- Nhà đầu tư có nguyện vọng (NV) tham gia thành lập mới các trường ĐH nhưng lại không có quỹ đất "sạch". Trong khi đó, đất cho giáo dục (GD) vẫn còn 652 ha chưa có tổ chức thuộc hệ thống GD quản lý....Thống kê do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đưa ra.
Khuôn viên của ĐH Việt Đức sẽ nằm trong ĐHQG TP.HCM. ĐH mới này dự kiến xây dựng ở Bình Dương. Tỉnh này đã sẵn sàng bố trí 20ha đất để triển khai đề án thành lập trường.Ảnh: Dân trí
Kết quả thống kê về thực trạng tình hình sử dụng đất cho mục đích GD - ĐT của Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hết năm 2006 cho thấy, vẫn còn 652 ha đất GD-ĐT chưa có tổ chức thuộc hệ thống GD quản lý (do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý).
Tổng quỹ đất đang sử dụng cho mục đích GD-ĐT cả nước là 37.677 ha chủ yếu đầu tư cho cơ sở giáo dục công lập, với 36.594 ha (chiếm 97,1%). Đất cho cơ sở GD ngoài công lập chỉ chiếm 1,1% (tương đương 430,2 ha)...
Bà Hoàng Vân Anh, chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhiều cơ sở giáo dục, đất cho giáo dục phân bổ phần lớn ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ, chiếm trên 23% tổng quỹ đất. Vùng có tỷ lệ đất dành cho giáo dục đào tạo ít nhất là Tây Nguyên, chiếm 8,4%....
Theo báo cáo thống kê đất đến ngày 1/1/2007 của các địa phương, kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong 2 năm (2005, 2006) của cả nước còn rất hạn chế. Diện tích đất cơ sở giáo dục đào tạo của cả nước chỉ tăng 2.564 ha, đạt 13,3% so với kế hoạch (đến năm 2010 tổng quỹ đất dành cho giáo dục đào tạo phải đạt là 54.410 ha).
Diện tích gia tăng chủ yếu có nguồn gốc được nhà nước giao đất, cho thuê đất. Tình trạng "quy hoạch treo" đối với đất dành cho giáo dục, đào tạo ở các địa phương là rất phổ biến, bà Vân Anh nói.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở giáo dục đào tạo nói riêng trong hai năm qua đã được các địa phương quan tâm. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm, kết quả đạt được đến nay chỉ đạt 40% so với nhu cầu. Một số địa phương còn tồn đọng nhiều giấy chứng nhận đã ký nhưng chưa trao cho các trường vì trường không đến nhận.
Nguyên nhân, quy định chính sách ưu đãi "miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các cơ sở ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận" không phù hợp với Điều 33 của Luật Đất đai...Mặt khác, chất lượng các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay còn hạn chế.
Đó cũng là lý do dẫn đến các chính sách khuyến khích đầu tư từ xã hội cho lĩnh vực đào tạo chưa hiệu quả và là "rào cản" trong huy động vốn cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các trường ĐH, CĐ. Thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tham gia đầu tư vào thành lập mới các trường ĐH gặp nhiều vướng mắc về đất, không có quỹ đất để triển khai do quỹ đất "sạch" không còn...
-
Kiều Oanh