- "Tới đây sẽ khuyến khích thành lập các trường ngoài công lập có chất lượng cao, chi phí cao nhằm đáp ứng nhu cầu được giáo dục của con em các gia đình có thu nhập cao. Cơ chế tài chính mới sẽ xoá bỏ sự phân biệt về chính sách thuế giữa trường công và ngoài công lập..."
Giải pháp Bộ GD-ĐT đưa ra tại hội thảo xây dựng cơ chế tài chính để huy động vốn cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các trường ĐH, CĐ do Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 18/3, nhằm nâng chất lượng đào tạo.
Thu không đủ chi...
Đại biểu đang tham lắng nghe tham luận (Ảnh K.O)
Theo Bộ GD-ĐT, ngân sách chi cho giáo dục ĐH tăng hàng năm nhưng phần tăng thêm chủ yếu là để thực hiện cải cách tiền lương.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Cảnh Lương cho biết, mọi hoạt động của trường hiện nay được thu từ bốn nguồn tài chính chủ yếu: kinh phí từ ngân sách nhà nước (NSNN); học phí; kinh phí từ các hoạt động chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh; kinh phí từ các nguồn hỗ trợ và hợp tác nghiên cứu...
Mặc dù, thực thu từ 4 nguồn nói trên nhưng nguồn kinh phí mà trường có được còn rất hạn hẹp, thêm vào đó là một số cơ chế quản lý tài chính hiện còn gây khó cho các trường trong việc sử dụng kinh phí vào những hoạt động mang tính chiến lược, ông Lương nói.
Cụ thể, cơ chế quản lý tài chính đối với việc trả lương, thù lao cho cán bộ giảng dạy còn nhiều bất cập. Chi thù lao cho giờ giảng, viết giáo trình... trong các trường công lập còn rất thấp (từ 20.000 - 40.000 đồng/ 45 phút giảng bài). Do đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, giáo viên có xu hướng chỉ muốn đi giảng dạy, tham gia quản lý, điều hàng các trung tâm mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác biên soạn giáo trình cũng như đổi mới phương pháp giảng dạy.
Chi thường xuyên cho giáo dục ĐH đã tăng hơn 2,4 lần trong giai đoạn 2002-2006 và mức chi bình quân cho bậc đào tạo này chiếm từ 10-12% tổng chi ngân sách giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, mức chi thường xuyên bình quân cho 1 đầu sinh viên chỉ tăng 1,7 lần từ 2,229 triệu đồng/sinh viên năm 2001 lên 3,725 triệu đồng/sinh viên năm 2006. Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, chi lương và các khoản phụ cấp theo lương thường chiếm từ 50-60% tổng chi thường xuyên cho các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ. Với mức chi này, hàng năm các cơ sở giáo dục vẫn còn thiếu hụt nghiêm trọng về kinh phí mua tài liệu, dụng cụ học tập, chỉ đảm bảo chi lương ở mức tối thiểu... (Trích Báo cáo của Bộ GD-ĐT)
Bên cạnh đó, nguồn NSNN cấp cộng với mức thu học phí còn thấp không tạo đủ điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu.
Đồng quan điểm, Phó GĐ ĐHQG Hà Nội Phạm Quang Hưng nêu thực tế, học phí và các nguồn thu hợp pháp khác của các trường ĐH thành viên chiếm khoảng 40% tổng nguồn ngân sách của 2 ĐHQG.
Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn thu này còn đang bị hạn chế bởi các cơ chế hiện hành. Quy định về mức thu học phí hiện nay không khuyến khích các cơ sở đào tạo trong ĐHQG huy động nguồn thu này để bổ sung cho đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng cao và đạt trình độ quốc tế.
Ông Nguyễn Việt Hồng, Vụ trưởng Vụ hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) nhìn nhận, chế độ thu học phí thực hiện theo quy định tại quyết định số 70 của Thủ tướng Chính phủ cách đây gần 10 năm đã không còn phù hợp, mức thu học phí không bù đắp được chi phí tối thiểu cần thiết cho hoạt động đào tạo, hạn chế khả năng huy động nguồn lực từ người học để nâng cao chất lượng đào tạo.
Từ đó, hàng năm NSNN vẫn phải bao cấp kinh phí chi thường xuyên cho các cơ sở đào tạo. Vì vậy, một số cơ sở đào tạo vẫn còn tư tưởng trông chờ vào bao cấp từ NSNN, không năng động...
Đại diện khối trường ngoài công lập, GS.Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH dân lập Hải Phòng cho rằng, để có chất lượng đào tạo cao, vấn đề tài chính rất quan trọng, nhất là khi phần lớn nguồn chi của trường đều được huy động từ học phí của sinh viên. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc đến khả năng đóng góp của sinh viên. Trong khi đó, khu vực ngoài công lập vẫn còn bị “phân biệt đối xử” về chính sách thuế, đất đai cũng như những chương trình đào tạo giáo viên của Bộ…
Chuyển hỗ trợ trường sang hỗ trợ trên đầu sinh viên?
Một trong những giải pháp hoàn thiện cơ chế huy động vốn đầu tư, ông Phạm Quang Hưng đề xuất, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ nhanh chóng nghiên cứu đề án học phí mới trên cơ sở thay đổi tư duy về học phí và có sự đồng thuận của xã hội. Học phí cần dựa trên mối tương quan giữa chi phí đào tạo công khai và các chính sách công bằng xã hội.
Cụ thể, học phí sẽ khác nhau giữa các ngành đào tạo, vùng và khu vực theo mức chi phí cần thiết nhằm khuyến khích các trường ĐH tăng đầu tư để nâng chất lượng. Nhà nước sẽ chi trả chi phí các chương trình đào tạo nhân lực quốc gia, cấp học bổng cho các đối tượng chính sách...
Chính sách học phí và miễn giảm học phí của ta hiện chưa minh bạch, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn. Ví như, với những học sinh diện chính sách, con thương binh... lại bắt nhà trường phải chi trả là không đúng, không minh bạch - mà nên đưa về địa phương và địa phương phải chịu trách nhiệm, quản đúng đối tượng chính sách thì lúc đó mới hiệu quả.
Việc chuyển đổi cơ chế học phí là đúng nhưng học phí phải phụ thuộc vào đẳng cấp của từng trường, ông Hùng đề xuất. Học phí phụ thuộc vào nhu cầu của xã hội. Và học phí phải dựa trên cơ sở đầu tư cho các trường kỹ thuật phải nhiều hơn.
Ông Jeffrey Waite, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB) phân tích, hiện nguồn lực tài chính từ khu vực Nhà nước là chưa đủ đối với bậc giáo dục ĐH, trong khi tỷ lệ thanh niên được đào tạo bậc ĐH ở Việt Nam mới đạt 15%, thấp hơn các nước OECD và ASEAN (40-50%).
Vì vậy, cần có sự phối hợp nguồn lực của Nhà nước và tư nhân. Trong đó, các trường ĐH, CĐ tư "đạt chất lượng" cũng cần được tiếp cận với nguồn tài chính của Nhà nước.
Theo ông Jeffrey Waite, nguyên tắc khi xây dựng chính sách huy động tài chính cho cả khu vực công lập và ngoài công lập, đó là nguồn tài trợ chỉ chuyển cho những đối tượng đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định và công khai minh bạch. Vì vậy, thay vì hỗ trợ cho trường, nên hướng tới việc hỗ trợ trên đầu sinh viên chung cho cả khu vực Nhà nước và tư nhân, không nên có sự phân biệt đối xử.
Ông Nguyễn Việt Hồng, Vụ trưởng Vụ hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong vài ngày tới, chế độ thu và sử dụng học phí sẽ được trình Chính phủ với những đổi mới theo hướng: mức thu từng bước tiến tới tính toán đầy đủ các chi phí cơ bản phù hợp với khả năng huy động nguồn lực xã hội.
Đồng thời giao quyền cho các cơ sở giáo dục đào tạo được tự chủ trong việc quyết định chương trình đào tạo, khung học phí do Nhà nước quy định. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn đầu tư thành lập cơ sở đào tạo hoặc liên kết với các trường ĐH nhằm cung cấp các dịch vụ đào tạo có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu.
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) Trần Duy Tạo gợi mở, tới đây sẽ khuyến khích thành lập các trường ngoài công lập có chất lượng cao, chi phí cao nhằm đáp ứng nhu cầu được giáo dục của con em các gia đình có thu nhập cao.
Cùng với đó, cơ chế mới sẽ xoá bỏ sự phân biệt về chính sách thuế giữa trường công và ngoài công lập. Bộ GD-ĐT xây dựng cơ chế 3 công khai của các cơ sở đào tạo không phân biệt công lập và ngoài công lập để người học và xã hội giám sát, đánh giá. Cụ thể là công khai chất lượng đào tạo; công khai nguồn lực đào tạo và công khai tài chính chi tiêu cho đào tạo.
-
Kiều Oanh