- "Đề thi có khoảng 60% số điểm tương ứng với nội dung ra theo chuẩn, 40% số điểm còn lại để xét tuyển ĐH, CĐ. Kết quả điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh đã được cấp bằng tốt nghiệp THPT được bảo lưu để đăng ký xét tuyển sinh trong vòng 3 năm đối với ĐH, CĐ và TCCN là 5 năm..."
Đó là những điểm mới trong đề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ và trung cấp được Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Nguyễn An Ninh cho biết khi trao đổi với VietNamNet.
Ông Nguyễn An Ninh
- Số đông đại biểu góp ý cho dự thảo đề án lần thứ 17 đã cơ bản đồng thuận với những nội dung đưa ra. Vậy, khi nào thì Bộ GD-ĐT công bố kế hoạch triển khai để không quá cập rập về thời gian?
- Nếu được Chính phủ thông qua, khoảng tháng 9/2008 tới, Bộ GD-ĐT sẽ công bố kế hoạch chi tiết để triển khai việc tổ chức một kỳ thi quốc gia THPT vào năm 2009.
Trước mắt, trong một vài năm đầu, tổ chức thi 8 môn gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Số môn thí sinh phải thi để được công nhận tốt nghiệp THPT: 6 môn, gồm 3 môn công cụ chung bắt buộc đối với tất cả các thí sinh (ngữ văn, toán và ngoại ngữ), 3 môn do mỗi thí sinh tự quyết định trong số các môn còn lại của kỳ thi. Để xét tuyển vào ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), Bộ GD-ĐT quy định khung tiêu chí tuyển sinh gồm: số môn thi văn hoá, môn thi năng khiếu, các tiêu chí khác về kết quả học tập ở cấp THPT…
- Nhiều ý kiến cũng băn khoăn về chất lượng đề thi, liệu có đảm bảo được độ tương đương về đề thi giữa các năm để tạo ra sự công bằng khi xét tuyển vào ĐH, CĐ cho các thí sinh?
-
Đề thi THPT quốc gia có khoảng 60% số điểm tương ứng với nội dung ra theo chuẩn kiến thức, kỹ năng THPT để công nhận tốt nghiệp và khoảng 40% số điểm tương ứng với nội dung trong chương trình THPT nhưng khó hơn, để phân loại trình độ, xét tuyển ĐH, CĐ vào năm 2009.
Ông Nguyễn Tất Thắng GĐ Sở GD-ĐT Nam Định băn khoăn, hiện vẫn chưa có biện pháp để xác định mức độ công bằng, chính xác của đề thi tốt nghiệp. Vì vậy, ngay sau kỳ thi tốt nghiệp 2008, đề nghị Bộ GD-ĐT cần có đánh giá, khảo sát độ tin cậy của kỳ thi, tạo niềm tin cho chính những người trong ngành giáo dục.
Do vậy, đề thi phải đảm bảo vừa đánh giá được trình độ tốt nghiệp THPT, vừa đánh giá được khả năng vào học trường ĐH, CĐ và TCCN.
- Kết quả của kỳ thi sẽ được xét tuyển vào ĐH, CĐ và TCCN như thế nào?
- Kết quả điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh đã được cấp bằng tốt nghiệp THPT được bảo lưu để đăng ký xét tuyển sinh trong vòng 3 năm đối với ĐH, CĐ và 5 năm đối với TCCN. Có nghĩa, đối với thí sinh tốt nghiệp trong kỳ thi quốc gia nếu không trúng tuyển ĐH, CĐ năm tốt nghiệp thì có thể dùng kết quả thi đó để tham gia xét tuyển vào ĐH, CĐ trong 2 năm tiếp theo. Với hệ TC là 5 năm....
- Còn phương án cho những thí sinh trượt kỳ thi quốc gia là gì?
- Trong đề án nêu rất rõ, những học sinh dự kỳ thi THPT quốc gia nếu không đậu tốt nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ công nhận đã hoàn thành 12 năm học phổ thông. Chứng chỉ đó có thể dùng tham gia xét tuyển các khóa đào tạo nghề hoặc năm sau đăng ký thi lại để lấy bằng.
- Cảm ơn ông!
-
Kiều Oanh (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN