- Khi hỏi HS: “Em vận dụng kiến thức lịch để làm gì trong cuộc sống?”, các em đều nói không biết vận dụng kiến thức lịch sử để làm gì. Những kiến thức lịch sử trong sách giáo khoa phổ thông hiện nay rất chung chung, nặng về trình bày các thành tựu mà ít nói đến cách thức để đạt được những thành tựu đó.
Đó là ý kiến của bạn đọc Hoàng Hà (Một giáo viên dạy Lịch sử tại Hưng Yên) trong bài viết "Vì sao chất lượng môn Lịch sử chưa cao?". VietNamNet xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết này.
Sổ điểm "đẹp", chất lượng thực tế ở đâu?
Nếu như chỉ nhìn vào sổ điểm của các thầy cô dạy học môn lịch sử ở phổ thông (điểm sẽ rất đẹp!) mà không trực tiếp điều tra chất lượng thực sự học môn Lịch sử của HS thì người ta sẽ không khỏi băn khoăn, khó hiểu. Khi hỏi HS: “Em vận dụng kiến thức lịch để làm gì trong cuộc sống?”, các em đều nói không biết vận dụng kiến thức lịch sử để làm gì.
Những kiến thức lịch sử mà đại đa số người học cần, trong chương trình – sách giáo khoa phổ thông hiện nay có không? Có! Nhưng ít ỏi và rất chung chung, lại chủ yếu là những kiến thức về chiến tranh, chính trị.
Ảnh: Lê Anh Dũng
Những kiến thức thiết thực như về kinh tế, văn hoá, khoa học thì nặng về trình bày các thành tựu mà ít nói đến cách thức để đạt được những thành tựu đó và cũng rất chung chung, khó vận dụng trong đời sống hành ngày.
Vì thế, việc đa số HS nhận thức mơ hồ về kiến thức lịch sử, không biết vận dụng kiến thức để làm gì là điều khó tránh khỏi.
Khi học phổ thông, bên cạnh việc được giáo dục đạo đức, tư tưởng để trở thành những công dân tốt, HS cần được học toán để tính toán, học văn để nói và viết đúng… cần học lịch sử để có những kinh nghiệm của những người đi trước vận dụng trong đời sống hàng ngày.
Những kinh nghiệm lịch sử, nếu được vận dụng đúng có thể giúp họ làm kinh tế có hiệu quả, làm giầu chính đáng, dạy dỗ con cái được tốt hơn…
Không ai đi học mãi những kiến thức mà nó chẳng phục vụ hữu hiệu cho cuộc sống của mình.
Do vậy, việc HS chưa ham học lịch sử, môn lịch sử ở phổ thông chất lượng còn thấp là do nội dung kiến thức lịch sử trong chương trình – sách giáo khoa lịch sử chưa đáp ứng nhu cầu của đông đảo người học.
Giáo viên lo cả "bão giá" và phương pháp giảng dạy
Con số 33% HS phổ thông trung học trên toàn quốc trượt tốt nghiệp đợt đầu trong năm nay (có tỉnh trượt đến 86 %) cho thấy chất lượng giáo dục phổ thông của ta còn thấp chứ không riêng gì môn lịch sử.
Để chất lượng dạy học thấp như vậy, giáo viên chúng tôi không tránh phần trách nhiệm. Bởi lẽ, chúng tôi có khả năng nghiên cứu, bổ sung kiến thức, khắc phục phần nào những hạn chế của chương trình – sách giáo khoa.
Giáo viên chúng tôi muốn "sản phẩm" của mình hoàn hảo, chất lượng lắm chứ!
Giá kể giáo viên chúng tôi chỉ phải ăn và mặc mà không phải nuôi cha mẹ để làm tròn chữ hiếu; không phải ở và nuôi con; chỉ đi bộ đến trường dạy học… thì với thu nhập bằng đồng lương thấp như hiện có, chắc chắn, giáo viên chúng tôi có điều kiện (thời gian, sức lực, trí tuệ) nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng.
Xã hội vẫn phải trả tiền cho chúng tôi vì chúng tôi làm cả những việc của nông dân, công nhân, tiểu thương, thợ thủ công… (còn những người lao động này có khi bị thất nghiệp do giáo viên chúng tôi làm thêm!). Thật là một cái vòng luẩn quẩn! Những giáo viên khác không làm thêm thì sao? Nghèo! Và chưa chắc đã được coi trọng.
Theo tôi hai nguyên nhân trên là cơ bản dẫn đến chất lượng của môn Lịch sử ở phổ thông còn thấp. Giải quyết nguyên nhân thứ nhất đòi hỏi phải nghiên cứu rất cẩn thận. Để giải quyết nguyên nhân thứ hai thì đơn giản hơn và nhanh chóng làm chuyển biến tình hình chất lượng thấp hiện nay. Nhưng sẽ phải đợi đến bao giờ?