- “Với bạn gái hiện nay, chúng tôi rất hạnh phúc bên nhau, thậm chí hạnh phúc hơn cả các đôi tình nhân nam nữ khác bởi chúng tôi có sự thăng hoa về cảm xúc. Tình yêu giữa hai cô gái bao giờ cũng rất dịu dàng nhưng không phải kiểu lãng mạn với gió với mây.” – Hà Dung chia sẻ. Mỗi khi nói về tình yêu của mình, Dung lại cầm nhẹ lấy tay bạn gái, mắt ánh lên niềm hạnh phúc long lanh.
Nhưng trong thế giới lesbian, từ hành trình đi tìm giới tính đến đi tìm hạnh phúc đích thực, không nhiều người được hạnh phúc như Hà Dung.
Hành trình đi tìm giới tính
“Từ bé tôi đã luôn coi mình là 1 cậu bé chứ không phải 1 cô bé…”. Khánh (24 tuổi, Hà Nội) mở đầu câu chuyện.
Bìa 1 cuốn sách về giới đồng tính nữ.
Cũng như Khánh, nhiều sub-bi và bi khác – những cô gái đóng vai trò “bạn trai” trong các mối tình les, từ bé đã hứng thú với những trò nghịch ngợm của con trai trong khi “bọn con gái” chỉ thích chơi búp bê, nhảy dây, trang điểm cô dâu.
Hoa (Hải Phòng) chia sẻ: “Gia đình tôi bố mẹ hiếm muộn mãi mới có con, nên tôi được chăm sóc rất chu đáo. Chẳng hiểu sao bố toàn mua đồ của con trai cho tôi mặc. Đến khi lớn lên, mỗi lần tôi mặc quần áo nữ tính quá, y như rằng cả bố và mẹ đều kêu trông chẳng ra làm sao cả. Những việc dọn dẹp nhà cửa thì tôi chẳng bao giờ phải đụng vào, trong khi mỗi khi bố tôi tháo chiếc xe đạp ra bảo dưỡng lại kêu tôi ra phụ giúp lau dầu, xiết ốc, dạy lái xe, dạy sửa chữa đồ điện…”
Còn Lan (22 tuổi, Hà Nội) thì thấy mình “khác thường” ngay từ bé nhưng đến năm 16 tuổi, nhờ lên mạng chat với những bạn đồng giới khác mà Lan mới biết, những người như mình được gọi là lesbian. Và cũng chính từ thế giới ảo, Lan cũng như nhiều les khác đã tìm cho mình những tình bạn, tình yêu thực sự.
Bà Liên Phương, chuyên gia tư vấn tâm sinh lý của Trung tâm Linh Tâm cho biết hiện nay 1 số bạn trẻ có hiện tượng lo lắng, rối nhiễu về tâm lý, sợ hãi khi có những dị biệt với mọi người, nhất là khi đọc trên sách báo nói về đồng tính nên hoảng hốt khi thấy có biểu hiện muốn gần gũi với bạn cùng giới.
Trên diễn đàn www.bangai… dành cho giới đồng tình nữ ở VN, có một số thành viên trẻ, chỉ mới 16, 17 tuổi đã bày tỏ sự hoang mang về giới tính của mình.
Trong thế giới les vẫn còn tranh luận nhiều chiều về thuật ngữ “bẻ straight”, tức là dùng tình yêu để “cảm hóa” những người “bình thường” (normal) thành lesbian.
Có những người tin rằng 1 cô gái bình thường hoàn toàn có thể “chuyển đổi giới tính” thành les nếu gặp được đúng tình yêu của họ. Nhưng nhiều ý kiến lại phản bác rằng, những cô gái như vậy, ẩn sâu trong tâm hồn của họ đã là les, nhưng họ chưa nhận ra cho tới khi người yêu thực sự xuất hiện và đánh thức phần “les” tiềm ẩn.
Vì thế, Hà Dung (30 tuổi) cho rằng 25-30 là độ tuổi phù hợp để nhận thức rõ giới tính của mình.
“Có những bạn còn quá trẻ, chưa từng thử yêu đàn ông nhưng đã ngộ nhận mình là les. Đến khi phát hiện ra giới tính thực sự của mình thì đã quá muộn. Bản thân tôi đã từng có nhiều bạn trai, cũng đã từng thử quan hệ tình dục với họ nhưng không thể tìm được sự thăng hoa trong tình yêu cho tới khi tôi gặp “mối tình đầu”. Khi yêu cô ấy, tôi thấy rất hạnh phúc.” – Dung thẳng thắn chia sẻ.
Vì thế mà trên diễn đàn bangai, các thành viên còn lưỡng lự về giới tính của mình thường nhận được lời động viên “bước ra khỏi thế giới thứ 3 trước khi quá muộn” vì “hạnh phúc thì ít mà đau khổ quá nhiều”.
Tình yêu không phân biệt giới tính!
Đó có thể coi là “tuyên ngôn” trong giới đồng tính nữ bởi với họ, tình yêu đơn thuần là sự hòa hợp giữa 2 tâm hồn.
Hôn nhân đồng tính đã được thừa nhận ở một số nước nhưng với xã hội VN, tình yêu đồng tính vẫn chưa nhận được nhiều sự cảm thông. Ảnh: BBC
Lan bày tỏ: “Trong thế giới les, tình dục không quan trọng. Họ không tìm đến nhau để thỏa mãn nhu cầu tình dục nên có thể nói les rất dễ yêu nhưng cũng rất khó yêu.”
Hà Dung tự tin rằng, “Với bạn gái hiện nay, chúng tôi rất hạnh phúc bên nhau, thậm chí hạnh phúc hơn cả các đôi tình nhân nam nữ khác bởi chúng tôi có sự thăng hoa về cảm xúc. Tình yêu giữa hai cô gái bao giờ cũng rất dịu dàng nhưng không phải kiểu lãng mạn với gió với mây.”
Những lúc rảnh rỗi, Dung và người yêu vẫn cùng nhau chia sẻ những giây phút ngọt ngào, lãng mạn khi đi dạo, đi dã ngoại hoặc vẽ tranh. Vì cùng là phái nữ nên có thể cùng đi mua sắm, làm đẹp cho nhau, góp ý với nhau về trang phục, trang điểm.
Nhưng không phải đôi tình nhân les nào cũng được hạnh phúc ngọt ngào như thế.
“Khi les thực sự yêu 1 người thì có thể hy sinh cả bản thân cho người đó nhưng trong đầu luôn có 1 suy nghĩ là vì gia đình, sẽ có 1 ngày, người đó cũng phải đi lấy chồng. Bản thân tôi và honey (từ ngữ âu yếm mà giới les thường dùng để gọi người yêu mình) đã chung sống cùng nhau 2 tháng rất hạnh phúc nhưng cũng đã xác định từ đầu là rất khó duy trì, rồi cũng sẽ phải chia tay để giải phóng cho nhau. Có lẽ trong thế giới les, 10 đôi thì có lẽ chưa có tới 1 đôi có thể sống với nhau suốt đời.” – giọng B. nghẹn ngào.
Việc “come out” (bộc lộ với gia đình và xã hội về giới tính của mình) đối với mỗi les đã là cả 1 thử thách khi định kiến xã hội còn quá nặng nề và thông tin gây "sốc" đó có thể bóp nghẹt trái tim của những người thân trong gia đình.
Câu chuyện về những người mẹ khóc ngất khi biết con gái mình là les, những ông bố nổi điên đuổi con ra khỏi nhà vẫn ám ảnh nhiều bạn trẻ thuộc thế giới thứ 3.
Hoa (Hải Phòng) bày tỏ: “Tôi rất thông cảm với xã hội, cho rằng người ta nhìn mình với con mắt lạ lẫm xen lẫn tò mò soi mói. Cũng chỉ vì người ta không hiểu tại sao lại như vậy.
Ngay chính bản thân tôi đã nhiều lần tự hỏi tại sao mình lại như vậy mà cũng có tìm được câu trả lời đâu. Tôi thấy tôi thế nào thì cứ như thế, có muốn cũng chẳng thay đổi được. Cứ sống là người ngoan ngoãn tử tế là được. Tôi tin rằng xã hội VN đang trên đà phát triển và nhất định sau này sẽ có cái nhìn thoáng hơn về thế giới thứ 3.”
Những năm qua, đã có 1 phong trào đấu tranh đòi hạnh phúc và bình đẳng cho giới les ở cả 3 miền nhưng vì nhiều lý do mà thời gian gần đây, phong trào có phần trầm lắng.
Mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ…
Kể cả khi đủ can đảm “come out” và vượt qua định kiến xã hội để sống cùng nhau thì niềm mơ ước về những đứa trẻ mang dòng máu của cả 2 luôn là nỗi khát khao, trăn trở.
Hoa (Hải Phòng) ngậm ngùi: “Tôi thích trẻ con, thật lòng là tôi rất thích 1 đứa con của chính mình. Nhưng nghĩ đến đứa trẻ được sinh ra trong 1 gia đình les, nó chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tôi sợ những lời xì xào bàn tán của hàng xóm, của bạn bè sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của nó. Như vậy thì chỉ tội nghiệp nó ra. Nhưng nghĩ đến cảnh mai kia mình về già, lúc ấy có lẽ sẽ cô đơn lắm…”
Đặc biệt với người phụ nữ, được làm mẹ luôn là niềm hạnh phúc lớn lao. Nhưng, những phương án đề ra để có 1 gia đình trọn vẹn dường như đều có khiếm khuyết.
Muốn nhận con nuôi thì sợ sau này lớn lên nó sẽ tìm lại bố mẹ ruột. Muốn tự sinh con thì không biết nên lấy tinh trùng ở đâu để đảm bảo đứa trẻ mang cả 2 dòng máu. Kể cả khi có người nhà (anh trai hoặc em trai) đồng ý hiến tặng, lại sợ đứa trẻ lớn lên trong sự dị nghị, đàm tiếu của mọi người bởi “không có cha mà lại có 2 người mẹ”.
Cũng vì thế mà không ít những cặp đôi les đã lặng lẽ chia tay để đi lấy chồng mà trong lòng vẫn khắc khoải mối tình dang dở dành cho người yêu đồng giới.
Nhưng Hà Dung lại cho rằng nhiều les xác định tương lai sẽ phải xa cách người mình yêu là vì họ không đủ tự tin và điều kiện kinh tế.
Hà Dung chia sẻ: “Tôi và bạn gái hiện đang cùng làm việc, cùng gây dựng sự nghiệp, cùng mua nhà, cùng tin tưởng tương lai. Rồi chúng tôi cũng sẽ có con, có thể là tôi hoặc cũng có thể là cô ấy, có thể là cả hai cùng mang thai. Tôi không lo vấn đề con có 2 người mẹ vì quan trọng là mình dạy dỗ chúng thế nào.”
Trong tương lai gần, Dung sẽ mở 1 câu lạc bộ dành cho các bạn les để là nơi gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với nhau và giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ họ thoát ra khỏi khủng hoảng.
Để theo đuổi hạnh phúc trong tương lai, Dung nhắn gửi tới những người bạn trong cộng đồng les: “Mỗi người chỉ có 1 cuộc đời, hãy sống vì chính mình, sống thật với bản thân mình để được hạnh phúc.”
- Lan Hương (Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi)