- Thi tốt nghiệp THPT năm 2008, chủ trương vẫn giữ ổn định như mọi năm, kể cả chấm trắc nghiệm. Giảng viên các trường ĐH, CĐ, TCCN sẽ tham gia vào tất cả các khâu của kỳ thi. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục để làm rõ hơn quy chế thi tốt nghiệp tới đây.
Xin ông cho biết những điểm mới trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT vừa ban hành?
- Điểm mới cơ bản của Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BGDĐT ngày 06/3/2008 là có tính thống nhất cao, áp dụng cho cả thi tốt nghiệp THPT và thi tốt nghiệp bổ túc THPT. Đây sẽ là cơ sở để tiến tới thực hiện một kỳ thi THPT quốc gia.
Ông Nguyễn An Ninh.
Điểm mới thứ hai cần nói đến, là quy chế quy định trách nhiệm của các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ, TCCN trong việc huy động lực lượng cán bộ, giảng viên tham gia vào tất cả các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Năm nay Bộ sẽ huy động cả giảng viên của các trường ĐH, học viện, CĐ, TCCN vào công tác giám thị. Vậy, số giám thị này là bao nhiêu, họ sẽ được điều động như thế nào khi kỳ thi diễn ra?
- Hiện tại, Bộ GD-ĐT đang xây dựng phương án huy động lực lượng. Dự kiến, trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008 sẽ tăng cường lực lượng ĐH, CĐ, TCCN thực hiện 2 nhiệm vụ cơ bản: tham gia các đoàn thanh tra uỷ quyền của Bộ và trực tiếp làm giám thị trong các phòng thi. Đảm bảo, trong kỳ thi, mỗi phòng thi bố trí ít nhất một buổi thi có một giám thị là cán bộ, giảng viên ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ, TCCN.
Việc tăng cường lực lượng này là bước tập dượt cho kỳ thi THPT quốc gia. Năm 2008, số lượng thanh tra được huy động sẽ nhiều hơn năm 2007. Mỗi cán bộ thanh tra giám sát không quá 7 phòng thi; mỗi địa điểm thi có ít nhất 2 cán bộ thanh tra.
TIN LIÊN QUAN
Các khâu chấm thi, phúc khảo cũng sẽ được bổ sung hợp lý số thanh tra chuyên môn.
Về số lượng tham gia làm giám thị, Bộ sẽ cân nhắc cụ thể, kỹ lưỡng để việc huy động không làm ảnh hưởng nhiều tới việc thực hiện kế hoạch dạy học của các trường ĐH, CĐ, TCCN.
Sau các vụ tiêu cực xảy ra ở kỳ thi tốt nghiệp năm trước, Bộ GD-ĐT đã "chấn chỉnh" gì, thưa ông?
- Quy định rõ hơn về quyền hạn và tránh nhiệm của mỗi khâu thi để có chế tài kỷ luật rõ ràng. Từ đó, căn cứ theo quy chế, sai ở khâu nào, trách nhiệm đến đâu xử phạt đến đó.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2007-2008 được tổ chức vào 3 ngày: 28, 29 và 30/5. 3 môn thi cố định là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Chậm nhất ngày 31/3, Bộ GD-ĐT sẽ công bố 3 môn thi còn lại.
Chẳng hạn, những người tham gia tổ chức kỳ thi sẽ có những hình thức kỷ luật rõ ràng nếu có hành vi vi phạm quy chế thi như: khiển trách đối với người phạm lỗi nhẹ trong khi thi hành nhiệm vụ.
Thời gian làm bài môn Văn, Toán là 150 phút, các môn trắc nghiệm 60 phút và các môn còn lại 90 phút. Thí sinh không học ngoại ngữ đủ 3 năm được thay thế bằng môn thi khác. Thí sinh sẽ biết kết quả thi tạm thời chậm nhất vào ngày 15/6.
Đình chỉ công tác thi ngay sau khi bị phát hiện, đồng thời xử lý cảnh cáo với một trong các hành vi: ra đề sai hoặc ngoài chương trình, thiếu trách nhiệm khi coi thi, trực tiếp giải bài cho thí sinh lúc đang thi... hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi: làm lộ đề thi; mua, bán đề thi; đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào khu vực thi trong lúc đang thi; gian lận thi có tổ chức.
Những người không phải là cán bộ, công chức, viên chức tham gia kỳ thi có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong khi làm nhiệm vụ hoặc sau kỳ thi), nếu có đủ chứng cứ, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của luật lao động, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và quy định của pháp luật có liên quan...
Trong kỳ thi tốt nghiệp, Cục dự định áp dụng hình thức trừ điểm thi trắc nghiệm với các câu hỏi sai. Tại sao lại áp dụng hình thức này? Xin ông cho biết, nếu có khi nào sẽ áp dụng?
- Hiện Bộ GD-ĐT chưa có chủ trương áp dụng phương án trừ điểm "đoán mò" của thí sinh.
Thí sinh dự thi bổ túc THPT có sự khác biệt gì so với hệ THPT và thí sinh thi bổ túc cần lưu ý những vấn đề gì, thưa ông?
- Khác biệt rõ nhất trong kỳ thi 2008, năm đầu tiên áp dụng chung một quy chế thi, là thí sinh bổ túc THPT được thi đề riêng do học chương trình GDTX. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thí sinh bổ túc không thi môn ngoại ngữ. Cũng như đối với thí sinh THPT, thí sinh bổ túc THPT cần xác định cho mình động cơ học tập đúng đắn, cần tích lũy đầy đủ kiến thức, kỹ năng để làm tốt các bài thi trong kỳ thi sắp tới.
Năm nay những học sinh trượt kì thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT phải đăng kí dự thi lại như thế nào?
- Các Sở GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các em HS thuộc đối tượng này, như những mùa thi trước.
Năm nay vẫn giữ nguyên 4 môn thi trắc nghiệm, sau những lỗi mắc phải của khá nhiều thí sinh trong kỳ thi trước, ông có lưu ý gì đối với các môn thi này?
- Những điểm thí sinh cần lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm đã được Cục Khảo thí và Kiểm định CLGD gửi bằng văn bản tới các địa phương và in trong các cuốn sách mà Cục đã liên kết xuất bản, chủ yếu vẫn như hai năm vừa qua.
Cụ thể là, đề thi trắc nghiệm sẽ gồm nhiều câu, rải khắp chương trình, không có trọng tâm cho mỗi môn thi, do đó cần phải học toàn bộ nội dung môn học, tránh đoán "tủ", học "tủ". Gần sát ngày thi, thí sinh nên rà soát lại chương trình môn học đã ôn tập; xem kĩ hơn đối với những nội dung khó; nhớ lại những chi tiết cốt lõi. Không nên làm thêm những câu trắc nghiệm mới vì dễ hoang mang nếu gặp những câu trắc nghiệm quá khó.
Một điều đặc biệt thí sinh cần lưu ý, đừng bao giờ nghĩ đến việc mang "tài liệu trợ giúp" vào phòng thi hoặc trông chờ sự giúp đỡ của thí sinh khác trong phòng thi, vì các thí sinh có đề thi với hình thức hoàn toàn khác nhau.
Các vật dụng được mang vào phòng thi - Bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình; các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử.
- Máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ;
- Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành; không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.
Trước giờ thi, nên "ôn" lại toàn bộ quy trình thi trắc nghiệm để hành động chính xác và nhanh nhất, vì có thể nói, thi trắc nghiệm là một... cuộc chạy "marathon". Thời gian là một thử thách khi làm bài trắc nghiệm. Lúc đó, các em phải hết sức khẩn trương, tiết kiệm thời gian, nhanh chóng huy động kiến thức, kĩ năng để quyết định chọn phương án trả lời đúng.
Nên bắt đầu làm bài từ câu trắc nghiệm số 1; lần lượt "lướt qua" khá nhanh, quyết định làm những câu cảm thấy dễ và chắc chắn, đồng thời đánh dấu trong đề thi những câu chưa làm được; lần lượt thực hiện đến câu trắc nghiệm cuối cùng trong đề.
Sau đó quay trở lại "giải quyết" những câu đã tạm thời bỏ qua. Lưu ý, trong khi thực hiện vòng hai cũng cần hết sức khẩn trương; nên làm những câu tương đối dễ hơn, một lần nữa bỏ lại những câu quá khó để giải quyết trong lượt thứ ba, nếu còn thời gian.
Khi làm một câu trắc nghiệm, phải đánh giá để loại bỏ ngay những phương án sai và tập trung cân nhắc trong các phương án còn lại phương án nào là đúng.
Nên để phiếu trả lời trắc nghiệm phía tay cầm bút (thường là bên phải), đề thi trắc nghiệm phía kia (bên trái): tay trái giữ ở vị trí câu trắc nghiệm đang làm, tay phải dò tìm số câu trả lời tương ứng trên phiếu trả lời trắc nghiệm và tô vào ô trả lời được lựa chọn (tránh tô nhầm sang dòng của câu khác).
Đối với loại bút chì để đánh dấu câu trắc nghiệm, các em lưu ý lựa chọn loại bút chì mềm (như 2B...), vì không phải loại bút chì nào cũng thích hợp. Không nên gọt đầu bút chì quá nhọn mà để dẹt, phẳng để nhanh chóng tô đen ô trả lời. Khi tô đen ô đã lựa chọn, các em nên cầm bút chì thẳng đứng để tô được nhanh. Nên có vài bút chì đã gọt sẵn để dự trữ khi làm bài.
Và cuối cùng, cố gắng trả lời tất cả các câu trắc nghiệm của đề thi để có cơ hội giành điểm cao nhất; không nên để trống một câu nào.
Xin cảm ơn ông!
-
Bảo Anh (thực hiện)