221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1049939
Cần chấm dứt làm sách giáo khoa kiểu "mặt trận"!
1
Article
null
Cần chấm dứt làm sách giáo khoa kiểu 'mặt trận'!
,
 - Trực tiếp là chủ biên sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 nhưng GS Vũ Dương Ninh cũng chưa  thực sự hài lòng với sản phẩm này. Nhiều việc thường hấp tấp, mang tính "mặt trận". Cần thay đổi việc tổ chức xây dựng chương trình và viết sách. GS Vũ Dương Ninh (ĐHQG Hà Nội) cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với VietNamNet.
 
Chúng tôi cũng lúng túng!
 
Thưa GS, ông nhìn nhận thế nào về quan niệm cho rằng môn Lịch sử chỉ là "môn phụ" trong nhà trường và đang bị đối xử chưa bình đẳng so với vị trí cần thiết của nó?
 
GS Vũ Dương Ninh
GS Vũ Dương Ninh
- Một số ý kiến cho rằng, để không còn là "môn phụ", cần tăng số giờ giảng môn Lịch sử từ 1,5 tiết mỗi tuần lên 2 tiết hoặc hơn nữa thì mới đủ thời gian chuyển tải đến học sinh nội dung chương trình (CT) và SGK đã quy định. Đây là một nhu cầu thực tế vì có nhiều chương, nhiều bài giáo viên không thể giải quyết được trong khoảng thời lượng rất hạn hẹp.
 
Tuy nhiên nên đặt vấn đề ngược lại. Cứ cho rằng đã có được một quan niệm đúng về tầm quan trọng của môn Lịch sử thì sự ưu tiên về thời lượng dành cho môn này cũng không thể vượt qua nhiều môn khác. Vả lại cũng không nên làm tăng thêm gánh nặng lên vai HS nữa.
 
Cho nên vấn đề đặt ra nên là với thời lượng hiện tại thì cần thiết và có thể đưa những nội dung kiến thức gì vào CT và SGK là phù hợp, vừa đạt được yêu cầu giáo dục, vừa thích hợp với điều kiện thời gian. Bài toán đặt ra không phải là tăng giờ mà là tinh giản nội dung và thay đổi cách thức dạy - học. Đó là giải pháp hợp lý và có hiệu quả hơn là tăng thêm giờ giảng và giờ học trên lớp.
 
Không chỉ người dạy, người học phàn nàn rằng SGK giữa các bậc học hay trùng lặp mà ngay các tác giả viết sách cũng thấy lúng túng để phân định cho rõ nội dung bài học của từng bậc học. Thưa ông, người viết sách đi chê sách, nghe nghịch lý quá!?
 
- Trước hết SGK phải phụ thuộc vào CT. CT của hiện tại không chỉ nặng nề mà cấu tạo còn chưa hợp lý. SGK chỉ có thể thể hiện được với chất lượng cao nhất những chỉ đạo trong CT.
 
Có ý kiến dẫn chứng sự khác nhau giữa cấp 2 và cấp 3 là không rõ ràng nên có những bài hầu như lặp lại. Nhưng không phải vì thế mà khắc phục bằng "cấu trúc đường thẳng". Vì không thể không quan tâm đến độ tuổi, khả năng nhận thức của HS ở mỗi bậc học.
 
Lấy một ví dụ, đi sâu vào Lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay thì ở cả 2 cấp, hầu như không bỏ qua một giai đoạn nhỏ nào. Có thể chủ quan người soạn thảo CT coi đó là một sự hoàn chỉnh khiến cho HS có thể nắm bắt lịch sử một cách liên tục và toàn diện.
 
Nhưng bi kịch ở chỗ, trên thực tế qua cả 2 bậc học, không ít HS chẳng biết được rõ ràng giai đoạn nào vào giai đoạn nào. Và sau này, khi học thêm môn Lịch sử Đảng trong chương trình ĐH thì kiến thức của sinh viên về lịch sử hiện đại vẫn lơ mơ như vậy.
 
Cần tính toán lại, ở CT lớp 9 HS chỉ cần nắm chắc mấy mốc chính về lịch sử hiện đại như Thành lập Đảng, Cách mạng tháng Tám, Điện Biên Phủ, Tổng tiến công mùa Xuân 1975…CT và SGK cần nhấn vào các mốc đó, làm nổi bật vị trí và ý nghĩa của nó. Cần có sự dẫn giải cho HS hiểu được tính liên tục của các sự kiện nhưng không vì thế mà lại đi sâu vào tất cả các giai đoạn, các chiến dịch, các trận đánh… Đến CT lớp 12 thì nâng lên một cách hệ thống hơn, sâu hơn nhưng cũng không quá chi tiết như nội dung SGK 12 hiện nay.
Nếu đi sâu vào các thời kỳ cổ trung đại, cận đại hoặc lịch sử thế giới thì kết quả cũng tương tự. Rất cần nhìn thẳng vào sự thực này để tìm giải pháp khắc phục, qua đó môn Lịch sử mới có thể làm đúng chức năng của nó.
 
Thưa ông, trong quá trình đổi mới CT và SGK từ năm 2000 đến giờ, việc chỉnh sửa và bổ sung sách năm nào cũng thực hiện đấy chứ!
 
-  Ngày 5/5/2006, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục các môn học phổ thông, trong đó có môn Lịch sử. Đã có những sửa đổi nhất định song không tránh khỏi những điều cần được bàn luận thêm. Đúng là Bộ cũng có lần chủ trương "giảm tải" 30% nội dung và CT nhưng làm thế nào để đo được "30%" để giảm tải? Trước đây, thời cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu có chủ trương, nhưng là "tinh giản".
 
Cần có "chuyên gia viết sách giáo khoa"
 
Theo quy trình thì việc tổ chức viết sách cũng khá chặt chẽ: Viết, lấy ý kiến, thử nghiệm, họp bàn chuyên gia, đưa ra hội đồng phản biện...
 
- Tổ chức viết SGK như hiện nay, một cuốn khoảng 300 trang mà có tới 10 tác giả thì quả là cồng kềnh.
 
Mặc dầu có sự cố gắng với thái độ cẩn trọng qua những lần thẩm định nhưng dẫu sao kết quả còn hạn chế vì các tác giả chưa thực sự thông suốt về cấu trúc của CT, nhiều người viết nên không tránh khỏi sự thiếu nhất quán.
 
Sự thiếu vắng các nhà giáo phổ thông cũng làm cho SGK có phần xa cách đối với trình độ và tâm lý HS.
 
Có một thực tế, viết SGK là công việc tay trái, các tác giả vừa phải đảm nhiệm công việc chính ở trường mình, vừa phải tranh thủ thời gian làm nhiệm vụ viết SGK. Sự hạn chế về thời gian, thiếu tập trung công sức cho một việc cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sản phẩm. Đó là chưa kể các khâu viết sách, thẩm định sách đều tiến hành vội vàng cho đúng kế hoạch đón đầu năm học, đúng kế hoạch của nhà xuất bản.
 
Thưa ông, "đổ lỗi" cho CT có thoả đáng không bởi để ra được 1 CT thì cũng phải nghiên cứu lên nghiên cứu xuống, chẳng nhẽ lại không lấy ý kiến của những người trong giới sử như ông và nhà sử học uy tín khác?
 
 
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007. Ảnh: Lê Anh Dũng
- Đúng là quá trình xây dựng CT, chúng tôi cũng được tham gia góp ý kiến. Nhưng đến khi hoàn thiện, lại không thấy những đóng góp đó thể hiện ở chỗ nào.
 
Thưa ông, bộ SGK Lịch sử lớp 12 mà ông chủ biên đến năm học tới mới triển khai đại trà. Cùng với đó, đến năm học 2008-2009 mới kết thúc 1 chu kỳ "đổi mới chương trình và sách giáo khoa". Liệu đặt vấn đề làm lại CT hay viết lại sách vào lúc này có khả thi hay không?
 
- Có một thực tế, nhiều việc làm của ta thường hấp tấp, mang tính "mặt trận".
 
 Tôi thấy rằng trong việc tổ chức xây dựng CT và viết sách cần có thay đổi. Nên chăng khôi phục hình thức tổ chức Ban Tu thư thuộc Bộ GD-ĐT như trước đây, tập hợp lâu dài hoặc có thời hạn vài ba năm để tập trung thời gian và công sức cho việc viết sách.
 
Sau đó, chính các tác giả sẽ đi đến các trường để kiểm nghiệm kết quả, tiếp xúc thầy cô giáo và HS qua những bài giảng trong sách của mình, tiếp thu có chọn lọc ký kiến trong và ngoài ngành. Những chuyên gia viết SGK như vậy tuy số lượng không đông nhưng sẽ có đóng góp hiệu quả và lâu dài cho công tác giáo dục.
 
Theo tôi, đội ngũ chuyên gia này phải làm tập trung trong 3 năm, trong thời gian đó không làm cái gì khác cả.
 
Giả sử được mời là một chuyên gia chỉ tập trung viết sách trong 3 năm mà không làm việc gì khác, thì ông bố trí được thời gian hay không?
 
- (Cười) Cái này chắc là khó. Mỗi cuốn SGK Lịch sử chỉ nên có 2 tác giả là người trực tiếp viết và chịu trách nhiệm về những trang viết của mình. Nhưng rất cần một đội ngũ phản biện, góp ý kiến có trình độ khoa học, có kinh nghiệm sư phạm và có nhiệt tâm với tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh các nhà sử đầu ngành rất cần có sự tham gia của giáo viên phổ thông.
 
Nhiều bộ sách: Tính sau!

- Thưa ông, sự độc quyền của một nhóm tác giả, một nhà xuất bản chưa hẳn đã mang lại kết quả tốt nhất cho việc làm SGK. Nhiều năm nay, vấn đề tổ chức nhiều tập thể viết những bộ SGK khác nhau, các trường được quyền chọn lựa để tìm ra cuốn sách thích hợp với trường mình đã được đặt ra?

- Đây là đề xuất về cách làm mới nên được nghiên cứu và có chủ trương thống nhất, hạn chế sự hoang mang lúng túng trước nhiều bộ sách, giúp cho các trường và phụ huynh chọn được bộ sách tốt nhất phục vụ việc giảng dạy và học tập.

Việc phân ban ở Trung học phổ thông đã từng là đề tài được thảo luận nhiều, ý kiến rất trái ngược nhau. Tuy vậy, Bộ vẫn chủ trương biên soạn 2 hệ thống SGK dành cho Ban Khoa học tự nhiên và Ban Khoa học xã hội. Khi đi vào thực tiễn, HS không chọn phân ban theo mong muốn của Bộ nên nảy sinh ra cái gọi là "Ban cơ bản" và chuyển hóa thành 2 loại SGK, được gọi là Sách chuẩn và Sách nâng cao.

Thực ra, sự phân hóa trong chương trình giữa 2 ban không rõ ràng, sự khác biệt giữa Sách chuẩn và Sách nâng cao chẳng đáng bao nhiêu. Việc chia tách chỉ gây thêm sự lúng túng cho học sinh và lãng phí thời gian, tiền bạc cho việc biên soạn 2 bộ SGK.

Trong điều kiện hiện nay, chỉ nên tập trung xây dựng bộ SGK dùng chung cho học sinh, thể hiện những kiến thức cơ bản nhất, cốt lõi nhất. Còn giảng dạy cho lớp phân ban, nâng cao đến chừng nào thì nên thể hiện trong sách dành cho giáo viên, giúp người thày bổ sung kiến thức cho đối tượng học sinh có năng lực và yêu cầu cao hơn.

Nên cố gắng đơn giản hóa các công việc phức tạp hơn là phức tạp hóa các công việc đáng ra là đơn giản, nhất là trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo như hôm nay. 

Xin cảm ơn ông!
 
  • Hạ Anh (thực hiện)

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>