- Tiếp xúc với nhiều người làm sách, kể cả chủ biên và các tác giả tham gia viết sách giáo khoa (SGK) môn Lịch sử, chúng tôi đều thấy chính họ cũng "lắc đầu" với nhiều thứ trong sách.
"Ép" HS!
Một giờ học của HS Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội. Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, năm học này HS thi tốt nghiệp môn Lịch sử. Ảnh: Bảo Anh
Cô Lê Thị Thu Hương là một giáo viên Sử có trình độ, dạy giỏi ở Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), từng có HS đoạt giải quốc gia môn Lịch sử. Ngoài công việc ở trường, cô còn được mời tham gia góp ý cho quá trình xây dựng chương trình môn học Lịch sử. Nhưng không ít lần, cô phải lúng túng với học trò cấp 3 và con gái đang học lớp 5 của mình.
"Mỹ tìm mọi cách phá hoại hiệp định Giơnevơ. Trong thời gian Pháp rút quân, Mỹ dần dần thay chân Pháp xâm lược miền Nam, đưa Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, lập ra chính quyền tay sai". Đây là một đoạn trong bài 19 sách Lịch sử và Địa lý lớp 5, ở trang 42. Không biết, một cô bé lớp 5 phải học thuộc lòng đoạn văn này để làm gì khi mà cái cần ở nó là tình cảm lịch sử được hình thành chứ không phải nỗi căm thù với Mỹ, Pháp hay Ngô Đình Diệm?
Chương trình lịch sử hiện đại, hầu như không bỏ một giai đoạn nào, liên miên từ chiến dịch này đến trận đánh khác. Mỗi trận đánh lại tỉ mỉ những số liệu ngày, giờ, con số thương vong của "phía bên kia", chiến lợi phẩm đạn dược, súng ống... thu được. "Đã vài lần, tôi cũng khất HS câu trả lời khi các em hỏi "thế còn phe ta thì số người chết và tổn thất là bao nhiêu hả cô"? - cô Hương chia sẻ.
"Nhân dân ta", "dân tộc ta", "Đảng ta", "ta thắng", "địch thua", "chủ trương sáng suốt", "thắng lợi vĩ đại", "địch tàn bạo", "căm thù sâu sắc"... là những cụm từ dễ gặp khi mở SGK Lịch sử. TS Hà Minh Hồng (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) cho rằng, đây không phải nói tới sự trùng lặp nhàm chán trong câu từ, văn chương mà là lối trình bày nặng về chính trị, nhằm hướng tới mục đích chính trị, vô hình chung làm triệt tiêu việc cảm nhận lịch sử và tình cảm con người với lịch sử.
GS Vũ Dương Ninh là chủ biên SGK lịch sử lớp 12 (đang thí điểm năm nay và năm sau sẽ đưa bộ sách này vào đại trà) nhận thấy, có những vấn đề như "mặt trận bình dân", thì người nghiên cứu cần chứ HS học thuộc lòng để làm gì mà phải bắt đưa vào sách.
Chương trình làm khổ sách!
Trong thực tế, SGK chỉ là tài liệu cụ thể hoá chương trình và chương trình mới là vấn đề cần xét đến đầu tiên.
Chương trình môn học Lịch sử đã có một số sửa đổi nhưng vẫn chưa phù hợp với lứa tuổi. "Tham quá, đòi hỏi HS biết nhiều quá! Sự kiện, sự kiện và sự kiện, đồng thời lý luận lại người lớn quá. Chưa kể, nhiều đoạn trích dẫn nguyên văn nghị quyết. Phần xây dựng kinh tế xã hội lại như một báo cáo tổng kết với những con số nối tiếp con số..." GS Vũ Dương Ninh nhận xét.
Việc xây dựng chương trình được thực hiện theo nguyên tắc đồng tâm (một sự kiện nhưng ở mỗi cấp học sẽ viết theo mức độ khác nhau phù hợp với tâm lý lứa tuổi). Tuy nhiên, ở một số nội dung, sự kiện, chương trình và nhất là chuẩn chương trình, chưa chỉ ra được sự khác nhau về mức độ và hướng trình bày, phân tích giữa các cấp học. GS Nguyễn Khắc Phi (Nhà xuất bản Giáo dục) nhìn nhận, chính điều này khiến một số sự kiện được giảng dạy ở cấp 2 còn hấp dẫn hơn cấp 3. Không những thế, còn làm lãng phí thời gian.
"Chương trình nặng về mặt chính trị nhiều. Trong cách cấu trúc từng bài, chúng ta nói về thắng lợi nhiều quá, mình hơi đơn giản vấn đề." - GS Đinh Xuân Lâm.
Thực tế, một cuốn sách khoảng 300 trang có tới 10 người tham gia viết, phân nhiều cấp bậc: chủ biên, tổng chủ biên, đồng chủ biên... Nếu chia ra, mỗi tác giả viết chưa đầy 30 trang. Cách tổ chức như vậy không tạo nên trí tuệ tập thể mà ngược lại, rất phân tán, GS Đinh Xuân Lâm nhận xét.
GS Lâm, một trong "tứ trụ" của ngành Sử, là người đã từng làm SGK từ những năm 1950. Ông cũng từng là giáo viên phổ thông trước khi đứng lớp ở giảng đường ĐH. Trong lần viết SGK này, ông chủ biên khá nhiều sách của cả 2 cấp THPT và THCS. GS Lâm cho rằng chương trình chưa ổn định là nguyên nhân khiến việc viết sách có nhiều bất cập. "Chương trình nặng về mặt chính trị nhiều. Trong cách cấu trúc từng bài, chúng ta nói về thắng lợi nhiều quá, mình hơi đơn giản vấn đề", ông nói.
Bên cạnh đó, có một thực tế, việc viết sách là "công việc tay trái" của các giảng viên ĐH, một số cán bộ làm công tác xuất bản. Theo GS Vũ Dương Ninh, các khâu viết, thẩm định sách... đều tiến hành vội vàng cho đúng kế hoạch đón đầu năm học, đúng kế hoạch của nhà xuất bản cũng là tác nhân khiến không phải bộ SGK nào ra đời... mà tác giả của nó cũng hài lòng.
Thay đổi nhận thức nào?
"Thay đổi tư duy", "thay đổi nhận thức" là những cụm từ thường xuất hiện đầu tiên trong các đề xuất về cải cách, chấn hưng giáo dục.
Nói đến "nhận thức" của môn học Lịch sử, nhiều người trong giới giáo dục cho rằng cần bắt đầu từ việc chấn chỉnh cách nhìn nhận về vị trí môn Lịch sử trong chức năng giáo dục con người.
Cụ thể, sự nhận thức lệch lạc "môn chính, môn phụ", cách đối xử là môn thi tốt nghiệp khi có, khi không, là môn thi thay thế cho môn Ngoại ngữ... đã khiến việc học lịch sử trở thành khiên cưỡng, không hiệu quả. Có ý kiến lại muốn tăng thời lượng môn học tương đương 4-6 tiết như môn Văn, Toán thay vì 1- 1.5 tiết mỗi tuần như hiện nay.
Tại hội thảo "Thực trạng dạy và học lịch sử trong trường phổ thông: nguyên nhân và giải pháp" diễn ra ngày 27/3, nhiều ý kiến đã đề xuất thay đổi về "nhận thức".
Ông Dương Trung Quốc, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay cho hay, dường như đang có quan niệm sai lệch học sử là ghi nhớ sự kiện. Trong khi đó, sự hấp dẫn của Lịch sử là những bài học ngụ ngôn.
"Thà ít mà tốt" là phương châm mà GS Vũ Dương Ninh đưa ra. Theo ông Ninh, viết mỗi cuốn sách, không phải huy động đội ngũ, thoạt nhìn về số lượng thì hùng hậu nhưng xét về chất lượng thì hình thức và phân tán. Tốt nhất, mỗi sách chỉ nên có 2 người viết.
Ông Trần Văn Hà, chuyên viên Sở GD-ĐT Hà Nội nhận thấy sách sử viết về thời kỳ lịch sử Việt Nam cận hiện đại thiếu toàn diện. Việc dạy và học giai đoạn này vẫn nặng về chính trị và quân sự. Việc dạy và học về kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ còn một chiều và đơn điệu.
Chương trình môn Lịch sử dành vị trí xứng đáng cho chiến tranh chống ngoại xâm và các cuộc khởi nghĩa dân tộc chống sự đô hộ của ngoại bang, khởi nghĩa nông dân chống phong kiến... Tuy nhiên, đây chưa phải là toàn bộ lịch sử giữ nước và mở mang, xây dựng đất nước. Tính chung lại, chắc rằng những năm tháng không có chiến tranh vẫn chiếm khoảng thời gian dài hơn. Chương trình mới tuy đã đưa những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa vào nhiều hơn trước, song nhìn chung, vẫn còn qúa ít. Đó là nhận xét của ông Phi.
Sự toàn diện của bộ mặt lịch sử không chỉ được tạo thành bởi những chiến công mà còn bằng cả những thất bại, sai lầm, không chỉ tồn tại qua tính liên tục, tình trạng ổn định mà qua cả các hiện tượng gián đoạn, khủng hoảng.
"Dường như đang có quan niệm sai lệch, học sử là ghi nhớ sự kiện. Trong khi đó, sự hấp dẫn của Lịch sử là những bài học ngụ ngôn." - ông Dương Trung Quốc, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay cho hay.
Tính chân thực và công bằng là 2 yếu tố hấp dẫn của Lịch sử. Nhưng để đảm bảo độ hấp dẫn đó, các nhà làm sử không thể tách rời không khí và môi trường chính trị. Ông Dương Trung Quốc nói và dẫn ra một ví dụ cách đây 3 năm. Khi đó, Hội Khoa học Lịch sử phối hợp với báo Tuổi Trẻ để "ôn lại sự kiện bài học Ất Dậu năm 1945". Công việc đang trôi chảy thì một lý do tế nhị "quan hệ ngoại giao" nên lại để giữa chừng.
Có nhiều nghiên cứu đã cho kết quả khác nhau nhưng việc công bố hay không phải lựa chọn thời điểm. Chính vì vậy, không phải SGK hay bài học trên giảng đường nào cũng cập nhật được các thông tin "tươi mới", dù gần đây, trong sách đã cải thiện dần 1 số sự kiện bị nhìn nhận phiến diện trước kia, GS Lâm cho hay.
-
Hạ Anh
**********************
Ho ten: nguyễn quốc khánh
Dia chi: 438,trần nguyên hãn,lê chân,hải phòng
Email: nqk27123456@yahoo.com
Tieu de: chính kiến của học sinh trong bài học
Noi dung: Là một học sinh, cháu thấy rằng trong môn lịch sử hiện nay của nước ta đang thiếu một phần rất quan trọng. Đó chính là chính kiến của học sinh. Sách giáo khoa hiện nay rất gò bó, thường là ép buộc học sinh phải học và nhớ những chi tiết "vô hồn". Học sinh đọc mà không có một khái niệm gì tới những gì mình đã đọc.Một số tuy có ý thức tìm hiểu bài, đưa ra được những ý kiến đáng bàn luận thì giáo viên bộ môn, phần vì phải dạy cho hết bài,phần thì vì tâm lý môn "phụ", không đi sâu vào phân tích được những chi tiết gây tranh cãi cho học sinh. Cũng có những giáo viên trả lời cặn kẽ những gì học sinh thắc mắc ,nhưng điều này sẽ dẫn đến việc "cháy giáo án",giáo viên và học sinh phải học đuổi chương trình. Quả thật, nếu chỉ có những sự cố gắng từ phía học sinh và giáo viên thì chưa thể đủ. Theo cháu, sách giáo khoa nên chủ yếu nêu ra những câu hỏi yêu cầu học sinh phải tự tìm hiểu p hân tích ở nhà rồi đến lớp phân tích và trao đổi ý kiến với giáo viên và bạn bè. Như vậy, học sinh có thể hiểu bài và nhớ bài rất nhanh. Trong thời buổi bùng nổ thông tin ngày nay, cháu tin học sinh hoàn toàn có thể làm việc, học tập - không chỉ môn lịch sử-theo cách đó.
Ho ten: My Huong
Dia chi: Tp. Ho Chi Minh
Email: Kukucamen@yahoo.com
Tieu de: Hoc sinh phai tu xem lai minh
Noi dung: Trong những năm gần đây, điểm số môn Lịch sử trong các kỳ thi cứ càng ngày càng kém đi. Người ta nêu lên hết lý do này đến lý do kia, nhưng cuối cùng lại đổ tại sách giáo khoa, rồi tại giáo viên... Thật ra, những điều đó đều không đúng. Điều phải bàn ở đây là về phía học sinh. Tôi thuộc thế hệ 8X, mới ra trường cách đây vài năm, nhưng cho đến bây giờ các sự kiện lịch sử học trong suốt những năm phổ thông tôi còn nhớ rất rõ mặc dù ngày đó tôi rất vất vả, ngoài giờ học phải đi làm thêm để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi các em. Có lẽ các em học sinh phải xem lại mình đi, cũng là chương trình lịch sử ấy, cũng bằng ấy sự kiện sao các em lại không nhớ được. Đừng đổ lỗi cho sách vở, thầy cô nữa.
Ho ten: Phan Đức Thoan
Dia chi: Vĩnh Bảo - Hải Phòng
Email: phanducthoan@gmail.com
Tieu de: Sách Giáo Khoa
Noi dung: Dạy học đôi khi cảm thấy như người viết sách muốn khoe tài về kiến thức của mình với học sinh. Những người viết sách đâu có dạy học mà họ biết tình hình học sinh hiện nay. Nhất là học sinh vùng sâu vùng xa. Chắc chả cứ môn Lịch Sử như vậy đâu. Môn Tiếng Anh của khối THCS cũng vậy. Chỉ được hai cuốn đầu là Anh 6 và Anh 7 còn chấp nhận được. Đang học tự nhiên lên lớp 8 thay đổi cái oạch - Việc học tập kiến thức quá nặng nề đối với các em.
Ho ten: Nguyễn Trí Nghị
Dia chi: PA10 KTX 32 LÊ HỒNG PHONG TP HUẾ
Email: thanhchuong1985@gmail.com
Tieu de: lịch sử không khó nhưng quá bất cập
Noi dung: Đọc những ý kiến tôi thấy đó đều rất xác đáng. Là một sinh viên sử, tôi thấy chương trình học các cấp về sử học hiện nay còn nặng quá nhiều về mặt ghi nhớ số liệu, nó không có nhiều sức hấp dẫn cũng bởi như vậy, học sinh đọc trước sẽ quên sau mà thôi. Tôi nghĩ việc học lịch sử hiện nay cần phải có những thay đổi tạo sức hấp dẫn hơn cho người học phải chuyển sang cách học mới hấp dẫn hơn. Chẳng hạn như khi học cần có các bộ phim tư liệu bổ trợ giúp lôi cuốn học sinh. Học con đường ra đi cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, mà ngay cả những tấm bản đồ phụ họa không có thì chúng ta biết được gì chắc cũng chỉ là “cười ngựa xem hoa” mà thôi. Ngoài ra trong các sách lịch sử hiện nay nó cũng có nhiều lồi không đáng có, trong các trận đánh thì chỉ có giặc chết mà ta thì lại không, các số liệu lịch sử đưa ra còn quá thiếu thực tế lịch sử, đó có lẽ là nên dành câu trả lời cho những nhà soạn sách lịch sử…?