- Thay đổi phương pháp giảng dạy nhưng không có sự đồng bộ giữa chương trình, SGK và cơ sở vật chất; lượng kiến thức quá lớn so với sức tiếp thu của HS; môn Sử bị coi là môn phụ, HS học chỉ để đối phó với việc thi... là nội dung cơ bản trong những ý kiến của các giáo viên và học sinh phổ thông.
Cô Hoàng Thị Hạ, giáo viên Văn-Sử, Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Yên Thế, Bắc Giang): HS nghe và để đấy
Tôi dạy Lịch sử lớp 6 là chủ yếu và nhận thấy sách mới có ưu điểm trong việc đưa thông tin. Dựa vào những thông tin trong SGK để giáo viên định hướng cho HS. Nhưng với sách mới, giáo viên không chịu khó tìm hiểu, đọc thêm tư liệu thì rất khó dạy tốt. Mà giáo viên không cung cấp nhiều thông tin cho HS thì HS cũng không thể hiểu được bài. Chỉ đọc SGK HS rất khó hiểu bài.
Ảnh: Lê Anh Dũng
SGK lớp 6 có một số bài khá dài. Ví dụ, phần Lịch sử thế giới thường học từng chặng đường dài và gói gọn trong 1 số bài kiểu "cưỡi ngựa xem hoa". HS lớp 6 còn nhỏ tuổi mà phải chạy theo thời lượng kiến thức cũng như chặng đường lịch sử quá xa như vậy khiến các em rất khó nắm bắt.
Thêm vào đó, thiết bị đồ dùng dạy học thiếu thốn. Đặc biệt, phòng học mang tính chức năng riêng cho môn học thì hoàn toàn không có. Do vậy để tái hiện lịch sử thông qua mô tả của giáo viên cho HS hiểu rất khó khăn. Vì thế, để dạy học tích cực trong điều kiện hiện nay khó đáp ứng được.
Sở dĩ HS sợ học môn Lịch sử vì những vấn đề đưa ra quá xa vời và để HS hiểu không dễ dàng. Có thế, HS chỉ nghe, không hiểu và để đấy.
Cô Vũ Thị Hoa, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Thăng Long (Hà Nội): Chương trình nặng, HS "bơi" trong "bể" kiến thức
Lớp 10, SGK Lịch sử đã có sự cải cách vượt trội so với chương trình và sách cũ về kiến thức, về khai thác các kênh hình của sách. Nội dung bài học phong phú, có cách nhìn hay, đa dạng. Tuy nhiên, bố cục, cấu trúc ở một số bài chưa hợp lý. Theo tôi, người biên soạn sách phải dạy ít nhất 5 năm ở phổ thông mới có thể sắp xếp và đưa được phương pháp tối ưu nhất. Ví dụ, bài Ấn Độ, bài Các quốc gia cổ đại phương Tây (lớp 10) rất rườm rà.
Thời lượng mỗi tiết là 45 phút, trong đó trừ 5-7 phút kiểm tra bài cũ, do đó lượng kiến thức truyền tải trong thời lượng còn lại là quá nặng. Như vậy, vô hình chung, chúng ta đang giảm tải lại thành tăng tải vì dồn kiến thức quá nhiều. Giáo viên không dám o ép HS vì các em còn rất nhiều môn phải học. Chính vì quá phong phú nên nặng về kiến thức. Giáo viên phải giảng liên tục mà không hết nội dung bài học.
Tất nhiên, trong mỗi bài đều có hướng trọng tâm, chuẩn kiến thức nhưng vẫn không kịp vì giáo viên còn phải phân tích. Hơn nữa, đầu vào của HS khá tốt nên đòi hỏi lượng kiến thức mở rộng, HS hỏi, giáo viên giải đáp không kịp thời gian.
Lớp 11, ưu điểm của SGK cải cách cũng như lớp 10, nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế. Ví dụ, khi học bài: Đại chiến thế giới lần thứ I, thứ II, cấu trúc bài giảng giữa các phần chưa hợp lý, có chỗ còn rườm rà. Chẳng hạn, bài về Đại chiến thế giới II, phần đầu mục 1 nên đặt tên tiểu đề là Quan hệ quốc tế trước chiến tranh thế giới thứ 2. Cách đó hay hơn, để HS nắm được toàn cảnh chung, mâu thuẫn giữa các cường quốc không thể giải quyết dẫn đến bùng nổ chiến tranh...
Sách viết khó hiểu, yêu cầu HS đọc rất khó, giáo viên phải gợi ý từng tý một như: các cường quốc này ở phe phái nào, có hợp tác với nhau được không, rồi thái độ của từng nước, từng phe... Nhiều bài để chương trình quá nặng, giáo viên dạy là cháy giáo án. Tất nhiên có chuẩn, nhưng HS không có chuẩn, chỉ giáo viên có. Cứ sách nói thì không thể lột tả được vấn đề. Giáo viên phải đọc rất nhiều tư liệu và rút ra điểm mấu chốt để lái HS theo ý mình.
Chương trình và SGK mới đặt ra mục tiêu thay đổi phương pháp dạy và học với người học đóng vai trò trung tâm, còn giáo viên chủ yếu hướng dẫn. Nhưng, với điều kiện hiện nay mô hình này chưa phù hợp. SGK thay đổi nhưng chưa đồng bộ với các phương tiện hỗ trợ như phòng máy, máy tính,...
Một thực tế, để chuẩn bị một bài thực hành dạy trên máy cho HS mất rất nhiều thời gian. Ví dụ, tìm tư liệu, sắp xếp lại cấu trúc bài giảng về một đề tài là lịch sử địa phương (Hà Nội), tôi phải chuẩn bị mất ít nhất là 2 tuần.
Nếu môn nào cũng bắt HS tự học, từ tìm hiểu, tìm tài liệu thì rất khó và không có thời gian. Mặc dù HS rất thích việc này vì điểm số thường cao. Tuy nhiên, thời gian để kiếm tìm những tư liệu đó không cho phép HS chạy theo sở thích, khi các môn thi tốt nghiệp, ĐH đang còn rất nhiều kiến thức phải học.
Do đó, tôi đề nghị, với môn học này, Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu để giảm tải tiếp cho HS.
Cô Đặng Thị Thu Hà, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội): Bài học thiếu chiều sâu và sức lôi cuốn
SGK Ban Cơ bản có nhiều ưu điểm như hình thức in ấn đẹp, tranh ảnh minh họa nhiều hơn so với chương trình và SGK cũ. Nội dung kiến thức tương đối chọn lọc, ngắn và phù hợp với HS. Tuy nhiên, bài học thiếu chiều sâu như cần phân tích, khái niệm nên giải thích thêm. Đặc biệt, cần có thêm những mẩu chuyện minh họa để làm bài giảng có sức lôi cuốn HS hơn.
Có những kiến thức cơ bản vào sẽ giảm tải được cho giáo viên. Hiện nay, giáo viên đang mất rất nhiều thời gian để tìm đọc những mẩu chuyện, câu chuyện hay của lịch sử VN, thế giới, đọc giáo trình ĐH để đưa vào làm ví dụ trong bài giảng. Do đó, sách hướng dẫn giáo viên cần chi tiết và cụ thể hơn, có sự định hướng rõ ràng hơn. Vì theo tôi, HS chịu học là do người dạy. Giáo viên phải biết chọn lọc kiến thức và sự kiện. HS lớp 10, 11 còn chịu khó học. Chỉ HS lớp 12, khi xác định các môn cần phải học thi thì mới lơ là bài học.
Ông Vũ Quang Hiển, Trưởng bộ môn Lịch sử Đảng, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội): Cần xác định mục tiêu cụ thể cho người biên soạn, người dạy và người học
Kết quả học môn Lịch sử không cao do quan niệm là môn phụ. Những "quan niệm" này vô hình chung đã ảnh hưởng đến người học và cả người dạy.
Các đề thi trong nhiều năm luôn nhấn mạnh tính chất thuộc bài, chủ yếu là thi tốt nghiệp. Đến kỳ thi ĐH đòi hỏi thí sinh phải hiểu bài, từ đó biết phân tích, so sánh, đánh giá sự kiện. Bắt thuộc bài, thí sinh sẽ học vẹt, hỏi yêu cầu hiểu bài, HS không làm được. Đây là một trong những nguyên nhân khiến kết quả thi ĐH vừa qua thấp hơn nhiều so với kỳ thi tốt nghiệp THPT.
SGK chương trình nặng, nhiều sự kiện mô tả chi tiết. Càng chi tiết bao nhiêu, học càng khó bấy nhiều. Ví dụ, các diễn biến, các chiến dịch, các số liệu ngày tháng được đưa quá chi tiết. Về cơ bản, ngày tháng năm nên đưa những cái cơ bản: như ngày Thành lập Đảng, chiến thắng Điện Biên Phủ, Cách mạng Tháng Tám, Giải phóng Sài Gòn. Và nêu chung, trong giai đoạn này có các sự kiện này...
Để cải cách SGK, khâu biên soạn và kiểm tra đánh giá cần mang tính phổ thông, chương trình cần khái quát hơn, đơn giản hơn để HS nắm được tinh thần cơ bản của sự kiện, một phong trào. Hiện nay, trong SGK 2 chi tiết này vẫn còn lẫn lộn. Khi yêu cầu trình bày ý nghĩa, HS đưa cả kết quả vào, cái này SGK cần tách bạch. Đây là nhược điểm rõ nhất của người viết SGK Lịch sử khi không phân biệt được kết quả - ý nghĩa.
Mặt khác, cần xác định mục tiêu cụ thể cho từng chương, từng mục, từng bài để biên soạn, để người dạy biết lối dạy, để người học biết thế nào là đạt được mục tiêu, phải thuộc cái gì.
SGK hiện nay đang viết cho người lớn, ở bậc cao hơn và vượt quá khả năng có thể thuộc của HS. Do đó, tôi có đề xuất, Bộ GD-ĐT cần lược bớt chương trình.
Nhóm HS lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn, HN: Không còn tâm sức, trí lực cho môn phụ Về cơ bản, đây là môn phụ nên HS cũng không thích học hoặc là học theo hình thức đối phó. Thường là đọc sách HS khó hiểu bài, do đó, trên lớp ngồi nghe cô giảng, chép bài vào vở và về học thuộc lòng theo đúng trong vở. Hiện giờ, HS các ban không liên quan đến môn Lịch sử đang phải đầu tư rất nhiều thời gian cho các môn nâng cao nên không còn tâm sức, trí lực cho môn phụ. Nhóm HS lớp 11 Trường THPT Nhân Chính, HN: Chỉ để "đối phó", HS học trước quên sau Lên lớp, HS chủ yếu ngồi nghe cô giảng, ghi chép vào vở và về học thuộc lòng để trả bài và thi học kỳ. Hiếm khi HS tự tìm thêm tư liệu để đọc vì có quá ít thời gian. Nhiều HS khi được hỏi, lớp 10 học Lịch sử về nội dung gì thì đều trả lời không còn nhớ nữa. Dự giờ của HS lớp 10 Trường THPT Nhân Chính với phương pháp học bằng máy chiếu projecto (Bài 25: Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn, nửa đầu thế kỷ XIX): HS thích học, hăng hái phát biểu ý kiến và có những nhận xét về từng tình hình cụ thể của bài học. Tuy nhiên, để chuẩn bị được bài giảng này, giáo viên mất khá nhiều thời gian. Và theo nhận xét của nhiều HS, là thích học theo phương pháp này, nhưng một năm học, mỗi lớp chỉ được học nhiều nhất là 2 buổi. |
- Thu Thủy (thực hiện)
****************************
Dia chi: HN
Email: ph.hp86@yahoo.com
Noi dung: Tôi học chuyên ngành tự nhiên nhưng tôi lại rất thích học sử, kết quả học sử của tôi rất tốt mặc dù tôi rất ít đọc sách giáo khoa, chỉ đọc báo là chính. Tôi nghĩ rằng nếu muốn học sinh học tốt môn sử thì cần cải cách lại sách giáo khoa môn này. Một cuốn sách được viết theo kiểu liệt kê các sự kiện thì không khác cuốn sổ ghi nợ là bao. Nên xây dựng một bộ sách giáo khoa lịch sử dưới dạng văn học như bộ sách "Những vì sao đất nước" tôi tin rằng học sinh sẽ rất thích đọc!
Dia chi: Hà Nội
Email: kuangthien@gmail.com
Noi dung: Em mới tốt nghiệp THPT năm 2007. Em thấy môn Sử rất hay, thấy giáo của em dạy cũng rất hay và em quả thực rất thích nghe thầy giảng. Tuy nhiên công bằng mà nói, SGK Sử quá thừa thãi, quá nặng. Thầy giảng nghe hay thì hay nhưng đem tất cả chúng đi thi cũng chỉ đảm bảo điểm 5, 6 nếu thi tốt nghiệp. Về SGK, em có 1 giải pháp: cuối mỗi bài học nên có phần tóm tắt cả bài dài tầm nửa trang và học sinh chỉ cần học thuộc lòng từng đó (em xin lỗi nhưng kiểu học ở VN toàn là thuộc lòng à, từ Văn trở đi nhé) Phần chính của sách dành cho học sinh muốn tìm hiểu thêm hoặc tự đọc ở nhà. Ngoài ra, nên tổ chức bài học theo kiểu cho học sinh tự thuyết trình. Ví dụ 1 lớp có 30 học sinh, chia làm 5,6 nhóm, mỗi nhóm phụ trách 1 đề mục bài học, thuyết trình qua slide trong 5 phút cho các bạn. Cách này thay được kiểm miệng và cuối giờ còn có thể trao đổi thảo luận hoặc làm 1 bài kiểm tra 15 phút. Làm như vậy giúp học sinh tự học 1 cách chủ động vì có hiệu quả cao.
Dia chi: Leiden University
Email: haiminh_chip@yahoo.com
Noi dung: Tại sao chúng ta cứ đổ tội cho sách giáo khoa nhỉ? Không chỉ môn Sử mà môn nào cũng bị phê phán bởi sách giáo khoa. Dù rằng Bộ GD-ĐT đã cố gắng rất nhiều để biên soạn lại sgk nhưng lần nào cũng cho là chương trình nặng. Tôi đang học ở nước ngoài và xin nói rằng, ở đây (Hà Lan) họ chẳng biết sách giáo khoa là gì! Chúng tôi phải đọc hàng tá sách tham khảo. Chính sự so sách giữa các cách viết khác nhau, cách lựa chọn thông tin khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, giúp học sinh-sinh viên hiểu vấn đề hơn. Và người thầy không chỉ đơn thuần là truyền kiến thức mà còn truyền “lửa” cho học sinh nữa. Giáo viên phải là người chắt lọc thông tin rồi chuyển tải cho học sinh. Chính giáo viên mà còn căng thẳng chuyện chạy theo giáo trình thì làm sao mà còn truyền cảm hứng cho học sinh được? Đành rằng đề thi của chúng ta còn rất nhiều bất cập, những với lối dạy chỉ biết khung chương trình thì làm sao mà có những câu hỏi bắt học sinh suy ngẫm được. Theo tôi, sự chủ động của người Thầy vẫn là quan trọng nhất. Tôi nói thế vì tôi cũng là người học Lịch sử, giảng dạy Lịch sử.