- Em du học ở Mỹ được hai năm. Bạn bè em ở Việt Nam đều lo lắng vì năm nay thi tốt nghiệp có môn lịch sử. Từ trước đến giờ,môn học này luôn là nỗi ám ảnh của học sinh Việt Nam (kể cả em khi còn học trong nước). Nhưng khi qua đây học, em cảm thấy môn này không đáng sợ nếu mình biết cách học.
Có rất nhiều sự khác biệt giữa hai nền giáo dục mà em đã nhận ra khi học bên đây.
3 sự khác biệt
Thứ nhất, các nhà lịch sử Mỹ luôn đặt sự chính xác của các sự kiện lên hàng đầu. Họ chú trọng vào việc kể lại sự thật hơn là dùng lịch sử để đánh bóng đất nước. Họ không ngại phê bình những vị tổng thống hay những sự kiện mà nước Mỹ (hay những nước khác) đã làm sai. Học lịch sử là để biết đúc kết kinh nghiệm từ những người đi trước và tránh đi theo vết xe đổ của cha ông ta. Nhưng nếu HS không được biết về những sai lầm đó thì đúng lịch sử chỉ là một môn phụ, biết thì tốt, không biết cũng chẳng chết ai.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2006 - 2007. Ảnh: Phạm Hải
Thứ hai, khi dạy lịch sử, giáo viên rất chú trọng phân tích cái yếu tố khác trong lịch sử; ví dụ như kinh tế, văn hóa, chính trị v..v. Nhờ đó, HS nhận ra được các mối quan hệ chặt chẽ giữa các giai đoạn cũng như giải thích những nguyên nhân dẫn đến những hành động, quyết định trong lịch sử. Thông qua đó, HS có được một cái nhìn toàn diện và bao quát hơn về những gì đã xảy ra. Đồng thời, nâng cao kỹ năng phân tích (vốn rất cần thiết trong đời sống) cho HS.
Điều tiếp theo là nội dung các SGK lịch sử của Việt Nam lặp lại quá nhiều lần và hỗn tạp. Mỹ và những nước bên châu Âu phân loại lịch sử theo thời kỳ và địa lý (Ví dụ: lịch sử châu Âu, lịch sử Mỹ hay lịch sử châu Á). Em vẫn còn nhớ đến giờ, cái duy nhất em biết về châu Âu là 2 lần chiến tranh thế giới và Cách mạng Pháp mặc dù tựa đề “Lịch sử châu Âu” được lặp lại hầu như mỗi năm). Việc châu Âu hình thành như thế nào cũng như tại sao nó mất những thuộc địa thì em hoàn toàn mù tịt (lý do duy nhất cho sự sụp đổ của Anh và Pháp mà em được học ở VN là vì những thuộc địa nổi dậy và giành lại chính quyền nhưng bằng cách nào thì em không biết).
11 môn: Không đủ thời gian học!
Tuy nhiên, lỗi không phải thuộc về hết giáo viên dạy lịch sử hay những người biên soạn sách giáo khoa mà là hệ thống giáo dục ở Việt Nam. Mỗi năm, một HS phải học ít nhất 11 môn học khác nhau với lượng kiến thức khổng lồ (và thường là không được chọn lọc).
Khi làm quá nhiều chuyện một lúc sẽ không hiệu quả cũng như rất dễ mắc sai lầm vì đầu óc không có được sự tập trung cần thiết. Tương tự như khi học, nếu học quá nhiều thì khả năng tiếp nhân thông tin cũng như áp dụng kiến thức vào thực tế cũng thấp đi. Thời gian hạn hẹp cũng là một yếu tố quan trọng. Ngoại trừ những môn chính như Văn, Toán và Ngoại ngữ ra, những môn còn lại đều chỉ có được từ 1-2 tiết một tuần (45 phút/tiết chưa kể đến thời gian để trả bài, chuyển lớp v…v). Khoảng thời gian đó cơ bản là không đủ để chuyển tải hết những điều cần thiết cũng như thực hành hay nâng cao những kỹ năng cần thiết khác.
Ở bên Mỹ, một HS chỉ có 7 - 8 môn học một năm (hay một học kỳ). Họ có đủ và thậm chí dư thời gian để làm học lý thuyết, thực hành và nghiên cứu chuyện sâu.
Ai cũng hiểu là một đất nước có thành công hay không là dựa vào hệ thống giáo dục.Em bỏ thời gian ra viết bài này không phải để khoe khoang là được học ở bên Mỹ mà muốn nêu ý kiến của mình với hy vọng, các bạn ở quê nhà cũng sẽ không còn nỗi lo lắng khi học môn lịch sử nữa.
Em may mắn là được có cơ hội tiếp xúc với một nước có nền giáo dục thuộc loại bậc nhất thế giới và thiết nghĩ nếu VN có thể học hỏi cũng như cải tiến nến giáo dục thì VN sẽ có cơ hội (một lần nữa) trở thành con rồng của Châu Á. Hơn ai hết, em và những người cùng thế hệ của em mong muốn điều đó xảy ra để em có thể tự hào 100% vì mình là người Việt Nam (bây giờ mới chỉ có 75% thôi).
-
Đào Nguyễn Tú Vân (Virginia, US, van252003@yahoo.com)