- Trong kỳ thi ĐH năm 2007, điểm số trung bình môn Lịch sử là 2,09/10, xếp hạng "chót" so với các môn thi còn lại. Một khảo sát chưa đầy đủ cho thấy, trong số hơn 20 trường ĐH đang đào tạo SV ngành lịch sử, chưa kể hệ thống trường CĐ Sư phạm rải rác các tỉnh thành, chỉ có 6 khoa lịch sử có khả năng "đào tạo thầy giáo dạy sử một cách an tâm".
Giờ học theo giáo án điện tử của HS lớp 10 Trường THPT Nhân Chính, Hà Nôi. Ảnh: Bảo Anh
Những thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức sáng nay, 25/3.
Kỳ thi ĐH năm 2007, có hơn 150.000 "gặt" mức điểm từ 4,5 trở xuống. Con số này chiếm tỷ lệ tới 95,74% tổng số thí sinh thí sinh khối C. Trong đó, điểm 0 chiếm gần 4%. Mức điểm "đẹp" khá khiêm tốn với 17 thí sinh đạt điểm 9, 17 thí sinh có điểm 8,5.
Điểm số trung bình của môn Sử là 2.09/10, đứng hạng thấp nhất, so với điểm số trung bình của các môn thi (4,28) và so với tất cả các môn khác (môn Lý : 5,19; môn Hóa: 4,49; môn Văn: 4,41; môn Toán: 3,65 và môn Ngoại ngữ: 3,64).
Ở kỳ thi tốt nghiệp, mức điểm trung bình 6,19 của môn Lịch sử cũng xếp hàng "đội sổ" trong tương quan với các môn còn lại.
Cũng thống kê này của Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD-ĐT) cho thấy, độ vênh giữa mức điểm trung bình thi tuyển sinh và thi tú tài ở môn Lịch sử là cao nhất (vênh tới 4,10 so với độ vênh 2,40 của trung bình các môn thi).
Theo giải thích của TS Tưởng Phi Ngọ, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, vị trí môn học bị đặt thấp, thời gian được phân phối qúa ít, đội ngũ giáo viên "loãng" dần do sử dụng từ nhiều nguồn đào tạo khác nhau, số đông dạy và học theo lối cũ...là những lý do dẫn tới "thực trạng đáng lo ngại trong dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông".
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho hay, những người trong ngành nhận thấy tình trạng sa sút này từ lâu. Từ năm 1999, Hội đã đưa ra lời cảnh báo và đề xuất phương hướng giải quyết.
Khảo sát của GS Đỗ Thanh Bình Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện nay, cả nước có khoảng 21 trường ĐH đang đào tạo sinh viên ngành lịch sử, chưa kể hệ thống các trường CĐ Sư phạm rải rác. chỉ có khoảng 6 khoa Lịch sử trong tổng số 21 trường ĐH có khả năng đào tạo được những cử nhân Lịch sử làm công tác giảng dạy hay nghiên cứu lịch sử mà Xã hội quan tâm. Còn những cơ sở còn lại, chất lượng là điều đáng ngại. Đấy là chưa tính đến chất lượng đào tạo ngành lịch sử trong các trường CĐ và một loạt các trường ĐH vừa mới mở ra.
-
Hạ Anh