221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1042969
Bỏ học hàng loạt không hẳn vì khó khăn
1
Article
null
Bỏ học hàng loạt không hẳn vì khó khăn
,

 - Ngay tại xã Mường É, huyện Thuận Châu (Sơn La) việc bỏ học nhiều của học sinh cũng không hẳn do hoàn cảnh gia đình khó khăn như chúng ta thường nghĩ. Bất lực là điều chúng tôi cảm nhận được từ những người có trách nhiệm nơi đây về thực trạng nói trên.

Lấy chồng...

Mường É là xã vùng 1 của Thuận Châu, nằm ngay dưới chân dốc của con đèo Pha Đin đã đi vào lịch sử. Toàn xã có 1.154 hộ với 6.828 nhân khẩu sinh sống tại 31 bản. Trong đó, có 2 bản dân tộc H’Mông, 2 bản dân tộc Khơ Mú, còn lại là các bản của dân tộc Thái (chiếm 89%). 

a
Ngày càng nhiều học sinh miền núi từ bỏ niềm vui đến trường

Câu chuyện bỏ học để lấy chồng ở Mường É hầu như năm học nào cũng có. Các em nữ học sinh ở đây khi bỏ học đi lấy chồng không giống như những gì chúng ta thường nói “đã đến tuổi rồi” hay “sắp ế rồi”.

Ngược lại, những cô dâu ở đây còn đang ở cái tuổi chơi, tuổi nhí nhảnh của học trò.

Mặc dù, năm học 2007-2008 chỉ còn gần 3 tháng nữa là kết thúc, nhưng Trường THCS xã Mường É đã có tới 39 em học sinh từ khối 6 đến khối 9 “quyết tâm” vứt bỏ bao năm đèn sách. Trong đó, có 16 em là học sinh nữ. Trong số 16 học sinh nữ bỏ học, hiện tại có gần chục em đã hoàn thành “ước nguyện” lấy chồng để dành thời gian lên nương và chuẩn bị làm mẹ trẻ con ở cái tuổi cũng trẻ con. Trong số này, các cô dâu cao tuổi nhất mới sinh năm 1993 và cô dâu nhỏ tuổi nhất là Lường Thị D., bản Nà Lè, học sinh lớp 7D, sinh năm 1995.

Cùng bản với em Lường Thị D., có em Cà Thị Ch., sinh năm 1993 cũng bỏ học đi lấy chồng. Khi chúng tôi tới nhà Ch., chỉ có ông nội em ở nhà cùng mấy đứa cháu. Ông buồn bã mang bức ảnh em chụp với búi tóc cẩu trên đầu (đã lấy chồng) và nói: “Trong gia đình chỉ duy nhất là tôi không đồng ý cho cháu bỏ học lấy chồng. Xã hội bây giờ mà không học thì chỉ có tụt hậu. Mặc dù, không ngăn cản được đám cưới của chúng, nhưng tôi vẫn muốn cháu dù đã lấy chồng vẫn nên đi học”.

Cô giáo Lường Pheng Nèng, Hiệu trưởng Trường THCS Mường É - người có 18 năm công tác tại xã Mường É, lắc đầu nuối tiếc: “So với các vùng dân tộc Thái, thì xã chúng tôi có chất lượng học cao hơn. Từ ngày còn là giáo viên dạy Toán đến giờ, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu học sinh bỏ học, trong đó có việc bỏ học giữa chừng đi lấy chồng. Có nhiều em học lực rất tốt, có khả năng học lên cao nhưng vẫn bỏ học lấy chồng”.

Cô Nèng còn cho biết: Có nhiều học sinh nữ đã “trót” lấy chồng nhưng do yêu trường, yêu sách nên vẫn quyết tâm đến lớp để học, có cả  trường hợp học sinh có bầu mấy tháng.

Một trường hợp học lớp 9 của năm học trước đã gây ấn tượng cho các thầy, cô giáo trong trường là học sinh Lò Thị Q., sinh năm 1992, vừa đi học vừa nuôi con. Tranh thủ giờ ra chơi, chồng bế con tới lớp để vợ cho con bú hoặc ngày 2 buổi tới trường đèo vợ về cho con bú. Thậm chí, có em vẫn cố vác cái bụng đã vượt mặt đến thi tốt nghiệp.

Kiếm tiền

Cùng với những bức xúc là bỏ học đi lấy chồng của học sinh nữ thì việc bỏ học đi làm thuê kiếm tiền của các học sinh nam ở xã Mường É cũng nhức nhối không kém.Việc “ngăn cản” số học sinh nam bỏ học đi làm thuê kiếm tiền của chính quyền còn khó khăn hơn nhiều so với việc ngăn học sinh nữ bỏ học lấy chồng bằng cách không cấp giấy đăng ký kết hôn. Bởi lẽ, xã và nhà trường không thể làm gì được hơn là thuyết phục và lại thuyết phục.

Ông Lường Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Mường É, cho biết: Việc các cháu học sinh bỏ học đi lấy chồng hay đi làm thuê rất nhức nhối. Trong 2 năm gần đây tình trạng này càng bức xúc hơn.

Trong khi 100% bản của xã đều đã có hương ước, có quy định rõ ràng về việc cấm tảo hôn nhưng vẫn không thể "kiềm chế" được "phong trào bỏ học". 

Lớp 6B của cô giáo Vũ Thị Lành làm chủ nhiệm cũng có 4 học sinh bỏ học giữa chừng. Cô Lành khẳng định: Hoàn cảnh gia đình của những học sinh này không hề khó khăn như những gì bố mẹ các em đã thanh minh với cô.  

Bởi khi đến nhà các em thấy gia đình các em rất khá, chủ yếu do bố mẹ các em không quan tâm tới việc học mà chỉ quan tâm tới số tiền các em đi làm thuê mang về.

Tại lớp 6E, chúng tôi đã cắt ngang giờ học toán của các em học sinh khi xin phép thầy giáo Nguyễn Thái Bình chụp một số kiểu ảnh lớp học. Cũng thật tình cờ, ở lớp học này cũng có tới 5 học sinh không đến lớp. Qua nghe em lớp trưởng báo cáo lại với thầy Bình, được biết chỉ có duy nhất 1 học sinh có giấy báo ốm còn lại vắng không lý do. Thầy Bình, nói: “Từ ngày về đây dạy học tôi đã chứng kiến rất nhiều học sinh từ khối 6 đến khối 9 bỏ học đi làm thuê. Lý do duy nhất các em và phụ huynh biện minh cho việc bỏ học là hoàn cảnh gia đình khó khăn”. 

Cô giáo Nguyễn Thị Xuyến, Hiệu Phó nhà trường, cho biết: Việc các em học sinh ở đây bỏ học ngoài lý do đi lấy chồng hay hoàn cảnh gia đình khó khăn thì nguyên nhân chủ yếu là do các bậc phụ huynh không quan tâm, giáo dục các em; coi đó là trách nhiệm riêng của nhà trường. Từ đó dẫn tới việc các em lười học, tự ý bỏ học đi làm thuê kiếm tiền ở cái tuổi lẽ ra phải học.

Con số bỏ học liệu còn dừng ở đó…?

Cũng theo cô Hiệu trưởng Trường THCS xã Mường É, năm học nào cũng có học sinh bỏ học giữa chừng, trong đó ồ ạt nhất là năm học trước có 30 em và năm học này 39 em. Cô lo lắng: “Vẫn còn gần 3 tháng nữa mới kết thúc năm học, không biết số học sinh bỏ học có còn dừng lại ở con số 39”.

b
Lớp học vùng cao

 Sự lo lắng của cô Hiệu trưởng không phải là không có lý do, bởi lẽ "phong trào bỏ học" không chỉ riêng ở xã Mường É mà tại các trường THCS khác trong huyện đều có học sinh bỏ học. Và thực tế đã minh chứng là khi kết thúc năm học thì các trường mới "chốt" được số học sinh bỏ học.

Trong khi trao đổi với các thầy cô giáo Trường THCS xã Mường É về tình trạng bỏ học ở đây thì đều nhận được thông tin: Xã này bỏ học còn ít, nếu nhà báo sang các xã khác thì số học sinh bỏ học còn nhiều hơn!

Ông Nguyễn Xuân Thiều, Trưởng Phòng giáo dục huyện Thuận Châu, cho biết: Chỉ riêng trong học kỳ I, bậc THCS của huyện Thuận Châu có 11.734 em học sinh bậc THCS thì đã có tới 3% số học sinh bỏ học. Và đến giờ đã sắp kết thúc năm học, không biết con số học sinh bỏ học sẽ là bao nhiêu?

  • Châu Sơn 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,