó.
Trước đây, hệ thống trường nghề chưa được coi trọng, nhưng đến nay, khi HS không thể tiếp tục theo học phổ thông và chuyển sang trường nghề, nhu cầu XH bức bách, tất yếu các trường nghề phải có cách đi thích hợp để đáp ứng nhu cầu, ông Hiển cho biết.
Tính đến tháng 12/2007, tổng số HS cấp THCS bỏ học trên cả nước là 63.729 - chiếm tỉ lệ 1,1% so với tổng HS của bậc học này; tổng số HS cấp THPT bỏ học là 50.309 (tỉ lệ 1,66%). Cấp THCS, Trà Vinh là địa phương có tỉ lệ HS bỏ học cao nhất: 10,75% (5.450 HS); tiếp theo là An Giang: 7,8% (8.803 HS); Kiên Giang: 5,02% (5.077 HS); Tây Ninh: 4,1% (2.604 HS). Một số tỉnh, tỷ lệ HS bỏ học tương đương tỷ lệ bình quân chung cả nước nhưng có số lượng HS bỏ học lớn: Nghệ An 1,56% (4.547 HS); Đăk Lăk: 3.274 HS (2,04%); Thanh Hóa: 1,06% (2.975 HS); Hà Giang 1.219 HS (2,42%)... Cấp THPT, An Giang là địa phương có tỉ lệ HS bỏ học cao nhất: 19,31% (8.600 HS); tiếp theo là Tuyên Quang 11,07% (3.409 HS); Đăk Lăk 9,29% (7.398 HS); Trà Vinh: 7,93% (2.034), Vĩnh Long 5,97% (2.176 HS)... (Nguồn: Bộ GD-ĐT) |
-
Bảo Anh
******************************
Ý kiến của bạn: